Khổ vì chồng nhà quê
Tôi không hề có ý định phân biệt vùng miền, cũng như chưa bao giờ chê cảnh nghèo khó mà chỉ muốn viết lên đây đôi dòng tâm sự cho vơi bớt nỗi lòng.
ảnh minh họa
Tôi sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội. Bố mẹ tôi và ông bà tôi cũng sinh ra ở đây. Gia đình tôi từ cô dì chú bác, tới anh chị em tất cả đều là cán bộ, đi làm cho nhà nước. Vì thế, từ nhỏ, tôi đã thầm tự hào về gốc gác của mình. Tôi luôn hãnh diện vì mình là nhà có tri thức, có nề nếp.
Mặc dù là lá ngọc cành vàng nhưng từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ có khái niệm phân biệt nhà quê hay thành phố. Chưa bao giờ tôi ngại khó, ngại khổ. Cũng có thể vì tôi chưa từng phải trải qua nó, cũng có thể là do bố mẹ đã tôi luyện rèn giũa tôi ý thức luôn phải biết vươn lên, phải biết thích nghi mọi hoàn cảnh.
Qua sách vở và những bài học khi ngồi trên ghế nhà trường, trong tâm trí tôi, những người dân quê là những người hiền lành chất phác. Tôi thèm có được một vùng quê để mỗi khi hè về được tung tăng chạy nhảy hay thả diều bắt bướm, để có được tuổi thơ hồn nhiên bên lũy tre làng hay những cánh đồng lúa chín, được trăn trâu như những đám bạn cùng trang lứa khác.
Khi lớn lên và bươn trải ngoài xã hội, giữa cái chốn phồng hoa đô thị ồn ào và xô bồ, tôi lại ao ước mình được sống một cách giản dị đơn sơ và giàu tình cảm như những người nhà quê.
Chính bởi vậy, mà tôi đã lấy anh, chồng của tôi bây giờ. Anh sinh ra tại một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi là đồng nghiệp của nhau tại một công ty kiểm toán của Nhà nước.
Lấy chồng từ năm 24 tuổi. Giờ đã có với nhau 2 mặt con. Đứa lớn 5 tuổi cũng là lúc tôi cảm thấy mình sai lầm khi lấy anh. Tôi nhận ra những gì tốt đẹp về anh đã không còn nữa, thay vào đó tôi thấy chán nản, bế tắc vô cùng. Tất cả mâu thuẫn cũng chỉ xoay quanh vấn đề lối sống, quan điểm trái ngược nhau.
Hồi yêu anh, bạn bè tôi chúng ngạc nhiên lắm. Chúng không hiểu tại sao một cô gái Hà Nội gốc xinh xắn như tôi lại chấp nhận đi yêu một anh chàng “chẳng có gì” như anh.
Ngoại hình không, nhà cửa không, gia thế không, học hành cũng không có gì xuất sắc và nhất lại là dân tỉnh lẻ như anh. Nhưng với tôi, tất cả điều đó đều không quan trọng. Tôi yêu ạnh bởi anh thật thà, chân thành và có ý chí mạnh mẽ.
Video đang HOT
Xen vào đó là một tình thương vô cùng sâu sắc. Tôi thấy thương khi anh sinh ra ở một nơi nghèo khó, tôi cảm phục bố mẹ anh chịu thương chịu khó đã nuôi nấng và dạy dỗ 5 đứa con ăn học tới nơi tới chốn.
Chính bởi vậy, yêu nhau không bao lâu là chúng tôi đi đến hôn nhân.Cưới nhau xong, chúng tôi thuê nhà ở. Mặc dù bố mẹ tôi ra sức khuyên can chúng tôi về ở cùng vì nhà cũng chỉ có 2 chị em gái thôi nhưng tôi dứt khoát không nghe. Tôi muốn tự lập. Vả lại tôi cũng nghĩ cho anh, tôi muốn anh được tự do, không phải ái ngại khi sống cùng gia đình vợ. Anh thấy vui lắm vì vợ đã hiểu cho anh.
Phần về bố mẹ tôi, tuy khá giả nhưng chưa bao giờ có ý coi thường anh. Bố mẹ luôn tâm niệm một điều, luôn coi con rể như con trai. Có như vậy thì con gái mình mới được hạnh phúc. Mẹ tôi còn nói: “Anh nghèo mà có chí thì còn gấp trăm lần những thằng ở thành phố ăn chơi lêu lổng”. Mẹ tôi là người tế nhị nên luôn đối xử khéo để anh không mặc cảm bao giờ. Chính bởi vậy mối quan hệ giữa con rể và bố mẹ vợ rất tốt.
Cuộc sống hôn nhân ban đầu khó khăn nhưng chỉ 2 năm sau, chúng tôi đã tự tay mua được một căn hộ chung cư xinh xắn bằng chính những đồng tiền do 2 vợ chồng làm ra mà không phải vay mượn ai. Đứa con thứ 2 cũng ra đời trong niềm vui đó, bố mẹ tôi ngày càng yên tâm hơn về chàng rể quý.
Nhưng cuộc sống không đơn giản như tôi nghĩ. Có tiền không có nghĩa là có tất cả. Kể từ khi mua được nhà, anh đã thay đổi hoàn toàn. Cuộc sống vợ chồng tôi đã không còn hạnh phúc như trước nữa, những trận cãi vã thường xuyên xảy ra hơn, xung quanh đó không phải là cơm áo gạo tiền mà toàn vì những lí do vặt vãnh về lối sống, quan điểm, cách nghĩ khác nhau khiến tôi vô cùng ức chế.
Trước tiên là anh tỏ ý coi thường tôi ra mặt. Những cuộc hẹn hò tụ tập với đồng nghiệp trong công ty không bao giờ anh cho tôi tham gia. Hoặc có tham gia đi chăng nữa nhưng cứ mỗi khi tôi lên tiếng thì anh lại xua tay “em thì biết cái gì”. Một vài lần như vậy tôi thấy tự ái nên cũng không tham gia nữa
Điều mà tôi cảm thấy không thích chút nào nữa đó là việc tuy mua được nhà chưa được bao lâu nhưng anh luôn tỏ ra là mình rất tài giỏi. Uh thì đúng thật, anh tài giỏi nên mua được căn nhà ở cái nơi đắt đỏ thế này. Nhưng có cần thiết đến mức mỗi khi gặp bạn bè anh tự vỗ ngực ta đây tài ba lỗi lạc và tỏ ý chê bai khinh bỉ những đứa bạn đã cùng chăn trâu cắt cỏ với mình hay không? Chưa gì anh đã nhăn nhó rung mình mỗi khi nhớ lại cảnh ở thuê, ở mướn trong khi chúng bạn của anh đều đang trong hoàn cảnh đó. Anh càng thao thao bất tuyệt trước ánh mắt khó chịu của các bạn. Các bạn của anh ngày càng xa lánh anh, họ không dám tiếp cận anh nữa.
6 năm về làm vợ, tôi chưa bao giờ biết nhận được một bông hoa, hay một món quà từ anh. Trước đây khi điều kiện kinh tế còn khó khăn còn phải lo mua nhà thì tôi còn có thể thông cảm được nhưng giờ đây khi nhà cửa đã ổn định, tôi muốn anh quan tâm đến tôi một chút nhưng khó quá. Tôi đã từng nhẹ nhàng thủ thỉ với anh rằng mình mong muốn có được cử chỉ lãng mạn, nhưng anh lại tỏ vẻ khó chịu. Anh lấy lí do rằng: Quê anh làm gì có ngày sinh nhật. Anh nói: anh ghét sự màu mè, hình thức. Ấy vậy mà sinh nhật các đồng nghiệp nữ ở công ty, anh vui vẻ hào hứng, nhắn tin, chúc tung họ rất nhiệt tình. Có hôm bạn bè tặng quà cho tôi, về nhà anh còn cười khẩy và nói tôi adua, đua đòi. Tôi tủi thân lắm. Nhiều lúc nghĩ mình thật thiệt thòi.
Ngay cả với con anh cũng đối xử như thế. Ạnh cương quyết không tổ chức sinh nhật cho chúng. Chúng tôi đã từng cãi nhau gay gắt về chuyện này nhưng cuối cùng tôi đành phải chịu thua trước sự bảo thủ và lối suy nghĩ cổ hủ của anh. Giờ mỗi khi đến dịp sinh nhật con, tôi tự âm thầm dắt con ra ngoài tổ chức cho con để anh không biết.
Ngày con tôi còn nhỏ, ông bà ngoại thỉnh thoảng hay gửi một ít đồ ăn ngon, đôi khi chỉ là 1,2 con cua biển, hay 1 vài con tôm ngon để tôi nấu bột nấu cháo cho con ăn nhưng nhất định anh không cho tôi không lấy. Thấy vẻ mặt buồn buồn của mẹ, tôi nhận và dặn mẹ thôi lần sau đừng mang đến nhưng ngay sau khi bố mẹ về, anh đã nổi cơn thịnh nộ và mắng tôi té tát. Anh nói: “mình có chết đói đâu mà đi xin ăn”. Tôi giải thích cho anh thì anh hậm hực vứt cả túi thức ăn ra ngoài cửa. Hành động của anh khiến tôi ức phát khóc. Tôi thấy thương bố mẹ và tôi thấy thương cho cái thân phận mình, tại sao mình lại lấy một ông chồng thế này.
Đó là còn chưa kể hồi mẹ chồng lên trông con thứ 2 giúp tôi. Mọi mâu thuẫn cũng phát sinh xung quanh chuyện thói quen nếp sống. Mẹ chồng nhất định không cho tôi để dự trữ thức ăn trong tủ lạnh và bắt tôi phải đi chợ hàng ngày. Còn tôi tuy bận ngập đầu ngập cổ nhưng cũng đành phải chiều ý mẹ.
Quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng không còn tốt đẹp như trước nữa. (Ảnh minh họa)
Có mẹ lên trông cháu, tôi mua nhiều đồ ăn thức uống để cả nhà được thoải mái. Nhưng mẹ luôn tỏ vẻ khó chịu. Từ chiếc áo chiếc quần, hay hộp sữa tôi mua cho con mẹ cũng soi xét kĩ. Mẹ liên tục giảng dạy tôi tính tiết kiệm. Đó là còn chưa kể, mẹ âm thầm bớt phần ăn của cháu vì mẹ sợ nó tốn kém.
Mẹ cũng không quên dạy tôi phải biết yêu thương bao bọc lấy các anh chị em nhà chồng. Do đó, lần lượt hết đứa lớn đến đứa nhỏ đến sống cùng chúng tôi để học suốt mấy năm đại học. Dù kinh tế không dư dả là mấy nhưng tôi vẫn phải gồng mình để không mang tiếng là dâu thành phố khinh người.
Cuộc sống với biết bao điều vụn vặt liên tiếp cứ xảy ra. Bây giờ tôi mới thấm thía sự khác biệt về lối sống suy nghĩ cũng là một nhân tố quan trọng đe dọa đến hạnh phúc gia đình. Khi viết những dòng tâm sự này cũng là lúc chồng tôi đang cặp kè cùng với một cô gái khác. Không hiểu sao tôi không thấy ghen tuông gì hết, chỉ có một cảm giác chán nản vô cùng. Tôi chỉ muốn “buông tay” nhưng vẫn còn đang nghĩ tới con.
Theo VNE
Tâm sự của người đàn ông bị vợ bạo hành suốt 20 năm
Hết lòng lo cho gia đình là vậy nhưng ông Mai Văn Khoa (tên nhân vật đã thay đổi) vẫn bị vợ con chửi bới hàng đêm vì một sai lầm ngày thanh niên của ông.
Tổng giám đốc kiêm người giúp việc
Sinh ra và lớn lên ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, ông Khoa tốt nghiệp hai trường Đại học Luật và Đại học Tự Nhiên. Sau khi ra trường, ông công tác ở một ngân hàng lớn và đến năm 1998, ông Khoa về mở công ty riêng chuyên tư vấn đầu tư và thương mại. Công ty của ông Khoa có trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ông Khoa kết hôn với vợ là bà Nguyễn Thu Hà một tiểu thư Hà thành. Bà Hà xuất thân trong một gia đình giàu có nên khi lấy ông Khoa là một chàng trai tỉnh lẻ cuộc sống của hai người cũng thường xuyên xảy ra cãi vã xung quanh những mâu thuẫn nhà quê như vợ ông nói.
Con gái lớn của ông Khoa sinh năm 1995, con gái nhỏ sinh năm 1997. Cả hai cô con gái ông coi như vàng ngọc nhưng họ đều hướng về mẹ nhiều hơn với bố. "Hàng ngày bố có nói chuyện, khuyên bảo thì chúng chỉ bảo văn hóa nhà quê. Có lúc, tôi bất lực với chúng nó nhưng cũng đành chịu, bởi chúng được sinh ra ở thành phố và mẹ chúng tạo ra cái văn hóa nhà quê trong mắt chúng"- ông Khoa chua xót khi nói chuyện về các con.
Gần 20 năm sống cùng vợ, ông Khoa chưa một ngày thảnh thơi. Ngoài thời gian kiếm tiền lo cho vợ con về nhà ông đóng vai trò người nội trợ trong gia đình. Hình như, tình thương yêu của ông dành cho vợ con cũng không làm cho người vợ hiểu chồng và yêu chồng.
Ảnh minh họa
Bà Hà thường gây sự với ông. Bà chửi chồng từ việc lau nhà để lại vết ố, trải ga giường không đúng màu gối, gấp chăn còn nhăn, là quần áo sai li... thân làm tổng giám đốc, hoành tráng ở công ty là vậy nhưng ông lại không có tiếng nói gì trong cái gia đình 4 người ấy.
Năm 2010, một lần về quê Thanh Hóa chơi dài ngày, vợ con ông biết được bí mật ngày thanh niên ông có yêu một cô gái cùng xóm. Hai người có chung một đứa con nhưng gia đình ông Khoa không đồng ý cho họ kết hôn vì ông Khoa là trí thức, ông Khoa đã đi học đại học thì không thể lấy gái quê.
Đau lòng bị nhà người yêu từ chối, cô bạn gái lúc đó của ông Khoa đã có bầu 7 tháng bỏ vào Tây Nguyên sinh con và nuôi đứa trẻ lớn đến bây giờ. Hai bên nội ngoại gần nhà nhau nên cậu bé thường xuyên đến "nhận họ" ở nhà ông Khoa. Thằng bé học giỏi và giống ông Khoa như hai giọt nước nên gia đình ở quê cũng bí mật nhận cháu.
Từ khi biết được bí mật quá khứ của chồng, bà Hà liên tục tra tấn tinh thần ông Khoa. Bà và các con thi nhau chửi bới ông về cái tội "ăn chơi ra sản phẩm". Đặc biệt, cô con gái lớn của ông mới học cấp III nhưng lên mặt chửi cha như một người phụ nữ từng trải. Cô bé chửi cha mình "ông đừng có mơ đón con trai về đây ở". Thậm chí, cô bé còn lớn tiếng chửi cha mình là kẻ thiếu văn hóa, gốc nhà quê, người đàn ông ong bướm.
"Các con đều không chấp nhận quá khứ của bố cũng như nghe bố giải thích. Nếu tôi có nói nhẹ nhàng thì chúng nhanh chóng tới tấp theo mẹ "đừng nghe gái đĩ giải trình". Nghe câu nói đó từ chính miệng xinh xắn của các con mình nói ra, tôi thấy xấu hổ thì ít mà lo cho tương lai của các con thì nhiều"- ông nói.
Chia sẻ về người vợ, ông Khoa cho biết hai năm nay không ngày nào vợ ông không chửi. Cô ấy chửi chán ông lại quay về chửi người phụ nữ kia và chửi cả gia đình ông ở quê không biết dạy con cháu... Có hôm, 2 giờ sáng vợ cũng không cho ông ngủ. "Cô ấy tắm vào đầu các con mình về người cha nghèo khó và phụ bạc. Đó chỉ là câu chuyện sai lầm trong quá khứ của tôi chứ từ ngày lấy vợ tôi chưa một lần phản bội cô ấy" - ông thanh minh.
Nhìn gương mặt hao gầy, đôi mắt thâm quầng của ông Khoa sau nhiều đêm mất ngủ ai cũng thương cảm. Vợ chửi, con mắng cha, ông Khoa bất lực đôi khi muốn từ bỏ tất cả. Nhiều người khuyên ông nên ly hôn nhưng ông không muốn bởi ông có ơn với người cha vợ. Nhờ có cha vợ giúp đỡ nên ông mới có ngày hôm nay.
Ông Khoa tìm đến nhà tư vấn như muốn cố níu giữ cái gia đình nhỏ của mình. Tư vấn cho ông Khoa, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết (trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội) còn cảm thấy ức chế thay cho ông Khoa. Bác sĩ Quyết cho biết vợ bạo hành chồng cũng muôn hình, muôn vẻ nhưng trường hợp của ông Khoa chẳng khác nào tra tấn người đàn ông, ép họ mang bệnh trầm cảm. Vết thương bên ngoài nhanh liền sẹo còn vết thương tinh thần sẽ ám ảnh ông mãi mãi.
Theo VNE
4 năm lấy vợ, tôi sống trong cảnh "chó chui gầm chạn" Nghe nói Tết này được nghỉ tới 9 ngày. Tôi muốn đưa vợ về thăm bố mẹ mình quá. Song vợ tôi lại muốn đi du lịch chứ nhất định không chịu về "cái chốn nhà quê lắm dĩn ấy". Năm hết Tết đến, mối lo tiền bạc ngày một nặng gánh. Nhiều lúc tôi ước gì 10 năm mới có một cái...