Khó như chụp ảnh vợ
Trong kỳ đi nghỉ hè, một người đàn ông chuẩn bị chụp ảnh cho bà xã.
Ảnh minh họa
Ông chồng cầm chiếc máy ảnh chĩa về phía bà vợ to béo của mình nói với vợ:
- Để có thể thu được toàn thân của em vào khuôn hình, anh phải lùi lại một vài bước.
- Cụ thể là bao nhiêu bước?
- Khoảng 300.
Theo Datviet
Khó như... chiều mẹ vợ
Anh Quân nổi tiếng ở cả khu phố này không phải vì người ta đàm tiếu gì chuyện anh ở rể, mà vì anh luôn được hàng xóm khen ngợi. Các bà mẹ chồng thì khen anh hiền lành, chịu khó, còn các bà mẹ vợ thì luôn lấy anh ra làm tấm gương để nhắc nhở con rể mình phải học tập.
Là con trai út trong một gia đình đông anh chị em và không lấy gì làm khá giả, nhưng anh lại có chí tiến thủ và chịu thương, chịu khó. Sớm rời vòng tay bao bọc của bố mẹ, anh tự đi làm thêm để kiếm tiền học đại học. Ra trường, anh vào làm cho một công ty chuyên về IT với mức lương tạm đủ sống ở cái đất thủ đô xô bồ này. Quen và yêu được 2 năm, anh làm đám cưới với cô bạn đồng nghiệp.
Đến lúc giới thiệu 2 bên gia đình, anh mới ngã ngửa khi biết cô gái giản dị mà anh yêu lại là con của một doanh nhân cỡ bự, có nhà mặt phố Hà Nội. Không chê nhà anh nghèo, gia đình người yêu anh đồng ý cho đôi trẻ đến với nhau, chỉ với một điều kiện duy nhất: anh phải ở rể vì cô là con một. Bố vợ anh phải đi công tác thường xuyên nên cũng muốn có anh con rể ở nhà làm chỗ dựa cho cho hai người phụ nữ yếu đuối.Mọi chuyện tưởng chừng sẽ hoàn toàn êm đẹp khi gia đình anh cũng bằng lòng với cô con dâu tương lai, còn nhà vợ lại có được rể hiền sớm hôm chăm sóc. Thế nhưng, đến khi về làm rể được một thời gian, anh mới nếm được cái mùi vị đắng cay của thân phận ở rể. Tất cả chỉ vì mẹ vợ anh thuộc dạng khó chiều.
Ngày vợ anh có bầu, anh vui mừng khôn xiết và quyết tâm chăm sóc vợ thật tốt, không để vợ phải động tay vào bất cứ việc gì. Anh tự mình đi chợ, nấu ăn để tẩm bổ cho vợ. Ngay cả việc mang quần áo xuống giặt máy ở dưới nhà, anh cũng không để cô phải làm vì sợ vợ đi lại cầu thang nhiều không an toàn.
Có thể nói, từ khi vợ anh mang thai cho đến lúc sinh nở và chăm con, anh gần như quán xuyến hết mọi việc nhà, trong khi vẫn ngày ngày đi làm đều đặn. Mẹ vợ anh không hề phải phục vụ con gái bất cứ việc gì. Vậy mà bà vẫn tỏ ý không hài lòng.
Ngay từ khi biết mình sắp có cháu, bà đã sớm đánh tiếng: Cháu bà nội, tội bà ngoại .Theo ý muốn của bà thì một là 2 vợ chồng anh phải về nội sinh cháu để bà nội phục vụ, hai là bà nội phải đến ở nhà ngoại mà lo cho con dâu. Dĩ nhiên, chính vợ anh cũng không đồng tình với thái độ của mẹ mình, nhưng vì để giữ hòa khí trong gia đình, 2 vợ chồng anh đành im lặng nhẫn nhịn.
Từ ngày cháu ngoại ra đời, mẹ vợ anh ngày càng tỏ ra khó tính.
Hàng đêm, anh vẫn thường chịu khó thức đêm thay ca cho vợ để trông con và cho con uống sữa. Ngoài ra, do gia đình vợ không thích có người lạ trong nhà nên mẹ vợ nhất định không thuê người giúp việc. Dù là con rể, anh cũng không ngần ngại xắn tay áo vào bếp nấu nướng để bà ngoại có thời gian chơi với cháu.
Thời gian gần đây, anh phải tăng ca nhiều nên mọi sự bắt đầu chuyển biến xấu đi. Đi làm về muộn, anh đành nhờ mẹ vợ nấu bữa tối cho cả nhà. Vậy mà ngày nào cũng vậy, vừa bước vào nhà, anh đã thấy nhạc mẫu mặt nặng mày nhẹ. Lỡ hôm nào anh mệt quá, ngủ quên chưa kịp rửa bát là y như rằng sáng ra được nghe bài ca "chúng mày ỷ lại, bắt mẹ phải hầu hạ". Những lần như vậy, anh lại tự nhắc mình lần sau có mệt đến mấy cũng phải cố mà dọn dẹp. Vừa làm, anh vừa thầm ao ước: "Giá như mẹthông cảm cho được một lần".
Vợ anh thì suốt ngày ru rú trong phòng chăm con, nên chuyện nhà cửa nhiều khi không để ý. Trong khi đó, cứ bực tức, mẹ vợ lại trút lên đầu anh. Mới sáng hôm qua, anh vừa ngủ dậy, đang đánh răng rửa mặt, mẹ vợ đã lù lù xuất hiện sau lưng và hầm hè: "Mày lo mà lau dọn cái phòng của chúng mày đi chứ cứ để thế chờ tao làm hộ đấy à?". Thực tế thì anh chỉ trống đúng ngày chủ nhật mới làm được, còn hàng ngày anh phải dậy sớm đi làm, lúc về nhà thì đã tối muộn, hỏi anh phải dọn dẹp thế nào?
Còn hôm nay, khi anh giặt đồ, vợ anh có dặn để lại cái áo khoác vì cô mới mặc có một lần. Nhìn thấy chiếc áo còn treo ở sau cửa, nhạc mẫu lại một lần nữa cằn nhằn: "Có cái áo thôi mà cũng trừ lại không chịu giặt cho xong đi là sao?".
Không biết phải làm sao cho mẹ vừa lòng, anh đem nỗi niềm tâm sự cùng vợ. Nghe ra, vợ anh cũng méo mặt cười khổ sở: "Mẹ có tính được voi đòi tiên. Thôi thì anh chịu khó một thời gian, đến khi em bớt vướng con thì em hỗ trợ anh được nhiều hơn. Chắc là đến lúc đó mẹ sẽ bớt khó chịu đi một chút".
Nghe vợ an ủi, dù có thấy lòng nguôi ngoai đôi chút, nhưng anh vẫn thấy những tháng ngày phía trước quả thật còn vô cùng u ám và đen tối.
Theo Dantri