‘Khó đỡ’ các giải thưởng nhạc Việt
Chuyện gì xảy ra ở một số giải thưởng nhạc Việt giúp đám đông chọn ca sĩ mà họ yêu thích nhất, nhưng người được chọn lại “dính” nhiều tai tiếng?
Người ta đang nhìn thấy tình thế bối rối như vậy ở hai giải thưởng thuần âm nhạc là Zing Music Awards, Làn sóng xanh, và một giải thưởng khác có trao cho vài hạng mục âm nhạc là Mai vàng.
(chú thích ảnh: “Ông hoàng tai tiếng” Đàm Vĩnh Hưng đang gây khó xử cho cả ba giải thưởng âm nhạc.)
“Thủ phạm” gây lúng túng nhất không ai khác hơn là “ông hoàng tai tiếng” Đàm Vĩnh Hưng với sự có mặt ở cả ba giải thưởng. Với Zing, ông được nói là “tự ý rút khỏi” bảng đề cử Nghệ sĩ của năm, dù vẫn để tên ở đề cử Nam ca sĩ được yêu thích nhất.
Với Làn sóng xanh, ông có mặt trong danh sách 10 ca sĩ được yêu thích nhất nhưng ban tổ chức quyết định không trao giải cho ông. Chung “số phận” với ông còn có ca sĩ Thu Minh, năm qua bị phạt vì ăn mặc hở hang trên sân khấu; Cao Thái Sơn hát nhép và tai tiếng chuyện riêng tư.
Nhưng với Mai vàng, ban tổ chức do “tôn trọng tuyệt đối lá phiếu đề cử” nên giữ Đàm Vĩnh Hưng ở lại đề cử Ca sĩ hát nhạc nhẹ.
Như vậy, có thể thấy rõ xung đột qua lại đã xảy ra ở ba giải thưởng nhạc Việt do các đơn vị truyền thông tổ chức và lấy kết quả dựa trên bình chọn của số đông. Nếu cố gắng giữ “phẩm hạnh”, chỉ tôn vinh những ca sĩ “có hoạt động xã hội có ích cho cộng đồng và tư cách đạo đức nghề nghiệp tốt”, họ sẽ phải loại bỏ những người gây tai tiếng và vi phạm pháp luật về biểu diễn. Tức là họ phải chấp nhận không tôn trọng những người tham gia bỏ phiếu. Và ngược lại.
Video đang HOT
Không may là làng giải trí Việt trong năm qua lại không thiếu những cái tên vừa “được yêu thích” lại vừa gây ra những tai tiếng động trời, đặt ban tổ chức các giải thưởng âm nhạc giao phó kết quả cho đám đông lâm vào tình thế khó xử. Hoặc có thể nói theo một cách khác: những giá trị phổ biến nhất trong phạm vi đám đông tham gia cuộc chơi, đôi khi lại là những nhân tố khiến cộng đồng nổi giận vì sự vi phạm các giá trị chuẩn mực của xã hội.
Tình thế này còn tạo ra một khía cạnh tế nhị dành cho ban tổ chức trong mối quan hệ với đám đông bình chọn. Để bảo đảm sự tồn tại, tối đa hóa lợi nhuận từ thương vụ giải thưởng và đưa ra được bảng kết quả hàng năm thuyết phục xã hội bằng sức mạnh số đông, họ cần đám đông ở số lượng tối đa nhất mà họ có thể đạt được.
Thậm chí, khi số lượng bình chọn qua thư tay, email và tin nhắn không được như ý, một trong số những giải thưởng nói trên đã phải tổ chức thăm dò ở các trường học. Ai cũng hiểu bình chọn và thăm dò là hai chuyện khác nhau, với cách làm và nguyên tắc khác nhau, dẫn đến những kết quả khác nhau, nên không hiểu, sự nhập nhèm này xuất phát từ cố ý hay ngộ nhận?
Có lẽ không cần phải bàn cãi gì thêm, rằng: trên bước đường tiến tới một nền công nghiệp ghi âm và biểu diễn chuyên nghiệp, nhạc Việt cần những giải thưởng như những tấm lưới gạn lọc, ghi nhận và cố định các giá trị âm nhạc đã được tạo ra trong một định kỳ. Từ những giá trị được công chúng yêu thích nhất cho đến những giá trị mang tính hàn lâm, được giới chuyên môn bỏ phiếu công nhận.
Nhưng đến nay, hệ thống giải thưởng nhạc Việt gần như chỉ đi trên…một chân. Những đồng tiền thu lợi từ nhà tài trợ, từ tin nhắn bình chọn của khán giả, từ số người tăng thêm trên mạng xã hội…có lẽ là điều thực tế hơn nhiều so với chuyện đi tìm kiếm, khuyến khích và tôn vinh những sáng tạo đột phá và đỉnh cao bằng các giải thưởng hàn lâm.
Bởi làm giải thưởng thuần túy là một thương vụ, nên hệ lụy cũng đã thật rõ ràng. Rất nhiều cáo buộc ca sĩ dùng tiền, dùng “fan” thật lẫn “fan” ảo để chi phối kết quả, cho đến nay, mới chỉ gây áp lực minh bạch lên các giải thưởng, buộc họ phải công bố số lượng bình chọn do chính họ kiểm kê (?). Chưa thấy giải thưởng âm nhạc nào đủ tự trọng để…tự khai tử vì cảm thấy không hoàn thành được trách nhiệm đi tìm những giá trị đại diện, thuyết phục được xã hội ghi nhận và tôn vinh.
Minh Chánh
Theo Vietnamnet
Giải thưởng nhạc Việt nào danh giá nhất?
Có nghệ sĩ đã chua chát thốt lên rằng: Cách đây 10-15 năm, đoạt giải Làn sóng xanh là một niềm vinh dự tột cùng, nhưng đến bây giờ, giá trị nó đã giảm hẳn.
Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều giải thưởng dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, từ những giải chuyên sâu như Làn sóng xanh, Cống hiến, Ngôi sao bạch kim, Video âm nhạc Việt, Zing music Awards, Bài hát Việt... cho đến những giải nhiều lĩnh vực, trong đó dành một hạng mục cho âm nhạc như Mai Vàng, HTV Award...
Giải mới vẫn bấp bênh
Video âm nhạc Việt mùa đầu tiên có 24 video clip tham dự để tranh tới gần chục giải thưởng như Audio xuất sắc, Nam - Nữ ca sĩ xuất sắc, Ban nhạc xuất sắc, Ca sĩ triển vọng, Đạo diễn MV xuất sắc... Được kỳ vọng là một giải thưởng MTV của Việt Nam, nhưng trước khi khởi động, cuộc thi không được phổ biến rộng rãi để giới làm âm nhạc biết tới, tham gia, mà do BTC đi mời từng người cụ thể và tiêu chí không rõ ràng. Bởi vậy, lần đầu ra mắt, cuộc thi này bị coi là mang tính gia đình. Ngoài những tranh luận của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Đức Tuấn với giám khảo... giải thưởng này gần như nhạt nhòa. Theo cách nói đầy ẩn ý của đạo diễn Lê Hoàng trong đêm trao giải, thì chữ MTV có nghĩa là "một tối vui", vậy thôi.
Các nghệ sĩ trong giải Video âm nhạc Việt.
Zing Music Awards, một giải thưởng diễn ra được hai kỳ, đã có nỗ lực lớn, đặc biệt là thẳng thừng tuyên bố "loại thảm họa V-pop" ra khỏi giải. Tuy nhiên, dễ nhận thấy, từ cái tên cho tới hầu hết các hạng mục của giải vẫn bó hẹp trong cộng đồng của mạng xã hội này.
Một giải thưởng mới toanh, Bài hát yêu thích, được đầu tư khá quy mô, bài bản với sự tham gia của nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn để tranh giải thưởng của năm trị giá 1 tỉ đồng. Mỗi tháng một lần, liveshow này diễn ra luân phiên ở Hà Nội và TP HCM. Sau ba liveshow, Bài hát yêu thích có vẻ như vẫn chưa được "yêu". Trước hết, thời gian phát sóng chương trình trên kênh VTV3 quá muộn, thường bắt đầu từ 21h30 và kéo dài đến gần nửa đêm. Thứ hai, ngay từ khi khởi động, vì hợp đồng không ràng buộc với ca sĩ tham gia, nên nhiều ngôi sao liên tục báo hoãn sô, bởi vậy, tầm vóc ban đầu giảm sút. BTC đang trong quá trình "thay máu" cho chương trình, nên ở những bước đi ban đầu, chưa thể đánh giá được điều gì.
Giải cũ có giữ nguyên đẳng cấp?
Làn sóng xanh do Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM tổ chức, tới nay đã 15 mùa giải. Nếu như thời kỳ đầu, ca sĩ nào nhận được giải thưởng này, coi như đã đổi đời. Có một giai đoạn, giải thưởng rơi vào tình trạng "đáp án năm sau gần như năm trước", điều ấy có nghĩa là họ không tìm được gương mặt mới, tài năng mới. Mùa giải vừa qua, điều ấy vẫn tái diễn, cộng thêm vụ lùm xùm về "nghi án" chạy giải triển vọng của Minh Hằng.
Giải thưởng Bài hát Việt là một sân chơi dành cho các tác giả trẻ. Một cách bền bỉ, giải đã giới thiệu đến đời sống âm nhạc nhiều tác phẩm, tác giả, xu hướng mới. Tuy vậy, vì phụ thuộc hoàn toàn vào sáng tác dự thi, nên có nhiều liveshow diễn ra nhàn nhạt, lê thê mà không có điểm nhấn. Hiện nay, kênh VTV3 cũng không còn "ưu ái" với chương trình như trước nữa, mà "đẩy" sang kênh VTV6, nên lượng khán giả ngày càng sụt giảm.
Làn sóng xanh do Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM tổ chức, tới nay đã
15 mùa giải.
Ngôi sao bạch kim của báo Màn ảnh sân khấu là một trường hợp đáng tiếc, giải ra đời chỉ được vài mùa rồi "tắt lịm" bởi nhiều lí do, trong đó có cả nguyên nhân về kinh phí. Sức hút giải Mai Vàng của báo Người Lao động cũng không còn được như trước bởi đa số các nghệ sĩ nhận giải cũng có mặt trong những giải thưởng khác. Vì "đụng hàng", nên mới có hiện tượng một vài ca sĩ "càn quét" nhiều giải thưởng na ná nhau, nên công chúng ngày càng khó nhớ, khó phân biệt được giải này với giải kia.
Cống hiến là giải thưởng ngày càng được giới chuyên môn chú ý hơn, bởi lực lượng "chấm giải" là các nhà báo. Tuy nhiên, gần đây, giải đang bộc lộ một số bất cập khi BTC tự quyết định danh sách đề cử, có nghĩa, họ là những người "đi chợ", còn các nhà báo tạo ra món ăn cuối cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ: nếu các nguyên vật liệu BTC dọn sẵn ra không ưng ý, cũng khó có thể có được món ngon, do đó, Cống hiến vẫn làm cả nghệ sĩ và báo giới không khỏi "lăn tăn".
Giá trị của một giải thưởng chính là nghệ sĩ và những tác phẩm được tôn vinh. Nói như nhạc sĩ Anh Quân, làm thế nào để sau mỗi năm, người làm nghề trong lĩnh vực nhìn vào giải còn thấy nhiều hi vọng.
Theo Báo Đất Việt
Nam Cường: 'Không đủ tài chính thì khó nổi tiếng" "Thực thế thời buổi này không đủ tài chính thì khó làm ca sĩ thành công lắm, nhưng nếu như muốn nổi vì tiền thôi, phải chi thật nhiều thì may ra...", chàng ca sĩ "Bay giữa ngân hà" chia sẻ. - Hiện tại, bên cạnh Nam Cường, chỉ còn số ít những sao teen như Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy còn...