Khoảng trống lãnh đạo của thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19
Các nhà lãnh đạo trên thế giới cuối cùng cũng phải nói về những tác động mà Covid-19, căn bệnh vừa được WHO tuyên bố là đại dịch, gây ra.
Tại Frankfurt, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu c ảnh báo rằng virus corona có thể gây ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng như năm 2008. Tại Berlin, thủ tướng Đức cho biết 2/3 dân số Đức có thể nhiễm virus. Tại London, thủ tướng Anh tung ra gói cứu trợ trị giá gần 40 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế.
Khi số người nhiễm virus tăng vọt và thị trường tài chính từ Tokyo đến New York thiệt hại nặng nề, các nhà lãnh đạo trên thế giới cuối cùng phải lên tiếng về sự nghiêm trọng của thứ vừa chính thức trở thành đại dịch.
Phản ứng của thế giới cũng thiếu một người chỉ huy, vai trò Mỹ thường đảm nhận trong thời kỳ hậu Thế chiến II.
Du lịch Italy vắng khách vì dịch bệnh. Ảnh: AFP.
“Nên tập trung chống dịch thay vì lo cho kinh tế”
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không làm việc với các lãnh đạo khác để đưa ra một phản ứng chung. Ông thích tuyên truyền về bức tường biên giới của mình hơn là nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế của chính ông. Trong một tuyên bố ngày 11/3, ông Trump tuyên bố lệnh cấm người từ châu Âu nhập cảnh trong vòng 30 ngày.
Ông Trump cũng cho rằng châu Âu không có phản ứng phù hợp để ngăn dịch bệnh và nhiều ổ dịch ở Mỹ đến từ châu Âu, nhưng không đưa ra bằng chứng cho sự đổ lỗi này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thích gọi loại virus này là virus “Vũ Hán”, điều sẽ khiến những người Trung Quốc không hài lòng và khiến việc tạo nên phản ứng toàn cầu phức tạp hơn.
Chính sự chê bai khoa học và thôi thúc ngăn người ngoài – điểm chung của các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc đến Iran và những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu – đang gieo rắc sự hoài nghi và khiến mọi người không biết nên tin ai.
Tổng thống Trump gặp gỡ các chủ ngân hàng tại Nhà Trắng hôm 11/3 để thảo luận về phản ứng trước dịch bệnh. Ảnh: New York Times.
Trong lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin của Nga và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia nắm bắt sự rối loạn dịch gây ra để củng cố quyền lực của họ.
Tuy nhiên, chúng ta không thể hy vọng tất cả vào ông Trump hay các lãnh đạo thế giới. Một phần của vấn đề chỉ đơn giản do bản chất của virus Covid-19.
Các công cụ dùng trong các tai họa toàn cầu trước đó không có tác dụng với Covid-19. Các quốc gia điên cuồng thử các phản ứng khác nhau trước dịch bệnh do không rõ phương thức lây lan của virus. Việc thiếu các tiêu chuẩn chung trong xét nghiệm và kiểm dịch đã làm người dân thêm lo lắng và xói mòn niềm tin vào các nhà lãnh đạo.
Vũ khí mà chính phủ sử dụng để xếp lại trật tự sau cuộc tấn công khủng bố 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 không áp dụng được với việc các nhà máy iPhone bị đóng cửa ở Trung Quốc, thuyền gondola ở Venice không có khách và du thuyền, khách sạn cùng máy bay ế ẩm.
“Bản chất của cuộc khủng hoảng này khác so với năm 2008 bởi vì các công cụ truyền thống không hiệu quả”, ông Richard N. Haass, chủ tịch của tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói với New York Times. “Ngay cả khi Mỹ giữ vai trò lãnh đạo, kịch bản có thể không giống như trước đây”.
Đối với ông Haass, việc các quốc gia tập trung mạnh mẽ vào hạn chế tác động đến kinh tế là điều dễ hiểu do thị trường đang lao dốc. Ông Haass cho rằng những hành động này vẫn còn sớm. Ông cho rằng các quốc gia cần tập trung làm chậm và giảm sự lây lan của virus trước khi bắt tay vào các chương trình tài chính để sửa chữa thiệt hại kinh tế.
Video đang HOT
Châu Âu chia rẽ
Vấn đề là ở chỗ những nỗ lực của họ đã trở nên vô ích, trừ vài ngoại lệ. Tại Mỹ, các quan chức không thể có cái nhìn về quy mô của dịch do bộ xét nghiệm không được nghiên cứu và số người được xét nghiệm quá ít, thậm chí vài tuần sau khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở nước này.
Ở Italy, các chính trị gia và các chuyên gia y tế cãi vã về việc chính quyền có đang xét nghiệm quá nhiều người ở Lombardy khiến số ca nhiễm bị thổi phồng và dư luận hoang mang hay không. Ngay cả việc so sánh số ca nhiễm của một quốc gia khác với quốc gia khác là gần như không thể vì quy trình xét nghiệm và tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau trên khắp thế giới, tiến sĩ Chris Smith, chuyên gia về virus học tại Đại học Cambridge cho biết.
Người dân đeo khẩu trang ở vùng Lombardy, Italy, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng của Covid-19 nặng nề nhất thế giới. Ảnh: AP.
Số ca nhiễm ở Trung Quốc tăng vọt khi quốc gia này bắt đầu ghi nhận số ca dương tính dựa trên các triệu chứng thay vì làm xét nghiệm, phương pháp mà hầu hết quốc gia vẫn đang sử dụng. Nhưng ngay cả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng có thể mang lại kết quả khác nhau ở những nơi khác nhau, tùy thuộc vào phương pháp các phòng thí nghiệm sử dụng và cách các nhân viên y tế thu thập, xử lý mẫu vật.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã làm giảm động lực hợp tác của các quốc gia. Các nhà lãnh đạo châu Âu, trong cuộc họp tối 10/3, đã đồng ý thành lập một quỹ đầu tư 25 tỷ euro (28,1 tỷ USD) và nới lỏng các quy tắc quản lý các hãng hàng không để kinh tế không sụp đổ.
Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc vượt qua sự phản đối trong nước để chia sẻ các thiết bị y tế như khẩu trang và máy thở vì vấn đề sức khỏe là trách nhiệm của các chính phủ. Đức, Cộng hòa Czech và các quốc gia khác thắt chặt hạn chế xuất khẩu các thiết bị này để dùng trong nước.
“Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói. “Chúng ta sẽ không hỏi ‘Điều này khiến ta thâm hụt như thế nào?’ mỗi ngày nữa”.
Đức cũng từ chối yêu cầu cung cấp thiết bị y tế cho Italy để rồi sau đó nhìn Trung Quốc đề nghị viện trợ 2 triệu khẩu trang và 100.000 máy thở cho Italy.
Tại Anh, quốc gia đã rời Liên minh châu Âu vào tháng 1 và là ngoại lệ trong lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump, đã có những lo ngại rằng Anh sẽ không được tiếp cận vắc-xin hoặc sẽ phải trả nhiều tiền hơn so với các quốc gia châu Âu khác.
Chính phủ Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang chật vật trong việc tìm cách truyền đạt các rủi ro của dịch bệnh này cho công chúng.
Anh mới chỉ bắt đầu công bố tin tức về các ca nhiễm virus. Ông John Ashton, người từng đứng đầu cơ quan y tế công cộng khu vực tây bắc nước Anh, nói rằng chính phủ nên cung cấp thông tin chi tiết hơn như ở Hong Kong. Hong Kong đã công bố sơ đồ các bệnh nhân mắc bệnh, thời điểm và cách thức họ nhiễm.
“Tôi nghĩ rằng đó là thái độ kẻ cả – họ cần cho công chúng thấy bức tranh toàn cảnh”, ông Ashton nói. “Bạn phải đối xử với công chúng như người trưởng thành thay vì không cho họ biết gì cả. Họ gây ra sự hoảng loạn bằng cách không cho công chúng biết thông tin”.
Theo news.zing.vn
Nghịch lý tàu sân bay - đắt đỏ nhưng dễ tổn thương
Chi phí đóng mới và vận hành lên đến hàng chục tỷ USD, tuy nhiên, tàu sân bay lại rất dễ bị đánh chìm bởi mối đe dọa từ ngư lôi và tên lửa.
Các đường băng nổi trên biển đã thể hiện sự nghiêm túc của hải quân trong thế kỷ qua. Ban đầu nó được xem là một cách để triển khai lực lượng trên không cho các tàu. Trong Thế chiến II, tàu sân bay và các máy bay của chúng trở thành lực lượng chính để các hạm đội chiến đấu với nhau, Economist cho biết.
Vai trò của tàu sân bay giảm dần sau Thế chiến II, vì Liên Xô không tập trung vào các tàu sân bay. Trung tâm của Chiến tranh Lạnh nằm ở đồng bằng châu Âu và các vùng nội địa thuộc thế giới thứ 3.
Dù thiếu đối thủ cạnh tranh trên biển, Mỹ vẫn khiến các tàu sân bay trở nên hùng mạnh hơn, sử dụng chúng để thiết lập ưu thế trên không ở bất kỳ đâu. Các tàu sân bay của Mỹ đã thực hiện 41% các nhiệm vụ chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên và hơn một nửa các phi vụ không kích trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu tiên của Chiến dịch Tự do Bền vững ở Afghanistan năm 2001, các tiêm kích trên hạm đã thực hiện 3/4 các phi vụ chiến đấu. Hai năm sau, trong cuộc xâm lược Iraq, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia từ chối cho phép Mỹ sử dụng không phận của họ để tấn công Iraq, Mỹ đã triển khai 5 tàu sân bay thực hiện 8.000 phi vụ tấn công trong tháng đầu tiên của cuộc xâm lược.
Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tràn qua Iraq năm 2014, tàu USS George HW Bush vội vã từ biển Arab đến Vùng Vịnh. Trong hơn một tháng, các cuộc không kích chống lại IS được phát động từ 4 máy phóng của tàu.
Quá nhiều mối đe dọa
Mỹ đang vận hành 11 siêu tàu sân bay, tạo nên lực lượng "có một không hai" trên thế giới. Các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể triển khai tiêm kích, máy bay ném bom, trinh sát, chỉ huy trên không ở bất kỳ đâu mà không cần đồng minh gần đó cho mượn sân bay.
Tàu ngầm, một trong những mối đe dọa lớn và khó phát hiện đối với tàu sân bay và tàu nổi khác. Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ.
Các quốc gia khác có tàu sân bay gồm Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Italy, Nga và Tây Ban Nha, nhưng có kích thước nhỏ và ít năng lực hơn. Tuy vậy, số lượng các quốc gia đầu tư vào sân bay đang tăng lên, Anh, Ấn Độ và Trung Quốc đều đã sẵn sàng để đưa vào hoạt động các tàu sân bay mới.
Anh đã giới hạn số lượng 2 tàu sân bay, Ấn Độ mong muốn có 3 tàu, trong khi Trung Quốc tham vọng 6 tàu hoặc nhiều hơn vào năm 2035. Nhật Bản cũng bày tỏ tham vọng sở hữu tàu sân bay. Tháng 12/2018, Tokyo tuyên bố chuyển đổi 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để mang theo máy bay phản lực.
Tàu sân bay tuy là một chiến hạm đầy sức mạnh, nhưng bản thân nó lại đối mặt với rất nhiều mối đe dọa, đặc biệt là tàu ngầm. Trong chiến tranh Falklands, Argentina đã để tàu sân bay duy nhất của họ neo tại cảng vì sợ tàu ngầm Anh.
Năm 2006, một tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc đã bí mật tiếp cận tàu sân bay USS Kitty Hawk. Hải quân Mỹ chỉ biết đến khi nó nổi lên cách đó 8 km. Trong bối cảnh chiến tranh, việc tàu ngầm tiếp cận gần tàu sân bay như thế sẽ khó khăn hơn, nhưng tàu ngầm không cần phải đến gần như thế để tấn công tàu sân bay.
Giờ đây, các mối đe dọa với tàu sân bay ngày một tăng lên bởi các tên lửa chống hạm tinh vi phóng từ đất liền, trên không và trên tàu chiến. Những cải tiến về tên lửa cũng đe dọa khả năng của lực lượng không quân trên tàu sân bay trong việc thực hiện sứ mệnh của chúng, gặm nhấm chính lý do tồn tại của chúng.
"Nữ hoàng" của hạm đội Mỹ có nguy cơ đi vào vết xe đổ của thiết giáp hạm, lớn, đắt tiền, dễ bị tổn thương và không liên quan đến các cuộc xung đột hiện tại, Jerry Hendrix, nhà phân tích quốc phòng, nhận xét.
Trong Thế chiến II, thiết giáp hạm được xem là "ông vua của biển cả", pháo đài di động trên biển với hệ thống hỏa lực cực mạnh. Tuy nhiên, thiết giáp hạm tỏ ra bất lực trước cuộc tấn công từ trên không và tàu sân bay có nguy cơ chung số phận.
Tính hữu dụng giảm dần
Bên cạnh mối đe dọa từ tàu ngầm, tên lửa đạn đạo chống hạm bổ sung vào các mối đe dọa mới đối với tàu sân bay. Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D có thể tấn công mục tiêu trên biển ở cự ly hơn 1.700 km. Bên cạnh đó, máy bay ném bom tầm trung H-6K của Trung Quốc với phạm vi hoạt động 3.000 km, mang theo tên lửa chống hạm có tầm bắn 400 km.
Trong tháng 7, tướng David Berger, người đứng đầu thủy quân lục chiến Mỹ, đã thừa nhận vũ khí chính xác tầm xa trở thành mối đe dọa lớn đối với các tàu chiến có kích thước lớn. Để đảm bảo an toàn, các tàu sân bay buộc phải hoạt động ở xa bờ biển, tính hữu dụng của tàu sân bay giảm dần sau mỗi hải lý.
Hạm đội tàu sân bay Mỹ buộc phải hoạt động xa bờ để tránh mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc trong một cuộc xung đột nếu có. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA), một tổ chức tư vấn độc lập về chính sách quốc phòng ở Washington, trong các cuộc chiến tranh tương lai, tàu sân bay Mỹ sẽ phải ở cách xa bờ biển đối thủ có năng lực như Trung Quốc để đảm bảo an toàn.
Mỗi tàu sân bay của Mỹ đều có đội hộ tống hùng hậu có thể đánh chặn tên lửa, máy bay, tàu chiến đối phương từ xa. Tuy vậy, đội hộ tống khó có thể đảm bảo an toàn cho tàu sân bay trước cuộc tấn công áp đảo kiểu bầy đàn với hàng trăm tên lửa.
Economist nhận định điều nghịch lý là khi các mối đe dọa với tàu sân bay ngày càng mở rộng, tầm hoạt động của tiêm kích trên hạm lại ngày một thu hẹp. Những năm Chiến tranh Lạnh, các tiêm kích trên hạm của Mỹ có phạm vi hoạt động trung bình 1.700 km.
Hiện tại, chỉ có tiêm kích trên hạm Rafale của Pháp duy trì được cự ly này. Tiêm kích trên hạm mới nhất của Mỹ là F-35C có phạm vi hoạt động chỉ 1.100 km. Ngay cả khi trang bị tên lửa JASSM, tầm bắn 500 km cho F-35, thì các tàu sân bay Mỹ cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc, trước khi có thể tấn công vào đất liền.
Dù tính khả thi của tên lửa đạn đạo chống hạm vẫn chưa được chứng minh, nhưng người Mỹ sẽ khó lòng mạo hiểm tính mạng của 6.000 thủy thủ và hàng tỷ USD để tiến gần bờ biển Trung Quốc trong một cuộc xung đột.
Sự đầu tư lãng phí?
Liệu các quốc gia chi hàng chục tỷ USD vào hạm đội tàu sân bay có phải là một sai lầm và điều đó có ý nghĩa gì đối với cách Mỹ phát huy sức mạnh và bảo vệ các đồng minh? Người Mỹ thích những tàu sân bay khổng lồ, như xe hơi và dịch vụ nhà hàng của họ.
Mỹ cũng nhấn mạnh rằng những tàu sân bay của họ rất tốt. Điều đó khiến chúng trở nên rất đắt đỏ. Khi được đưa vào vận hành năm 2017, USS Gerald R. Ford, chiếc đầu tiên của siêu tàu sân bay lớp Ford đã trở thành tàu sân bay đắt nhất lịch sử với chi phí với 13 tỷ USD.
USS Gerald R. Ford tàu sân bay đắt nhất lịch sử với đơn giá tới 13 tỷ USD. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Số tiền này tương đương với ngân sách quốc phòng Iran hàng năm và đắt gấp đôi so với USS George HW Bush, chiếc cuối cùng của tàu sân bay lớp Nimitz. Chi phí để vận hành các siêu tàu sân bay cũng rất đắt đỏ như số tiền bỏ ra để mua nó.
Chi phí vận hành và bảo dưỡng hàng năm mỗi tàu sân bay lớp Nimitz là 726 triệu USD. Mỗi tàu sân bay có tới 6.000 người, gần gấp đôi so với số người phục vụ trong hải quân Đan Mạch. Mỗi tàu sân bay phải tốn thêm 3-5 tỷ USD để mua sắm các máy bay và 1,8 tỷ USD mỗi năm để hoạt động.
Các nước có tàu sân bay nhỏ hơn cũng phải chi ra số tiền không nhỏ chút nào. Tàu sân bay lớp HMS Queen Elizabeth của Anh, lượng choán nước 65.000 tấn cũng tốn tới 6,2 tỷ USD để đóng mới. Tàu thứ 2 HMS Prince of Wales chưa đưa vào hoạt động được cho là có chi phí rẻ hơn 6 tỷ USD.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được cải tạo lại từ tàu sân bay Varyag chưa hoàn thành của Liên Xô, mua lại từ Ukraine với chi phí 20 triệu USD, cộng thêm 100 triệu USD để chuyển nó sang Trung Quốc. Bắc Kinh đã cải tạo tàu và đưa vào sử dụng với tên gọi Liêu Ninh. Chi phí cải tạo không được công bố.
Tuy nhiên, ngay cả những tàu sân bay có kích thước khiêm tốn, nó cũng chiếm một phần lớn trong ngân sách quốc phòng của quốc gia sở hữu nó. Chi phí cho tàu sân bay lớp Ford đầu tiên chiếm 2% ngân sách quốc phòng của Mỹ.
HMS Queen Elizabeth chiếm 15% ngân sách quốc phòng Anh. Tướng David Richards, cựu tham mưu trưởng quân đội Anh từ năm 2010-2013, đã thúc giục chính phủ hủy bỏ tàu sân bay thứ 2, vì với số tiền đó có thể mua sắm 5 tàu khu trục.
Dù còn nhiều tranh cãi về vai trò cũng như cách giải quyết các mối đe dọa mà nó đang đối mặt. Tàu sân bay được xem là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của mỗi quốc gia. Nó cho phép quốc gia sở hữu phô trương sức mạnh quân sự và tăng tính răn đe. Chẳng hạn, siêu tàu sân bay Mỹ luôn có mặt ở những điểm nóng trên thế giới để trấn an đồng minh, răn đe các nước trong khu vực về những toan tính của họ.
Theo news.zing.vn
Nga bị nghi can thiệp vào chính trị Anh Ủy ban An ninh và Phân tích của Quốc hội Anh (ISC) đang điều tra các cáo buộc cho rằng Nga đã có những hoạt động can thiệp vào chính trị Anh, trong đó bao gồm cả những hoạt động diễn ra trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, thời điểm ông Boris Johnson là người dẫn đầu chiến dịch kêu gọi...