Khó có thai, có cần đi chụp tử cung – vòi trứng hay không?
Chụp tử cung – vòi trứng có tác dụng kiểm tra ống dẫn trứng có thông suốt hay bị tắc nghẽn và xem được hình dạng buồng tử cung có bình thường hay không.
Chào bác sĩ. Tôi năm nay 30 tuổi, đã có một em bé 5 tuổi. Chúng tôi có ý định sinh bé thứ hai nhưng sau khi dừng biện pháp tránh thai đến nay đã 6 tháng mà vẫn chưa có tin vui. Tôi cũng đã đi khám và làm theo hướng dẫn của một bác sĩ sản khoa trong 2 tháng. Bác sĩ nói, nếu tháng này vẫn chưa có thai thì sẽ chỉ định cho đi chụp tử cung – vòi trứng để chắc chắn. Bác sĩ cho tôi hỏi, sau 6 tháng dừng biện pháp tránh thai thì đã cần phải chụp tử cung vòi trứng hay chưa? Và biện pháp này có ảnh hưởng gì không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! (Hòa Bùi)
Trả lời:
Bạn Hòa Bùi thân mến!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới chúng tôi! Qua chia sẻ của bạn có thể thấy bạn đang lo lắng đến khả năng mình khó có con sau một thời gian dài ‘kế hoạch’. Trên thực tế, đúng là có không ít chị em đã gặp vấn đề này và khả năng vô sinh thứ phát (vô sinh dù đã có con trước đó) hoàn toàn có thể xảy ra.
Tổn thương ống dẫn trứng là một nguyên nhân thường gặp chiếm tỉ lệ 25-35% các ca vô sinh.
Với những chị em đã ‘kế hoạch’ nhiều năm, khi muốn có thai trở lại cũng nên đi khám phụ khoa để biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình và có biện pháp điều trị kịp thời nếu gặp vấn đề.
Với trường hợp của bạn, bạn đã đi khám phụ khoa và làm theo hướng dẫn của bác sĩ được 2 tháng thì tốt nhất bạn nên tiếp tục quá trình theo dõi, chạy chữa đó. Bình thường, khi đã loại bỏ các nguyên nhân dẫn đến khó thụ thai có thể quan sát được qua hình ảnh siêu âm (để xem có bất thường ở buồng trứng, tử cung…) hoặc xét nghiệm (xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra hormone) thì bác sĩ sẽ đề nghị chụp tử cung – vòi trứng (chụp cản quang tử cung – vòi trứng).
Hình thức này có tác dụng kiểm tra ống dẫn trứng có thông suốt hay bị tắc nghẽn và xem được hình dạng buồng tử cung có bình thường hay không. Tổn thương ống dẫn trứng là một nguyên nhân thường gặp chiếm tỉ lệ 25-35% các ca vô sinh. Muốn phát hiện ra người phụ nữ có tổn thương hay tắc ống dẫn trứng hay không thì chụp cản quang tử cung – vòi trứng là biện pháp hiệu quả nhất.
Video đang HOT
Để yên tâm hơn khi tiến hành chụp tử cung, bạn cần nắm được những thông tin liên quan đến phương pháp này như sau:
- Thời điểm tốt nhất để chụp tử cung – vòi trứng là sau khi sạch kinh 2-3 ngày và trước khi rụng trứng, Bạn cũng phải kiêng ‘quan hệ’ trước đó. Nếu bạn bị rong kinh thì phải chờ hết hẳn mới chụp.
- Trước khi bệnh nhân chụp tử cung – vòi trứng, bác sĩ sẽ thăm khám âm đạo cho bạn. Nếu bạn không bị viêm nhiễm đường đường sinh dục thì mới có thể chụp, còn nếu bị viêm nhiễm thì cần điều trị khỏi mới chụp (có thể chụp vào tháng sau).
- Chụp cản quang tử cung vòi trứng được thực hiện trong khoảng 30 phút. Bác sĩ sẽ bơm vào buồng tử cung một ít dung dịch có chứa chất cản quang (Iốt). Dung dịch cản quang sẽ đi vào hai ống dẫn trứng và vào ổ bụng nếu ống dẫn trứng thông suốt. Những bất thường trong lòng tử cung cũng có thể phát hiện nhờ phim X-quang.
Chụp tử cung – vòi trứng có tác dụng kiểm tra ống dẫn trứng có thông suốt hay bị tắc nghẽn…
Sau khi chụp phim, bạn có thể sinh hoạt bình thường. Chụp tử cung- vòi trứng được xem là một thủ thuật rất an toàn. Tuy nhiên, bạn nên chú ý giữ gìn vệ sinh để tránh nhiễm trùng.
Chụp tử cung – vòi trứng là bước quan trọng để đánh giá tình trạng ống dẫn trứng, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân vô sinh cũng như định hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện dưới sự chỉ định và tư vấn của các bác sĩ sản khoa để tránh các tai biến có thể xảy ra. Vì vậy, nếu bạn chưa muốn chụp ngay thì có thể trao đổi với bác sĩ để lui lại một vài tháng, sau đó việc chụp chiếu vẫn được thực hiện như trên.
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!
BS Hoa Hồng
Theo Trí thức trẻ (Ttvn.vn)
Đau bụng dưới: Không thể coi thường
Bất kì sự bất thường nào ở các bộ phận như buồng trứng, vòi trứng, vùng chậu, tử cung... đều có thể gây ra các cơn đau bụng dưới rốn.
Chào bác sĩ, em muốn hỏi nếu thường xuyên có biểu hiện đau dưới rốn thì có thể là mắc bệnh phụ khoa nào? Em có triệu chứng này trong 2 tuần nay cho dù không phải là ngày có kinh nguyệt. Cơn đau có khi chỉ nhói lên, có lúc lại đau thắt (thỉnh thoảng mới đau thắt). Bác sĩ cho em hỏi liệu em có cần đi khám không? Em xin cảm ơn! (H. Trâm)
Trả lời:
Bạn H. Trâm thân mến!
Qua chia sẻ của bạn, có thể thấy tình trạng đau dưới rốn của bạn đã kéo dài liên tục trong hơn 10 ngày mà không có dấu hiệu biến mất thì tốt nhất bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bất kì sự bất thường nào ở các bộ phận như buồng trứng, vòi trứng, vùng chậu, tử cung... đều có thể gây ra các cơn đau bụng dưới rốn.
Vùng dưới rốn (bụng dưới) là vị trí của cơ quan sinh sản với các bộ phận như buồng trứng, vòi trứng, vùng chậu, tử cung... Bất kì sự bất thường nào ở các cơ quan này đều có thể gây ra các cơn đau từ nhẹ đến nặng. Nguyên nhân cơn đau có thể được xác định dựa vào vị trí. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc xác định nguyên nhân lại gặp khó khăn, vì vậy, chỉ có đi khám thì bạn mới được bác sĩ thăm khám và kết luận chính xác.
Đau bụng dưới có thể là biểu hiện của những bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản như:
- Viêm vùng chậu: Vùng chậu nằm ở dưới rốn, bao gồm tử cung, hai bên vòi trứng, buồng trứng và hệ thống dây chằng. Cho nên đau bụng dưới rốn ở nữ giới có thể liên quan tới căn bệnh này. Viêm vùng chậu chủ yếu là do vi khuẩn, ký sinh trùng... gây ra. Những vi khuẩn, kí sinh trùng này thường gây viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung, buồng trứng... sau đó viêm nhiễm ngược lên thành viêm vùng chậu.
- U nang buồng trứng: Hầu hết các trường hợp u nang buồng trứng là lành tính nhưng nếu khối u lớn thì sẽ gây đau ở vùng chậu. Bệnh thường gây đau ở bụng dưới từ âm ỉ đến dữ dội, kinh nguyệt không đều, bụng chướng và đi tiểu nhiều lần do khối u chèn ép bàng quang.
- U xơ tử cung: U xơ tử cung chèn ép lên các vùng xung quanh gây đau bụng dưới, đặc biệt là vào những ngày có kinh nguyệt hoặc đau khi quan hệ tình dục.
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung phát triển lan ra bên ngoài tử cung, có thể ở buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, cổ tử cung, ruột...gây ra tình trạng đau bụng dưới rốn.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc viêm bàng quang: Khi đã bị viêm niệu đạo thì đường tiết niệu cũng dễ bị sưng, dẫn đến đau bụng dưới rốn, đau khi đi tiểu... Hoặc bàng quang bị viêm, sưng lên cũng gây áp lực tới vùng xương mu, người bệnh thường gặp tình trạng đau tức bụng dưới rốn, đau nhiều khi buồn tiểu.
Vì vậy, tốt nhất, bạn nên tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác và kịp thời. Cho dù nguyên nhân gây bệnh là gì nếu để lâu cũng đều nguy hiểm, ảnh hưởng khả năng sinh sản, thậm chí đe dọa tính mạng.
Chúc bạn vui khỏe!
BS Hoa Hồng
Theo Trí thức trẻ (Ttvn.vn)
Uống thuốc tránh thai, sao vẫn có thai? Tôi 30 tuổi, đã có 1 con, vòng kinh không đều, vì vậy gần như tháng nào tôi cũng phải dùng 1 lần thuốc tránh thai khẩn cấp, vậy mà có tháng tôi vẫn có bầu. Tôi muốn hỏi về tính an toàn của thuốc, khả năng mang thai sau khi dùng thuốc lâu dài (sắp tới tôi muốn sinh con thứ 2)....