Khó quản lý nước đóng bình tại Hà Nội
Mặc dù hiện nay đã có quy định về tiêu chuẩn nước đóng bình an toàn thực phẩm (ATTP), tuy nhiên, thực tế việc quản lý nước uống đóng bình đang gặp nhiều khó khăn.
10.000 đồng/ bình nước
Tại Hội thảo “Quản lý ATTP nước đóng bình trên địa bàn Hà Nội” diễn ra ngày 27.9, thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố có 580 cơ sở nước uống đóng bình và nước đá dùng liền được quản lý cấp phép. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi thực tế còn nhiều cơ sở hoạt động không phép, chui lủi. Đặc biệt, còn có tình trạng làm “nhái” những nhãn hiệu nổi tiếng khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Trên thị trường có nhiều cơ sở sản xuất nước đóng bình không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa. M.N
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan quản lý trên địa bàn thành phố đã thanh, kiểm tra được 416 cơ sở nước đóng bình. Có 44 cơ sở bị tạm dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm và 7 cơ sở bị dừng hoạt động. Có 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng.
Ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, nước uống đóng bình hiện nay đã trở thành sản phẩm được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Hoạt động quản lý ATTP thời gian qua, trong đo có quản lý các cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn đã có những chuyển mạnh mẽ. Điều đáng nói, giá thành cho mỗi bình nước đóng chai khá rẻ, chỉ từ 9.000 tới 30.000 đồng, vì vậy nhiều khi các cơ sở kinh doanh cũng làm ẩu, làm giả nhằm mục đích trục lợi.
Theo các cơ quan chức năng, công tác quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng; số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng nước uống đóng chai, đóng bình nhiều; lực lượng giám sát, kiểm tra không đáp ứng đủ; một số đối tượng kinh doanh hoạt động lén lút khó phát hiện.
Video đang HOT
Phường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện có 8 cơ sở sản xuất nước đóng bình, tuy nhiên, có 5 cơ sở đủ tiêu chuẩn sản xuất, 3 cơ sở còn lại không đủ tiêu chuẩn, bị thanh kiểm tra, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn sản xuất lén lút.
Ông Đỗ Chí Linh – Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho rằng, vấn đề vệ sinh ATTP tại Việt Nam hiện nay đang ở mức “báo động đỏ”. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đạo đức kinh doanh của một số nhà sản xuất, nhà cung cấp, phân phối thực phẩm còn nhiều vấn đề.
“Nhiều khi, vì lợi nhuận, họ sẵn sàng làm tất cả, bất chấp hậu quả, sức khỏe của người tiêu dùng, của cộng đồng xã hội, điển hình là việc dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, phân bón không đủ tiêu chuẩn, các loại hóa chất độc hại… một cách tràn lan, vô tội vạ nhằm giảm giá thành sản phẩm” – ông Linh cho biết.
Lo ngại về chất lượng nước
Bà Nguyễn Thanh Hương – đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, bên cạnh những mặt thuận lợi trong công tác thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra còn gặp phải nhiều khó khăn.
“Trước hết là sự không phối hợp của các chủ cơ sở sản xuất, công ty sản xuất nước đóng bình. Thêm vào đó, nguồn kinh phí hạn chế, sắp xếp nhân lực, kiểm tra liên ngành cũng khó khăn” – bà Hương nói.
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề tồn tại như viêc tai sư dung các vỏ bình cũ cáu bẩn. Bình để lâu co rêu mốc, xươc khiến các vi sinh bám vào không thể làm sạch và làm nươc không đat tiêu chuẩn. Nhân viên các cơ sở thương xuyên thay đổi, không nắm đươc cac quy đinh về san xuất vì thế không tuân thủ quy định về ATTP khi làm nước đóng bình.
“Mặc dù hàng năm đơn vị tiến hành thanh, kiểm tra rất nhiều cơ sở, nhưng số tiền xư phạt không cao do gia trị hang hoa thấp. Thêm nữa, việc thu hồi san phẩm không đạt tiêu chuẩn kho khăn, không kịp thơi, vì cần thơi gian kiểm nghiệm” – bà Hương nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn lại một nghiên cứu thực hiện trong năm 2017 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas).
Theo nghiên cứu, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất “chui” làm giả sản phẩm của các thương hiệu nước đóng bình lớn khiến việc quản lý, phân biệt thật – giả ngày càng phức tạp. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình từ nước giếng khoan nhưng xung quanh giếng vẫn có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều ao tù nước đọng, trong khi đó công nghệ xử lý nước lại rất sơ sài, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
“Để đảm bảo ATTP cho nước uống đóng bình đang lưu thông trên địa bàn Hà Nội, theo tôi điều đầu tiên là phải quản lý chặt chẽ chất lượng của nguồn nước dùng để sản xuất nước uống đóng chai. Tiếp đó, thực hiện công bố công khai các tiêu chuẩn kiểm định nguồn nước, thực hiện kiểm định mẫu nước…” – PGS Thịnh nói.
Theo Danviet
Hà Nội cảnh báo nhanh An toàn thực phẩm
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2018 - 2020.
Đưa thông tin về phường, xã
Theo đó, hệ thống được xây dựng liên ngành gồm y tế, công thương, NNPTNT và các quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý, cảnh báo về ATTP trên địa bàn thành phố, từ đó cảnh báo cho cộng đồng.
Theo kế hoạch, hệ thống gồm các điểm cảnh báo Trung tâm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) để tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin ở cấp thành phố từ điểm cảnh báo cấp 1 thuộc Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NNPTNT và các điểm cảnh báo cấp 2 tại phòng Y tế quận, huyện, thị xã.
Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: San Nguyễn
Điểm cảnh báo cấp 1 tiếp nhận, xử lý thông tin, tổ chức điều tra xác minh xử lý thông tin; tổng hợp thông tin, giám sát, thanh kiểm tra ATTP. Điểm cảnh báo cấp 2 tại quận, huyện, thị xã tiếp nhận thông tin, sự cố về ATTP, tổ chức điều tra, xác minh và cung cấp đầy đủ thông tin trong lĩnh vực được phân công.
Điểm cảnh báo cấp 3 tại xã phường, thị trấn tại trạm y tế cung cấp thông tin sự cố về ATTP, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATTP thường xuyên, đột xuất, xác nhận và cung cấp đầy đủ thông tin, báo cáo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra và báo cáo về điểm cảnh báo cấp 2. Hình thức tiếp nhận thông tin có thể là truyền tin, trang thiết bị, điện thoại, tin nhắn, email... Cán bộ tiếp nhận cần thông báo ngay tới hệ thống cảnh báo cấp trên trong vòng 2 giờ, và điều tra, xử lý, báo cáo trong vòng 24 giờ đối với sự cố khẩn cấp về ATTP.
Để triển khai, các đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân về hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP tại địa phương; huy động các lực lượng chức năng xử lý khi có sự cố ATTP, ngộ độc thực phẩm, thành lập đội phòng chống ngộ độc thực phẩm, đội đáp ứng nhanh xử lý các sự cố về ATTP và đưa ra kết quả xử lý vi phạm, cảnh báo cho cộng đồng.
TP.Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2018 số mẫu giám sát còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả, chè; ô nhiễm vi sinh trong thịt; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thịt, thủy sản nuôi giảm 10% so với năm 2017. Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tăng 10% so với năm 2017.
Tăng cường thanh tra đột xuất
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thời gian tới sẽ chuyển mạnh mẽ từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như: Lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp; sản xuất ban đầu; giết mổ gia súc, gia cầm...
Các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP các cấp tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương, phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm.
Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh trên xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chuyên dụng, xét nghiệm tại labo để cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Công an thành phố, Sở Y tế, Sở Công Thương... phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ...
Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, phân loại, kiểm tra định kỳ 100% cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý; tái kiểm tra 100% cơ sở không đạt và xử lý dứt điểm cơ sở tái kiểm tra vẫn xếp không đạt (xếp loại C).
Theo Danviet
3 người thương vong khi du lịch: Mong về quê để thăm mộ vợ con Sáng 23.9, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng cho hay sức khỏe của bệnh nhân Đ.N.V đã ổn định, hồi phục tốt và có thể xuất viện trong ngày mai. Anh V cũng mong muốn được về quê để thăm mộ vợ con. Được biết, khách sạn nơi gia đình anh V lưu trú đã tạm ngưng hoạt...