Khó tách bạch “doanh nhân Trump” với “Tổng thống Trump”
Có lẽ chẳng có cách nào tách “doanh nhân Trump” và “thương hiệu Trump” khỏi “Tổng thống Trump”, nhật báo Newsday đã nhận định như thế về các xung đột lợi íchkhi nhà tỉ phú New York vào Nhà Trắng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và các con, người sẽ thay ông điều hành việc kinh doanh – Ảnh: Reuters
Bài báo của Newsday ngày 19-11 cho rằng sẽ rất khó để Tổng thống đắc cử Donald Trump giải quyết rốt ráo các xung đột lợi ích đã và sẽ xuất hiện trong thời gian sắp tới.
“Việc nười Mỹ đã bầu một người ngoại đạo chính trị và một doanh nhân làm Tổng thống dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng đáng lo ngại, và một câu hỏi quan trọng: Ông Trump sẽ giải quyết các xung đột lợi ích có thể xảy ra giữa việc kinh doanh gia đình và việc điều hành đất nước thế nào đây” – báo Newsday của Mỹ viết.
Cử tri Mỹ đòi hỏi câu trả lời càng sớm càng tốt, trong khi tình hình hiện tại cho thấy bất lợi đang đứng về phía ông chủ Nhà Trắng tương lai.
Xung đột từ đâu?
Sản nghiệp của ông Trump lớn cỡ nào? Theo Newsday, tập đoàn Trump Organization của nhà tỉ phú có các mối quan hệ kinh doanh và tài chính có thể làm choáng ngộp bất kỳ ai: Trump Organization làm ăn khắp thế giới, nợ ngân hàng trăm triệu USD, ký hợp đồng, hợp tác và mua cổ phần với hơn 500 công ty và có phần hùn, hợp tác làm ăn với các công ty địa ốc từ châu Âu đến Trung Đông và châu Á.
Thậm chí Newsday còn nhấn mạnh rằng “đây chỉ là thứ mà chúng ta biết” – ngụ ý vẫn còn rất nhiều bí mật về chuyện kinh doanh mà Tổng thống đắc cử chưa, hoặc không muốn tiết lộ, ngay cả với quốc dân.
Ông Trump buộc phải kê khai tài chính khi tham gia tranh cử chức Tổng thống, nhưng những bản kê đó “chỉ có thông tin cơ bản”, và ông thậm chí từ chối công khai hồ sơ thuế liên bang.
Giờ đây khi đã là Tổng thống đắc cử, có lẽ đã đến lúc ông Trump phải công khai tất cả, kể cả việc ông “có quan hệ làm ăn với quốc gia, ngân hàng và lãnh đạo các chính phủ nước ngoài nào”, bài báo của Newsday kêu gọi.
Việc công khai này có ý nghĩa quan trọng bởi ông Trump càng minh bạch bao nhiêu thì người dân Mỹ càng dễ đánh giá tác động của việc ông điều hành đất nước lên sản nghiệp của gia tộc Trump.
Mọi thứ không dễ dàng gì cho nhà Tổng tống đắc cử và thậm chí gần như là “cuộc chơi mà ông Trump không thể thắng”.
“Kể cả khi mọi hành động của Tổng thống mới đều làm lợi cho quốc gia và nhất quán với các chính sách của người tiệm nhiệm, (ông Trump) vẫn sẽ bị chỉ trích” – báo Newsday nhận định.
Khách sạn của Trump Organization ở Las Vegas – Ảnh: Reuters
Xung đột lợi ích không chỉ xoay quanh công ty và tài sản của ông Trump, mà còn đến từ các con ông.
Video đang HOT
Ba người con lớn của ông Trump, Donald Jr., Eric và Ivanka đều nằm trong “bộ sậu” chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử, trong khi con rể Jared Kushner (chồng Ivanka) có thể là cố vấn cấp cao của ông Trump.
Ông Trump sẽ không trao các vị trí chính thức trog chính phủ cho con cái, và dự định sẽ chuyển giao việc kinh doanh cho các con, nhưng tờ Newsday cho rằng dù có thực sự như thế, vấn đề vẫn không được giải quyết.
Người dân Mỹ không phải chờ quá lâu để thấy các xung đột lợi ích xuất hiện từ đại gia đình của tổng thống đắc cử.
Mới đây, cô Ivanka đã tham gia phỏng vấn trong chương trình “60 Minutes” và thảo luận một số vấn đề như bình đẳng thu nhập và chăm sóc trẻ em khi đeo chuỗi hạt làm bằng vàng và kim cương trị giá 10.800 USD của công ty trang sức Ivanka Trump Fine Jewelry do cô làm chủ.
Ngay ngày hôm sau, công ty trang sức này đã dùng hình ảnh của cô trong chương trình “60 Minutes” để quảng cáo cho dòng sản phẩm này. Và dù chỉ là một doanh nhân, cô Ivanka đã được tham dự buổi gặp giữa cha cô và một nguyên thủ quốc gia, thủ tướng Nhật Shinzo Abe chỉ vài ngày sau đó.
Gần như không có giải pháp
Những nguy cơ xung đột lợi ích sẽ còn lớn hơn bởi bất kỳ chính sách nào của ông Trump về nhà cửa, quy định tài chính hay chính sách thuế như nới lỏng quy định ngành ngân hàng hoặc hạ thuế thu nhập doanh nghiệp, đều ảnh hưởng đến đế chế kinh doanh của ông.
Vẫn còn nhiều chuyện nhập nhằng khác. Ví dụ như chuyện ông Trump thuê đất của chính phủ để mở khách sạn ở Washington, và chuyện một khách sạn khác của ông ở Las Vegas đang dính vào một vụ kiện với Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, và ông sắp sửa được bầu làm thành viên của chính ủy ban này!
“Những sự việc trên cho thấy những vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xảy ra – tờ Newsday viết – Tổng thống đắc cử Trump và gia đình ông cần phải đi đầu trong việc tách bạch giữa chuyện làm ăn và chính trị, dù trực tiếp hay gián tiếp, nhưng đến giờ thì họ vẫn chưa làm thế”.
Tờ Newsday kết luận rằng gần như không có giải pháp dễ dàng nào để “tách Trump khỏi Trump”. Trao tài sản và quyền kinh doanh cho con cái vẫn không giải quyết được vấn đề, và chỉ có cách là bán toàn bộ cổ phần mới có thể giúp Tổng thống Trump tách khỏi doanh nhân Trump.
Nhưng, theo Newsday, dù kịch bản ít khả năng xảy ra này có là thực tế đi chăng nữa, vẫn phải mất rất nhiều năm để gỡ sạch mớ chỉ rối về tình trạng tài chính của ông Trump.
“Điều chắc chắn ngay lúc này là ông Trump phải tự cam kết sẽ ngăn không xảy ra bất kỳ xung đột lợi ích nào xảy ra, và cho tất cả chúng ta biết các cố vấn của ông đã có phương cách gì để đảm bảo ông luôn đứng ngoài các xung đột đó” – tờ Newsday kết luận.
Tòa tháp Trump Tower của ông Trump ở New York – Ảnh: Reuters
Các nguy cơ xung đột lợi ích của ông Trump
Theo Newsday, chuyện kinh doanh của ông Donald Trump ở nước ngoài có thể xung đột với lợi ích của chính phủ Mỹ. Dưới đây là vài ví dụ:
Tại Hàn Quốc: Ông Trump có hợp đồng với hãng Daewoo Engineering and Construction, gồm kế hoạch cho công ty này sử dụng tên Trump cho các dự án chung cư. Kể cả sau khi phá sản, Daewoo vẫn giữ quan hệ với Trump Organization.
Ở Ấn Độ: Trump Organization có vài giao dịch bất động sản để xây dựng nhà cao tầng ở Mumbai và Pune, song hồ sơ đất đai của các dự án này đang bị điều tra.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ: Ông Trump có một thỏa thuận đặt tên Trump cho hai tòa tháp ở Istanbul. Đối tác của ông bị cáo buộc hoạt động tội phạm và có mâu thuẫn với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, người từng đề nghị xóa tên Trump khỏi hai tòa tháp.
Tại Azerbaijan: Ông Trump kiếm hàng triệu USD từ hợp đồng với một khách sạn ở Baku, vốn đã xây xong nhưng không thể hoạt động sau khi nền kinh tế của nước này sụp đổ. Đối tác của ông là thành viên của một trong những gia đình giàu nhất Azerbaijan và có quan hệ với nhà cầm quyền, vốn bị các quan chức Mỹ chỉ trích là tham nhũng và vi phạm nhân quyền.
Với Trung Quốc: công ty Kushner Cos (do người con rể Jared Kushner điều hành) đang xây một tòa tháp ở New Jersey (Mỹ) và đã thu hàng chục triệu USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc thông qua chương trình visa EB-5 (cấp visa để đổi lấy đầu tư).
(Theo Tuổi Trẻ)
"Các doanh nghiệp đều nói xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa"
"Chúng tôi làm việc nhiều với doanh nghiệp, khi hỏi họ mong mỏi được hỗ trợ gì từ nhà nước thì họ đều nói xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa"- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nói tại buổi công bố kết quả nghiên cứu, khảo sát "Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam" sáng 9/11.
Các hình thức và nội dung "tặng quà" của doanh nghiệp cho cán bộ công chức được nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ chỉ ra (Ảnh: Thế Kha chụp lại)
Sáng 9/11, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ công bố nghiên cứu, khảo sát "Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam".
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thông tin từ 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp, 1.411 cán bộ công chức và dữ liệu thu thập ở 10 tỉnh thành, 5 bộ ngành.
Kết quả cho thấy, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đưa ra một khái niệm chính thức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích một cách có hệ thống trong khu vực công.
4 hình thức xung đột lợi ích phổ biến nhất bao gồm: Tặng/nhận quà bằng tiền hoặc không bằng tiền; đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi; ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân.
"Gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức biết rõ việc tặng, nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành "trào lưu", "thông lệ", thậm chí "luật chơi". Nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị "phân biệt đối xử", trong khi cán bộ công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều"- kết quả nghiên cứu chỉ ra.
Đáng chú ý, có từ 25-40% cán bộ công chức được hỏi nhận định cơ quan họ không thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định.
"Có cán bộ công chức còn khẳng định tại cơ quan mình chỉ tuyển 10 người nhưng đã có tới 100 người là con em trong ngành, từ cấp vụ trở lên gửi gắm"- đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
"Xung đột lợi ích ở đại biểu Quốc hội là rất lớn"
Từ kinh nghiệm công tác, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao kết quả nghiên cứu và cho rằng nó rất quan trọng đối với xã hội Việt Nam hiện nay.
"Trong 10 năm qua tôi đã cố gắng đưa khái niệm xung đột lợi ích vào nhưng phải nói thật là tôi thất bại và nó đã không trở thành nhận thức xã hội. Với báo cáo này, tôi cho rằng nó có thể trở thành nhận thức xã hội, điều chỉnh các hoạt động lập pháp của chúng ta. Vấn đề ở đây là chúng ta đưa báo cáo vào trong xã hội như thế nào ?. Đưa như thế nào để chúng ta có thể thể hiện trong lập pháp?"- ông Dũng nói.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thế Kha)
Ông Dũng dẫn chứng, 400 năm trước từ thời nhà Lê cha ông ta đã có Luật Hồi tỵ, không chấp nhận chuyện anh em, bà con chung một nơi, không chấp nhận một ông quan ở một tỉnh được kinh doanh mua đất ở đó.
"Tức là các quy định chống xung đột lợi ích đã có từ rất lâu rồi. Tại sao nó lại chết yểu trong hệ thống của chúng ta? Phải chăng trong một thời gian dài chúng ta xây dựng mô hình kinh tế tập trung, không công nhận sở hữu kinh tế tư nhân, vì thế khái niệm đó bị xóa nhòa mất dần đi? Bây giờ chúng ta muốn làm rõ khái niệm này thì trong khuôn khổ pháp luật và tư duy phải làm rõ đâu là công, đâu là tư. Cha ông ta trước đây đã tư duy phép công là một cái gì đó thuộc về phạm trù đạo đức, coi lợi ích công là trên hết, đó là đạo đức công vụ. Bây giờ muốn một ông quan liêm chính thì trước hết phải coi phép công là trên đầu"- ông Dũng phân tích.
"Điều tôi muốn nói thêm ở đây là câu chuyện của Quốc hội. Quốc hội đã bị bỏ ra ngoài hiện tượng này nhưng mà xung đột lợi ích ở đại biểu Quốc hội là rất lớn và tầm rất cao. Chúng ta không thể nói đến kiểm soát xung đột lợi ích mà lại bỏ qua một thiết chế hàng đầu của nước ta, đó là Quốc hội. Nên đưa xung đột lợi ích vào trong việc lập pháp và các đại biểu coi đó là nguyên tắc của đạo đức"-ông Dũng thẳng thắn.
Tránh xung đột lợi ích là một đòi hỏi về công vụ. Một người làm việc ở một thiết chế công thì phải có quy chế đạo đức công vụ. Một đại biểu Quốc hội làm doanh nghiệp thì khi thảo luận về một vấn đề có lợi cho doanh nghiệp cần từ chối tham gia.
"Quy chế đạo đức nghị viện phải là phần cấu thành trong đòi hỏi về đạo đức của Quốc hội chúng ta. Nếu chúng ta có quy chế đó thì không xảy ra chuyện là ngày hôm sau bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng mời đại biểu đi ăn cơm. Chúng tôi đề nghị nên đề cập chuyện xung đột lợi ích ở Quốc hội, nên đề nghị bổ sung vào"- ông Dũng kiến nghị.
"Xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa"
Bình luận kết quả nghiên cứu trên, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - dẫn chứng chuyện cán bộ công chức ở Singapore nhận quà trị giá trên 50 USD phải nộp lại nhà nước, nếu muốn giữ món quà đó làm kỷ niệm thì phải bỏ tiền túi ra mua lại; ở Mỹ con số này là 375 USD.
"Chuyện đó ở Việt Nam chúng ta ít khi nghe thấy. Mới đây báo chí phản ánh có vị lãnh đạo chưa về hưu nhưng đã trả nhà, trả xe ô tô rồi nhưng cũng có người không chịu trả nhà. Ở các nước Đông Nam Á còn cấm cả người thân trong gia đình nhận quà, nhưng tôi biết ở Việt Nam có chuyện công ty sắp cổ phần hóa bị người nhà lãnh đạo gọi điện ghi mua cổ phần nhưng không đóng tiền, nếu doanh nghiệp không làm theo thì việc cổ phần hóa có thể bị đổ bể hoặc dừng lại. Việc này còn nghiêm trọng hơn cả việc nhận quà"- bà Hạnh nói.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Ảnh: T.K)
Hay như chuyện xảy ra cách đây chưa lâu tại trạm thu phí cầu Bến Thủy (giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) khi lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm trái ngược nhau về vị trí đặt trạm và mức phí đang gây bức xúc dư luận. Về sau báo chí mới phát hiện ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trước đây là Tổng giám đốc của Cienco 4 doanh nghiệp sở hữu trạm thu phí cầu Bến Thủy. "Rồi đến chuyện Luật Phòng chống tham nhũng quy định không bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo đơn vị mình quản lý nhưng thực tế hiện nay báo chí đang tốn rất nhiều giấy mực viết về một ông cựu Bộ trưởng - đang phải kiểm điểm, kỷ luật. Những chuyện như vậy hiện giờ không còn hiếm gặp nữa"- bà Hạnh nói.
"Chúng tôi làm việc nhiều với các doanh nghiệp, khi hỏi họ mong mỏi được hỗ trợ gì từ nhà nước thì họ đều nói xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa. Chính vì thế nên bắt đầu từ những chuyện gần gũi nhất như nghiên cứu mới đây của Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi chỉ ra rằng, doanh nghiệp lúc nào cũng đứng trước nguy cơ bị xử phạt nên phải tìm mọi cách để "lách". Tôi cho rằng cần phải bãi bỏ những quy định bất hợp lý như vậy trước tiên"- bà Vũ Kim Hạnh bày tỏ quan điểm.
Thế Kha
Theo Dantri
"Cú sốc dầu mỏ" từ xung đột lợi ích Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới thời gian tới vẫn sẽ được duy trì ở mức rất thấp do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể đạt được đồng thuận trong việc cắt giảm nguồn cung ra thị trường. Các thành viên OPEC vẫn bất đồng với nhau trong việc cắt giảm sản lượng khai thác để...