Khó có chuyện “lách” cho vay bất động sản bằng trái phiếu
Ngân hàng dồn dập mua về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong 10 tháng đầu năm, khiến nhiều người lo ngại về hiện tượng tín dụng bất động sản “núp bóng”.
Ngân hàng vẫn là “kho thóc” của doanh nghiệp bất động sản
Tháng 10/2019, trong 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, thì có tới 9.349 tỷ đồng (55%) thuộc về doanh nghiệp bất động sản. Tính trong 10 tháng đầu năm, doanh nghiệp bất động sản phát hành hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn, thì riêng ngân hàng thương mại đã mua vào 12.000 tỷ đồng.
Tín dụng ngân hàng siết chặt là lý do để doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành trái phiếu. Tuy vậy, trái chủ chính của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lại là ngân hàng, khiến nhiều người lo ngại rằng, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có thể bắt tay nhau “lách” tín dụng bất động sản, bởi theo quy định, ngân hàng mua trái phiếu không bị tính vào dư nợ tín dụng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trên báo cáo tài chính, dư nợ tín dụng và đầu tư trái phiếu là hai khoản riêng biệt. Thực tế, ngân hàng thương mại phải báo cáo ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình đầu tư bất động sản (bao gồm cả cho vay lẫn mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản), nên lo ngại ngân hàng “lách” tín dụng bất động sản bằng trái phiếu là không có cơ sở.
Chuyên gia này cũng thừa nhận, tín dụng bất động sản đang ngày càng giảm, song nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn dựa vào tín dụng ngân hàng.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã bơm khoảng 530.000 tỷ đồng cho vay đối với các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản. Nếu tính tổng lượng vốn tín dụng đổ vào thị trường bất động sản (bao gồm cả tín dụng mua nhà), thì con số này lên khoảng 1,6 triệu tỷ đồng năm 2019 (khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng).
Như vậy, ngân hàng vẫn là nguồn cung vốn lớn nhất cho thị trường bất động sản. Điều đáng mừng là, chất lượng các khoản vay bất động sản đã tốt hơn trước rất nhiều. Hiện các ngân hàng rất khắt khe trong thẩm định và cho vay các dự án bất động sản.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt việc cấp tín dụng với nhóm khách hàng, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng. Định kỳ 3 tháng một lần, Thống đốc NHNN phải báo cáo Chính phủ về dư nợ của nhóm khách hàng, dự án có tín dụng 5.000 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, chỉ được cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.
Loay hoay tìm cách đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường
TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight khẳng định, không như lo ngại, tín dụng đổ vào bất động sản vẫn tăng trưởng khá tốt. Ngoài tín dụng, thị trường bất động sản có thêm nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài.
Video đang HOT
“Các kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản đang rộng mở, giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển thời gian tới”, ông Tín tin tưởng.
Hiện nay, vai trò quản lý, giám sát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng tham gia lĩnh vực bất động sản là rất chặt, kể cả cho vay trực tiếp hay mua trái phiếu, hay bất cứ hình thức nào. Bao nhiêu ngân hàng cho vay hay đầu tư vào bất động sản, tỷ lệ bao nhiêu, NHNN đều nắm được hàng ngày và có cảnh báo ngay
- Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Tuy vậy, các chuyên gia phân tích của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, bất động sản vẫn đang phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, trong khi nguồn vốn này thường có lãi suất cao và chủ yếu phục vụ đối tượng kinh doanh, đối tượng người có thu nhập cao, nhà đầu tư và thậm chí có cả nhà đầu cơ, chứ chưa thể đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp và trung bình.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản đón nhận thêm một số kênh rót vốn mới như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn tư nhân, trái phiếu doanh nghiệp, vốn ngân sách… Tuy nhiên, vốn ngân sách còn hạn chế và chiếm tỷ lệ nhỏ; vốn FDI tuy có quy mô lớn, nhưng dễ biến động do có tính đầu cơ cao.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tuy khởi sắc, nhưng để lại dấu hỏi về mức độ an toàn khi năng lực, mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp chưa được khẳng định; lãi suất phát hành cao, phương án sử dụng còn thiếu minh bạch, hiệu quả. Thậm chí, trong tháng 10/2019, một số doanh nghiệp bất động sản thua lỗ vẫn huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Dù bộc lộ nhiều mặt trái, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ muốn đa dạng vốn cho thị trường bất động sản, thì không thể vội vàng siết trái phiếu bất động sản. Trên thực tế, tỷ lệ vốn huy động bằng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn rất nhỏ bé so với tổng lượng vốn rót vào thị trường này.
TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định: “Nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang dựa vào ngân hàng quá lớn. Vài năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, đây là kênh để ngân hàng đảo nợ hoặc tài trợ bất động sản núp bóng. Tôi không đủ cơ sở để kết luận đúng hay không, song thị trường nào ở giai đoạn đầu phát triển cũng có khiếm khuyết, lệch lạc. Cần phải xác định rằng, thị trường trái phiếu chính là kênh huy động vốn quan trọng nhất của nền kinh tế, nhất là của thị trường bất động sản. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, cần khắc phục dần các khiếm khuyết của thị trường này”.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Bộ Tài chính khuyến nghị không nên đầu tư Trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao
Trước sự phát triển của thị trường Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính đã khuyến nghị các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN chỉ vì lãi suất cao.
Bộ Tài chính đã khuyến nghị cẩn trọng trước sức hút của lãi suất TPDN (Nguồn: Internet)
2 năm trở lại đây, thị trường TPDN phát triển vô cùng mạnh mẽ không chỉ về số lượng phát hành mà còn về lãi suất trái phiếu. Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất lên đến 13%, 14% và thậm chí là 20%.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN chỉ vì lãi suất cao.
TPDN là một công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Với tính chất này, doanh nghiệp có thể không đủ khả năng trả nợ nếu tình tài chính và kết quả kinh doanh không tốt.
Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Một số rủi ro nhà đầu tư TPDN có thể gặp phải là: (i) doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán; (ii) doanh nghiệp không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; (iii) doanh nghiệp không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn..." Do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua TPDN.
Sự bùng nổ của trái phiếu bất động sản
Khuyến nghị của Bộ Tài chính ra đời trong bối cảnh thị trường TPDN đón nhận nhiều thông tin nổi cộm. Hai năm gần đây, cuộc đua phát hành trái phiếu được đẩy nhanh, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Ghi nhận từ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong 10 tháng đầu năm 2019 cho thấy, trong khi lãi suất TPDN ngân hàng chỉ đạt bình quân 6,87%, thì lãi suất bình quân TPDN nhóm ngành bất động sản lên tới 10,23%.
Có thể kể đến lô trái phiếu của CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) (lãi suất 12%/năm); CTCP Đầu tư Văn Phú (lãi suất 12%/năm); đặc biệt là lô trái phiếu của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) với mức lãi suất lên đến 14,5%/năm.
Tính riêng tháng 10/2019 có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 9.349 tỷ đồng. Lãi suất TPDN bình quân của nhóm ngành bất động sản trong tháng 10/2019 cũng đạt mức 10,5% cao hơn nhiều so với mức 9,6% của tháng 9.
Lãi suất TPDN 10 tháng đầu năm 2019 với sự dẫn đầu của nhóm BĐS (Nguồn: SSI)
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản, việc doanh nghiệp của nhóm ngành này tăng cường huy động vốn thông qua trái phiếu được xem là một "kỹ thuật" được các chủ đầu tư bất động sản vận dụng nhằm duy trì dòng tiền cho hoạt động đầu tư phát triển.
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đánh giá làn sóng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc là dấu hiệu của "cơn khát vốn". Bộ Tài chính cũng nhận định đây là kết quả của chủ chương giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng của Chính phủ.
Những con số "kinh ngạc"
Ngoài bất động sản, doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác cũng chào bán các lô trái phiếu với mức lãi suất nổi trội. Như với ví dụ của Công ty Dược phẩm Pharmacity với lô trái phiếu với lãi suất 13%/năm.
Một ví dụ khác là lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng với mức lãi suất 20%/năm doACBS thu xếp phát hành.
Tuy phải đi vay "lãi cao" tới 1.400 tỷ đồng, Hồng Hoàng mặt khác được cho là đang sở hữu đến 60.771.055 cổ phiếu ACB (trị giá hơn 1.500 tỷ tính theo mức giá 24.700 đồng/cp). Điều đáng nói, phát hành trái phiếu lãi suất khủng, sở hữu một lượng lớn cổ phiếu ACB, nhưng doanh nghiệp này có vốn điều lệ chỉ ở mức 5 tỷ đồng. Nguồn thu để trả lãi của Hồng Hoàng vẫn thực sự là một ẩn số.
Rủi ro lớn cho nhà đầu tư cá nhân
Các nhà đầu tư cá nhân đang chủ yếu tiếp cận với TPDN thông qua sự tư vấn và bảo lãnh phát hành của các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm. Lãi suất khi phân phối đến nhà đầu tư cá nhân thường thấp hơn 1-2%, tuy nhiên so với kênh gửi tiết kiệm vẫn nổi trội hơn.
Mặt khác, bản thân các đơn vị tham gia bảo lãnh phát hành TPDN cũng được hưởng lợi nhờ mức phí tư vấn cao và mức chênh lệch khi phân phối lại.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, việc mua thứ cấp TPDN sẽ tạo nên nhiều rủi ro hơn vì khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng đánh giá năng lực kinh doanh, phân tích rủi ro của doanh nghiệp không cao. Giới truyền thông trong nước cũng từng đưa tin về trường hợp các nhà đầu tư cá nhân mua TPDN thông qua các tổ chức bảo lãnh nhưng không có sự hiểu biết và tìm hiểu kỹ lưỡng.
"Thông lệ thị trường tài chính cho thấy TPDN, nhất là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro. Đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên tham gia đầu tư qua các Quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư an toàn, hiệu quả." - Bộ Tài chính khuyến nghị./.
Theo Viettimes.vn
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 20% có đáng lo? Mức lãi suất lên đến 20%/năm được coi là kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ trước đến nay. Tuy nhiên, vấn đề quan ngại không hẳn ở con số, mà theo giới chuyên gia, điều cần quan tâm nhất là tính minh bạch của thị trường. Mức lãi suất 20%/năm được coi là kỷ lục trên thị trường trái...