Khi tin vui hóa chuyện bi hài…
Những lầm tưởng trong vấn đề sức khỏe sinh sản đã đẩy nhiều cặp vợ chồng đón “ tin vui” trong trạng thái giận hờn, nghi ngờ – mà hậu quả lớn nhất là gây bất ổn tâm lý cho thai phụ, sản phụ.
Tìm đến chuyên gia tâm lý, bà Mai T. ngỏ ý về một cuộc tư vấn tại nhà cho con trai và con dâu. Cặp vợ chồng trẻ này – đều 25 tuổi – đang đòi ly hôn dù con dâu bà mang thai tháng thứ 5. “Con dâu tôi còn có biểu hiện như trầm cảm, tôi lo cho cháu tôi quá” – bà T. lo lắng.
Chớ nghe thiên hạ “xúi dại”
Bà T. kể: “Mấy tháng trước, con dâu tôi đi khám và kết quả là mang thai 6 tuần. Con trai tôi giãy nảy, bảo 6 tuần trước là ngay giữa chuyến công tác kéo dài 1 tháng của nó, làm sao có chuyện vợ mang thai. Con dâu tôi khám mấy chỗ, kết quả vẫn tương tự. Con trai tôi xem trên mạng, thấy rằng khám lần đầu tính tuổi thai là chính xác nhất, thế là về quy kết vợ… ngoại tình! Vừa rồi, tôi từ quê lên ăn Tết với 2 đứa mới biết chuyện, giải thích rõ ràng cho con tôi nhưng nó không chịu nghe…”.
Chuyên gia tâm lý thở dài và cho biết cô từng tư vấn cho một cặp gặp tình huống gần giống: Chị vợ đi khám lúc cuối thai kỳ, em bé lại to quá nên ngày dự sinh tính lệch gần 3 tuần. Anh chồng nhẩm tính rồi nổi giận. Đến lúc con ra đời, thấy mặt mũi y chang mình và tính lại ngày thì hợp lý, anh chồng mới xin lỗi vợ. Thế nhưng, lúc này người vợ đã tổn thương, phát sinh chứng trầm cảm sau sinh.
Bất cứ hoài nghi, băn khoăn nào về “tin vui”, các cặp đôi đều nên hỏi trực tiếp bác sĩ khi đi khám thai. Trong ảnh: Bác sĩ tư vấn cho thai phụ tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Video đang HOT
Anh Tr.M.Th (50 tuổi) cũng đang đau đầu vì người vợ 35 tuổi đang đòi ly hôn bởi một chuyện hiểu lầm. Vợ chồng anh đã có 2 con, anh đọc sách thấy phụ nữ tuổi 35 còn tránh thai bằng biện pháp nội tiết có thể tăng một số nguy cơ nên đã đề nghị chị đi triệt sản. Gần 4 tháng sau triệt sản, vợ anh bối rối nói rằng chị thử thai đã “2 vạch”. Anh Th. đi hỏi bạn thân thì anh này lắc đầu, bảo chờ đến lúc bé ra đời rồi xét nghiệm ADN cho chắc. Anh Th. càng tức giận, về nhà đòi ly hôn.
Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ sau khi một người bạn biết chuyện, dẫn anh Th. đến một bác sĩ (BS) sản khoa uy tín và kể lại chi tiết câu chuyện. Hóa ra, anh Th. quên đọc kỹ “hướng dẫn sử dụng” sau triệt sản: Phải qua 20 lần quan hệ có bảo vệ thì tác dụng tránh thai mới phát huy. Vậy mà từ lần “yêu” đầu tiên, cả 2 vợ chồng đều ngỡ an toàn nên “cứ thế mà tới bến”.
Làm ơn hỏi bác sĩ!
BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết ông đã gặp vài tình huống tương tự. Điển hình là những tình huống dở khóc dở cười sau thủ thuật thắt ống dẫn tinh để triệt sản ở nam giới. Bởi lẽ, khi vừa làm thủ thuật, một lượng tinh trùng vẫn còn nằm trong túi tinh. Thông thường, người đàn ông được yêu cầu dùng dụng cụ bảo vệ 15-20 lần xuất tinh sau thủ thuật để chắc chắn lượng tinh trùng còn tồn đọng được “sử dụng” hết. Nhiều trường hợp các ông không chú ý đến khuyến cáo này, số khác lại hiểu sai thành… tạm kiêng quan hệ một thời gian. Thế là tinh trùng tồn đọng vẫn nằm nguyên đó, một vài tháng sau mới quan hệ lại thì vẫn có thể làm vợ vỡ kế hoạch mà không biết do đâu!
BS Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP HCM), lưu ý trường hợp tính tuổi thai, ngày dự sinh khi một phụ nữ được xác định là có thai. Cách tính tuổi thai trong y khoa thường lệch với suy nghĩ của nhiều người khoảng 2 tuần. Bởi lẽ, BS tính tuổi thai từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng, trong khi nhiều người lại cố nhớ lại ngày “quan hệ” để tính.
Thông thường, một người có chu kỳ kinh đều đặn khoảng 4 tuần và trứng sẽ rụng khoảng 2 tuần sau ngày kinh cuối. Đó là lý do có sự chênh lệch 2 tuần này. Tuy nhiên, trứng vẫn có thể rụng vào bất cứ ngày nào khác trong chu kỳ kinh và không phải chu kỳ kinh của ai cũng đều, cũng 4 tuần… Vì vậy, y khoa chọn kỳ kinh cuối là mốc tính tuổi thai để dễ đưa ra ngày dự sinh chính xác hơn. Ngoài ra, còn nhiều phương pháp tính tuổi thai khác.
“Độ chính xác của ngày dự sinh còn phụ thuộc vào thời điểm người phụ nữ đi khám và được tính toán ngày. Trong 3 tháng đầu là có thể dự đoán ngày dự sinh chính xác nhất, độ chênh lệch chỉ khoảng 1 tuần; đến 3 tháng giữa mới dự đoán thì có thể chênh lệch 2 tuần; đến 3 tháng cuối, độ chênh lệch có thể lên đến 3 tuần” – BS Hải phân tích.
Theo BS Hải, cách giải quyết đơn giản nhất khi có những thắc mắc là hỏi trực tiếp BS khám thai. Hỏi lòng vòng người quen, lên mạng dò tìm… có thể nhận được thông tin không chính xác, dẫn đến các hiểu lầm không đáng có và sai lầm trong chăm sóc sức khỏe.
Ảnh hưởng tâm lý thai phụ
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, việc vội vã nghi ngờ, cãi nhau thay vì nhờ BS giải đáp những khúc mắc có thể dẫn đến sự tổn thương cho thai phụ. Trong khi đó, những bất ổn tâm lý từ lâu đã được chứng minh là không tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Nếu những hiểu lầm, bất ổn này kéo dài đến cả khi người phụ nữ bước vào kỳ sinh nở thì càng nguy hiểm, có thể góp phần dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh. Vì vậy, các cặp đôi, nhất là các cặp trẻ tuổi, còn bỡ ngỡ khi lần đầu làm cha mẹ luôn cần có sự trao đổi thẳng thắn với nhau và với BS, tránh để trong lòng và để mối quan hệ trở nên căng thẳng trong giai đoạn mà người phụ nữ rất cần sự chia sẻ, cảm thông của chồng.
Anh Thư
Theo Người lao động
Đẻ con trai, mẹ dễ bị trầm cảm sau sinh
So với sinh con gái, các bà mẹ đẻ con trai có nhiều nguy cơ bị trầm cảm sau sinh hơn, đó là kết luận mới nhất của các nhà khoa học
Tỷ lệ trầm cảm sau sinh lên đến 79% đối với các bà mẹ đẻ con trai là một thông tin khá bất ngờ vừa được đại học Kent, Canterbury, Anh quốc công bố. Theo công trình nghiên cứu mới, so với bào thai nữ, trẻ sơ sinh nam gây viêm nhiễm cho mẹ nhiều hơn trong thai kỳ, đó là một phản ứng miễn nhiễm có liên quan đến tình trạng trầm cảm sau sinh.
Công trình nghiên cứu đã khảo sát lịch sử sinh sản của 296 phụ nữ, theo dõi kinh nghiệm sinh con và các vấn đề sức khỏe tinh thần của các bà mẹ sau khi mang thai. Họ phát hiện ra rằng, phản ứng viêm trầm trọng đối với thai nhi nam có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng trầm cảm. Dù vẫn còn cần có nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu lý do tại sao lại xảy ra như vậy, nhưng các nhà khoa học hy vọng phát hiện này sẽ khuyến khích các bà mẹ có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm sau sinh nhanh chóng tìm kiếm các sự trợ giúp cho mình.
Bên cạnh đó, nghiên cứu nhắc nhở thêm, bất kể giới tính của em bé là nam hay nữ, việc trải qua một ca sinh nở phức tạp cũng làm tăng nguy cơ người mẹ phải trải qua giai đoạn trầm cảm sau sinh. Những người bị biến chứng khi sinh còn dễ bị trầm cảm sau sinh gần gấp ba lần so với những thai phụ sinh nở trơn tru "mẹ tròn con vuông".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sarah Johns, đồng tác giả của công trình nghiên cứu cũng cho biết, hội chứng trầm cảm sau sinh có thể phòng ngừa được nếu các phụ nữ có nguy cơ mắc phải được hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời để tình trạng nguy hiểm này không phát triển. Đây có lẽ cũng là lý do tại sao nghiên cứu nhận thấy, những phụ nữ đã từng bị trầm cảm hay lo lắng ít có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh hơn người chưa từng trải nghiệm. Đó là nhờ họ đã được hỗ trợ và giúp đỡ để vượt qua khó khăn tinh thần trước đây. Điểm lợi nữa là khi các bác sĩ sản khoa biết rõ người mẹ sinh con trai hoặc sinh khó, họ sẽ dự báo được tình trạng trầm cảm sau sinh bà mẹ có thể mắc phải, nên có sẵn các phương án hỗ trợ bổ sung sớm, ngay từ các tuần hay các tháng đầu tiên.
Vậy đâu là các triệu chứng trầm cảm sau sinh? Đó là tâm trạng buồn bã, chán chường với cuộc sống dẫn đến xáo trộn giấc ngủ, tức là ban đêm không ngủ được còn ban ngày người cứ lơ mơ. Bên cạnh đó còn là mất tập trung khi chăm sóc con, có cảm giác thèm ăn nhưng khi ăn lại chẳng thấy ngon. Tâm trí họ vừa cáu kính vừa thờ ơ, luôn cảm giác vô vọng và tự trách mình. Nếu không vượt qua được, sẽ có người nghĩ đến tự tử hoặc làm hại chính con của mình.
HẢI NGƯ
Theo metro.co.uk
Có thật sinh mổ gây chứng "não cá vàng"? Các bạn tôi nói rằng thai phụ nếu bị sinh mổ sẽ giảm sút trí nhớ rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến cả việc chăm con và công việc sau này. Tôi sắp sinh và bác sĩ nói có thể phải mổ... Bạn đọc Trần Huyền (32 tuổi, quận 3, TP HCM) hỏi: Chào bác sĩ, tôi đang có thai hơn 8...