Khó tin: Cấp cây sa nhân giống cho hộ nghèo với giá cao gấp 5 lần
Năm 2017, huyện Mường Nhé (Điện Biên) trồng thử nghiệm 50ha cây sa nhân tím tại 4 xã: Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng. Dự án do các xã làm chủ đầu tư. Điều đáng nói là cây sa nhân giống cấp cho người dân có giá “trên trời”, cao gấp 5 lần so với bán tại các trại cây giống.
Cấp giá trên trời, Phòng NN&PTNT không hay biết?
Thực hiện dự án, 4 xã Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng của huyện Mường Nhé tiến hành trồng thử nghiệm 50ha cây sa nhân tím vào trung tuần tháng 9.2017. Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, giá cây giống mà các đơn vị cung ứng cấp cho người dân lên đến 15.000 đồng/cây, cao gấp 5 lần so với giá bán tại các trại giống.
Mỗi xã được cấp 640 triệu đồng để hỗ trợ người dân mua cây sa nhân giống từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Cây sa nhân tím được cấp cho người dân tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Ảnh: V.D
Làm việc với phóng viên Dân Việt, ông Trần Trung Kiên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé khẳng định: Việc thẩm định giá cây sa nhân giống, huyện không làm vì trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có đơn vị nào sản xuất loại cây này. Việc thẩm định giá do Công ty Cổ phần dịch vụ Thẩm định giá Việt Nam, có địa chỉ ở Hà Nội thẩm định. Do các xã làm chủ đầu tư, nên việc cung ứng, thẩm định giá đều do các xã làm, Phòng Nông nghiệp chỉ là cơ quan chuyên môn, vì vậy việc cấp cây cho người dân với giá cao hay thấp, đơn vị không nắm được.
Trên thực tế, người dân các xã được hưởng dự án cũng không biết chính xác giá của cây sa nhân là bao nhiêu. Người dân chỉ được thông báo đi nhận cây giống về trồng. Chị Sùng Sé Pa, bản Sín Thầu, xã Sín Thầu cho biết: “Giữa tháng 9, tôi được xã thông báo đến nhận cây sa nhân về trồng. Nhà tôi được cấp hơn 1.000 cây nhưng giá 1 cây bao nhiêu tiền tôi không được biết. Hôm nay nghe cán bộ nói giá 15.000 đồng/cây thì cao quá”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu khẳng định: “Năm 2017, xã Sín Thầu tiến hành trồng 29ha cây sa nhân tím. Thời điểm cấp cây giống xã thống nhất với đơn vị cung ứng là 15.000 đồng/cây, tuy nhiên xã chưa ký hợp đồng với đơn vị cung ứng. Lý do chưa ký hợp đồng là do ngày 26.10.2017, Hội đồng Thẩm định giá của huyện Mường Nhé mới có thông báo kết luận thẩm định giá, vì thế chúng tôi đang thương thảo lại hợp đồng với nhà cung ứng”.
Gia đình chị Sùng Sé Pa được cấp hơn 1.000 cây sa nhân nhưng mấy tháng qua, chính chị cũng chưa được biết giá mỗi cây là bao nhiêu tiền. Ảnh: Vinh Duy
Về việc giá cây sa nhân tím cao so với giá thực tế, lãnh đạo các xã đều khẳng định do trên địa bàn không có đơn vị làm giống cây này nên không biết giá. Giá đều do Công ty Cổ phần dịch vụ Thẩm định giá Việt Nam thẩm định và cung cấp bằng Chứng thư thẩm định giá cho các xã. Dựa trên Chứng thư thẩm định giá này mà các xã tiến hành lựa chọn nhà cung ứng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, tại Trung tâm Giống cây trồng vườn ươm Bắc Bộ tại Tam Đảo, có bán cây giống sa nhân tím với tiêu chuẩn cây trong bầu, cao trên 20cm, giá bán 2.600 đồng/cây. Đại diện Trung tâm cũng khẳng định sẽ cung cấp cây giống đến tận địa phương và bảo hành cây giống theo đúng quy định của hợp đồng kinh tế đã được 2 bên ký kết.
Video đang HOT
Cấp vội vã cây giống vào mùa khô
Điều ngạc nhiên là việc cung ứng cây giống cho các xã được thực hiện dồn dập vào đầu mùa khô. Lý giải việc này, ông Trịnh Duy Đáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn cho biết, vì huyện mới có chủ trương trồng thử nghiệm cây sa nhân tím, nếu các xã trong dự án không triển khai thì sẽ hết năm, nguồn vốn sẽ bị cắt.
Ông Đáp còn lý giải năm nay mưa kéo dài nên việc trồng vào giữa tháng 9 không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Tuy nhiên chính vì việc trồng vào đầu mùa khô mà qua kiểm tra tại xã Leng Su Sìn, chỉ có khoảng 40 – 45% số cây sống.
Do cấp giống vào đầu mùa khô, vì thế tỷ lệ cây sống tại xã Leng Su Sìn rất thấp, chỉ đạt 40 – 45%.
Ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cũng khẳng định việc cấp cây giống vào tháng 9 là không đúng theo quy trình trồng cây lâm nghiệp. Nhưng do chủ trương của huyện quá gấp, nếu không triển khai thì nguồn vốn sẽ bị cắt, người dân sẽ chịu thiệt.
“Để khắc phục nhược điểm trồng vào đầu mùa khô, chúng tôi đã yêu cầu các hộ phải trồng dưới tán rừng để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Năm nay mùa mưa cũng kéo dài sang đến tháng 11, qua kiểm tra, tỷ lệ cây sống của xã Sín Thầu đạt trên 80%” – ông Phan cho hay.
Dân Việt sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Theo Danviet
Trồng cam Vinh trên đất đỏ Phủ Quỳ, nhiều hộ thu nhập tiền tỷ
Trồng cam được xem là nghề làm giàu trên vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ và quanh các vùng đất có núi đá vôi ở một số địa phương khác trong tỉnh Nghệ An. Nhờ cây cam mà nhiều gia đình có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, thậm chí hơn tỉ đồng.
Đây chính là tiền đề quan trọng để UBND tỉnh Nghệ An xây dựng đề án "Phát triển cây cam xứ Nghệ với thương hiệu cam Vinh thành sản phẩm hàng hóa lớn", quy mô lên đến 8.000 ha, sản lượng 160.000 tấn vào năm 2020 và 10.000 ha, sản lượng 200.000 tấn vào năm 2025.
Giống cam đặc sản của xứ Nghệ hiện có giá bán trung bình từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Ảnh minh họa
Thực trạng cây cam Vinh
Thương hiệu cam Vinh được bắt nguồn từ giống cam đặc sản Xã Đoài. Cam Xã Đoài có nguồn gốc từ thời xa xưa do một linh mục người Pháp sang Việt Nam truyền đạo có mang theo một giống cam rất quý đến trồng ở đây. Cam Xã Đoài hay còn gọi là cam Vinh có hương vị rất đặc biệt, ăn thơm ngon, ngọt lịm. Những ai dù chỉ một lần ăn quả cam Vinh đều cảm thấy khó quên được hương vị đặc biệt của giống cam này.
Cam Vinh ra hoa vào tiết lập xuân, chín rộ vào giáp Tết Nguyên đán. Giống cam này càng có giá khi người dân khắp nơi tìm đến mua về để thờ cúng, tặng bạn bè gần xa dịp Tết.
Hiện tại cam Xã Đoài đã có mặt ở nhiều vùng trong cả nước. Riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có những vùng cam ngon nổi tiếng như: Cam Sơn Tây (Hương Sơn - Hà Tĩnh); cam Bãi Phủ (Con Cuông); cam Minh Thành, Thịnh Thành, Đồng Thành (Yên Thành); cam Xuân Thành, 3/2 (Quỳ Hợp)... Tất cả những vùng cam này đều trồng bằng cây giống được ghép mắt ghép giống cam Xã Đoài, trồng trên đất có tầng canh tác dày chung quanh các núi đá vôi. Cam ở những nơi này ăn thơm ngon nổi tiếng và bao giờ cũng được bán với giá cao.
Cam đặc sản Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Tại Nghệ An, diện tích cam toàn tỉnh đã có 5.096 ha, trong đó có hơn 2.500 ha cam kinh doanh. Trong số diện tích cam nói trên có 75 - 80% là cam trồng bằng mắt ghép giống cam Xã Đoài, số còn lại là giống cam V2 và một số ít giống cam Vân Du. Riêng giống cam V2 (Valenxia) có các đặc trưng về thân, cành, lá, hình dạng quả, màu sắc quả, màu sắc thịt quả, thời gian ra hoa, thời gian quả chín và chất lượng - hương vị quả cam gần giống cam Xã Đoài.
Huyện có diện tích cam nhiều nhất tỉnh là Quỳ Hợp với 2.787 ha, sau đó là các huyện: Thanh Chương 331 ha, Nghĩa Đàn 436 ha, Yên Thành 308 ha, Con Cuông 306 ha, Anh Sơn 115 ha, Tân Kỳ 141 ha... Tại Quỳ Hợp, xã Minh Hợp có đến 1.945 ha, xã Văn Lợi 378 ha, xã Nghĩa Xuân 220 ha, xã Châu Đình 118 ha, xã Hạ Sơn 123 ha. Ngoài ra ở Công ty nông nghiệp Xuân Thành có 800 ha, Công ty nông nghiệp 3/2 có 1.116 ha.
Vụ cam năm nay thời tiết không mấy thuận lợi, từ đầu tháng 10 lại nay mưa nhiều nên có một số vườn quả bị rụng ảnh hưởng đến năng suất. Toàn tỉnh có khoảng 2.500 ha cam cho thu hoạch quả, dự kiến năng suất bình quân 16 tấn/ha, sản lượng 40.000 tấn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngân ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp có 3 ha cam, sẽ thu hoạch được 55 tấn quả, bán với giá thị trường tại gốc hiện nay 35.000 đ/kg, nhà chị sẽ thu về gần 2 tỉ đồng, bình quân 1 ha cho thu hoạch 641 triệu đồng. Tại Công ty nông nghiệp Xuân Thành, theo ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty: Trong số 820 ha, có 490 ha cam kinh doanh, năng suất đạt bình quân 19 tấn quả/ha, sản lượng 9.310 tấn. Nếu bán với giá thấp nhất 35.000 đồng/kg sẽ cho thu không dưới 325 tỉ đồng.
Ở Công ty nông nghiệp Xuân Thành có nhiều gia đình thu hoạch tiền bán cam mỗi năm trên 1 tỉ đồng như gia đình ông Phạm Tư Hảo, ông Văn Đức Lưu, ông Phạm Đình Phùng, ông Hồ Trọng Dương, bà Nguyễn Thị Kim Ngân...
Trồng cam để có thu nhập cao không khó, nhưng cũng không dễ. Ông Trương Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng, một trong 6 xã có diện tích trồng cam nhiều nhất huyện Quỳ Hợp cho biết: Cam là cây làm giàu và nó cũng là cây "nhà giàu". Vì vậy muốn làm giàu thì phải đầu tư vốn vào cải tạo đất, trồng cây giống tốt, thâm canh cao và phải thực hiện đúng quy trình chăm sóc, phòng chống sâu bệnh kịp thời.
Triển vọng và giải pháp
Qua điều tra, theo dõi, tổng kết, kết hợp lấy ý kiến của cả người trồng cam và người tiêu dùng cam, cho thấy: Chỉ nên dùng giống cam Xã Đoài được chọn lọc để trồng và phải được trồng ở những vùng đất có tầng canh tác dày, tốt nhất nên trồng những vùng đất gần các núi đá vôi, chất lượng cam sẽ rất ngon.
Với những loại đất nói trên, Nghệ An đang có 13.440 ha đất đỏ bazan ở vùng Phủ Quỳ kéo dài từ huyện Tân Kỳ qua Nghĩa Đàn lên Quỳ Hợp. Bên cạnh vùng đất này là một dãy núi đá vôi khổng lồ làm cho vùng đất này giàu hàm lượng can xi, phốt pho ríc. Cả 2 nguyên tố này càng làm cho quả cam thêm ngọt.
Ngoài đất đỏ bazan ở vùng Phủ Quỳ ra, Nghệ An có hàng ngàn hecta đất đồi vệ có tầng canh tác dày bên cạnh các núi đá vôi ở các huyện: Yên Thành, Tân Kỳ, Con Cuông, Anh Sơn... và chính những nơi này đã hình thành nhiều vườn cam, trang trại cam có quy mô hàng chục hecta, cho thu hoạch hàng trăm, hàng ngàn tấn quả mỗi năm như trang trại cam Đồng Thành (Yên Thành), Yên Khê (Con Cuông), Nghi Diên (Nghi Lộc)...
Cần nhanh chóng phục tráng lại giống cam, làm cho giống trẻ hóa lại từ đầu để kéo dài thời gian sinh trưởng, phát triển nối tiếp từ chu kỳ này qua chu kỳ khác.
Thời gian nghiên cứu, phục tráng để chọn tạo lại giống cam không phải một năm, hai năm, ba năm mà ít nhất cũng phải từ 7 - 10 năm và phải đầu tư cả hàng tỉ đồng tùy theo quy mô phục tráng, chọn tạo.
Chăm sóc vườn cam tại trang trại Kỳ Yến, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An). Ảnh: I.T
Phương pháp để phục tráng, chọn tạo lại giống cam Xã Đoài, giống cam tốt nhất hiện nay nên tiến hành đồng thời cả 2 phương pháp sau đây:
Phương pháp trước mắt: Chọn cây khỏe, cây sinh trưởng phát triển tốt, cây không hoặc rất ít sâu bệnh, cây sai quả, quả to, quả ngọt, quả hình trụ, thịt có màu vàng óng tựa màu mật ong, có mùi thơm đặc trưng. Về bản chất cây được chọn có các đặc trưng, đặc tính hoàn toàn giống cây cam Xã Đoài chính thống ngày xưa. Từ những cây được chọn nói trên, chọn những cành phía dưới gốc để chiết cành nhân giống vô tính đem đi trồng sau 1 - 2 năm cho quả.
Nhược điểm của phương pháp này là thời gian cho quả không kéo dài như cây giống gốc ban đầu. Cũng từ những cây được chọn lọc ra ban đầu và cây chiết cành nhân giống, chọn những cành bánh tẻ từ giữa thân cây cam trở lên cắt lấy mắt ghép để ghép lên gốc cây trấp, cây bưởi vẫn cho quả nhiều, quả to, dáng cây khỏe, thời gian cho quả kéo dài. Cách làm này khá phổ biến nhất hiện nay ở tất cả các vùng trồng cam cả nước.
Phương pháp lâu dài: Từ những cây được chọn lọc ra nói trên, lại tiếp tục chọn lọc lại nhiều lần trong nhiều năm có so sánh với những cây không được chọn lọc làm đối chứng. Chọn và chỉ giữ lại những cây cam nào thật sự thỏa mãn các tiêu chí: cây khỏe, cây có hình dáng phát triển cân đối, cành lá sum suê, quả nhiều, quả to, quả có hình trụ, vỏ quả không mỏng quá và cũng không dày quá, quả mọng nước, màu sắc thịt quả vàng óng, có rất ít hạt, ăn vào miệng ngọt lịm và có mùi thơm quyến rũ, ít hoặc không có sâu bệnh.
Từ cây cam được chọn lọc kỹ càng này, tạm gọi là cây đầu dòng, lấy hạt của cây cam này gieo lên để trồng. Trong số hàng chục cây được trồng, chọn lọc và loại thải dần những cây có hình dạng thân, lá, quả, màu sắc thịt quả, hương vị... không giống như cây đầu dòng thì loại ra, chỉ giữ lại những cây có đặc trưng, đặc tính giống hệt như cây đầu dòng để làm giống, nhân giống.
Hiện nay ở Nghệ An, Sở KH-CN cùng phối hợp với các Sở NN-PTNT và Sở Công thương tiến hành quản lý và giám sát một số mô hình đăng ký sản xuất cam theo quy trình VietGAP để đánh giá kết quả và cho dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam Vinh. Đây là một tín hiệu tốt để vừa bảo vệ nhà sản xuất, vừa làm cho người tiêu dùng an tâm sử dụng quả cam mang thương hiệu cam Vinh có gắn tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Theo Doãn Trí Tuệ (Nông nghiêp Viêt Nam)
Thầy trò chèo bè qua sông đi khai giảng 150 thầy trò chèo bè vượt sông để dự lễ khai giảng năm học mới tại trường Pá Mỳ (Mường Nhé, Điện Biên). Sáng nay 5/9, gần150 học sinh và thầy giáo tại các điểm trường cách xa trường trung tâm từ 20 đến 40 km đã đi bộ, chèo bè qua sông để kịp về dự lễ khai giảng năm học mới...