Khổ sở vì những ông chồng chưa “lớn”
Bước vào cuộc sống hôn nhân, nhiều cô gái “vỡ mộng” khi tưởng rằng người bạn đời đã thực sự đủ trưởng thành.
Học kém người yêu một khóa nhưng Thu Trang (24 tuổi, nhân viên văn phòng) và người yêu vẫn ra trường cùng một lúc, do anh chàng mải chơi game mà để nợ môn quá nhiều. Trang vui mừng khi thấy về sau người yêu có nhiều tiến bộ để cải thiện sự chậm trễ trong học tập và đã tìm được công việc sau khi ra trường.
Hai người kết hôn chưa được bao lâu thì anh chê bai công việc hiện tại nên xin nghỉ làm. Những tưởng sau đó chồng sẽ tìm kiếm công việc khác thích hợp hơn nhưng anh lại “chứng nào tật nấy”, tối ngày mải mê với các trò đấu đá trong game. Nhắc nhở thì anh lại gắt: “Cô không phải nuôi tôi đâu mà lo”.
Dù biết nhà chồng có điều kiện kinh tế nhưng nhìn cảnh chồng chăm chăm bên chiếc máy tính đến 2,3 giờ sáng, ban ngày lại lăn ra ngủ bù, cô không khỏi lo lắng cho cuộc sống vợ chồng và đứa trẻ đang lớn dần trong bụng.
Khá khẩm hơn đức lang quân của Trang về nhiều mặt, chồng của Bình (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) tính tình hiền lành, học giỏi, không đua đòi lại biết ăn nói nên Bình không có gì phải phàn nàn. Chỉ sau khi về sống chung dưới một mái nhà, Bình mới biết trước nay chồng mình ngoài việc học ra thì chẳng phải động tay vào bất cứ việc gì.
Video đang HOT
Không phải đi học xa nhà, từ nhỏ đến lớn việc nhà thì có mẹ chăm lo, còn những việc khác anh đều có mẹ nhắc nhở, chuẩn bị sẵn cho. Thế nên, chuyện bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, Bình chẳng trông chờ có được sự giúp đỡ của ông xã. Thậm chí, cô còn phải lo thay cho chồng từ việc gọi dậy đi làm, chuẩn bị quần áo hay ghi nhớ các ngày giỗ đám trong họ…
Bình than thở: “Chồng vô tư, vô tâm quá cũng mệt, việc gì cũng phải bảo mới biết làm, dặn dò như dặn trẻ con”. Bình cũng thừa nhận nhiều lúc thấy mình giống một người mẹ hơn là người vợ.
Bình thừa nhận nhiều lúc thấy mình giống một người mẹ hơn là người vợ (Ảnh minh họa)
Nhiều khi sự kỳ vọng vào một nửa của mình không thành hiện thực khiến người phụ nữ chán nản, mệt mỏi với cuộc hôn nhân mà mình đã lựa chọn.
Vừa học xong trung cấp Kinh tế kỹ thuật thương mại, cuộc sống của Lan Anh đã hoàn toàn thay đổi khi quyết định kết hôn. Mặc sự khuyên ngăn của gia đình, cô vẫn tiến tới hôn nhân với người mình yêu khi mới ở độ tuổi đôi mươi.
Cũng chính vì tin tưởng vào những lời hứa hẹn và những viễn cảnh tươi đẹp được vẽ ra từ người yêu mà giờ đây, cô thực sự hối tiếc khi quyết định gắn bó cuộc đời với một thanh niên chơi bời, phá phách có tiếng.
Từ ngày lấy nhau, tuy không còn đi gây gổ với ai nhưng rất nhiều lần chồng Lan Anh cầm cố đồ đạc trong nhà để trả nợ tiền thua cá độ, chơi lô đề. Đó là chưa kể đến những buổi anh nhậu nhẹt thâu đêm cùng đám bạn bè.
Gia đình sắp xếp cho đi học, đi làm chỉ được vài bữa là anh lại bỏ ngang. Sau mỗi lần như vậy, anh chàng lại hứa hẹn sẽ thay đổi, tu tỉnh làm ăn nhưng cô không còn nhớ đã cho anh bao nhiêu cơ hội để sửa chữa.
Còn chị Dịu (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng chẳng có được mấy ngày bình yên từ khi lấy chồng. “Nhà có con nhỏ nhưng làm lụng được đồng nào chồng chị lại ném vào bia rượu. Có hôm say quá còn về nhà chửi mắng vợ con. Khổ lắm em ạ!”, chị buồn bã kể lại.
Với tâm lý người đàn ông là trụ cột trong gia đình, phụ nữ càng khó có thể chấp nhận thực tế ông xã của mình ít hoặc không đóng góp vào việc xây dựng, chăm lo cho cuộc sống. Một đứa trẻ không thể cứ mãi không lớn như vậy được.
Thay vì hằn học hay chiều chuộng những ông chồng còn chưa trưởng thành về ý thức tự lập, trách nhiệm với gia đình, hãy khéo léo để họ hiểu được những thiếu sót và biết sửa chữa khi vẫn còn cơ hội. Cải thiện những thói hư tật xấu cho chồng là cải thiện cuộc sống hôn nhân và cũng là cải thiện niềm tin của chính những phụ nữ với người bạn đời.
Không phải ai cũng đủ thông minh để luôn có những quyết định sáng suốt, nhưng hãy sáng suốt hơn sau khi có một sự lựa chọn khiến bạn không hài lòng. Để rồi từ đó tự gỡ rối cho bản thân khỏi những hoang mang, khúc mắc mà không phải tự trách mình hay thầm ao ước thời gian có thể quay trở lại.
Theo VNE