Khó khăn phải cùng tháo gỡ chứ đừng “đánh đố” doanh nghiệp
Sự khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, nông sản là vấn đề “ nóng” được phản ánh tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 25/8 do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ yêu cầu, những ngày tới đây, tất cả các địa phương phải quán triệt, thống nhất tất cả hàng hóa đều là hàng hóa thiết yếu, kể cả hàng thực phẩm hay hàng phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, không phân biệt đối xử với bất kể mặt hàng nào.
Ông Thể cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các văn bản địa phương đã ban hành. “Văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” thì phải dừng áp dụng. Tuyệt đối không cản trở vận chuyển hàng hóa”.
Còn nhớ trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh về yêu cầu xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế.
“Tinh thần chung là các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con” – người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Có thể nói “giấy phép con” cho đến nay vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu trong điều kiện bình thường, không ít yêu cầu trái khoáy từ cơ quan quản lý đã khiến doanh nghiệp phải “than trời” thì ở bối cảnh dịch giã, việc phát sinh “giấy phép con” khiến con đường tồn tại, sống sót của doanh nghiệp trở nên hẹp lại.
Ít ngày tới, Tổng cục Thống kê sẽ công bố số liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong tháng 8. Tuy nhiên, dễ hình dung rằng, những con số về các doanh nghiệp phải đóng cửa, rút khỏi thị trường sẽ không hề nhỏ. Khó khăn chồng chất khó khăn, từ nguồn nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, từ bối cảnh sản xuất cho đến môi trường kinh doanh.
Video đang HOT
Vận tải, lưu thông hàng hóa là huyết mạch sống còn của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế. Nếu hàng hóa không lưu thông suôn sẻ, đương nhiên, chi phí của doanh nghiệp sẽ bị đội lên, chưa kể rủi ro chậm giao hàng hay hàng hư hỏng.
Siết yêu cầu giãn cách để chống dịch là cần thiết. Cái khó của địa phương, hẳn rằng doanh nghiệp nào cũng đều cảm thông, bởi bảo vệ sức khỏe người dân cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp. Song thiết nghĩ, khó khăn phải cùng tháo gỡ, chứ không nên cứng nhắc theo hướng “đánh đố” doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều chính sách đã được đưa ra và cũng đã có những đề xuất quy mô hàng nghìn tỷ đồng, nào khoanh nợ, giãn thuế, cấp thêm hạn mức tín dụng…
Nhưng một sự hỗ trợ rất lớn mà các cơ quan bộ ngành, chính quyền địa phương có thể làm ngay, chính là “gói hỗ trợ về thể chế”. Nói cho cùng, doanh nghiệp phải sống sót, phải tồn tại thì mới có điều kiện trả nợ, đóng góp ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Trong phiên họp ngày 25/8, ông Nguyễn Văn Thể đã rất gay gắt với một số địa phương vì gây ách tắc trong lưu thông hàng hóa, nông sản. Trước đó, ông cũng đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc một Giám đốc Sở GTVT vì không tham mưu cho lãnh đạo địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa.
“Thay mặt ngành giao thông và các địa phương, chúng tôi xin nhận trách nhiệm với các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc giao thông ở một số nơi thời gian qua” – ông Thể cho biết và khẳng định, Bộ GTVT đã cấp mã QR Code cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính có giá trị 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, nếu địa phương nào không thực hiện là làm trái.
Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đánh giá cao thái độ của ông Bộ trưởng. Song, trong thực hiện mục tiêu “kép”, dứt khoát phải có sự thống nhất hơn nữa, xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ các bộ ngành đến các địa phương, chứ không thể mỗi nơi làm một kiểu!
Cần Thơ chưa bỏ quy định 'sang xe, đổi tài', lưu thông hàng hóa vẫn tắc
Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), đến trưa 26/8, tại Bến xe khách trung tâm thành phố Cần Thơ (quận Cái Răng) vẫn còn hàng chục xe tải, xe container phải nằm chờ.
Toàn cảnh bãi trung chuyển hàng hóa tại Bến xe trung tâm TP Cần Thơ với hàng chục phương tiện đậu cả trong và ngoài bãi chờ được "thông quan". Ảnh: TTXVN phát
Dù tại tại cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa diễn ra chiều hôm qua (25/8), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu thành phố Cần Thơ bỏ ngay quy định phải tập kết để trung chuyển hàng hóa, nhưng địa phương này vẫn chưa thực hiện.
Tài xế Lê Văn Đậm từ Cà Mau lên Cần Thơ chở hàng thức ăn thủy sản cho biết, xe của anh bị kẹt ở đây từ 22 giờ đêm hôm qua, đến trưa nay vẫn chưa được vào thành phố Cần Thơ để nhận hàng. Theo anh Đậm, quy định của Cần Thơ là phải sang hàng tại bãi tập kết nhưng bên công ty sản xuất yêu cầu phải vào tận kho để nhận chứ không có xe chở ra bãi trung chuyển.
"Ngành chức năng thành phố Cần Thơ giải quyết cho tài xế có đầy đủ giấy tờ như giấy đi đường, cam kết, xét nghiệm âm tính thì được vào thành phố giao nhận hàng chứ quy định "sang xe, đổi tài xế" này đang gây khó khăn cho người vận chuyển" - anh Đậm chia sẻ.
Anh Trịnh Hoàng Sơn (43 tuổi), chủ doanh nghiệp vận tải ở thành phố Cần Thơ cho biết, công ty có gần 70 xe container; trong đó, một nửa đang hoạt động, chuyên nhận hàng hóa ở các tỉnh Đông Nam Bộ về giao hàng cho các doanh nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây.
Anh Sơn cho rằng, việc đổi tài xế là bất khả thi. Mùa dịch này, khi cầm xe chạy, tài xế đã chấp hành xét nghiệm thường xuyên, ai cũng lo cho sức khỏe của mình nhưng nếu thêm "rào cản" này thì khó khăn càng nhân thêm. Hơn nữa, để lái xe container tài xế phải có bằng FC, người không có kinh nghiệm thì không thể lái được nên phương án "sang xe, đổi tài" là bất khả thi.
Ngày hôm qua, công ty của anh Sơn có 7 xe mắc kẹt ở bãi tập kết. Trong hôm nay, 26/8, số lượng xe tiếp tục về Cần Thơ là hơn 10 chiếc. Chủ doanh nghiệp này cho rằng, với phương án lập đội vận tải xanh của Cần Thơ thì không doanh nghiệp nào huy động được số lượng lớn tài xế trong mùa dịch để đổi. Tài xế xe container mỗi người "ôm" cố định một xe để chạy nên thà họ xin nghỉ chứ không yên tâm giao xe cho người khác lái.
Theo các doanh nghiệp vận tải, thành phố Cần Thơ nên tổ chức điểm xét nghiệm ngay tại chốt kiểm soát, khi xe về tới Cần Thơ thì tiến hành test cho tài xế, ai âm tính thì cho vào, giống như các tỉnh khác.
Đối với việc sang hàng, các nhà xe cho rằng cũng rất khó vì không đủ người. Nhất là với các xe chuyên dùng chở hàng siêu trường, siêu trọng, không phải hàng nhỏ lẻ nên không thể thực hiện được - một doanh nghiệp nêu vấn đề.
Ông Đoàn Quốc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Anh Thư (tỉnh Hậu Giang) cho biết, công ty có đầy đủ các loại giấy tờ, đã đăng ký và được Sở Công Thương thành phố Cần Thơ duyệt theo quy định mới. Nhưng từ ngày 23/8 tới giờ thì xe vào Cần Thơ không được mà bắt buộc phải thay đổi lái xe. Bản thân các tài xế ai cũng sợ bị lây nhiễm nên đều có ý thức tự bảo vệ mình.
Nếu bây giờ bắt giao xe cho người khác thì ai dám chắc không có nguy cơ lây bệnh. Thêm vào đó, nếu đổi tài xong thì các tài xế ở bãi tập kết không tránh khỏi tập trung đông người, không ai quản lý. Lỡ có một tài xế dương tính thì sẽ tạo thành ổ dịch ngay. Hiện công ty Anh Thư đâu phải chỉ có một, hai xe mà tới hơn 40 xe đang hoạt động thì làm sao đủ tài xế để đổi.
Một bất cập nữa được các doanh nghiệp vận tải phản ánh là các xe không vào thành phố Cần Thơ mà chỉ đi ngang qua một đoạn vẫn phải vào bãi tập kếp của Cần Thơ để khai báo. Với lượng xe dồn ứ đông thì hiện nay việc này rất mất thời gian bởi mỗi lần khai báo mất mấy tiếng đồng hồ. Cùng đó là chi phí phát sinh thêm gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều xe chở nguyên liệu về giao cho các đơn vị sản xuất, nay bị ngừng trệ sẽ gây ảnh hưởng lớn cho cả 2 bên giao - nhận.
Chiều 25/8, kết luận cuộc họp trực tuyến với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 63 tỉnh thành phố về vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã đề nghị Cần Thơ xem xét lại việc đưa ra quy định riêng như lập điểm trung chuyển hàng hóa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tất cả địa phương cần rà soát lại văn bản, không được chỉ đạo trái với các văn bản của Chính phủ. Điều gì không trái nhưng phát sinh thêm thủ tục, khó khăn thì phải bỏ và không thể đưa ra văn bản gây thêm chi phí, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong 3 ngày qua, phóng viên TTXVN đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ phụ trách vấn đề này cùng Giám đốc Sở Giao thông vận tải để nắm bắt các giải pháp xử lý của thành phố nhưng đều không nhận được phản hồi.
Việc địa phương ban hành những quy định đối với việc vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch để đảm bảo phòng chống dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều cần thiết.
Tuy nhiên, việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải "đăng ký trước" và "sang xe, đổi tài" tại bãi tập kết trong khi họ đã phải đáp ứng rất nhiều thủ tục giấy tờ để được hoạt động trong thời điểm khó khăn này lại đang dẫn đến nguy cơ "luồng xanh" bị tắc nghẽn. Từ đó dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ khi dịch bùng phát.
Ninh Thuận tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa an toàn, thông suốt Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa một cách an toàn, thông suốt giữa các vùng và địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều giải pháp đảm bảo vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo hàng hoá được lưu thông thông suốt, an toàn để phục vụ đời sống dân...