Khổ với nạn đổ trộm xà bẩn ở TP HCM
Không chỉ biến kênh Thị Nghè thành bãi tập kết vật liệu xây dựng phế thải, thời gian gần đây đội quân đổ trộm xà bần còn “tấn công” khu vực trung tâm thành phố. Thực trạng “đổ trộm” trên không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn khiến những người trong cuộc, trực tiếp là công nhân thu dọn bất bình…
Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn “kẻ đổ thoải mái – người dọn bù đầu” không biết đến khi nào mới có hồi kết theo phản ánh của những người trong cuộc là do các biện pháp chế tài không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm!
Gạt những dòng mồ hôi lã chã trên khuôn mặt gầy guộc sạm đen vì nắng gió, ông Phạm Thành Kỳ, Tổ trưởng Tổ vệ sinh Công ty Công trình đô thị quận Phú Nhuận tỏ ra ngán ngẩm trước nạn đổ trộm xà bần. Như cuộc chuyện trò hơn 1 năm trước, ông Kỳ bức xúc phản ánh với PV Báo CAND rằng tốc độ xây dựng của thành phố càng tăng trưởng bao nhiêu thì nạn đổ trộm xà bần gia tăng theo tỷ lệ thuận bấy nhiều. Lén đổ vào ban đêm, đổ trên bờ kè, đổ thẳng xuống dòng chảy kênh Thị Nghè chưa đã, ông Kỳ cho biết thời gian gần đây, đối tượng còn ngang nhiên đổ xà bần giữa ban ngày…
Theo số điện thoại mà ông Kỳ cung cấp, chúng tôi gọi điện, đầu dây bên kia, anh Trần Anh Lý (Đội vệ sinh Công ty Dịch vụ công ích quận 3) kêu trời: “Một đống ở đây nè. Mới 5h sáng là anh em phải ra thu gom đến giờ mà vẫn chưa xong”.
Lúc này hần 11h trưa, trời nóng như đổ lửa, chúng tôi rời kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tới hiện trường là bãi đổ trộm xà bần nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan, gần Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Anh Lý ngao ngán nói: “Từ sáng tới giờ anh em chúng tôi đã thu gom tại khu vực này 6 xe tải chất đầy xà bần, mỗi xe có tải trọng gần 1,5 tấn, nhưng vẫn chưa hết”.
Sau khi “ăn hàng”, đội quân ba-gác máy mang xà bần đi đổ trộm khiến công nhân vệ sinh nhiều quận huyện phải dọn bù đầu.
Cũng theo anh Lý, dân “ba-gác máy” thường chọn các tuyến đường Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Diệu… đổ trộm xà bần vào lúc nửa đêm vì khu vực này phần lớn là nhà biệt thự, công sở kín cổng cao tường ít người sinh sống.
Theo các công nhân vệ sinh chuyên thu gom xà bần, sở dĩ tình trạng đổ trộm xà bần diễn tiến nhiều năm qua, càng về sau càng “tăng cấp độ” là do thành phố nói chung, các địa phương nói riêng xử lý chưa nghiêm những hành vi vi phạm. “Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ thu gom, không có chức năng xử phạt. Đối tượng đổ trộm biết rõ điều đó nên khi bị chúng tôi bắt quả tang, chúng ngang nhiên thách thức, hăm dọa, nặng lời mạt sát…” – ông Kỳ trăn trở. “Vì không có chức năng lập biên bản vi phạm hành chính nên khi gặp đối tượng đổ thải xà bần, chúng tôi chỉ còn có cách gọi điện thoại báo Công an hoặc chính quyền phường nhưng thường thì khi cơ quan chức năng địa phương đến hiện trường thì bọn đổ trộm đã kịp gây án và bỏ đi mất”.
Như nạn khoan cắt bê tông, xả rác-khạc nhổ bừa bãi, buôn bán lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường… nạn đổ trộm xà bần là thách thức lớn trong việc xây dựng nếp sống văn mình tại TP Hồ Chí Minh trong những năm qua. Trong các kỳ họp HĐND thành phố, bất cập này luôn được thảo luận sôi nổi nhưng đến nay, nạn đổ trộm xà bần không những không thuyên giảm mà ngày càng tăng dần “cấp độ”…
Theo CAND