Khổ vì án dân sự bị hủy, sửa: Khi tòa và viện ‘chỏi’ nhau
Viện kiểm sát kháng nghị vì cho rằng tòa sơ thẩm và phúc thẩm chia 4 thửa đất và nợ chung hơn 5 tỉ đồng của hai vợ chồng ở Bình Dương là không đúng, song tòa chỉ chấp nhận một phần.
Chồng yêu cầu chia đôi nợ chung 5 tỉ đồng
Tháng 4 vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm chỉ chấp nhận một phần kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, tuyên hủy một phần bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương và sơ thẩm của TAND TP.Thuận An, để xét xử sơ thẩm lại về phần nợ chung hơn 5 tỉ đồng giữa hai vợ chồng chị L.T.N.Th và anh N.T.T. Đồng thời, tòa bác phần kháng nghị liên quan đến chia 4 thửa đất của vợ chồng chị Th.
Chị L.T.N.Th yêu cầu tòa chia đôi 4 thửa đất. ẢNH: NVCC
Như vậy, sau 4 năm chị Th. (37 tuổi) kiện chồng ra tòa thì nay vụ án lại quay trở lại thủ tục ban đầu và chưa biết khi nào có hồi kết.
Chị Th. và anh T. kết hôn năm 2015, cả hai có một con chung sinh năm 2018. Sau đó, cả hai xảy ra mâu thuẫn nên ly thân năm 2019.
5 năm sau, chị Th. nộp đơn xin ly hôn ra tòa án; về tài sản chung, chị yêu cầu chia đôi bằng hiện vật đối với 4 thửa đất.
Tuy nhiên, phía anh T. chỉ đồng ý chia tỷ lệ góp vốn 23% của 2 vợ chồng đối với thửa đất 1.000 m, vì theo anh, đất này là góp vốn mua chung với nhiều người. Riêng thửa đất hơn 5.800 m, anh T. cho hay đã mượn tiền của cha và chị gái để mua nên phải trừ đi số tiền vay mới đồng ý chia đôi. Đối với thửa đất hơn 9.000 m, theo anh T., đây là tài sản đã phân chia theo thỏa thuận năm 2017 nên không đồng ý chia. Còn thửa đất hơn 800 m là của mẹ anh T., không phải của vợ chồng.
Ngoài ra, theo anh T., quá trình chung sống, anh không có công ăn việc làm nên phải mượn tiền từ người thân để kinh doanh bất động sản. Do đó anh T. đề nghị tòa chia đôi khoản nợ chung hơn 5 tỉ đồng của hai vợ chồng.
Vợ không biết nợ từ đâu đến
Video đang HOT
Tháng 3.2023, TAND TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương công nhận thuận tình ly hôn giữa hai vợ chồng chị Th., tòa giao con cho chị trực tiếp nuôi dưỡng.
Về phần tài sản chung, tòa cho người chồng được sở hữu 2 thửa đất có diện tích hơn 5.800 m và hơn 1.000 m, ngược lại phải thanh toán lại cho người vợ hơn 2,2 tỉ đồng. Tòa bác đơn yêu cầu chia hai thửa đất còn lại. Về nợ chung, tòa buộc người vợ phải thanh toán cho chồng hơn 2,2 tỉ đồng.
Không đồng tình với phán quyết của tòa, chị Th. làm đơn kháng cáo bản án với lập luận chị không tham gia vay nợ và cũng không biết về bất kỳ khoản nợ nào của chồng.
Tháng 9.2023, TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, buộc chị Th. phải thanh toán cho những người thân của anh T. số tiền mà anh này mượn trước đó là hơn 2,2 tỉ đồng. Các phần còn lại tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm.
“Các khoản vay mà chồng cũ nêu ra là không khách quan vì toàn là vay của người thân như cha, mẹ, em ruột. Mặc dù, tòa tuyên cho tôi được hưởng 1/2 của hai thửa đất tương đương với 2,2 tỉ đồng, nhưng tôi lại phải trả nợ cho người nhà của chồng cũ hơn 2,2 tỉ đồng cho các khoản vay mà tôi không hề hay biết. Như vậy tôi chẳng còn được đồng nào”, chị Th. nói.
Cũng theo chị Th., việc hai cấp tòa chia tài sản chung của hai vợ chồng như trên là không hợp lý, gây bất lợi cho chị. Vì thế, chị làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm xem xét lại 2 bản án trên.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích theo quyết định số 12 năm 2023 của UBND tỉnh Bình Dương thì diện tích tối thiểu đối với đất nông nghiệp tại các xã của H.Dầu Tiếng là 3.000 m, còn đối với đất ở thuộc các xã là 100 m.
Tại điểm b, khoản 2 điều 3 quyết định 12 năm 2023 quy định: “Đối với thửa đất có nhiều loại đất thì việc xem xét tách thửa chỉ áp dụng cho một loại đất nếu có đủ điều kiện…”.
“Căn cứ vào quy định trên, thửa đất hơn 5.800 m, trong đó có 300 m là đất ở nông thôn có đủ điều kiện tách thửa, tách sổ. Do đó, theo tôi, kháng nghị của Viện Kiểm sát cấp cao tại TP.HCM là có căn cứ”, luật sư Hoan phân tích.
Cũng theo luật sư Hoan, việc tòa cấp cao tại TP.HCM cho rằng không đủ diện tích để tách thửa là chưa xem xét quy định tại điều 3 quyết định 12 năm 2023 của UBND tỉnh Bình Dương, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chị Th. Trong trường hợp này chị Th. có quyền làm đơn gửi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của tòa cấp cao.
Về hơn 5 tỉ đồng nợ chung của hai vợ chồng thì cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã giải quyết không rõ ràng, toàn diện, triệt để nên có thể không thực hiện được. Do đó cấp giám đốc thẩm hủy cả hai bản án là có căn cứ.
Chỉ ra nhiều cái sai nhưng tòa chấp nhận 1 phần
Cuối năm 2023, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm 2 bản án nói trên. Kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy phần quyết định chia tài sản chung, và nợ chung của hai vợ chồng chị Th. để xét xử sơ thẩm lại.
Theo kháng nghị, đối với khoản tiền anh T. vay nợ của 4 người, thì ở giai đoạn sơ thẩm những người này không yêu cầu độc lập và cũng không kháng cáo. Thế nhưng bản án phúc thẩm lại sửa án sơ thẩm, buộc chị Th. phải thanh toán cho những người này hơn 2,2 tỉ đồng là vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm theo điều 292 bộ luật tố tụng Dân sự. Đây là những khoản nợ riêng của từng cá nhân, nhưng tòa phúc thẩm lại tuyên trả chung cho 4 người là không đúng.
Đối với khoản tiền mà người chồng vay của 2 người trong năm 2020, kháng nghị cũng chỉ ra nhiều cái sai như hai vợ chồng đã ly thân từ năm 2019. “Giấy vay tiền cũng không thể hiện mục đích vay, và người vợ cũng không thừa nhận có khoản vay này. Hồ sơ chưa thu thập chứng cứ để xác định người vợ có hay không có nghĩa vụ liên đới với khoản nợ này. Do đó, bản án sơ thẩm tuyên không có cơ sở”, kháng nghị phân tích.
Cũng theo kháng nghị, bản án phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của chị Th. về chia đôi thửa đất có diện tích hơn 5.800 m do không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa (3.000 m đất nông nghiệp và 100 m đất ở) là không đúng quy định tại quyết định số 12 năm 2023 của UBND tỉnh Bình Dương. Cụ thể, theo quyết định số 12, “đối với thửa đất có nhiều loại đất thì việc xem xét tách thửa chỉ áp dụng cho một loại đất nếu có đủ điều kiện…”.
Bên cạnh đó, kháng nghị cho rằng thửa đất hơn 9.000 m do anh T. đứng tên vẫn là tài sản chung của 2 vợ chồng được công chứng năm 2017. Do đó, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm xác định thửa đất này là tài sản riêng của người chồng, nên không chấp nhận chia tài sản là đánh giá không đúng chứng cứ.
Tuy nhiên, TAND cấp cao tại TP.HCM chỉ chấp nhận một phần kháng nghị về phần nợ chung vì tòa án cấp sơ thẩm đã không giải quyết triệt để vụ án. Bởi theo tòa này, lẽ ra cần lập biên bản làm rõ về các khoản nợ của từng người, mục đích vay để làm gì và hướng dẫn họ làm đơn yêu cầu độc lập…
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Th. nói vụ án đã kéo dài suốt 4 năm qua, khiến cuộc sống của chị bị ảnh hưởng rất nhiều. Chị phải mất rất nhiều thời gian đi lại để hầu tòa, nên sắp tới đây khi xét xử sơ thẩm trở lại, chị tha thiết mong tòa xem xét lại vụ án một cách thấu tình đạt lý nhất…
Lý do TAND Tối cao hủy một phần 2 bản án trong vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng
Trong vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng, TAND Tối cao đã hủy một phần của cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Liên quan đến vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng, mới đây, TAND Tối cao đã ban hành quyết định giám đốc thẩm, quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, hủy một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 205/2023 của TAND Cấp cao tại TP.HCM và giữ nguyên quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 155/2022 của TAND tỉnh Đồng Nai về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Lê Thị Anh Thư, Lê Thanh Tú, Nguyễn Thanh Tân và Phạm Thị Hương.
TAND Tối cao cũng quyết định hủy một phần Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM và một phần Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Trần Huy Lập, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thanh Bình, Lê Hùng Phong, Nguyễn Thị Như Mỹ và Nguyễn Thăng Long để xét xử sơ thẩm lại.
Theo quyết định giám đốc thẩm, các bị cáo Lập, Cúc, Bình, Phong, Mỹ, Long phạm tội buôn lậu thuộc trường hợp có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: VŨ HỘI
Mặc dù, các bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình có công với cách mạng..., nhưng các bị cáo Lập, Cúc, Phong và Mỹ chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.
Bị cáo Bình và Long có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự (tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án), không đủ điều kiện để áp dụng hình phạt tiền, nhưng tòa án cấp sơ thẩm vẫn áp dụng Điều 35 BLHS để xử phạt tiền đối với các bị cáo là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Mặt khác, các bị cáo đều là chủ doanh nghiệp, có vai trò chính trong việc thỏa thuận mua bán xăng nhập lậu nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính; trong khi đó, các bị cáo giúp sức cho các bị cáo này thì lại áp dụng hình phạt tù là chưa đảm bảo nguyên tắc phân hóa, phân loại khi xử lý tội phạm có đồng phạm và không công bằng đối với các bị cáo khác thuộc nhóm giúp sức trong cùng vụ án.
Do đó, cần hủy một phần bản án để xét xử sơ thẩm lại theo hướng không áp dụng hình phạt chính là phạt phạt tiền đối với các bị cáo này.
Đối với bốn bị cáo: Thư, Tú, Tân, Hương thì tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Lê Thị Anh Thư 4 năm tù, Lê Thanh Tú 5 năm tù, Nguyễn Thanh Tân 6 năm tù và Phạm Thị Hương 3 năm tù đã là nhẹ và dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm chuyển hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bốn bị cáo phạm tội thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Mặt khác, các bị cáo đều là chủ doanh nghiệp, biết nguồn gốc là xăng nhập lậu nhưng vẫn bàn bạc, hứa hẹn việc mua bán xăng nhập lậu, phạm tội trong một thời gian dài, có tổ chức, thu lợi bất chính lớn nên việc áp dụng hình phạt chính là phạt tiền là quá nhẹ, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo này.
Xử sơ thẩm vào đầu tháng 12-2022, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả.
Cụ thể, tòa tuyên bị cáo Đào Ngọc Viễn (giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) 17 năm tù, Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) 16 năm tù cùng về tội buôn lậu. Đây là hai "ông trùm" góp vốn mua tàu sang Singapore lấy xăng lậu về Việt Nam tiêu thụ.
Xử phúc thẩm vào tháng 4-2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên tuyên bị cáo Viễn 15 năm tù (được giảm 2 năm so với án sơ thẩm- PV), Hữu 13 năm sáu tháng tù.
Xét xử phúc thẩm vụ 70 giang hồ bảo kê đất ở Phú Quốc: 1 án tử hình, 2 án chung thân Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm vụ án "Giết người" của nhóm 70 đối tượng tranh giành bảo kê đất ở Phú Quốc khiến 2 người chết 6 người bị thương, sáng 7/6, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa cấp cao tại TP HCM đã tuyên án với các bị cáo. Theo đó, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo xin giảm...