Khởi công dự án đường cao tốc Móng Cái – Vân Đồn ngay trong tháng 12
Tỉnh Quảng Ninh đang hoàn tất các điều kiện về giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư để có thể khởi công dự án cao tốc Móng Cái – Vân Đồn ngay trong tháng 12 này.
Tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN
Dự án đường cao tốc Móng Cái – Vân Đồn, tuyến cao tốc nối tiếp với 2 cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và Hạ Long – Vân Đồn, dài 80,2 km có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ được triển khai trên diện tích 456,2 ha thuộc địa bàn các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái.
Dự án do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư (liên danh 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân, Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành), theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Tổng mức góp vốn đầu tư của liên danh nhà đầu tư là hơn 11 nghìn tỷ đồng. Thời gian thi công hoàn thành dự án là 22 tháng.
Video đang HOT
Khi dự án cao tốc Móng Cái – Vân Đồn hoàn thành, Quảng Ninh sẽ có khoảng 200 km đường cao tốc, liên thông với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái (Quảng Ninh), trở thành tuyến cao tốc dài nhất hiện nay ở Việt Nam; hình thành nên cửa ngõ giao thông quan trọng kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc để thực hiện chiến lược tăng cường hoạt động thương mại biên giới, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm dịch vụ hàng đầu, cửa ngõ giao thương trong nước và quốc tế.
Theo thông tin từ các địa phương, đến nay tổng khối lượng mặt bằng sạch có thể bàn giao cho chủ đầu tư đạt 72,06 km trong tổng số 80,2 km cần bàn. Phần mặt bằng còn lại đang vướng mắc tại thành phố Móng Cái, do diện tích giải phóng mặt bằng lớn. Dự kiến, thành phố Móng Cái sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng tuyến chậm nhất vào cuối tháng 12/2018.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ninh, các cơ quan chuyên môn đang tiến hành thẩm định thiết kế kỹ thuật, tỉnh cũng đã thực hiện thỏa thuận xong quy chế nhà thầu đối với 16 gói thầu dự án.
Dự kiến, từ ngày 25 – 30/12, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ đưa tuyến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và hoạt động. Trước đó, ngày 1/9 vừa qua, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng (cầu nối trực tiếp Quảng Ninh – Hải Phòng), rút ngắn 1/2 thời gian đi Hải Phòng, Hà Nội và chiều ngược lại so với trước đây.
Văn Đức (TTXVN)
Theo Tintuc
Từ chối Trung Quốc, Quảng Ninh gọi 500 triệu USD làm cao tốc
Quảng Ninh từ chối vay vốn ODA từ Trung Quốc để làm dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái theo hình thức PPP và BOT.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa công bố hợp đồng Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái theo hình thức đối tác công-tư (PPP), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Dự án đường cao tốc sẽ đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tổng diện tích sử dụng đất là 456,2 ha. Dự án có tổng chiều dài xây dựng là 80,2 km.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.195 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 1.262 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động hơn 9.857 tỷ đồng. Điểm đặc biệt của dự án là Nhà nước không tham gia góp vốn đầu tư.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ kết nối vào tuyến cao tốc Vân Đồn- Hạ Long đang hoàn thành, chuẩn bị thông xe. (Ảnh: Báo Lao Động)
Dự kiến, thời gian thực hiện hợp đồng là 20,39 năm (gồm thời gian thi công 22 tháng và thời gian thu phí dự kiến là 18,56 năm). Để hoàn vốn đầu tư cho dự án, nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ trên tuyến theo hình thức thu kín.
Mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được áp dụng cho ba năm đầu đưa vào thu phí, cụ thể là xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 1.500 đồng/km; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 2.100 đồng/km...
Mức tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo (sau 3 năm đầu) tạm tính là 18%/3 năm.
Hợp đồng dự án được tỉnh Quảng Ninh ký với Liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân, Công ty cổ phần Mặt Trời Vân Đồn, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành (nhà đầu tư).
Đây là dự án từng gây sự chú ý của dư luận khi Quảng Ninh từ chối vay vốn ODA từ Trung Quốc để làm dự án. Thay vào đó Quảng Ninh xin Chính phủ cho phép chủ động tìm kiếm, kêu gọi tư nhân đầu tư.
Nguồn: Vietnamnet
Giống mía tím mập, giòn, ăn bao nhiêu không chán của dân Hoành Bồ Với kỹ thuật trồng đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, cây mía tím đang dần trở thành một trong những sản phẩm thương hiệu của Hoành Bồ (Quảng Ninh) và giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống. Nhắc đến huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, ngoài vùng trồng hoa truyền thống, ổi Đài Loan, rượu Bâu... thì sản phẩm thế...