“Khổ” như sinh con năm Rồng
3 sản phụ chung một giường bệnh bệnh viện kê thêm giường gấp tràn hành lang cho sản phụ nằm sản phụ có tiền cũng khó thuê phòng dịch vụ… là những chuyện đang diễn ra ở các bệnh viện phụ sản tại Hà Nội trong năm Thìn.
Ngoài chuyện nhiều người dân thích chọn năm Rồng để sinh con khiến số sản phụ tăng đột biến thì năm nay, sau khi có nhiều thông tin về các ca tai biến gây tử vong liên tiếp xảy ra ở các địa phương, nhiều sản phụ ở các tỉnh lân cận cũng đổ về Hà Nội với mong muốn sinh con an toàn, càng khiến các bệnh viện phụ sản tại Hà Nội thêm quá tải.
Không còn lối đi
Chuyện sinh con năm Rồng đã được dự báo từ trước là sẽ diễn ra “nhộn nhịp” hơn các năm khác. Tuy nhiên, áp lực đối với các bệnh viện phụ sản gia tăng mạnh vào những tháng cuối năm (đặc biệt từ tháng 8, tháng 9 trở đi) do nhiều cặp vợ chồng có thai từ đầu năm.
Vì thế, nếu có dịp vào bệnh viện phụ sản ở thời điểm này sẽ thấy cảnh tượng đông đúc khác thường chứ không đơn thuần là quá tải như mọi năm.
Sản phụ sau khi sinh phải nằm giường gấp, tràn hành lang ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Ảnh: N.A)
Sản phụ Nguyễn Thị Dung (quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) vừa vào sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Có khả năng kinh tế, song việc chị Dung muốn thuê phòng dịch vụ để nằm cho thoải mái không phải chuyện dễ bởi thực tế là hiện nay, các phòng dịch vụ đều chật kín người, ai muốn thuê phải đặt chỗ trước hoặc có “quen biết” để được sắp xếp.
Do không thuê được phòng dịch vụ, đẻ xong, chị Dung được chuyển xuống nằm ở một căn phòng rộng chừng 10-12m tại khoa sau đẻ. Căn phòng được kê 6 giường nhưng thực chất có đến trên 10 sản phụ được dồn vào.
Đang đau đớn do vừa sinh xong, chị Dung được sắp xếp nằm cùng 2 sản phụ khác trên 2 chiếc giường một được kê sát vào nhau. Do vào sau nên chị bắt buộc phải nằm “vắt ngang” giữa 2 giường! Ngay bên dưới, thẳng cửa ra vào là chiếc giường gấp của một sản phụ khác cũng vừa sinh xong, phải “hứng chịu” toàn bộ tiếng ồn ào từ những người ra vào.
2 giường đơn kê sát lại, sản phụ nằm vắt ở giữa (Ảnh: N.A)
Video đang HOT
Đó là chưa kể đến chuyện mỗi sản phụ ở đây đều có 2-3 người thân đi theo chăm sóc, mỗi người đều mang theo 1 quạt tích điện riêng vì thời tiết nóng nực, khiến căn phòng vốn đã nhỏ bé nay càng trở nên chật chội, ngột ngạt.
Nhiều người thân của các sản phụ vào thăm chỉ dám ngồi trong phòng 5-10 phút để nhường chỗ cho người khác và để chạy ra ngoài đứng cho bớt ngột ngạt.
Bên ngoài hành lang, tình trạng không khá hơn là bao. Nhiều giường bệnh hoặc giường gấp được kê san sát nhằm có chỗ cho sản phụ nằm, người ngoài vào thăm phải “lựa bước” vì không còn lối để đi. “Không phải đẻ xong là xong, vì nằm thế này thì quá kinh khủng. Nhưng không còn lựa chọn nào khác”, chị Dung cho hay.
Đổ về Hà Nội sinh con vì sợ tai biến
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra khi mà số lượng sản phụ đổ về ngày một đông, trong đó có nhiều ca đẻ thường, hoàn toàn có thể sinh ở tuyến dưới.
Ngoài lý do thích có con năm Rồng khiến số sản phụ tăng đột biến thì một nguyên nhân khác là do tâm lý “sợ tai biến”.
BV Phụ sản TW cũng la liệt sản phụ (Ảnh: N.A)
Sản phụ Phương, quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cho biết đã ra Hà Nội ở nhờ người thân quen để chờ ngày đi đẻ cho an toàn chứ nhất quyết không sinh con ở bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nơi mình đang sinh sống.
Nguyên nhân là vì trong tháng 4 vừa qua, bệnh viện tỉnh đã có ca tai biến khiến một cặp mẹ con tử vong. Sau đó, chị Phương cũng như nhiều người quen biết khác đều rủ nhau lên Hà Nội sinh con với mong muốn được an toàn.
Do đó, trong số các sản phụ đăng kí sinh con ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chiếm một phần không nhỏ là các sản phụ ở các tỉnh lân cận như Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương,…
Trao đổi với PV, TS., BS. Nguyễn Mạnh Trí, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – cho biết bệnh viện có 300 giường bệnh kế hoạch nhưng vì quá đông sản phụ nên phải sắp xếp, tận dụng mọi khoảng trống còn lại để kê thêm 300 giường nữa.
Lúc nào bệnh viện cũng duy trì, đáp ứng nhu cầu cho trên 1.000 bệnh nhân, khiến công suất hoạt động của bệnh viện lên đến 200%.
Tình trạng quá tải ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội càng diễn ra căng thẳng do năm 2012, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang trong quá trình xây dựng, sửa chữa. Ngoài ra, khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, số lượng người dân đổ về bệnh viện này tăng đột ngột.
Theo BS. Trí, 8 tháng đầu năm 2012, bệnh viện tiếp nhận 27.440 ca đẻ (trong khi 8 tháng đầu năm 2011, con số này là 24.109 ca). Trong số đó, có 50% đẻ thường, 50% đẻ mổ.
Trẻ sinh năm Rồng tăng mạnh
Năm 2010, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đón khoảng 29.000 trẻ chào đời và năm 2011 là 37.876 trẻ. Tuy nhiên, với tâm lý thích con năm Rồng, năm 2012, con số này dự đoán có thể lên đến 40.000 trẻ.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết riêng tại Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm đã có hơn 18.600 trẻ chào đời, tăng gần 3.000 bé so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý trong đó, tỷ lệ trẻ là con thứ 3 trở lên cũng chiếm đến hơn 7%, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở thủ đô cũng gia tăng ở mức báo động.
Thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, tổng số trẻ em sinh ra là 516.169 trẻ so với cùng kỳ năm 2011 tăng 13,5% (hơn 61.000 trẻ). Số trẻ sinh ra tăng đồng đều, rải khắp ở hầu hết các địa phương.
Theo 24h
Việt Nam rất khó đạt chỉ tiêu giảm sinh năm Rồng!
Tại buổi họp báo hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7), ông Nguyễn Văn Tân, phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), cho biết rất khó có thể đạt được chỉ tiêu giảm sinh và nước ta đang phải đối mặt với tỷ số sinh tăng vọt trong năm Rồng
Tăng vọt sinh con thứ 3
Trong 5 tháng đầu năm 2012, đã có hơn 500 nghìn trẻ được sinh ra, tăng đến 13,5% so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt, số trẻ là con thứ ba tăng đến gần 20% so với năm 2011. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba trở lên là khá cao (120 trẻ trai/100 trẻ gái).
"Thực sự là nhiều khó khăn, thách thức trong năm Rồng, bởi quá nhiều người Việt "săn" Rồng con, muốn có một Rồng nhỏ trong nhà, đặc biệt là Rồng đực. Trên con số tổng hợp 5 tháng đầu tiên này, chúng tôi dự báo rất khó có thể đạt được chỉ tiêu giảm sinh năm 2012", ông Tân nói.
Tỉ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức cao, 113 bé trai/100 bé gái. (Ảnh: cô giáo mầm non vất vả để rèn một lớp học có nhiều bé trai vào nền nếp)
Một cuộc khảo sát nhỏ của phóng viên Dân trí tại một số phòng khám thai phố Thái Thịnh, Nguyễn Du, tại BV Phụ sản T.Ư cho thấy, nhiều người sinh con thứ 3 đều đã siêu âm biết được giới tính thai nhi là bé trai. Chị T.T.V (Nghệ An) ngồi chờ làm thủ tục xét nghiệm trước sinh tại BV Phụ sản TƯ cho biết, chị mang thai con thứ 3 đã được 37 tuần. Đứa lớn nhà chị đã 19 tuổi, đang học Đại học sư phạm Hà Nội, cô nhóc thứ 2 cũng đã học lớp 6. "Hai vợ chồng đã bàn không sinh nữa vì có hai cô con gái xinh xắn, học giỏi, nhưng rồi vẫn "liều" lên kế hoạch sinh đứa thứ 3. "Cũng thấp thỏm lắm. Khi đậu thai, đếm từng ngày để được 12 tuần đi siêu âm", chị V tâm sự.
Chính vì lý do "khát" Rồng đực mà trong 5 tháng đầu năm 2012, tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam là 113 bé trai/100 bé gái. Cá biệt, có những tỉnh, tình trạng chênh lệch đến mức cứ 130 trẻ trai mới có 100 trẻ gái. Riêng trong nhóm trẻ là con thứ 3, tình trạng chênh lệnh giới tính khi sinh lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái.
Ông Tân cho biết thêm, "Top" 10 tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính cao nhất nước, từ 115 - 131 bé trai/100 bé gái là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.
Càng giàu, càng có học thức, càng chọn con trai
"Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng", sinh một gái trước, trai sau mới được điểm 10, nhưng thôi, em lấy điểm 8, điểm 9 thôi. Cứ phải có thằng cu trước mới yên tâm, đứa sau con gì cũng được", N.T.H (Trình dược viên, Khu đô thị Văn Quán, Hà Nội) chia sẻ khi đang đợi đến lượt siêu âm canh trứng để sinh con trai. Chị H chỉ là một trong số những thành viên ủng hộ quan điểm này trên các diễn đàn dành cho các bà mẹ. "Diễn đàn đông đúc các mẹ lắm, ai cũng muốn có nếp, có tẻ nhưng cứ phải giai đầu", chị H nói.
Và quan niệm này phản ánh ngay trong kết quả điều tra biến động dân số năm 2011: tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất (tỷ số trung bình là 109,7 bé trai/100 bé gái, trong đó ở thành thị cao hơn hẳn nông thôn) còn ở lần sinh thứ hai, tỷ số này tương đương nhau (ở thành thị là 110,2, nông thôn là 112,6). "Điều này cho thấy, ở khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay lần đầu, còn khu vực nông thôn chỉ xuất hiện khi sinh lần thứ hai trở đi", ông Tân nói.
Nguyên nhân có sự chênh lệch tỉ lệ giới tính giữa thành thị và nông thôn được chỉ rõ là ngày càng nhiều phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Trong 5 năm (2006-2011), số bà mẹ biết giới tính con trước sinh đã tăng từ 63,8% lên 80%. Đáng nói, trình độ học vấn của phụ nữ càng cao, khả năng biết giới tính trước sinh càng lớn (tỉ lệ biết giới tính trước khi sinh của phụ nữ tốt nghiệp phổ thông và chưa đi học là khoảng 3:1).
Các giải pháp, chiến lược vẫn đang được đưa ra, thực hiện để giảm tình trạng sinh con thứ 3, tình trạng mất cân bằng giới. Tuy nhiên các giải pháp vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả khi đến tháng 5/2012, tỷ lệ này tiếp tục tăng thêm 1 (113 bé trai/100 bé gái).
"Tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản" là chủ đề của Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tại Việt Nam, Bộ Y tế mong muốn sẽ được tuyên truyền mạnh về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đáp ứng đầy đủ nhu cầu Kế hoạch hóa gia đình cho các cặp vợ chồng, nam giới, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ...
Theo dantri
Nghệ An: Đổ xô làm hộ chiếu sau Tết Trong ngày làm việc đầu tiên của năm Nhâm Thìn, các cán bộ nhân viên tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh (Công an Nghệ An) đã thực sự "bở hơi tai" do bị "quây" bởi khoảng 1.000 người đổ về đổi, đăng ký hộ chiếu mới và giấy thông hành. Ngay từ sáng sớm ngày 30/1 (mùng 8 tết), hàng trăm người...