Khoảng trống nhà tạo lập thị trường – Kỳ 1: Nhạt nhòa trên thị trường cổ phiếu
Được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho thanh khoản của thị trường, tuy nhiên cơ chế bó buộc, thiếu khả thi, cũng như bối cảnh thị trường chưa thuận khiến cho nhà tạo lập thị trường gần như không phát huy được vai trò.
Sau thất bại của IBSC, chưa có công ty chứng khoán nào lộ ý định làm nhà tạo lập thị trường trên thị trường cổ phiếu.
Kỳ 1: Nhạt nhòa trên thị trường cổ phiếu
Vừa mở màn đã thất bại
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), vai trò lớn nhất của nhà tạo lập thị trường là tạo thanh khoản cho các chứng khoán có thanh khoản thấp, hoặc không có giao dịch.
Để thực hiện điều này, nhà tạo lập thị trường sẽ thực hiện việc mua chứng khoán khi thị trường ở tình trạng không có lệnh mua, bán chứng khoán khi thị trường không có lệnh bán với các mức giá do họ tự định, thỏa mãn các yêu cầu về việc yết giá…
Vào tháng 8/2017, HNX có quyết định chấp thuận cho Công ty Chứng khoán IB (IBSC) là thành viên tạo lập thị trường niêm yết và đăng ký giao dịch của HNX.
Theo đó, IBSC là nhà tạo lập thị trường đầu tiên trên HNX, cũng như trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Công ty có kế hoạch thương thảo làm nhà tạo lập thị trường cho mã chứng khoán VTL của Công ty cổ phần (CTCP) Vang Thăng Long.
Để nhà tạo lập thị trường mặn mà tham gia thị trường, thì cơ chế vay mượn chứng khoán cần thuận tiện với chi phí hợp lý.
- Lãnh đạo một công ty chứng khoán
Tuy nhiên, do quá trình đàm phán hợp đồng giữa IBSC và VTL bất thành, nên Công ty chưa thể triển khai hoạt động tạo lập thị trường như kế hoạch đã công bố. Sau sự thất bại này của IBSC, cho đến nay, chưa một công ty chứng khoán nào lộ ý định làm nhà tạo lập thị trường trên thị trường cổ phiếu.
Video đang HOT
Trong quá trình đi tìm “điểm sáng” của nhà tạo lập thị trường, Đầu tư Chứng khoán đã phát hiện tia sáng hiếm hoi, nhưng không phải với cổ phiếu, mà với quỹ ETF (cùng niêm yết và giao dịch trên sàn cổ phiếu).
“Tuy đến thời điểm này, không nhiều nhà đầu tư biết đến Quỹ ETF VFMVN30 do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý, nhưng ở vai trò là nhà tạo lập thị trường, chúng tôi đánh giá đây là quỹ ETF nội địa huy động vốn tốt nhất hiện nay.
Một trong những lý do giúp cho quỹ này phát triển được là nhờ thanh khoản được duy trì và cải thiện”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), đơn vị làm nhà tạo lập thị trường cho Quỹ ETF VFMVN30 chia sẻ.
Sở dĩ nhà tạo lập thị trường cho quỹ ETF nhúc nhắc sống được, ngoài nhờ loại hình quỹ này có thanh khoản, còn vì không phải chịu giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài như đối với cổ phiếu, cũng như việc có thể cung cấp hệ sinh thái dịch vụ cho loại hình quỹ này.
Chưa có “đất dụng võ”
Theo ý kiến từ những người trong cuộc, nhà tạo lập thị trường chưa mặn mà tham gia thị trường bởi chưa có đất cho công ty chứng khoán… dụng võ.
“Để nhà tạo lập thị trường mặn mà tham gia thị trường, thì cơ chế vay mượn chứng khoán cần thuận tiện với chi phí hợp lý. Thêm vào đó, cơ chế giao dịch T 0 cần được triển khai để giải quyết rủi ro của quy trình giao dịch T 3 hiện tại.
Sự thành công của các nhà tạo lập thị trường ở các nước cho thấy, cần cho phép họ bán khống chứng khoán ngay cả khi họ chưa vay được chứng khoán.
Đây là một trong những điểm mấu chốt tiếp sức cho nhà tạo lập thị trường hoạt động. Thế nhưng, những điều này chưa có ở Việt Nam, nên quá rủi ro cho nhà tạo lập thị trường.
Chốt lại, vì chưa thấy cơ hội kiếm lời, trong khi rủi ro rình rập, nên đến nay chưa có công ty chứng khoán nào mạo hiểm làm nhà tạo lập thị trường cho cổ phiếu”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhìn nhận.
Liên quan đến ý kiến cho rằng, cần có cơ chế ưu đãi về phí, thuế để hấp dẫn nhà tạo lập thị trường phát huy vai trò của mình, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết chia sẻ, ngay cả khi có cơ chế này mà rủi ro hoạt động vẫn lớn vì những nút thắt hiện nay, thì công ty chứng khoán sẽ không dám tham gia.
Hơn nữa, quyết định mua – bán cổ phiếu để tạo thanh khoản cho thị trường là do nhà tạo lập thị trường tiến hành theo luật chơi lời ăn – lỗ chịu, nên nhà quản lý khó thiết kế cơ chế ưu đãi về thuế, phí.
Trong bối cảnh này, một số chuyên gia nhận định, để hấp dẫn nhà tạo lập thị trường tham gia, cùng với việc cần có cơ chế bán khống, cho vay mượn chứng khoán thuận lợi với chi phí hợp lý, Việt Nam cần sớm áp dụng cơ chế giao dịch T 0.
Ở bình diện rộng hơn, tính thanh khoản, minh bạch của thị trường cũng như của doanh nghiệp cần được cải thiện, có như vậy mới tạo “đất” tốt cho hoạt động tạo lập thị trường.
Trong thời gian qua, vai trò của nhà tạo lập trên thị trường cổ phiếu đã rất nhạt nhòa và hiện trạng này liệu có thể cải thiện khi thị trường có nền tảng pháp lý mới là Luật Chứng khoán sửa đổi?
Kỳ 2: Lay lắt trên thị trường trái phiếu
Nguyễn Hữu
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Cơ chế hoạt động của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới
Chính phủ các nước và giới đầu tư trên toàn thế giới thường theo dõi sát sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì nhất cử nhất động của ngân hàng này đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Vậy thể chế này thực sự hoạt động như thế nào?
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
"Sứ mệnh kép"
Fed được thành lập vào ngày 23/12/1913 dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson. Khác với hầu hết các ngân hàng trung ương khác, như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ tập trung vào việc kiềm chế lạm phát, thì Quốc hội Mỹ lại giao cho Fed "sứ mệnh kép". Một mặt, Fed có nhiệm vụ thúc đẩy thị trường lao động và sự ổn định của giá cả thông qua chính sách tiền tệ của mình. Mặt khác, đây cũng là một trong những cơ quan được giao trách nhiệm quản lý các ngân hàng và đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của hệ thống tài chính, chức năng đã thể hiện rõ nét trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hệ thống của Fed
Fed được dẫn dắt bởi Hội đồng Thống đốc ở Washington, gồm bảy thành viên do tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện thông qua, trong đó có Chủ tịch Jerome Powell (dù hiện hội đồng này chỉ có 4 thành viên). Ngoài ra, còn có 12 chi nhánh Fed ở các khu vực trên toàn nước Mỹ để theo dõi các nền kinh tế và ngân hàng ở địa phương.
Mỗi năm, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nhóm họp tám lần để thảo luận chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, FOMC thường xuyên có những cuộc họp khẩn cấp, thậm chí là thông qua điện đàm. Ủy ban này gồm 12 thành viên có quyền bỏ phiếu: bảy thành viên của Hội đồng Thống đốc, chủ tịch Fed chi nhánh New York và bốn chủ tịch của các chi nhánh khác sẽ luân phiên có mặt trong ủy ban này mỗi năm.
Hoạt động độc lập
Quốc hội Mỹ thành lập Fed để hoạt động như một cơ quan độc lập của chính phủ. Các thành viên của Hội đồng Thống đốc có nhiệm kỳ 14 năm để theo dõi ảnh hưởng của các chu kỳ bầu cử và Quốc hội không cấp kinh phí cho các hoạt động của Fed.
Dù chủ tịch Fed phải báo cáo với Quốc hội hai lần/năm và đây là lúc để Fed lắng nghe những nhận xét về chính sách của mình, nhưng không giống như các ngân hàng trung ương khác như ECB, các chủ tịch Fed trong mấy chục năm trở lại đây thường từ chối bình luận công khai về các quyết định của Fed. Thế nhưng, Tổng thống Donald Trump lại nhiều lần chỉ trích Fed với những ngôn từ không mấy "nể nang", khi cho rằng ngân hàng trung ương này đã "vượt khỏi tầm kiểm soát".
Lãi suất
Công cụ chính để chèo lái nền kinh tế của Fed là lãi suất cơ bản, mức lãi suất mà các ngân hàng tính cho các khoản vay với kỳ hạn rất ngắn. Mức lãi suất này sẽ chi phối lãi suất của các khoản vay thế chấp, vay mua ô tô, nợ doanh nghiệp và các hình thức vay khác. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp và chi phí chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó làm tăng trưởng chậm lại và giảm lạm phát. Ngược lại, giảm lãi suất, hay nới lỏng chính sách tiền tệ, thường thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cơ bản của Fed đã ở gần mức 0 trong giai đoạn từ năm 2008 đến cuối năm 2015, thời điểm mà ngân hàng này lần đầu tiên bắt đầu tăng dần lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ. Và tính trong năm nay, Fed đã nâng lãi suất ba lần. Các quan chức của Fed phải luôn theo sát những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể sẽ tăng lên, bao gồm giá cả, tiền lương và thất nghiệp, để có thể phản ứng kịp thời. Fed đã phải nâng lãi suất lên 20% sau khi lạm phát tăng mạnh từ năm 1979-1980.
FOMC sẽ quyết định biên độ suất mục tiêu, còn Fed chi nhánh New York sẽ mua hoặc bán trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thương mại để kiểm soát lãi suất bằng cách tăng hay giảm lượng trái phiếu sẵn có.
Bên cạnh đó, Fed còn quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tức là khoản tiền dự phòng mà các ngân hàng luôn phải duy trì. Nếu các giao dịch trong một ngày khiến cho lượng tiền dự trữ của một ngân hàng bị thiếu hụt vào thời điểm chốt phiên thì ngân hàng đó phải vay ngắn hạn từ Fed hoặc ngân hàng khác.
Vì vậy, Fed còn có thêm những công cụ như tăng hoặc giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc và lãi suất đối với lượng tiền dự trữ dôi dư mà các ngân hàng gửi ở Fed.
Khánh Ly (Theo AFP)
Đề xuất cơ chế lương, thưởng "đặc thù" cho Công ty mua bán nợ Bộ Tài chính cho rằng, cần có cơ chế tiền lương phù hợp với đặc thù hoạt động của Công ty mua bán nợ Việt Nam... DATC từng gây xôn xao dư luận vì mức lương "khủng" trả cho nhân viên. Bộ Tài chính đề xuất giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các...