Khởi đầu hỗ trợ hải quan chính thức giữa Việt Nam-Hoa Kỳ
Lễ ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan đã được tổ chức cuối chiều 6/12, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đại diện một số bộ, ngành.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký kết Hiệp định – Ảnh: VGP/Thành Chung
Tại buổi lễ, theo ủy quyền của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Đại biện Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Caryn McClelland đã ký Hiệp định.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, năm 2020 là năm hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một hành trình trong hợp tác song phương mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch song phương từ con số rất khiêm tốn đã đạt trên 60 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Theo số liệu thương mại của Việt Nam, tốc độ tăng xuất, nhập khẩu của hai nước bình quân trong giai đoạn 2010-2019 đạt trên 16% năm. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
“Việt Nam luôn hết sức coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, thể hiện qua những nỗ lực đã và đang triển khai của Chính phủ Việt Nam thời gian qua trong việc tháo gỡ những vướng mắc cho quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ, tạo thuận lợi hơn nữa trong tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Nằm trong những nỗ lực chung của hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại hợp tác và lành mạnh giữa hai nước, thời gian qua, Bộ Tài chính Việt Nam thông qua Tổng cục Hải quan và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã nỗ lực hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. Nỗ lực của hai bên đã đạt được những kết quả xứng đáng. Hiệp định này là cơ sở pháp lý cho mối quan hệ chính thức và cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật trao đổi thông tin giữa hai cơ quan hải quan nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan. Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng tăng như hiện nay, các hoạt động hỗ trợ hợp tác trên cơ sở Hiệp định sẽ đem lại đóng góp thực chất để tạo thuận lợi thương mại và góp phần vào công tác đấu tranh chống các hoạt động gian lận, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua lãnh thổ của mỗi bên nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc ký Hiệp định này cũng là dấu mốc quan trọng hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 2020, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện. Thứ trưởng tin tưởng Hiệp định sẽ được triển khai hiệu quả, thực chất, đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ và hợp tác cho cả đôi bên.
Theo bà Caryn McClelland, Đại biện Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, 25 năm trước Hoa Kỳ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và ngày nay, đã trở thành những đối tác giống như tình bạn gắn bó, dựa trên niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam đánh giá cao tương lai của Việt Nam và đều tuyên bố “thành công của các bạn là thành công của chúng tôi”. Mối quan hệ thương mại ngày càng phát triển giữa hai nước cũng được phản ánh qua mối quan hệ trong lĩnh vực hải quan ngày càng sâu sắc. Hải quan Việt Nam đã triển khai một công việc rất quan trọng để giải quyết những thách thức hiện tại như buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ An ninh nội địa của Hoa Kỳ để thực hiện công việc này.
Bà Caryn McClelland cho biết, Hiệp định về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan là hiệp định quan trọng trong giao thương hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ; Hoa Kỳ mong nuốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan đã trải qua một tiến trình đàm phán kéo dài từ những năm 2000. Có những thời điểm, việc đàm phán Hiệp định bị gián đoạn do sự khác biệt về thẩm quyền cũng như cách tiếp cận, nhưng với quyết tâm của cả hai phía, đến nay việc đàm phán đã hoàn tất.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, Hiệp định sẽ tạo nền tảng pháp lý cho quan hệ chính thức triển khai hỗ trợ lẫn nhau giữa hải quan hai nước, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây cũng là minh chứng hiện thực hóa chủ trương, đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong việc tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và là một trong là một trong các biện pháp hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về tạo thuận lợi thương mại trong các khuôn khổ hợp tác song phương, góp phần hiện thực hóa chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ được ban hành hằng năm từ 2014 đến nay.
Về nội dung, Hiệp định này được xây dựng dựa trên cơ sở mẫu Hiệp định tương trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan do Tổ chức Hải quan thế giới khuyến nghị các cơ quan hải quan thành viên, trong đó đưa ra các phạm vi hỗ trợ và cách thức thực hiện các yêu cầu hỗ trợ giữa cơ quan hải quan hai nước dưới dạng trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra và đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan hải quan.
Về mặt kinh tế-xã hội, việc ký và thực hiện Hiệp định với các hoạt động hợp tác thực chất sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp hai nước và tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập giữa hai nước. Mặt khác, cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên và kịp thời được thiết lập khi Hiệp định có hiệu lực sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm hải quan, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, góp phần thu đúng thu đủ các khoản thu cho ngân sách, qua đó tạo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho hoạt động thương mại đầu tư kinh doanh giữa hai nước, đóng góp vào việc phát triển kinh tế-xã hội tại mỗi nước.
Ngay sau khi Hiệp định được ký, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thực hiện các thủ tục nội bộ để Hiệp định có hiệu lực. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ trao đổi, làm việc cụ thể với Hải quan Hoa Kỳ để thống nhất kế hoạch, lộ trình cũng như cách thức để triển khai các nội dung đã cam kết tại Hiệp định, bảo đảm việc triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đóng góp thiết thực cho việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan hải quan của mỗi nước và thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước ngày càng mở rộng, bền vững.
Thành Chung
Theo Chinhphu
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vụ lắp camera nhà lãnh đạo Sóc Trăng là bài học phải rút kinh nghiệm
Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, dùng ngân sách Nhà nước để lắp đặt camera cho các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng là không đúng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trả lời câu hỏi của báo chí việc đề xuất lắp camera tại nhà riêng của các lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, tất cả các khoản chi tiêu, chế độ chi tiêu phải tuân thủ Luật Ngân sách, tuân thủ định mức và cơ chế chi tiêu. Trong Quyết định 09 ngày 22/9/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng, về một số chi tiêu của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thì việc chi lắp đặt camera không thuộc nội dung chi trong theo Quy định.
Vì thế ngày 30/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tiếp thu thông tin từ báo chí, thống nhất thu hồi quyết định và hoàn trả lại kinh phí, đồng thời rút kinh nghiệm sâu sắc.
Nói thêm về việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc lắp hệ thống camera ở nơi công cộng như trường hợp, bệnh viện, đường phố, công viên...để giám sát góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội là việc tốt.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, dùng ngân sách Nhà nước để lắp đặt camera cho các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng là không đúng.
"Khi nhận được thông tin báo chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã họp khẩn cấp để ra quyết định hủy quyết định về việc lắp đặt camera và thu hồi số kinh phí, yêu cầu kiểm điểm các cá nhân liên quan. Đây là bài học cần phải rút kinh nghiệm chung, đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện Quy định 08 về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Người phát ngôn Chính phủ cũng cảm ơn cơ quan báo chí đã phát hiện, phản ánh vụ việc, vì nếu không có thông tin như vậy thì không thể biết được việc này.
H.Giang
Theo Thanh tra
Giá heo hơi hôm nay 28/11: Giá heo hơi đã dịu, có chuyện găm hàng? Giá heo hơi hôm nay 28/11 ở miền Bắc tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn ổn định ở mức trên 70.000 - 77.000 đồng/kg; trong khi giá heo hơi ở miền Nam đã tiến sát mức giá của miền Bắc. Điều đáng nói, dù giá heo hơi đã hạ nhiệt thì giá thịt heo ở các chợ, siêu thị vẫn...