Khoảnh khắc máy bay Mỹ-Liên Xô suýt khơi mào Thế chiến 3
Cuộc chạm trán giữa máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird Mỹ và tiêm kích đánh chặn MiG-31 Liên Xô được biết đến là một trong những sự kiện nguy hiểm, có thể khơi mào Thế Chiến 3.
Máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird (trái) và hai phi công Mỹ Curt Osterheld, Ed Yeilding (ngoài cùng bên phải).
Ngày 6.10.1986, chiếc SR-71 Blackbird của Mỹ được giao nhiệm vụ trinh sát bên ngoài vùng lãnh thổ Nga ở khu vực bờ biển Murmansk. Máy bay trinh sát siêu thanh khi đó đang theo dõi hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo Liên Xô.
Chiếc SR-71 Blackbird nhanh chóng nhận ra mình không phải máy bay duy nhất trên bầu trời.
Thông tin mới về cuộc chạm trán lịch sử, vốn suýt khơi mào Thế chiến 3 này đã được nhà sử học người Anh Paul Cricmore tiết lộ trong cuốn sách mới “Lockheed Blackbird, Beyond the Secret Missions” (tạm dịch: Lockheed Blacbird, vượt qua cả nhiệm vụ tối mật).
Trong cuốn sách, cựu Trung tá phi công Ed Yeilding đã mô tả lại khoảnh khắc đáng sợ khi đó.
“Ở khoảng cách 160 km, tôi có thể nhìn thấy cột khói trắng dài trong khi máy bay Liên Xô đang lao nhanh về phía chúng tôi, nhưng ở tầm cao thấp hơn”, Ed Yeilding nói.
Tiêm kích đánh chặn MiG-31 của Liên Xô.
Cựu phi công Mỹ chia sẻ: “Tôi biết rằng đó là chiến đấu cơ Liên Xô, có thể là chiếc MiG-31, tiêm kích đánh chặn hiện đại nhất của Liên Xô. Tôi dùng ống nhòm quan sát thấy cột khói trắng dài mà máy bay chúng tôi điều khiển để lại đằng sau”.
“Tôi biết rằng tiêm kích Liên Xô cũng dễ dàng nhận thấy vệt khói trắng giống như chúng tôi. Tôi tưởng tượng phi công Liên Xô cũng giống như mình, với niềm đam mê hàng không và luôn nỗ lực cố gắng làm điều tốt nhất”, Ed Yeilding chia sẻ trong cuốn sách mới xuất bản.
Ed Yeilding nói: “Tôi chắc rằng phi công Liên Xô sẽ nhận lệnh phóng tên lửa, nếu như chiếc SR-71 Blackbird không chuyển hướng và tiến vào vùng biển thuộc chủ quyền Liên Xô”.
“Chúng tôi không được trang bị hệ thống phòng thủ như bẫy mồi chống tên lửa tầm nhiệt. Nhưng khả năng SR-71 Blackbird bị bắn rơi cũng khá thấp vì tốc độ và độ cao”, cựu phi công Mỹ chia sẻ.
Khoảnh khắc hai máy bay chạm trán nhau trên bầu trời.
Video đang HOT
“Bay thẳng hướng về phía nhau ở tốc độ siêu thanh, tôi lại nhớ đến hai kỵ sĩ dũng cảm cầm trên tay ngọn giáo và lao vào nhau. Trong trường hợp này, chỉ có tôi là không mang vũ khí”, Ed Yeilding nói.
“Để sống sót, Thiếu tá Curt Osterheld và tôi cố gắng duy trì vị trí cách xa ngoài lãnh thổ Liên Xô để đề phòng bị tấn công. Chúng tôi chỉ còn biết dựa vào tốc độ siêu thanh và tầm cao trong trường hợp tên lửa phóng đi”, cựu phi công Mỹ kể lại khoảnh khắc hãi hùng.
Trung tá Ed Yeilding cho rằng, khoảng cách gần nhất giữa hai máy bay vào khoảng 13 km. Chiếc MiG-31 bay thấp hơn 3.000 mét.
Cuối cùng, phi công Mỹ và Liên Xô lướt qua nhau mà không có chuyện gì xảy ra. Khi chiếc MiG-31 cách xa đến khu vực đường chân trời, Ed Yeilding và đồng đội mới tin rằng họ đã an toàn.
Curt Osterheld chụp bức ảnh trong buồng lái máy bay trinh sát SR-71 Blackbird.
Nhà sử học Crickmore, người từng tham gia điều khiển không lưu tại Worcstershire nói, nếu chiếc SR-71 Blackbird bị bắn rơi thì đây sẽ là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất.
“SR-71 từng bị Triều Tiên khai hỏa khi bay qua khu vực phi quân sự năm 1967. Ngay cả khi bắn trượt, Triều Tiên đã cho thấy họ nghiêm túc đến mức nào”, ông Crickmore nói.
SR-71 Blackbird từng là máy bay trinh sát nhanh nhất và hoạt động ở tầm cao nhất thời điểm đó. Máy bay lướt đi ở độ cao 24.300 mét, tốc độ hơn 3.200 km/giờ.
Năm 1960, phi công lái máy bay do thám U-2 của Mỹ từng bị phía Liên Xô bắn rơi trên bầu trời thành phố Sverdlovsk. Máy bay khi đó đang hoạt động ở tầm cao 21.300 mét.
Đáng chú ý là phi công Gary Powers vẫn sống sót, bị bắt làm tù binh và được trả về quê hương trong một lần Mỹ và Liên Xô trao đổi tù nhân.
Theo Đăng Nguyễn – Daily Mail (Dân Việt)
Giây phút lao đi như viên đạn của phi công trinh sát cơ Chim đen
Phi công điều khiển máy bay trinh sát SR-71 Blackbird nhanh nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh kể lại giây phút lập kỷ lục tốc độ.
Eldon Joersz (áo tối màu) và George Morgan thăm lại chiếc máy bay lập kỷ lục. Ảnh: USAF
Cuối tuần trước, lần đầu tiên trong 40 năm, phi hành đoàn chuyến bay phản lực nhanh nhất thế giới đoàn tụ với chiếc máy bay do thám đã đưa họ vào lịch sử. Tại Bảo tàng Hàng không Warner Robins, Georgia, phi công Mỹ đã nghỉ hưu Eldon Joersz và George Morgan leo lên buồng lái chiếc Lockheed SR-71 Blackbird.
Chiếc máy bay được thiết kế với công nghệ năm 1960 đã xác lập được kỷ lục tốc độ vẫn đứng vững cho đến ngày nay: hơn 3.500 km/h, gấp ba lần tốc độ âm thanh, nghĩa là nhanh hơn so với tốc độ đạn bắn.
SR-71 là công cụ tình báo quan trọng của Mỹ trong thời kỳ đối đầu căng thẳng của cuộc Chiến tranh Lanh, kéo dài từ những năm 1960 đến thập niên 1990.
Chuyến bay lịch sử
Năm 1976, Joersz và Morgan được chọn để thực hiện một chuyến bay trình diễn đặc biệt của không quân Mỹ để lập kỷ lục tốc độ thế giới bằng trinh sát cơ SR-71, dưới sự giám sát của Liên đoàn Thể thao Hàng không Thế giới.
Joersz là phi công điều khiển ngồi ở phía trước còn Morgan là sĩ quan trinh sát ngồi trong buồng lái riêng biệt ở phía sau. Họ trông giống như phi hành gia khi đội mũ bảo hiểm và mặc trang phục kháng áp. Họ phải mặc đồ bảo hộ như vậy vì máy bay đạt đến độ cao rất lớn.
Chiếc máy bay mang số hiệu 17958 khởi hành từ căn cứ không quân Beale ở California, mang theo đầy thùng nhiên liệu đặc biệt cho hai động cơ khổng lồ được thiết kế riêng của chiếc trinh sát cơ SR-71 Blackbird.
Chiếc phi cơ nhanh chóng đạt độ cao 24.500 m, gấp đôi so với độ cao thông thường của máy bay chở khách, cao đến mức ông Joersz nói rằng ông thấy cả độ cong của Trái Đất.
Khi đạt đến độ cao mong muốn, ông cho máy bay chạy hết tốc lực trong lượt bay thẳng 15 km đầu tiên.
Ở ghế phía sau, Morgan giúp Joersz kiểm soát nhiệm vụ và đảm bảo rằng họ đi đúng hướng. "Tôi đã xem xét rất chặt chẽ để đảm bảo chúng tôi thực hiện chuẩn xác", Morgan nói. "Và chúng tôi đã làm được điều đó".
Để phá kỷ lục, Joersz cần phải quay đầu máy bay và lặp lại đường bay ở độ cao giống như trước. Morgan phát tín hiệu âm thanh cho Joersz để thông báo khi nào ông cần chuyển đường bay.
"Tôi điều khiển máy bay quay 90 độ sang bên trái, sau đó quay 270 độ sang bên phải", Joersz nói. Máy bay lại trở lại đường bay ở độ cao 24.500 m.
Morgan và Joersz đã cổ vũ nhau qua hệ thống liên lạc, Morgan nhớ lại. "Anh nghĩ sao? Chúng ta có làm được không? Ôi, được chứ, dễ ợt!", họ trao đổi với nhau.
Sau khi bay qua 4 tiểu bang, họ hạ cánh an toàn lại Beale khoảng 55 phút sau khi cất cánh.
Các tính toán cuối cùng cho thấy Joersz và Morgan đã phá vỡ kỷ lục tốc độ mà chiếc máy bay do thám Mỹ YF-12A lập nên trong những năm 1960, khi đạt vận tốc lớn hơn gần 200 km/h.
Tuy sau này có những chiếc phi cơ bay nhanh hơn SR-71 nhưng chúng chưa được ghi nhận chính thức. Trinh sát cơ Chim đen vẫn giữ kỷ lục về tốc độ đối với máy bay có phi công điều khiển chạy bằng động cơ phản lực không khí.
Eldon Joersz (phải) và George Morgan trong nhiệm vụ năm 1976. Ảnh: USAF
Khó khăn
Trong quá trình bay, cửa sổ buồng lái được phủ thạch anh trở nên rất nóng do ma sát với không khí ở tốc độ cao. Mặc dù có găng tay bảo hộ, "bạn không thể giữ tay trên kính hơn 5 giây do sức nóng", Joersz nói.
Họ cũng kể những khoảnh khắc khó xử trong chuyến bay. Họ không thể gãi mũi khi đội mũ bảo hiểm. "Bạn phải xoay xở bằng cách quay đầu và dùng chiếc mic trong mũ để gãi mũi", ông nói.
Mặc dù có tốc độ rất cao, việc điều khiển SR-71 không giống như điều khiển tiêm kích trong hoạt động không chiến, Joersz nói. Tuy có ưu thế về tốc độ và độ cao, chiếc máy bay này lại ít cơ động hơn.
Việc điều khiển máy bay không quá khó, nhưng việc này vẫn rất thách thức. "Bạn phải rất tập trung và chuẩn bị tinh thần xử lý những biến cố đột ngột xảy ra", ông kể.
Một trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra là sóng xung kích được tạo ra bởi tốc độ lớn của máy bay có thể khiến một động cơ tắt, làm máy bay lệch sang một bên. Nếu phi công không thể xử lý tình huống này thì máy bay có nguy cơ khựng lại và vỡ tan giữa không trung.
Các máy bay sau này được trang bị hệ thống tự động có thể giúp phi công xử lý tình huống này.
SR-71 còn có một vấn đề khác: nó có tiếng là chuyên bị rò rỉ nhiên liệu.
Những thay đổi nhiệt độ cực lớn đã tác động đến bộ phận chứa nhiên liệu và tạo ra lỗ rò rỉ ở phần mối nối của bình nhiên liệu. Joersz cho biết hãng Lockheed đã cố khắc phục vấn đề nhưng không thành công.
"Nó không chảy ồ ạt ra, nhưng bị rò rỉ, nhỏ giọt, nhỏ giọt", ông Morgan nói. "Nhưng khi tăng tốc thì dường như lỗi này lại được tự khắc phục".
Quốc hội Mỹ cho SR-71 nghỉ hưu vào năm 1989. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã đưa máy bay này hoạt động trở lại trong thời gian ngắn vào những năm 1990.
Lockheed chỉ chế tạo 32 chiếc SR-71. Hầu hết số đó đang nằm trong viện bảo tàng. Chiếc 17958 huyền thoại đang được bảo quản cùng những biểu tượng máy bay trinh sát quân sự khác, như Global Hawk và U2.
"Tôi cảm thấy rất may mắn khi từng được điều khiển chiếc máy bay tuyệt vời này", Joersz nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Chiến dịch giải cứu phi công trên sa mạc của quân đội Mỹ Khi phi công bị bắn rơi trong các cuộc xung đột trên toàn cầu hiện nay, quân đội Mỹ phải thực hiện các phương án giải cứu được lên kế hoạch từ trước. Sứ mệnh giải cứu phi công được tiến hành ngay sau khi chỉ huy quân đội Mỹ xác nhận có máy bay bị rơi trong lãnh thổ địch và phi...