Khó ăn như bún mắm cua… thối ở Gia Lai
Chị bạn tôi đang làm việc tại TP.HCM, mỗi khi được ai đó nhờ giới thiệu về mảnh đất Gia Lai chị đều kể với một trạng thái khá hào hứng. Đặc biệt đến cuối câu chuyện lúc nào chị cũng kèm lời “ghi chú”: Đã đến quê mình nhất định phải ăn món bún mắm cua thối mới gọi là đến Gia Lai.
Tên món ăn này khiến tôi rất tò mò. Nó có… thối thật không, cách chế biến ra sao, vị của nó như thế nào? Những câu hỏi ấy chỉ được trả lời khi tôi đặt chân đến TP. Pleiku (Gia Lai), thưởng thức một trong những đặc sản phố núi này và quả thật nó khó ăn cực kỳ.
Sau này chị bạn và một số người bản địa thừa nhận khi ăn đũa bún đầu tiên ai cũng có cảm giác là lạ như thế. Mùi nồng gắt và vị mặn có phần hơi chát là “chướng ngại vật” lớn nhất cho thực khách lần đầu tiếp xúc món này. Cũng có nhiều người không quen nổi, đành “cao chạy xa bay”. “Nhưng ai đã ăn đến lần thứ ba thứ tư hay quen rồi là thích ngay, sau đó mê, ghiền đến mức ngày nào cũng phải ăn vì nó đậm đà, thơm ngon”, chị bạn chia sẻ.
Nhiều người lớn tuổi ở Pleiku cho biết, món ăn này được du nhập từ những người Bình Định di cư lên đây. Các cụ bảo vị đặc trưng của nó một phần do dân biển vốn ăn cay, mặn, một phần để chống lại cái lạnh khi lên phố núi. Còn cua phải ủ cho đến khi lên mùi hơi khó ngửi, nên nhiều người gọi vui là thối để phân biệt với bún riêu cua hay các món cua khác chứ thật ra đó là mùi lên men chua.
Video đang HOT
Trình tự nấu món bún mắm cua như sau: cua đồng sau khi rửa sạch, bóc bỏ mai, lấy phần thịt giã nhuyễn rồi lọc lấy nước. Ủ nước này khoảng một ngày một đêm, cho đến khi ngồi ở đâu trong nhà cũng ngửi thấy mùi thì đem chế biến. Thịt ba chỉ đã xào săn lại từ trước cho vào nước cua, gia vị đầy đủ đến khi nước sôi thì cho thêm măng đã thái mỏng. Để lửa vừa, đun càng lâu thì măng càng thấm, mắm càng ngon.
Khi cho ra tô, rưới lên lớp bún là nước mắm cua, măng và cả thịt ba chỉ. Trên tô bún còn kèm bánh phồng tôm, hoặc da heo chiên giòn, rau xanh. Sau mùi rất đặc trưng sẽ là vị tê tê ở đầu lưỡi vì vị mặn của mắm và măng, cay của ớt, giòn của bánh. Một ít chanh sẽ làm vị nhã đi, nhưng phải quen thì mới cảm nhận được cái “chất”, vị đậm đà của món ăn. Chị bạn còn mách tôi, ăn xong bún mắm thối uống một ly sinh tố cà rốt thì quá đã!
Theo Afamily
Thịt heo rừng nướng ngon khó cưỡng
Trong cái lạnh của chiều phố núi Pleiku, được quây quần bên bếp than hồng với bạn bè, vừa rôm rả chuyện trò vừa thưởng thức từng miếng thịt heo rừng nướng chín vàng thơm nức thì không còn gì hạnh phúc bằng.
Từng lát thịt heo rừng được nướng chín vàng trên bếp than hồng, hương thơm của món ăn lan tỏa trong gió thơm nức thật hấp dẫn.
Có rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ thịt heo rừng như: heo rừng nướng muối ớt, nướng mọi, xào lăn, giả cầy... Nhưng món được nhiều người thích là thịt heo rừng nướng ăn kèm với muối ớt xanh. Cái hương thơm của món ăn có sức hấp dẫn rất lạ mà bạn không thể cưỡng lại được.
Chế biến món ăn này rất đơn giản, quan trọng là bạn phải tẩm ướp gia vị để món ăn vừa thấm vừa đậm đà lại rất ngon miệng. Thịt heo rừng làm sạch lông, thái miếng mỏng vừa ăn. Sả cây, hành tỏi băm nhuyễn. Ướp đều thịt heo với sả băm, tỏi, hành tím, ớt băm, mè, dầu ăn, đường... trong khoảng 5 đến 10 phút cho món ăn được thấm gia vị.
Đặt vỉ nướng lên bếp than hồng, gắp từng lát thịt heo đặt lên vỉ nướng chín. Bạn cần lưu ý là thịt heo rừng ít mỡ nhưng lại có lớp da dày. Vì vậy trong quá trình nướng, cần phải trở thịt thường xuyên để phần thịt được chín đều, phần da chín giòn thơm ngon. Thịt heo rừng nướng chín phải ăn liền để không bị cứng và có hương vị thơm ngon.
Thịt heo rừng nướng chín ăn kèm với muối ớt xanh. Không phải loại muối bột dùng để nêm, mà loại muối hạt được giã nhỏ với ớt xanh, ăn có vị mặn đậm đà, thơm và cay. Gắp một lát thịt nướng, chấm vào chén muối ớt xanh. Cái vị ngọt tự nhiên của thịt hòa trong cái đậm đà của muối ớt xanh, lớp da heo ăn có vị giòn sần sật rất thú vị và ngon miệng.
Nếu có dịp ghé về phố núi Pleiku, bạn đừng bỏ qua cơ hội được thưởng thức món ăn dân dã nhưng rất thơm ngon này.
Theo Vnexpress
Bún mắm cua Gia Lai Chị bạn tôi đang làm việc tại TP.HCM, mỗi khi được ai đó nhờ giới thiệu về mảnh đất Gia Lai chị đều kể với một trạng thái khá hào hứng, liệt kê từ văn hóa, con người đến các danh lam thắng cảnh. Đặc biệt đến cuối câu chuyện lúc nào chị cũng kèm lời "ghi chú" cùng một nụ cười khá...