Khó lấy hóa đơn khi mua hàng hiệu
Bỏ tiền ra mua những món hàng đắt tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, rất nhiều người tiêu dùng không hề hay biết quy định về tính thuế.
Thế là người tiêu dùng mặc cho người bán muốn xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) hay không thì tùy.
Khách hàng chọn mua hàng hiệu tại một trung tâm thương mại trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM. Theo nhân viên cửa hàng, tất cả món hàng của khách mua tại đây đều được xuất hóa đơn VAT.
Từ sau vụ lùm xùm thông tin hàng hiệu thật giả lẫn lộn, khách mua hàng hiệu đều yêu cầu có hóa đơn VAT, nhưng nhiều cửa hàng nhẹ nhàng từ chối hoặc tìm cách hẹn vài ngày, thậm chí hàng tháng…
Muốn có hóa đơn, chờ vài ngày
Ít nơi tự giác
Theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, dù đã có quy định bán hàng hóa từ 200.000 đồng trở lên phải xuất hóa đơn, nhưng đa số đơn vị kinh doanh không tự giác xuất hóa đơn mà chỉ làm khi khách hàng có yêu cầu. Né xuất hóa đơn nhiều nhất là những đơn vị kinh doanh ngành hàng ăn uống, dịch vụ làm đẹp cũng hầu hết không xuất hóa đơn.
Tại nhiều đơn vị, việc xuất hóa đơn không thực hiện cùng lúc khi bán hàng hóa, dịch vụ. Bằng việc không xuất hóa đơn, nhiều đơn vị kinh doanh đã giấu doanh thu để “né” bớt thuế.
Tại một gian hàng thời trang trong trung tâm thương mại Diamond Plaza (Q.1, TP.HCM), sau khi lựa chiếc đầm trị giá 1,2 triệu đồng được quảng cáo xuất xứ Thái Lan, chúng tôi hỏi nhân viên bán hàng thủ tục xuất hóa đơn VAT thì bị từ chối với lý do “ hàng giảm giá” và công ty chỉ thuê gian hàng này để bán mùa vụ nên chỉ có hóa đơn tính tiền thông thường.
Video đang HOT
Hầu hết các sản phẩm trong gian hàng đều từ 700.000 đồng trở lên, có món sau khi giảm vẫn có giá vài triệu đồng. Tại trung tâm này, khách tính tiền ở quầy tính tiền chung nhưng không phải gian hàng nào cũng xuất được hóa đơn, theo nhân viên quầy thu ngân là “tùy mặt hàng”.
Tại nhiều cửa hàng thời trang cao cấp khu vực trung tâm TP.HCM, khi nghe hỏi về hóa đơn VAT, chúng tôi nhận những câu từ chối nhã nhặn hoặc hẹn “vài ngày sau quay lại”.
Ở cửa hàng kinh doanh mắt kính Ý trong khu thương xá Tax, chúng tôi ngỏ ý mua một kính mắt giá 3 triệu đồng và hỏi về thủ tục làm hóa đơn đỏ thì cô nhân viên cho biết hai ngày sau quay lại mới có vì phải về công ty lấy hóa đơn.
“Nhanh nhất cho chị là một ngày sau, nhưng chỉ xuất hóa đơn cho công ty chứ không xuất cho cá nhân” – cô bán hàng cho biết. Nếu khách du lịch họ mua cần hóa đơn để hoàn thuế thì sao? Cô bán hàng nói cửa hàng không đăng ký với Cục Thuế về dịch vụ này.
N.D., một người mẫu khá nổi tiếng chuyên sử dụng hàng hiệu, khẳng định từng mua rất nhiều món hàng hiệu tại VN nhưng chưa bao giờ được xuất hóa đơn VAT. Hóa đơn của hàng túi xách V mà cô từng mua trước đó cho thấy món hàng của cô đã được tính thuế VAT, nhưng đó chỉ là hóa đơn thông thường.
Theo nhân viên cửa hàng LV trên đường Đồng Khởi (Q.1), nhiều khách hàng đến mua thường vội vàng, không yêu cầu xuất hóa đơn VAT dù theo quy định cuối ngày cửa hàng vẫn xuất và gửi theo địa chỉ!
Hầu hết khách hàng cá nhân cho biết họ mua hàng để xài nên chỉ cần nhận được hàng mà không quan tâm lắm chuyện có hóa đơn VAT hay không. Đến khi xảy ra vấn đề về nguồn gốc, chất lượng món hàng, người mua thường chọn giải pháp “dại thì chịu” chứ ít khi quay lại khiếu nại vì không có hóa đơn.
Bà P.L., có thẻ VIP tại cửa hàng Milano, thừa nhận từ khi vụ việc lùm xùm về gian lận nguồn gốc xuất xứ tại cửa hàng, bà cũng hoang mang không biết hàng đã mua thật hay giả. “Nướng không biết bao nhiêu tiền trong đó, bây giờ hàng mình xài cũng không biết thật giả, đau quá mà đành chịu” – bà P.L. nói.
Có thể mua nhầm hàng nhái
Bà Châu Bôi Huệ, giám đốc Công ty Duy Anh, cho biết những ngày gần đây các cửa hàng trong hệ thống của công ty nhận vài thắc mắc của người tiêu dùng về thông tin các sản phẩm hàng hiệu mà họ đã mua. Mặc dù được giải thích rõ ràng nhưng tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn khá hoang mang.
Theo bà Huệ, hiện nay các nhãn hiệu trên thế giới vào VN bằng con đường nhượng quyền, nhưng thực tế vẫn có nhiều cửa hàng kinh doanh hàng xách tay và bán chung với nhiều thương hiệu khác. Hàng hiệu xách tay về VN thường là hàng giảm giá ở nước khác, hàng lỗi mốt trong các bộ sưu tập và rất nhiều khả năng là hàng nhái giống y như thật đến 90%. Chính vì nguồn gốc như vậy nên rất khó cho người bán hợp thức hóa để xuất hóa đơn.
Theo ông Trần Huy – giám đốc kinh doanh một công ty chuyên về phân phối hóa mỹ phẩm tại TP.HCM, có nhiều thương hiệu cũng khá phổ biến ở VN nhưng cửa hàng bán hai loại hàng: hàng chính hãng và hàng xách tay, nhập lậu. Do hàng nhập lậu, không thuế, giá cả trôi nổi nên người bán thường viện cớ để né xuất hóa đơn tài chính cho người mua. Và các mặt hàng lậu này được các công ty lớn tự dán tem, tự bảo hành, bán công khai, còn chất lượng hàng hóa thì… chỉ người bán mới biết thật hay giả.
Bà Trâm Nguyễn, một người mua sắm tại cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1), nói những người quen sử dụng hàng hiệu sẽ có kinh nghiệm trong việc nhận biết hàng hiệu thật hay hàng nhái, nhưng không phải ai cũng nắm rất rõ thông tin về sản phẩm hàng hiệu của mình đang sở hữu. Hóa đơn VAT là “vật chứng” duy nhất giúp khách hàng xác minh nguồn gốc món hàng bên cạnh kinh nghiệm.
Theo các nhà phân phối, những năm trước thị trường hàng hiệu VN tăng trưởng khá ấn tượng với mức 20-30%. Tuy nhiên năm nay sức mua có chững lại vì những khó khăn chung của nền kinh tế, chỉ tăng khoảng 10% và lòng tin của người tiêu dùng có phần lung lay vào thị trường hàng hiệu VN. Để ngăn chặn tình trạng hàng nhái trộn lẫn hàng thật, các cửa hàng hiệu ở TP.HCM chỉ xuất một loại hóa đơn VAT, không có hóa đơn tính tiền thông thường. Với những mặt hàng có dịch vụ bảo hành, khi mua hàng khách hàng cần yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp hóa đơn VAT và phiếu bảo hành.
Không biết lấy hóa đơn để làm gì
Theo quy định, doanh nghiệp nộp thay người tiêu dùng phần thuế VAT, giá bán đó đã bao gồm thuế VAT. Do đó người bán phải có trách nhiệm xuất hóa đơn có thuế VAT cho khách với những món hàng trên 200.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế nhiều cửa hàng đã lờ việc xuất hóa đơn VAT cho khách hàng và bản thân khách hàng cũng không quan tâm. Bà Nguyễn Thị Bảo Hân (Q.Phú Nhuận) cho rằng không biết lấy hóa đơn VAT về sử dụng vào mục đích gì, vì số tiền mua hàng đâu có được trừ vào chi phí để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Theo Dantri
Cả chục năm vẫn chưa có chủ quyền
Do chủ đầu tư không đóng tiền sử dụng đất nên dù mua đất, xây nhà cả chục năm, nhiều người dân vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền.
Chây ỳ thực hiện nghĩa vụ
Hàng chục người dân đã gửi đơn đến Báo Thanh Niên khiếu nại Công ty xây lắp và vật tư xây dựng 5 - Công ty 5 (thuộc Bộ NN-PTNT) chây ỳ thực hiện nghĩa vụ của mình với khách hàng mua nhà đất tại dự án 15-16 Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Theo trình bày của ông Trần Xứng (Q.Gò Vấp), từ năm 2002-2004, gần 40 khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn nhận nền xây dựng nhà ở, tại dự án trên với Công ty 5. Chủ đầu tư cam kết sẽ xây dựng hạ tầng, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ), nộp tiền SDĐ và thuế chuyển quyền SDĐ. Tuy nhiên đến nay đã gần 10 năm nhưng lời hứa của chủ đầu tư vẫn chưa được thực hiện. Hệ quả là gần 40 hộ dân góp vốn nhận nền nhà chưa được xác nhận quyền sử dụng ngay trên chính các lô đất mà họ đã phải bỏ tiền tỉ ra mua.
Khu dân cư Hồ Bắc - một trong những "điểm nóng" chậm cấp giấy chủ quyền cho người dân - Ảnh: Đình Sơn
Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM xác nhận Công ty 5 hiện vẫn chưa kê khai, nộp tiền SDĐ và các nghĩa vụ tài chính, đồng thời sở này cũng hướng dẫn người dân kiện ra tòa án để được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, khi người dân đâm đơn kiện Công ty 5 ra Tòa án Q.Gò Vấp, thì hồ sơ đã bị trả với yêu cầu về phường... hòa giải.
Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố còn 159 tổ chức được UBND thành phố ban hành quyết định giao, cho thuê đất và chuyển mục đích SDĐ nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền SDĐ nên chưa nhận được GCQ.
Tại Q.Tân Bình, 58 hộ dân tại khu dân cư Hồ Bắc (P.15) mua đất của Công ty Hồ Bắc từ năm 2001 và người dân đã nộp đầy đủ tiền cho chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa ra được giấy chủ quyền (GCQ). Do không còn khả năng đóng tiền SDĐ, chủ đầu tư gợi ý người dân "phụ" với công ty từ 30-50% tiền SDĐ.
Tương tự, tại khu dân cư Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) do Công ty phát triển nhà Bình Thạnh làm chủ đầu tư, hơn 10 năm nay người dân vẫn chưa nhận được GCQ. Nguyên nhân bởi đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, nộp tiền SDĐ cho nhà nước. Ngoài dự án trên, hàng chục dự án khác của công ty này cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Giải quyết dứt điểm
Đem những khó khăn của người dân trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, ông Nam đã giao ngay cho cấp dưới làm văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, các quận báo cáo toàn bộ sự việc để giải quyết dứt điểm quyền lợi cho người dân. "Nếu Sở xử lý không được sẽ xin ý kiến của UBND thành phố hoặc Bộ TN-MT có hướng tháo gỡ, vì càng để lâu người dân càng khổ", ông Nam cho biết.
Trước việc chây ỳ đóng tiền SDĐ của các doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo các sở ngành mời các tổ chức chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đến hướng dẫn và xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng trường hợp. Đồng thời buộc cam kết cụ thể về thời gian hoàn tất thủ tục nộp nghĩa vụ tài chính để được cấp GCQ. Nếu vẫn không thực hiện sẽ chế tài, phạt do chậm nộp hồ sơ kê khai thuế, Sở TN-MT tiến hành thanh tra việc SDĐ, đề xuất xử lý, cần thiết có thể thu hồi dự án.
Theo TNO
TP.HCM: Hơn 4.500 hồ sơ chưa thể đóng tiền sử dụng đất Theo thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, hiện còn 4.569 hồ sơ đóng tiền SDĐ của các hộ gia đình, cá nhân bị tắc tại các Chi cục Thuế vì chưa được hướng dẫn cách tính tiền sử dụng đất (SDĐ). Đây là những hồ sơ đã nộp từ tháng 10.2009 đến trước ngày 1.3.2011. Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết,...