Khi TQ tự ‘hư cấu’ về chủ quyền trên Biển Đông
Người dân của đất nước TQ đã được giáo dục sai sự thật rằng tổ tiên họ đã tìm ra và đặt tên cho các hòn đảo trên Biển Đông.
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tư liệu của tác giả Bill Hayton trên tạp chí Prospect (Anh) phản bác lập luận về chủ quyền trên Biển Đông của TQ.
Biển Đông là nơi những tham vọng của Trung Quốc phải đối đầu với sự lo lắng của các nước châu Á và quyền lực của Hoa Kỳ. Qua những tranh chấp trên biển, Trung Quốc đã vứt bỏ vẻ bề ngoài “trỗi dậy hòa bình” để thay vào đó là ngoại giao pháo hạm. Các tàu hải cảnh có vũ trang của Trung Quốc đã đâm húc các tàu Việt Nam, bao vây các vị trí tiền đồn của Philippines, quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia và đe dọa các tàu hộ tống ngư dân của Indonesia.
Để ứng phó, tất cả những nước này đang ráo riết mua thêm vũ khí và tăng cường các liên kết quân sự với các nước có chung lo ngại trước những yêu sách chủ quyền ngày càng xác quyết của Trung Quốc chủ yếu là với Mỹ, nhưng ngoài ra còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.
Căn nguyên của những rắc rối này là những gì mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi được” đối với 80% Biển Đông: từ cảng Hồng Kông cho tới gần bờ biển Borneo, cách đó đến 1.500km. Vấn đề đối với những tuyên bố chủ quyền này là không hề có những bằng chứng đáng tin cậy để làm căn cứ.
Vậy mà những chi tiết lịch sử hư cấu đó giờ đây lại đang đe dọa hòa bình và an ninh Châu Á và tạo ra một vũ đài để Trung Quốc và Mỹ đối đầu gay gắt, với những hệ lụy tác động đến toàn cầu. Thật khó có thể tin được rằng cuộc đối đầu có thể dữ dội này lại có gốc rễ là một cuộc tranh chấp đối với những mảnh đất gần như hoàn toàn không thể cư ngụ được.
Có hai quần thể “đảo” chính ở Biển Đông. (Chỉ một số rất ít là đảo theo đúng nghĩa, đại đa số chỉ là các rạn san hô, bãi cát hoặc đá).
Video đang HOT
Trung Quốc luôn “ra rả” về chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông. Ảnh: DigitalGlobe/ Getty Images
Đa số những hòn đảo hoang vắng này có tên tiếng Anh, thường là được đặt bởi những con tàu và thủy thủ đã phát hiện và vẽ chúng lên bản đồ. Ví dụ, đảo Trường Sa (Spratly Island) được một thuyền trưởng tàu săn cá voi tên là Richard Spratly tìm thấy vào năm 1843, còn Đá Khúc Giác (Iroquois Reef) được đặt tên theo con tàu HMS Iroquois đã phát hiện ra nó trong một chuyến khảo sát vào những năm 1920, v.v…
Khi một ủy ban thuộc chính quyền Trung Quốc lần đầu đặt tên tiếng Trung cho các hòn đảo này vào năm 1935, tất cả những gì họ làm là dịch tên hoặc chuyển âm những tên tiếng Anh đã sẵn có sang tiếng Trung. Ví dụ như đối với quần đảo Hoàng Sa, Antelope Reef (Đá Hải Sâm) được dịch là Linh Dương Tiêu (Linh Dương là từ Antelope được dịch ra tiếng Trung) và đối với quần đảo Trường Sa, cụm đá North Danger Reef trở thành Bei xian (Bắc Hiểm – tiếng Trung nghĩa là “mối nguy hiểm ở phía Bắc”), Đảo Trường Sa trở thành Si-ba-la-tuo (chuyển âm từ tên tiếng Anh “Spratly Island” sang tiếng Trung). Ủy ban của Trung Quốc chỉ đơn thuần là đã sao chép lại những bản đồ của người Anh, thậm chí sao chép cả những lỗi sai.
Những tên đảo sau đó được chỉnh sửa lại hai lần. Còn Bãi cạn Scarborough, đặt tên theo một con tàu của Anh vào năm 1748, ban đầu được chuyển ngữ thành Si ge ba luo vào năm 1935, được đổi thành Dân Chủ Đảo bởi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1947 và sau đó được đặt một cái tên ít nhạy cảm về chính trị hơn là Hoàng Nham (tức “bãi đá vàng”) bởi chính quyền cộng sản Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1983.
Ngày nay, chính quyền Trung Quốc có vẻ như hoàn toàn không biết đến những điều này. Những lời biện hộ chuẩn mực cho chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc thường bắt đầu bằng câu “người Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho các hòn đảo Nam Sa”. Trên thực tế, “người Trung Quốc” chỉ sao chép lại những tên đảo do người Anh đặt. Ngay cả cụm từ “Nam Sa” (tức “bãi cát phía nam”) cũng không nằm cố định trên bản đồ của người Trung Quốc. Năm 1935, cái tên này được dùng để chỉ khu vực biển nông có tên tiếng Anh là “Bãi Macclesfield” (cũng được đặt theo tên của một con tàu Anh, giờ Trung Quốc gọi là Trung Sa). Vào năm 1947, cái tên Nam Sa lại bị dời xuống phía Nam trên bản đồ Trung Quốc để chỉ quần đảo Trường Sa.
Để kiểm tra đầy đủ từng chứng cứ do Trung Quốc đưa ra sẽ phải mất rất nhiều trang giấy, nhưng hoàn toàn có thể cho rằng vẫn chưa có bằng chứng khảo cổ nào cho thấy những con tàu Trung Quốc đã có thể đi được xuyên biển từ trước thế kỷ thứ 10. Cho đến thời điểm đó, chỉ có các con tàu của người Malay, người Ấn Độ và người Arab tiến hành giao thương và khai phá biển. Những con tàu đó, có thể vào một số dịp, có chuyên chở những hành khách Trung Hoa.
Những chuyến du hành được đề cập nhiều của “các đô đốc thái giám” trong đó có Trịnh Hòa, chỉ kéo dài khoảng 30 năm, cho đến những năm 1430. Sau thời điểm đó, mặc dù những thương nhân và ngư dân vẫn đi lại trên biển, nhà nước Trung Hoa không bao giờ viếng thăm các vùng biển xa lần nào nữa, cho đến khi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc được Mỹ và Anh trao cho một số tàu biển vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai.
Lần đầu tiên có một quan chức chính phủ Trung Quốc đặt chân lên một đảo thuộc quần đảo Trường Sa là vào ngày 12/12/1946, khi đó các đế quốc Anh và Pháp đều đã chiếm phần trên Biển Đông. Một phái đoàn cấp tỉnh của Trung Quốc đã đến quần đảo Hoàng Sa trước đó vài thập kỷ, vào ngày 6/6/1909, thực hiện một nhiệm vụ có vẻ như là một chuyến thám hiểm trong một ngày, được dẫn đường bởi các thuyền trưởng người Đức thuê từ hãng buôn Carlowitz. Các cuộc đối đầu quốc tế đang phải dựa vào những căn cứ khiêm tốn như vậy.
Theo VietNamNet
Trung Quốc "điên cuồng" đâm tàu cá VN trước khi rút giàn khoan
Trước khi có thông tin Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, một tàu cá của Việt Nam bị các tàu sắt của Trung Quốc đâm hỏng.
Theo tin tức từ VTV, 10 ngư dân trên tàu cá QNa 90448TS của tỉnh Quảng Nam, đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vừa phải trải qua những giây phút kinh hoàng khi bị các tàu sắt của Trung Quốc truy đuổi, uy hiếp và đâm thẳng vào tàu cá. Rất may, chiếc tàu gặp nạn đã được lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ứng cứu kịp thời và tiếp tục vươn khơi bám biển.
Tàu vỏ sắt của Trung Quốc hung hăng rượt đuổi tàu cá Việt Nam.
Trước đó, lúc 9h ngày 12/7, tàu cá QNa 90448TS cùng 10 ngư dân do ông Trần Văn Kỳ, trú tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam đang hành nghề lưới vây tại vùng biển Hoàng Sa đã bị các đội tàu lớn vỏ sắt nặng hàng chục tấn của Trung Quốc luôn kè sát uy hiếp, trong đó có tàu sắt của Trung Quốc mang số hiệu 06610 chạy với tốc độ cao, hung hăng đâm thẳng vào mũi tàu cá QNa 90448TS của ông Kỳ. Cú đâm trực diện này đã làm tàu cá ông Kỳ bị hỏng nát phần mũi tàu. Hậu quả là nước biển tràn vào khoang mũi, ngập các hầm chứa hải sản vừa đánh bắt và làm hư hỏng toàn bộ.
Dù căm phẫn với thái độ của tàu sắt Trung Quốc, ông Kỳ cùng các ngư dân vẫn cố kìm nén và tự khắc phục sửa chữa, che chắn lại mũi tàu, tiếp tục bám biển, không chịu rời ngư trường truyền thống của mình để phản đối hành động xâm lấn một cách trắng trợn của Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc chồm lên đâm tàu QNa 90448TS khiến tàu cá này hư hỏng nặng.
Cùng thời gian này, tàu cá Qna 91108 do ông Huỳnh Ngọc Tuấn, trú tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành đang hành nghề lưới vây trên vùng biển này đã bị nước biển tràn vào khoang máy làm hỏng máy chính, không thể khắc phục được. Tàu cá này đã được tàu Kiểm Ngư 765 đang thực thi luật pháp của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa đến ứng cứu toàn bộ ngư dân và lai dắt về đến cảng Kỳ Hà an toàn vào sáng 15/7.
Một diễn biến khác về tình hình Biển Đông, tờ Tân Hoa Xã đưa tin, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí ở khu vực trên trong thời gian 73 ngày. Sau đó, giàn khoan này sẽ được đưa về hoạt động ở khu vực Lăng Thủy ở đảo Hải Nam. Dù đã phát hiện có nguồn dầu ở khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng biển của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc tạm thời chưa cho khai thác.
Trung Quốc rút giàn khoan sau 75 ngày hạ đặt trái phép tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo báo Tiền Phong, lúc 21h3 phút ngày 15/7 giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu di chuyển theo hướng tây bắc, với vận tốc 4,3 hải lý một giờ. Trung Quốc huy động khoảng 70 tàu để hộ tống việc di chuyển, được chia thành 3 vòng.
Tối 15/7, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết trong ngày 15/7, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi pháp luật trên biển ghi nhận giàn khoan 981 dịch chuyển khoảng 8 hải lý. Hiện việc di chuyển này đang được các lực lượng chức năng của Việt Nam theo dõi chặt chẽ.
Theo Người Đưa Tin
Biển Đông: Trung Quốc thả ngư dân Việt, tuyên bố ngang ngược TQ thả 13 ngư dân Việt, rút tàu cá bảo vệ giàn khoan 981 về đảo Hải Nam tránh bão. Bên cạnh đó, TQ lại tuyên bố ngang ngược ở biển Đông TQ thả 13 ngư dân Việt Nam Theo TTXVN, ngày 15/7, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hai tàu cá Việt...