Khó tin người đàn ông 6 vợ ở miền Tây Nghệ An
Có thời điểm ông Tiến chung sống một nhà cùng lúc với 6 bà vợ nhưng không có mâu thuẫn gì xảy ra. Dân bản ai cũng ngạc nhiên trước độ “đào hoa” của ông.
Chân dung người đàn ông đa tình nhất xứ Nghệ – Nguyễn Văn Tiến
Trong chuyến công tác tận nơi sơn cùng thủy tận của miền Tây xứ Nghệ, tôi được người dân nói về ông – người đàn ông đa tình nhất vùng này, có đến 6 bà vợ và bà nào cũng đều được ông cưới hỏi đúng phong tục và linh đình khắp bản. Ông là Nguyễn Văn Tiến (SN 1958), người bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Vượt qua chặng đường dài, chúng tôi có mặt tại bản Cam, xã Cam Lâm. Khi biết có khách, ông Tiến vui vẻ vừa rót nước mời khách vừa hào hứng bắt chuyện. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về “kỳ tích” nhiều vợ nhất bản của mình, ông Tiến cưới lớn cho biết: “Tôi cũng không biết nữa, nhưng các bà ấy thương mình thì mình thương lại thôi”.
Rồi cảm xúc ngày xưa ùa về, đôi mắt nhìn xa xăm, ông Tiến hồi tưởng về cuộc đời của mình. Sinh ra trong gia đình nghèo khó lại đông con, năm vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tiến đã một thân một mình lặn lội lên vùng Tương Dương để làm ăn.
Chính tại mảnh đất này, ông Tiến đã gặp cô thôn nữ Lý Thị Hoan (SN 1961), người xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Đồng cảnh ngộ là người tha phương làm ăn, bằng những cử chỉ giúp đỡ nhau, dần dần hai người nảy sinh tình cảm. Đến năm 1977, ông Tiến cưới bà Hoan trong niềm vui hân hoan, tràn ngập lời chúc mừng hạnh phúc của mọi người.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ chọn bản Cam, thuộc xã Cam Lâm, huyện Con Cuông là nơi dừng chân. Hạnh phúc càng được nhen lên khi hai đứa con lần lượt ra đời.
Thế rồi, bỗng dưng một ngày vào năm 1982, ông Tiến tuyên bố lấy thêm vợ hai. Cả làng xôn xao, bà Hoan và các con ngạc nhiên, phản đối nhưng thuyết phục mãi không được rồi bà cũng đành chấp nhận lo chạy vạy để tổ chức đám cưới cho chồng. Người vợ lần này là Lô Thị Xuyên (SN 1960) trú tại xã Nga My, huyện Tương Dương.
Cuộc sống gia đình ông Tiến đổi thay từ đó, mới đầu về còn nhiều khúc mắc nhưng rồi dần dần ngôi nhà có hai người vợ ấy vẫn đầm ấm. Bà con trong bản hết sức ngạc nhiên. Hàng ngày, ông Tiến vẫn cùng hai bà vợ lên rẫy hay đi làm các công việc đồng áng khác.
Sau khi chung sống với nhau được một thời gian, ông Tiến lại đùng đùng dẫn bà Lô Thị Phương (SN 1963) trú tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương về làm vợ. Vậy là một đám cưới lại được tổ chức, ông Tiến vẫn cùng chung sống với ba bà vợ và vẫn không xảy ra mâu thuẫn gì.
Video đang HOT
Bà Lô Thị Hoa, một người dân trong bản cho biết: “Không rõ ông Tiến có bí quyết gì không mà lúc nào cũng thấy gia đình ông ấy sống vui vẻ quây quần bên nhau. Những đứa con chung của ông Tiến với các bà đều được bốn bà chăm sóc chu đáo lắm. Chúng tôi cũng chưa bao giờ nghe các bà to tiếng với nhau”.
Bức ảnh ông Tiến chụp cùng hai bà vợ là bà Khuê và bà Hoa. Hiện hai người này đang sống với ông, còn những bà vợ khác do đã “hết duyên” nên đã không còn chung sống nữa.
Mọi việc chưa dừng lại đó, cuộc sống của người đàn ông đào hoa Nguyễn Văn Tiến lại “kết nạp” thêm bà Vi Thị Khuê (SN 1962). Đến lúc này, người làng đã trở nên quen với việc ông Tiến có nhiều vợ đến vậy. Có thời điểm, trong nhà ông Tiến, cả 4 bà vợ cùng nhau chung sống.
Sau bà Khuê là bà Nguyễn Thị Hoa, một người bạn làm ăn, lại kết duyên cùng ông Tiến. Vậy là ông có đến 5 bà vợ, một “kỳ tích” chưa từng có tại bản Cam xa xôi này. Nói về các bà vợ của mình khi ông cưới thêm vợ, ông Tiến bật mí: “Tôi lần lượt rước các bà về nhà vậy nhưng các vợ cũ của tôi chẳng ai phản ứng gì. Ai cũng đồng tình se duyên cho tôi với người mới cả”.
Và năm 2005, ông Tiến lại rước bà Nguyễn Thị Thẩm (SN 1959), ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương về làm vợ. Nhắc đến bà Thẩm ông Tiến trải lòng: “Thực chất bà Thẩm là mối tình đầu của tôi, lúc còn trẻ, do gia đình ngăn cản nên chúng tôi không đến được với nhau và bà ấy đi lấy chồng khác. Sau khi chồng bà ấy mất, tôi tình cờ gặp lại bà ấy và chúng tôi quyết định hàn gắn lại “mối tình” xưa”.
Bí quyết giữ lửa khi chung sống cùng 6 bà vợ
Dù mới 54 tuổi nhưng đã có đến 6 bà vợ, để lý giải “kỳ tích” này, ông Tiến nói đùa với chúng tôi: “Kể ra số đào hoa cũng khổ lắm chứ, chắc tại kiếp trước tôi không lấy được vợ nên kiếp này tôi lấy bù”.
Theo tục của làng thì mỗi khi cưới vợ, đều phải có đầy đủ lễ vật, vì lẽ đó, lấy được một người vợ đã là khó khăn đằng này ông Tiến lấy những 6 người. Cứ mỗi người vợ, ông Tiến lại chuẩn bị lễ vật là 2 đến 3 chỉ vàng và những thứ cần thiết trong lễ ăn hỏi. “Tôi mà không lấy vợ thì chắc tôi cũng có được kha khá vàng rồi đó”, ông Tiến khôi hài chia sẻ.
Một điều đáng khâm phục là có khoảng thời gian ông Tiến sống cùng lúc với 6 bà vợ nhưng mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Còn khi chia tay theo ông lý giải thì đó là do hết duyên chứ không phải là mâu thuẫn gì cả. Thực tế thì khi không còn ở với nhau, ông Tiến thỉnh thoảng vẫn đến thăm những người vợ của mình.
Bà Thẩm là người yêu cũ và cũng là người vợ thứ 6 đã chia tay của ông Tiến vui vẻ cho hay: “Có duyên thì đến với nhau vậy thôi, đến khi hết duyên rồi thì chúng tôi đều vui vẻ đường ai nấy đi cả. Sau khi sống cùng ông ấy được 4 năm, chúng tôi mới chia tay, tôi lại về sống cùng con cái của chồng cũ và thỉnh thoảng ông ấy có lên thăm tôi”.
Bà Vi Thị Khuê, người vợ thứ 3 của ông Nguyễn Văn Tiến.
Nói về “bí quyết” để có thể chung sống hòa thuận với các bà, ông Tiến cười cho biết: “Cũng không có chi cả, bình thường tôi sống công bằng, không thiên vị bà nào là được. Còn về chuyện vợ chồng, tối nay ngủ với bà này thì tối mai ngủ với bà khác!”.
Mặc dù lấy 6 bà vợ nhưng ông Tiến chỉ có 5 người con, 4 người ông cưới về chỉ để chung sống vui vẻ, theo kiểu “có duyên thì lấy” chứ không sinh nở gì cả, chỉ có hai người vợ có con. Hiện, chỉ còn hai bà Vi Thị Khuê và bà Lữ Thị Hoa sống cùng ông Tiến. Các bà còn lại đều đã “hết duyên” nên không còn ở chung một mái nhà.
Anh Nguyễn Văn Hà (SN 1978), con trai đầu của ông Tiến chia sẻ: “Thấy bố cứ lần lượt lấy vợ này đến vợ khác, ban đầu chúng tôi cũng thương mẹ của mình lắm, nhưng ý bố đã quyết vậy rồi, mà mẹ cũng không phản đối nên chúng tôi đều chấp nhận cả”.
Người dân trong bản Cam đã ngạc nhiên khi thấy ông Tiến vẫn chung sống bình thường với 6 bà vợ, nhưng càng ngạc nhiên, khâm phục hơn khi cả 6 bà vợ về chung sống với ông Tiến đều đúng theo phong tục với lễ cưới được tổ chức linh đình và mời hết bà con lối xóm đến chia vui.
Căn nhà này có thời điểm có 6 bà vợ chung sống hòa thuận với nhau bên một ông chồng.
Anh Lô Văn Mão (45 tuổi) một người dân trong bản cho biết: “Cưới bà nào, ông ấy cũng tổ chức linh đình và mời khách khứa. Khi đám cưới được tổ chức thì các bà vợ khác và các con đều vui vẻ chạy đi, chạy lại lo lắng công việc cho chu toàn nên cả 6 bà vợ về nhà ông Tiến đều danh chính ngôn thuận hết”.
Đúng hôm chúng tôi đến, bà Hoa đã vào rừng hái măng cùng con dâu, bà Khuê cũng đi lấy củi. Khi chúng tôi chuẩn bị ra về cũng là lúc bà Khuê gùi trên lưng bó củi to về tới nhà, ông Tiến vội kéo bà Khuê lại giới thiệu. Nói đến “kỷ lục” lấy vợ của chồng, bà Khuê cười: “Cũng không có gì, ông ấy yêu thì để ông ấy lấy vậy thôi, mà về chung sống một nhà chúng tôi việc ai người nấy làm nên cũng không xảy ra mâu thuẫn gì cả”.
Già làng Vi Văn Kim của bản Cam cho biết: “Việc ông Tiến lấy nhiều vợ chúng tôi cũng nhắc nhở nhiều lần nhưng đâu lại vào đó. Mỗi lần nhắc nhở, ông ấy lại giải thích “người ta thương ông ấy thì ông ấy thương lại thôi” nên tình hình cũng không khá hơn”.
Theo xahoi
Trai nghiện người Mông và tục ăn bám vợ
Với người Mông, xa vợ con, gia đình đi cai nghiện tự nguyện hay bắt buộc đều là điều không thể. Họ có thể xa gia đình thật lâu nhưng đó là thời gian đi chơi, đi tìm bạn tình, đi bắt vợ...
Bản cách trung tâm huyện Trạm Tấu xa nhất là 120km. Để đến được đó "bắt" con nghiện về cai nghiện tập trung là cả một hành trình gian truân như truy bắt tội phạm của người chiến sỹ công an và sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, chính quyền địa phương.
Ở Trạm Tấu có 2 loại đối tượng nghiện là nghiện truyền thống - chuyên hút thuốc phiện và nghiện hiện đại - dùng heroin hay ma túy tổng hợp ngay từ đầu tiên. Điều đáng buồn là những người nghiện truyền thống đã chuyển sang nghiện hiện đại rất nhanh, như một cái chớp mắt để rồi họ cũng học được đầy những mánh khóe của cái gọi là hiện đại ấy.
Sợ đi cai nghiện hơn sợ... tang thương
Bị "bắt" về trụ sở công an huyện, đang ngồi chờ đến lượt làm thủ tục để đi cai nghiện bắt buộc, Giàng A Chu (SN 1966, thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu), người dân tộc Mông, thuộc diện hộ nghèo lâu năm nhưng có thâm niên nghiện từ truyền thống đến hiện đại đã được gần 10 năm. A Chu có đôi mắt và đôi môi đen đến mức không thể đen hơn.
Tâm sự vì sao sợ đi cai nghiện, A Chu bộc bạch: "Cán bộ à, trai Mông không quen xa vợ, xa gia đình lâu bao giờ. Ở nhà còn được vợ, con lo cho ăn, thuốc cho hút. Đi cai nghiện, phải làm việc, sợ lắm".
Hờ A Dình (SN 1977, ở thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ), con nghiện thuộc diện hộ nghèo, cho biết: "Không muốn đi cai nghiện, vì đến đó, cán bộ bắt làm việc. Ở nhà, việc gì cũng do vợ làm hết mà. Làm việc nặng, không chịu được đâu. Sợ đi cai nghiện lắm, sợ hơn bố, mẹ và vợ con chết...".
Nghe mà thấy xót xa cho thân phận người phụ nữ Mông. Và lúc này, tôi nhớ câu chuyện của giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái. Trong một lần trao đổi về kế hoạch xoá đói, giảm nghèo của địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vị giám đốc này đã thốt thoảng nói: "Đầu tư đến mấy cũng vậy thôi. Đàn ông Mông lười lắm. Lúc chưa lập gia đình còn chịu làm việc. Lập gia đình rồi, vợ là trụ cột và công việc chính của người đàn ông là nhàn rỗi. Thích thì họ giúp vợ trông con, lên nương, làm rẫy, không thì chơi, uống rượu, hút thuốc phiện. Đàn bà Mông chịu khó, thương chồng lắm, thương đến mê muội, rất đáng trách nhưng không thể thay đổi được suy nghĩ, tập tục của họ".
Các con nghiện đang ngồi chờ làm thủ tục đi cai nghiện bắt buộc
"Lập trận đồ bát quái" để "bắt" nghiện
Theo kế hoạch, 1 năm huyện Trạm Tấu thực hiện rà soát và lên danh sách đi cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng nghiện 2 lần. Thế nhưng, tất cả đều phải phụ thuộc vào sự phối hợp giữa công an và chính quyền. "Chiến dịch" "bắt" con nghiện đi cai nghiện tập trung được thực hiện bất kỳ lúc nào trong năm. Bởi nó không đơn giản là đưa giấy đến chính quyền, triệu tập là con nghiện phải tự trình diện mà phải "bày binh, bố trận" để "bắt" con nghiện, đưa lên xe thùng, chạy thẳng một mạch về trụ sở công an huyện.
Thượng úy Đức Việt kể: "Hôm trước, huyện tổ chức đi Phình Hồ "bắt" nghiện, anh em phải lên được từ sáng, sau đó vào xã và ở đó nghe ngóng, chơi như bình thường. Đêm, từ 23h trở đi mới bắt đầu vào bản để "bắt" nghiện. Nhà của người Mông thường ở sườn núi, ngay cạnh rừng rậm nhất khu vực. Khi con nghiện biết, chúng chạy vào rừng thì rất khó "bắt" lại. Người Mông có đặc điểm là thông thạo đường rừng núi và địa hình nơi họ sinh sống. Đã thế, họ đi bộ, chạy rất nhanh, có thể đó là phương tiện di chuyển duy nhất của họ ở nơi mà suốt ngày chỉ có đi bộ và lội suối, băng rừng".
Với người Mông, vợ con, cha mẹ là những người được tuyệt đối tin tưởng, không bao giờ thay lòng đổi dạ, phải yêu thương chồng và cha suốt đời. Chính vì thế, nếu người vợ nào biết chồng mình sắp bị "bắt" đi cai nghiện mà không "đánh động" để cho chồng bỏ trốn là có tội với chồng, với gia tộc, bị bản làng khinh bỉ. Vì thế, việc tác động với vợ, cha mẹ để cho chồng, con đi cai nghiện - dù là cai nghiện bắt buộc - cũng là không thể.
Đại tá Thẩm Hữu Tiến - trưởng công an huyện Trạm Tấu cho biết: "Công an huyện là lực lượng nòng cốt giúp chính quyền địa phương "bắt" đối tượng nghiện đi cai bắt buộc. Nếu không có lực lượng công an, chắc chắn con nghiện trốn hết. Vì đặc thù của vùng đồng bào dân tộc Mông là như vậy. Họ coi nghiện là bình thường, không phải xấu, cai hay không cai chẳng cần thiết. Cuộc sống của họ dựa vào tự nhiên nên đời sống hàng ngày cũng tự nhiên như cây cỏ mọc trong rừng. Với đối tượng nghiện người dân tộc Mông, công an phải có phương án mới "bắt" được họ đi cai nghiện. Nhiều chiến sỹ phải cải trang về bản với thân phận là công an điều tra vụ án hoặc là người buôn bán gì đó thì mới xâm nhập được vào gia đình để "bắt" nghiện đi trong đêm tối. Trưởng bản cũng giúp công an rất nhiều khi là người "xi nhan" giờ giấc, thời gian chính xác con nghiện có ở nhà để công an đến "bắt". Sau đó, công an cũng phải giữ bí mật cho vị trưởng bản này, nếu không, ông trưởng bản cũng bị ghét lây, bị tẩy chay".
Cũng theo đại tá Tiến thì, "bắt" được 1 con nghiện về huyện để đi cai nghiện tập trung là rất khó khăn. Lực lượng công an phải "dò" địa hình gia đình đó trước, chốt chặt các lối thoát trong nhà ra ngoài để con nghiện không có cơ hội chạy ra ngoài rồi lẩn nhanh vào rừng, mất hút. Có những con nghiện, khi lực lượng công an đã nắm chặt được tay, kéo đi ra xe thùng, lợi dụng đêm tối, con nghiện cắn vào tay chiến sỹ công an để mong tẩu thoát.
Đãi khách bằng thuốc phiện
Bà Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: Trước đây, người nghiện già trong bản đã từng tự nguyện đi cai nghiện thuốc phiện. Họ cai thành công, vì thuốc phiện nó không bắt người nghiện lệ thuộc quá nhiều và nó không có hóa chất nên sự tác động lên hệ thần kinh chưa lớn. Bây giờ, phần lớn con nghiện truyền thống, không có thuốc phiện, chuyển sang dùng heroin cùng con nghiện hiện đại nên cai nghiện cực kỳ khó khăn.
Ngoài ra, tập tục của người Mông cũng gây khó khăn cho công tác cai nghiện. Đó là, người Mông không coi con nghiện ma túy là xấu và cho đó là chuyện hết sức bình thường. Tập tục của người Mông trước đây về thuốc phiện là nhà giàu có trong bản mới dùng thuốc phiện để đãi khách. Họ mời nhau hút một bi như kiểu người miền xuôi mời nhau ở lại gia đình dùng bữa cơm thịnh soạn ấy.
Theo 24h
Gia Lai: 4 trẻ sinh non chết trong 1 tuần Trong những ngày qua, người dân làng Đê Goh (có 100 hộ dân) thuộc xã Đăk Sơ Mei, huyện Đăk Đoa, Gia Lai hết sức hoang mang, lo lắng về chuyện 4 đứa trẻ sơ sinh trong làng tử vong chỉ trong một tuần. Sự việc bắt đầu từ ngày 21/9, khi người dân làng Đê Goh ngỡ ngàng thấy một chiếc xe...