Khó khăn của thị trường bất động sản có tính chu kỳ
Thị trường bất động sản (BĐS) được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có khả năng lặp lại khủng hoảng như giai đoạn 2011 – 2013. Chúng tôi có một cuộc trò chuyện với TS Đinh Thế Hiển, một chuyên gia kinh tế có quá trình theo dõi thị trường BĐS lâu dài, để nghe những nhận định của ông.
Tại sao đầu tư bất động sản hấp dẫn?
Thưa tiến sĩ! Ông có thể lý giải vì sao ở một quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam nhưng thị trường BĐS lại phát triển rộng khắp, giá trị BĐS ở những thành phố lớn có thể sánh ngang với giá BĐS ở các quốc gia phát triển?Vì sao người dân Việt Nam lại chuộng thị trường BĐS đến vậy?
- Ở các quốc gia phát triển, người có tiền tích lũy, giới nhà giàu có nhiều chọn lựa kênh đầu tư hơn ở Việt Nam. Thông thường thì họ mua cổ phiếu của các công ty chất lượng, cổ phiếu của các quỹ đầu tư uy tín, trái phiếu chính phủ…, đó đều là những lựa chọn an toàn và bền vững. Ngoài ra, người có tiền ở các quốc gia phát triển họ có thể đầu tư vào hệ thống khách sạn, nhà hàng, trang trại nông nghiệp có ủy thác quản lý chuyên nghiệp…
Ở Việt Nam, người có tiền, tầng lớp khá giả chỉ có vài lựa chọn cho các kênh an toàn; trong đó phổ biến nhất là gửi ngân hàng, mua vàng và mua BĐS. Ở Việt Nam mua BĐS để dành vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng nhất bởi nó đơn giản và hiệu quả kinh tế khá cao mang lại đã được chứng minh suốt nhiều năm qua.
Thực tế, trong 20 năm nay, gần như không có kênh đầu tư nào có thể cạnh tranh lại với kênh đầu tư BĐS về thu hút vốn. Lịch sử phát triển của thị trường BĐS Việt Nam thực sự bước vào chuyên nghiệp cũng chỉ gần 20 năm với việc mở rộng quyền sở hữu BĐS của người dân. Trong thời gian đó, thị trường có những chu kỳ tăng giảm, sau những đợt tăng mạnh thì có giai đoạn giá đi ngang, thậm chí suy giảm, nhưng rồi thì tiếp tục tăng lại. Có nhiều giai đoạn giá nhà đất tăng vài chục phần trăm một năm, kéo dài vài năm.
Nhìn chung lại giá nhà đất tăng khá mạnh so với việc gửi ngân hàng nhận lãi suất. “Quy luật” này đã tạo nên một suy nghĩ, đầu tư vào BĐS là kênh đầu tư an toàn sinh lời cao, với câu tóm gọn của giới đầu tư “mua thổ thì lời”. Chính điều này đã biến việc mua nhà đất để dành như một kênh đầu tư trở nên hấp dẫn người có tiền cũng như những người không có tiền. Nhà đầu tư không chỉ dùng tiền của mình, mà nhiều người vay ngân hàng với tỷ lệ rất cao, thường đất 60 – 80% giá trị đầu tư.
Một điểm khác biệt ở Việt Nam là cho dù người nắm giữ bao nhiêu BĐS không đưa vào khai thác sinh lời thì vẫn không lo lắng về khoản thuế phải nộp, thuế đánh vào BĐS hàng năm không đáng kể so với giá trị của BĐS. Giá BĐS có thể đột biến tăng từ Nhà nước đầu tư hạ tầng lớn, nhưng các chủ đất may mắn không bị điều tiết từ sự hưởng lợi này… Với những lợi thế vượt trội, kênh đầu tư BĐS đang ngày càng trở nên mạnh hơn trong việc thu hút vốn nhà rỗi trong dân và cũng như nguồn vốn từ ngân hàng.
Trong 20 năm, nhìn ở góc độ tích cực, thị trường BĐS đã góp phần tạo nên bộ mặt cho các đô thị ở Việt Nam, hạ tầng phát triển nhanh… Nhìn ở góc độ tiêu cực, việc thị trường BĐS phát triển quá nóng dẫn đến hậu quả nguồn vốn dồn vào BĐS với tỷ lệ quá lớn, trong khi đó các ngành sản xuất kinh doanh khác thiếu nguồn vốn đầu tư; nhà đầu tư BĐS được hưởng lợi từ đầu tư hạ tầng nhà nước, có nguồn vốn từ nguồn thu thuế của các hoạt động sản xuất – kinh doanh và người dân. Điều này về lâu dài sẽ làm kìm hãm sự phát triển kinh tế bền vững, và tạo thu nhập, việc làm cho người dân. Tôi nghĩ, trong tương lai cần có giải pháp để điều tiết nguồn lợi từ đầu tư BĐS để đầu tư BĐS và đầu tư các ngành sản xuất – kinh doanh được hài hòa, hợp lý hơn.
Ông có thể nói rõ hơn về việc hình thành các chu kỳ của thị trường BĐS?
Video đang HOT
- Trong 20 năm qua có 4 chu kỳ tăng và giảm giá, bình quân mỗi chu kỳ nhỏ là 5 năm và chu kỳ lớn là 10 năm. Năm 2013 đỉnh điểm của khủng hoảng thị trường, giá BĐS nhiều khu vực giảm sâu đến 40 – 50%, nhiều công ty phá sản, khiến cho nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh khốn đốn, cho dù đó là nhà đầu tư nhỏ lẻ hay đại gia nhiều tiền. Trong giai đoạn 2006 – 2007, nhiều dự án chỉ cần có quyết định trên giấy đã bán hết, nhà đầu tư nhiều khi phải mua suất xếp hàng… Trong các giai đoạn thị trường tăng nóng, một nguồn vốn khổng lồ đổ vào BĐS, ngân hàng cũng dễ dãi hơn, tỷ lệ cho vay cao trên định giá tài sản thế chấp.
Khi xu hướng tăng giá không còn, nhà đầu tư mới chùn tay không mua, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt thì các ngân hàng đi vào chu kỳ thu hồi nợ, hạn chế cho vay, giá BĐS đi ngang, người không có khả năng cầm cự, gồng gánh các khoản vay buộc phải giảm giá để bán ra, lấy tiền thanh toán cho ngân hàng. Các chu kỳ tăng trưởng mạnh rồi đi ngang sau đó giảm giá cứ lặp đi lặp lại.
Trong giai đoạn 2016 – 2019, các chính sách điều hành kinh tế hướng đến phát triển bền vững; đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh; hạ tầng phát triển nhanh giúp kết nối các khu vực xa xôi với khu vực đã phát triển; mặt bằng giá BĐS đã giảm sâu trong chu kỳ trước đó… đã tạo điều kiện cho thị trường BĐS tăng trưởng mạnh trở lại. Thị trường BĐS trong giai đoạn này ghi nhận mức tăng giá nhanh, bình quân tăng 20%/năm, cá biệt có những khu vực giá BĐS tăng 50%/năm.
Những dấu hiệu bất ổn
Quý 3/2020, nhiều công ty môi giới đã đồng loạt đưa ra các nhận định khá ảm đạm về thị trường BĐS. Trên các trang quảng cáo mua bán nhà đất, số lượng BĐS rao bán do chủ “ngộp vốn” chiếm tỷ lệ lớn… Nhiều chuyên gia cho rằng những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay mới chỉ là bắt đầu, trong tương lai có thể còn tệ hơn. Ý kiến của ông thế nào, ông có lời khuyên nào dành cho nhà đầu tư cá nhân?
- Từ Quý 4 năm 2019 đã có những dấu hiệu bất ổn của thị trường BĐS, mặt bằng giá quá cao do tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, giao dịch chững lại. Đại dịch COVID -19 là tác động cuối cùng để chấm dứt cơn sốt kéo dài nhiều năm. Bất ổn nhất vẫn là mảng BĐS du lịch, hàng hóa làm ra không tiêu thụ được.
Các số liệu cho thấy, số lượng BĐS du lịch bán ra trong năm 2020 chỉ bằng 5% của năm 2018 và 2019, điều đó cho thấy thị trường này đang rất khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn các chủ đầu tư đổ vào các dự án này không phải là nhỏ, trong tương lai đây có thể trở thành nợ xấu. Đây là hậu quả của việc chạy đua phát triển nóng của nhiều năm trước. Nhiều dự án được xây dựng ở những khu vực chưa hội đủ các điều kiện phát triển hoặc số lượng hàng hóa làm ra quá nhiều so với nhu cầu.
Khi đưa vào khai thác, hiệu quả kinh tế mang lại không đủ để nhà đầu tư chia sẻ với khách hàng đã mua BĐS du lịch như đã cam kết lúc bán hàng. Các ông chủ phá vỡ cam kết, khách hàng đấu tranh triền miên nhưng hiệu quả không đáng kể. Những khách hàng tiềm năng nhìn thấy viễn cảnh đó, họ không còn hào hứng với BĐS du lịch. Tất nhiên trong bức tranh tối màu của BĐS du lịch, vẫn có những điểm sáng, những dự án hội đủ điều kiện về địa điểm, về thiết kế và chủ đầu tư uy tín vẫn có thể bán được.
Về tổng thể thị trường, có nhiều lo ngại sẽ suy giảm mạnh như giai đoạn 2011 – 2013. Tuy nhiên, theo tôi tình hình thị trường BĐS hiện nay nó an toàn hơn nhiều. Do có lộ trình kiểm soát nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS từ nhiều năm trước nên không có chuyện các ngân hàng sử dụng vốn huy động để tài trợ cho các dự án BĐS nội bộ hoặc ngân hàng đứng sau các dự án (ông chủ ngân hàng đồng thời là ông chủ của dự án BĐS); ngoài ra Chính phủ thực thi cung tiền có kiểm soát, lạm phát ổn định và triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam là những động lực nâng đỡ thị trường không rơi vào tình trạng tê liệt như 2012 – 2013.
Về vi mô của các nhà đầu tư cá nhân thì đây là giai đoạn đang có khó khăn và rủi ro. Tùy vào hoàn cảnh từng người, tỷ lệ vốn vay để đầu tư, triển vọng nguồn thu… để đưa ra các quyết định phù hợp với hoàn cảnh. Nhiều nhà đầu tư cá nhân giàu lên nhờ BĐS và cũng nhiều nhà đầu tư bị mất nhà trong các cơn khủng hoảng thị trường. Điểm khác biệt duy nhất giữa thành công và thất bại là chọn thời điểm và dũng cảm đưa ra các quyết định hợp lý. Với những nhà đầu tư vay vốn ngân hàng với tỷ lệ cao, trong hoàn cảnh không thể gồng gánh các khoản nợ thì nên thoát ra bằng cách bán giảm giá trước khi quá muộn.
Xin cảm ơn ông!
“Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa vẫn còn lâu dài ở phía trước, đó là 2 nền tảng lớn của cho thị trường BĐS phát triển lâu dài. Trong lịch sử thị trường BĐS Việt Nam, có những giai đoạn phát triển nóng và những giai đoạn trầm lắng, thậm chí là đóng băng, khủng hoảng nhưng đó là điều không thể tránh khỏi đối với một thị trường non trẻ.
Ngay trong giai đoạn được xem là khó khăn của thị trường, những vùng đang được Chính phủ đầu tư hạ tầng mạnh, có động lực kinh tế vẫn sẽ hứa hẹn tăng giá trong thời gian tới. Do vậy, vẫn có nhiều cơ hội dành cho các nhà đầu tư cá nhân. Phương châm đầu tư của W.Buffet: “Tôi tham lam khi người ta sợ hãi” luôn phù hợp khi thị trường suy giảm, giá bị giảm.” – TS Đinh Thế Hiển
Làm 'tổ' đón 'đại bàng', chị em nhà ông Đặng Thành Tâm thắng lớn
Thị trường chứng khoán tăng điểm hai phiên liên tiếp trong tuần này trong đó có đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, 26/5, cổ phiếu SNZ của Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp tăng 12%, cổ phiếu MH3 của CTCP Khu công nghiệp cao su Bình Long tăng 7,2%, cổ phiếu TIP của CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa tăng 6,9%, cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà tăng 6,8%, cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tăng 6,8%, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tăng 4%, cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG tăng 3,2%, và cổ phiếu SZL của CTCP Sonadezi Long Thành tăng 2,7%...Trong đó, SZL, ITA và MH3 đã trải qua 3 phiên tăng giá liên tiếp.
Bên cạnh hầu hết các doanh nghiệp này đều kinh doanh có lãi trong quý 1/2020 thì việc đón làn sóng mới từ đầu tư nước ngoài cũng khiến các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19.
Để đón đầu làn sóng này, thu hút các "đại bàng" đến làm tổ, các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu, giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.
Sự trỗi dậy của cổ phiếu bất động sản công nghiệp cũng giúp cho hai chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) và ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) - gia tăng tài sản nếu tính về giá trị cổ phiếu do hai doanh nhân nhà họ Đặng sở hữu.
Hai doanh nhân họ Đặng, bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm.
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo là công ty con của Tập đoàn Tân Tạo và đang lưu hành 938.463.607 cổ phiếu. Trong đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến trực tiếp nắm giữ 5,79%, tương đương 54.349.633 cổ phiếu. Bà Yến còn gián tiếp sở hữu 8,84% cổ phần tại ITA, tương đương 82.918.449 cổ phiếu thông qua CTCP Đại học Tân Tạo.
Người liên quan của bà Yến tại ITA là ông Đặng Thành Tâm (em trai) hiện sở hữu 3,1% cổ phần tại ITA, tương đương 29.063.039 cổ phiếu.
Ông Đặng Thành Tâm vốn được biết đến với nhiều vai trò, trong đó nổi bật nhất vẫn là Chủ tịch HĐQT của KBC và được mệnh danh là "ông vua" BĐS công nghiệp. Hiện KBC đang nắm quyền quản lý KCN Quế Võ - Bắc Ninh (nơi đặt đại bản doanh của nhiều tập đoàn lớn trong đó có Canon và Foxconn); KCN Tràng Cát - Hải Phòng; Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn 6 sao - Mỹ Đình - Hà Nội...
Theo dữ liệu được KBC công bố, ông Đặng Thành Tâm đang là cổ đông lớn nhất của tập đoàn khi sở hữu trực tiếp 18,15% vốn điều lệ, tương đương 85.250.000 cổ phiếu.
CTCP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc (KB Invest) là cổ đông lớn thứ hai tại KBC khi sở hữu 8,30%, tương đương 38.996.650 cổ phiếu và cũng chính là công ty do ông Tâm sở hữu.
Mặc dù lâu nay cổ phiếu ITA vốn được xem là cổ phiếu "trà đá" nhưng 3 phiên tăng giá liên tiếp gần đây (trong đó 2 phiên tăng kịch trần) đều cho thấy thanh khoản tăng đột biết. Đáng chú ý, phiên giao dịch 26/5 ghi nhận gần 64 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Trong khi đó, cổ phiếu KBC cũng đã trải qua 2 phiên tăng giá liên tiếp, phiên 25/05 ghi nhận hơn 6,5 triệu đơn vị chuyển nhượng, mức cao nhất kể từ phiên 14/1.
Nếu tính cả lượng cổ phiếu sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại ITA, giá trị cổ phiếu do bà Đặng Hoàng Yến sở hữu đã tăng thêm hơn 52 tỷ đồng sau 3 phiên tăng giá của ITA, đạt hơn 410 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm cũng có thêm hơn 11 tỷ đồng từ ITA khi giá trị cổ phiếu do ông nắm giữ tại doanh nghiệp này tăng lên mức 87 tỷ đồng.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phần lớn tài sản của ông Tâm nằm ở KBC với tổng giá trị cổ phiếu (trực tiếp và gián tiếp nắm giữ) đạt 1.857 tỷ đồng, tăng mạnh 174 tỷ đồng sau 2 phiên cổ phiếu này tăng giá.
Ngoài hai doanh nhân nổi tiếng nói trên, gia đình nhà họ Đặng còn có thêm một đại gia kín tiếng, đó là ông Đặng Quang Hạnh (anh trai ông Tâm và là em trai bà Yến). Hiện ông Hạnh đang nắm giữ 3,3 triệu cổ phiếu ITA, tương đương 0,36% vốn điều lệ. Ông Hạnh từng có thời gian ngắn ngủi làm Tổng Giám đốc ITA trước khi từ nhiệm để nhường lại cho chị gái mình.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến là người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của ITA. Ngoài ra, bà còn là Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Tân Tạo.
Coteccons và "Coteccons Group" - công trình dang dở của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương Cổ đông Coteccons đang lo lắng về một tương lai bất định khi "bầu sữa" Coteccons ngày một nhỏ lại, trong khi các công ty trong Coteccons Group ngày một lớn lên. Kể từ khi Coteccons gây tiếng vang lớn với việc nhận 25 triệu USD đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài năm 2012, có thể thấy, Coteccons đã vươn lên...