Khi tổ không còn ấm
Bước vào nhà, anh mạnh tay ném chiếc cặp lên ghế rồi đi thẳng xuống nhà dưới. Thậm chí, con gái thấy ba đi làm về vội cuống quýt chạy theo mừng, anh cũng xem như không thấy, đi một mạch xuống nhà tắm rồi đóng sập cửa lại.
Đã quen với thái độ cáu bẳn, gắt gỏng của anh suốt nhiều tháng nay nên em tự hiểu anh đang phát ra tín hiệu – “đừng làm phiền tôi”. Em ôm con bước ra khỏi nhà, hy vọng làm nhẹ bớt không khí nặng nề đang bao trùm.
Tưởng rằng khi em và con quay về, anh sẽ dịu lại và vui vẻ với vợ con như mọi khi. Nhưng không, nét mặt anh vẫn cau có, khó chịu: “Bộ ngoài chợ hết đồ ăn rồi hay sao mà cứ cho tui ăn cá hoài vậy? Đi làm đã mệt, về nhà thấy cá chiên là nuốt không trôi”. Em nhỏ giọng: “Thì hôm qua anh nói ngán thịt kho nên hôm nay em mới chiên cá”. Anh gằn giọng: “Vậy ngoài cá chiên cô không biết làm món gì khác hay sao?”. Vừa nói anh vừa lấn tới, thái độ hung dữ như muốn đánh. Theo phản xạ, em đưa tay đỡ, người co rụt lại phòng thủ.
Lúc đó, em đã nhìn thấy trong mắt anh bùng lên ngọn lửa hung bạo. Ngọn lửa ấy chực chờ thiêu rụi cả hai mẹ con em. Bất giác, em muốn bỏ hết, bỏ chạy thật xa khỏi con người đang dần trở nên ích kỷ và vô tâm đến tàn nhẫn.
Video đang HOT
Nếu lúc con gái tròn 25 tháng, em không bị mất việc, có lẽ chúng ta sẽ vẫn giữ nguyên cái nhìn ngọt ngào về nhau. Tình cảm sẽ vẫn nguyên vẹn như ngày đầu mới yêu chứ không bị chệch hướng như bây giờ. Tiền bạc chưa bao giờ là kẻ phá bĩnh hạnh phúc khi cả hai vợ chồng còn chung tay làm việc. Nhưng khi chỉ còn mình anh cáng đáng với trăm thứ tiền phải trả vào đầu tháng thì niềm vui hôn nhân chẳng còn. Thứ còn sót lại chỉ là sự mệt mỏi và những trận cãi vã kéo dài không dứt.
Mỗi chiều đi làm về, anh chỉ biết than ngắn thở dài, rồi mệt mỏi nằm xem ti vi chờ cơm, chờ tắm, chờ ngủ. Ban đầu anh còn phụ em dỗ con để vợ lau nhà, rửa chén. Nhưng sau đó thì không: “Tui quần quật suốt ngày ở ngoài đường rồi, về đến nhà cho tui yên thân một chút được không? Việc gì cũng bắt tui phải đụng tay vào thì cô mới vui hay sao?”. Đó cũng là lần đầu tiên anh lớn tiếng với em. Nhưng em không đáp trả mà chỉ im lặng. Em tự thấy trong chuyện này mỗi mình em có lỗi. Lỗi là do bản thân em quá vô dụng, đẩy gia đình vào tình thế cơ cực thế này.
Công ty anh tổ chức tiệc, anh gọi điện về kêu hai mẹ con chuẩn bị lát nữa anh sẽ về chở theo cùng. Em vui lắm vì lâu rồi cả nhà mới có dịp cùng nhau ra ngoài cho thoải mái. Đúng như em nghĩ, buổi tiệc rất vui, đồ ăn rất ngon. 20g30, mọi người lần lượt ra về. 21g, anh vẫn hăng hái cụng ly với mấy ông bạn đồng nghiệp ở bàn kế bên. 21g30, con gái gắt ngủ bắt đầu quấy khóc. Đợi thêm chút nữa vẫn chưa thấy anh có ý định dừng cuộc vui, em lại gần anh nói khẽ, gần 22g rồi, về cho con ngủ đi anh. Anh không nói gì, hầm hầm đứng lên đi thẳng ra cửa trong sự ngơ ngác của mọi người.
Vừa dắt xe vào nhà, anh bất ngờ hét to: “Mày có coi tao là chồng mày không? Sao mày dám làm tao mất mặt trước sếp?”. Con gái nghe tiếng bố hét thì giật mình khóc lớn. Anh mặc kệ, vẫn cứ gào thét, chửi rủa em không tiếc lời. Đêm đó, con gái dù ngủ say vẫn ôm chặt lấy mẹ, thỉnh thoảng lại nấc lên trong giấc mơ.
Đến mức này thì em không thể chịu đựng hơn nữa. Tuy rằng trong khoảng thời gian này em không kiếm ra tiền nhưng em vẫn làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ. Anh không thể cứ bắt em phải gồng mình hứng chịu những cơn thịnh nộ vô lý của anh. Có phải trong mắt anh giờ đây em chỉ còn là gánh nặng? Để cứu mình và cứu hôn nhân đang chết dần, em phải nói chuyện thẳng thắn với anh một lần. Có thể sau đó ta sẽ lại như xưa hoặc anh sẽ quẳng được gánh nặng đã đeo mang quá lâu. Dù kết quả thế nào thì hai ta cũng tìm được giải pháp.
Theo VNE
Những cơn mưa đời người
Vài hạt mưa lác đác trên thềm nhà rồi càng lúc mưa càng mạnh dần. Má tôi nhìn trời khẽ thở dài: "Vậy là ba mày lại có việc để làm rồi đấy Bi".
Hồi ấy tôi chỉ nghe vậy thôi. Còn bé xíu, lại mãi lăng xăng với những trò nghịch mưa, tôi nào có hiểu má nói gì. Chỉ biết, mỗi mùa mưa tới là má vừa lo vừa vui. Có lẽ, má vui vì ba sẽ có thêm công việc để làm.
Ba tôi làm cái nghề không có tên cụ thể, người ta hay gọi nôm na là nghề "bán sức lao động". Nói chung, cứ ai gọi là gì là làm nấy, bán sức lao động để kiếm miếng ăn. Mưa tới công việc của ba tôi nhiều lắm. Có lẽ vì mưa ai cũng lười, hoặc vì vào mùa mưa những công việc lao động chân tay thường dễ gặp nguy cơ tai nạn hơn nên người ta ngại làm. Còn ba tôi thì cứ vẫn cần cù, dùng sức lực của mình đội cả bầu trời mưa! Tôi thường đòi theo ba và được ba dẫn tới chỗ làm. Nơi ba làm là những công trường rộng lớn, hoặc có khi là những cái cống rãnh, có khi ba nhận bốc vác, thậm chí là đi xây vài thứ vớ vẩn nào đó. Tôi được ba cho ngồi một góc nghịch cát, thỉnh thoảng tôi lại chạy ra khoe ra một "chiến tích" nào đó, để nhận lại từ ba một nụ cười hiền. Người ba đẫm mồ hôi hay là mưa thấm ướt áo ba tôi cũng không rõ. Lần nào ba về cũng đã tối mịt, tôi đã ngủ say trên vai ba.Trong giấc ngủ của tôi có mùi mồ hôi nồng nồng của ba, có những đống cát tôi nghịch, những cái xẻng, cái cuốc và cả màn mưa ướt lạnh cuối chiều...
Tôi lớn lên cùng mưa, cùng những việc không rõ tên của ba, với những đống cát, xi măng và mùi vôi vữa, những người xắn quần đi trong mưa. Đã có lúc tôi ngốc nghếch hỏi ba: "Sao ba không núp vào để qua những cơn mưa rồi hãy làm tiếp?" Những lúc ấy ba lại cười xoa đầu tôi: "Phải tranh thủ làm hết việc nào đó rồi làm việc khác chứ con". Mưa cứ rơi nặng hạt và ba vẫn đang lầm lũi đi xúc cát. Mắt tôi nhòe nước, những khi nhìn theo dáng ba trong mưa...
Tôi vào đại học, gánh nặng trên vai ba thêm oằn. Tự nhiên tôi đâm ra ghét cay ghét đắng cái nghề ba làm, vì nó cướp đi sức khỏe của ba. Tôi cũng ghét chính mình vì không thể giúp được gì cho ba. Những mảnh đạn thời chiến tranh làm chân ba thêm đau nhức, nhưng chưa khi nào tôi thấy ba nghỉ làm. Da của ba sạm đen vì gió, nắng; đôi tay chai sần, thô ráp.Tôi cũng từng phải chứng kiến cảnh những ông chủ quá đáng với ba, nói những lời nhục mạ ba, nhưng ba vẫn im lặng chịu đựng. Biết tôi uất ức, ba chỉ cười hiền: "Không phải ba không biết giận, nhưng quan trọng là phải kềm chế được cơn giận đó. Ba biết con nghĩ gì, miếng ăn là miếng nhục mà con! Đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đừng để sĩ diện và tự ái làm mất đi những gì con đang cần cho cuộc sống". Tôi im lặng, nuốt vào lòng từng lời ba nói...
Ba ngã bệnh vì mất sức. Má cắp nón đi làm thay ba. Tôi nghe tiếng ba khẽ thở dài ngao ngán. Tóc má như bạc hơn vì gánh nặng cuộc đời. Bàn tay má ngày càng chai đi, lưng cứ còng thêm. Dù gì cũng là đàn bà, gánh vác cái nghiệp của đàn ông sao mà kham nổi. Nhưng, chưa bao giờ tôi thấy má khóc. Dường như nước mắt làm yếu đuối con người nên má cứ giấu biệt nó đi.
Cuộc sống cứ thế trôi đi... Tôi không quá tự tin đón nhận những hứa hẹn tương lai tươi sáng, chỉ biết hạnh phúc với những gì mình đang có trong hiện tại. Và với tôi, thế cũng đủ rồi. Tôi nhìn ra mảnh sân giảng đường, cây hoa dâm bụt duy nhất đang nở những bông hoa màu đỏ rực rỡ dưới màn mưa, trong khi tán lá xanh của những cái cây cao lớn uy nghi khác đã chìm khuất vào trong mưa. Tôi khẽ mỉm cười như đang dậy lên trong lòng hy vọng.
Theo VNE
5 lý do nên yêu người đàn ông 'đã qua sử dụng'! Tuy không mang nhiều điều tiếng như gái 1 đời chồng, nhưng đàn ông đã có vợ nghe cứ như hàng đã qua sử dụng, có cái gì đó bớt hào nhoáng, bớt lung linh hơn hẳn. Tệ hơn là đàn ông lại còn mang theo một đứa con riêng. Đừng vội bỏ họ vào danh sách "hàng đã qua sử dụng", đôi...