Khó khăn thấm vào Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH)
Trong bối cảnh khó khăn chung của lĩnh vực thủy điện bởi biến động thủy văn bất thường năm 2019, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh ( VSH) có quý đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết năm 2006 tới nay.
Lần đầu báo lỗ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, VSH ghi nhận doanh thu 38,8 tỷ đồng, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ở mức âm 4 tỷ đồng, trong khi cùng năm 2018 lãi 17 tỷ đồng.
Giải trình biến động lợi nhuận, VSH cho biết, cuối năm 2018 và đầu năm 2019, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất điện 9 tháng đầu năm 2019. Sản lượng điện giảm 58,07 triệu Kwh (giảm 46,7%) và doanh thu sản xuất điện giảm 37,93 tỷ đồng (giảm 48,76%) so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty đạt gần 286 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm 61,2%, đạt 107,6 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý III/2019 của VSH tăng 5,6% so với đầu năm, đạt hơn 8.409,2 tỷ đồng.
Trong đó, tài sản dở dang dài hạn chiếm tới hơn 7.492 tỷ đồng, tăng 15,6%, toàn bộ đều là xây dựng cơ bản dở dang. Nợ phải trả của Công ty chiếm 63% cơ cấu nguồn vốn, ở mức 5.311,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay nợ dài hạn lên tới 4.535 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng, VSH mới hoàn thành 57% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế và 65% chỉ tiêu tổng doanh thu so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông 2019 thông qua.
Thiếu vốn cho dự án lớn
Ngày 13/9/2019, VSH công bố thông tin phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ nhằm huy động 700 tỷ đồng trong quý III.
Số tiền thu được được dùng để tài trợ cho Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Công ty sẽ dùng toàn bộ công trình xây dựng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và các tài sản của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn để đảm bảo cho đợt phát hành này.
Video đang HOT
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III của VSH cho thấy, doanh nghiệp vẫn chưa huy động được nguồn vốn từ kênh trái phiếu.
Ngày 25/10/2019, VSH cho biết, Công ty đã chính thức thông hầm kỹ thuật tuyến năng lượng của Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum. Đây là dấu mốc quan trọng để Dự án có thể tích nước hồ chứa vào tháng 1/2020 và phát điện thương mại vào tháng 3/2020.
Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum được phê duyệt hồ sơ từ năm 2009, theo kế hoạch phát điện tổ máy thứ nhất vào quý I/2013 và đưa vào vận hành cả hai tổ máy năm 2014.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tiến độ liên tục chậm trễ bởi các vấn đề phát sinh bao gồm thiết hụt vốn, liên doanh nhà thầu Trung Quốc thực hiện thi công đường hẫm dẫn nước bỏ ngang, khiếu kiện giữa VSH và các nhà thầu kéo dài…
Sau nhiều lần điều chỉnh, tới Đại hội đồng cổ đông 2019, tổng mức đầu tư Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum đã lên tới 9.428 tỷ đồng, tăng 3.684 tỷ đồng so với hồ sơ phê duyệt.
Ngoài phần vốn tự có và các khoản vay khác, VSH được cổ đông chấp thuận vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu tối đa 1.257 tỷ đồng để bổ sung vốn cho dự án. Tính đến cuối năm 2018, Công ty đã vay hơn 4.500 tỷ đồng phục vụ dự án này.
Trong bối cảnh nguồn vốn cho dự án lớn dở dang đang gặp khó, VSH còn chứng kiến cổ đông lớn lần lượt thoái vốn. Cuối quý I/2019, Công ty TNHH Perfetto đã bán ra toàn bộ hơn 29,2 triệu cổ phiếu VSH (tương đương tỷ lệ 14,17%).
Hiện VSH có 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và quỹ ngoại Samarang Ucit. Tuy nhiên, EVNGenco cũng có kế hoạch thoái vốn tại VSH trong năm nay.
Lam Phong
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Bị cưỡng chế cả nghìn tỷ tiền thuế, Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam làm ăn thế nào?
Lợi nhuận năm 2018 của VEC chỉ hơn 582 triệu đồng do ảnh hưởng của lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 2.000 tỷ đồng bởi VEC vay nợ tới 66.517 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2018.
Vì sao VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế?
Cục Thuế TP Hà Nội vừa cho biết, từ 1/7/2016 đến năm 2017 đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) 9 đợt với tổng số tiền gần 950 tỷ đồng theo hình thức hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Về nguyên nhân dẫn đến việc Cục Thuế TP Hà Nội có quyết định cưỡng chế VEC, trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế GTGT, Cục Thuế đã phát hiện VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư.
Vì lẽ đó, căn cứ quy định của Luật quản lý thuế và kết quả thanh tra sau hoàn thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã ban hành hai quyết định về thu hồi tiền hoàn thuế GTGT đối với VEC, số tiền gần 950 tỷ đồng đã hoàn cho VEC trước đó, tiền chậm nộp phải nộp 83 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thuế phải thu hồi và tiền chậm nộp 1.033 tỷ đồng.
Về biện pháp cưỡng chế thuế và số tiền cưỡng chế, trong quá trình đôn đốc thu hồi số tiền hoàn thuế và tiền chậm nộp nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho VEC liên hệ với Bộ chủ quản để xử lý sai sót cũng như thu xếp nguồn tài chính để thực hiện hoàn trả NSNN nhưng VEC vẫn chưa thực hiện quyết định của cơ quan thuế.
Vì vậy, ngày 28/5, Cục thuế TP Hà Nội đã ban hành 5 quyết định thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của VEC tại 5 ngân hàng thương mại, thời gian cưỡng chế từ ngày 4/6 đến hết ngày 3/7. Số tiền cưỡng chế ghi trong các quyết định nêu trên là 1.033 tỷ đồng.
Cục Thuế TP Hà Nội khẳng định ngoài biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thì không đề nghị các Ngân hàng phong tỏa tài khoản, không thực hiện khấu trừ lương, thu nhập của người lao động... như nội dung VEC phản ánh trong công văn 2398/CV-VEC gửi Bộ Tài chính.
Lợi nhuận biến động mạnh do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 2.000 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh năm 2018, VEC thực hiện được 3.225 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với năm 2017. Lợi nhuận gộp đạt 2.589 tỷ đồng, tăng mạnh 58%.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của VEC tăng vọt gấp 3,4 lần cùng kỳ khi chiếm 2.888 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay là 735 tỷ đồng) do lỗ chênh lệch tỷ giá.
Do ảnh hưởng lớn từ chi phí này khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của VEC giảm mạnh chỉ vỏn vẹn 582 triệu đồng, trong khi năm 2017 lãi tới 935 tỷ đồng. Chi phí thuế chỉ hơn 1,4 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017.
Ngược về những năm trước, VEC thực hiện được lần lượt 122 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của năm 2016 và 385 triệu đồng cho năm 2015. Và hai năm này không phát sinh chi phí thuế.
Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của VEC tăng thêm 7.416 tỷ đồng, lên mức 96.556 tỷ đồng.
Trong đó, VEC ghi nhận hơn 13.592 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn chủ yếu phát sinh từ xây dựng dự án Bến Lức - Long Thành (13.027 tỷ đồng). Phải trả người bán ngắn hạn hơn 11.442 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (6.660 tỷ đồng), đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (2.585 tỷ đồng), đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây (1.589 tỷ đồng)...
Nợ phải trả của VEC tới 87.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn đã áp sát tài sản ngắn hạn với 19.673 tỷ đồng.
Riêng vay nợ tài chính ngắn hạn của VEC không đáng kể nhưng dài hạn lên tới 66.517 tỷ đồng, tương ứng chiếm 69% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của VEC chỉ 9.556 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của VEC chính là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) với hơn 31.200 tỷ đồng. Tiếp theo là Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 28.960 tỷ đồng và Ngân hàng Thế giới với hơn 5.400 tỷ đồng.
Tình hình vay nợ tài chính dài hạn của VEC
Hầu hết các hợp đồng vay được thực hiện để tài trợ vốn cho các dự án đường cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi... với thời hạn thanh toán dao động từ 16 đến 40 năm.
Chính những khoản vay ngoại tệ này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh năm 2018 của VEC bởi lỗ chênh lệch tỷ giá tới gần 2.200 tỷ đồng, trong khi năm 2017 chỉ 368 tỷ đồng.
Minh An
Theo vietnamdaily.net.vn
Tập đoàn CEO báo lãi giảm 30% trong quý III/2019 Công ty CP Tập đoàn CEO vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với kết quả doanh thu đạt 643 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy, sau khi trừ đi các khoản chi chí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty báo lãi ròng hơn 39 tỷ đồng, sụt giảm hơn 30%...