Khi thiên thần vắng bố
Lúc mẹ sinh con, bố đang công tác ở xa, độ một tuần sau bố mới tất tưởi về thăm mẹ con mình. Nhìn đứa con gái còn đỏ hỏn, bố cười mà rưng rưng nước mắt.
Bố về thăm hai mẹ con mình được một tuần lại vội vã đi cho kịp những công việc còn bộn bề, dang dở. May có bà ngoại và dì út chuyển xuống, sống chung với hai mẹ con mình. Căn nhà mấy chục mét vuông vậy là chỉ toàn đàn bà con gái.
Chẳng ai thấy con gái mẹ xinh trừ bố mẹ. Thì cũng phải thôi, con học bố đôi mắt một mí tí xíu, làn da ngăm ngăm, học mẹ cái mũi cà chua, thấp tẹt. Bù lại, ai cũng khen con gái mẹ sáng sủa, thông minh với chiếc trán cao và hiếu động cực kỳ.
Con quậy đến nỗi ngoại phải thốt lên chắc bà mụ bắt nhầm, tướng con nghịch thế này, phải là con trai mới đúng. Dì út thì cứ trêu, sau này con cá tính phải biết.
Tròn một tuổi mà con chỉ gặp bố được vài lần, gắn bó với nhau độ mấy chục ngày. Những kỳ nghỉ phép ngắn ngủi cũng kịp để gắn kết tình cảm giữa hai cha con. Mỗi lúc nhìn hai bố con ôm nhau say sưa ngủ, mẹ thấy lòng mình bình yên quá đỗi.
Video đang HOT
Nghe tiếng điện thoại bố điện, con lại hóng hớt, ê a đến tội. Ngoại bảo, con mà biết nói lại trả lời điện thoại không xuể cho coi. Xem tivi cứ thấy quảng cáo là con mê tít. Nhìn con chăm chú, tập trung mà cả nhà phì cười. Hết chương trình, con lại thản nhiên tiếp tục công việc của mình là… ngậm sữa.
Mỗi lần con biết một điều gì mới, mẹ cảm giác thế giới này nhỏ lại hơn đôi chút, cái thế giới rộng lớn mênh mông này từ từ được con khám phá với niềm thích thú đến lạ. Ngoại kể, ở nhà, nhiều lúc ngoại buồn ngủ ríu mắt, hát ru con đến mười bài mà con chưa ngủ, ngoại nhìn con thở dài, kêu ngoại buồn ngủ quá rồi, con mỉm cười ra chiều hiểu ý, chỉ chờ ngoại đong đưa nôi vài cái là ngủ ngoan.
Tiếng nói bật môi đầu tiên con gọi là “bố”. Bố bảo, cái cảm giác lúc đó khó diễn tả thành lời, hàng ngàn km cách xa, bố chỉ muốn quay về để hôn lên trán con gái. Từ khi con nói rành rọt, mỗi tối, con thay mẹ cầm điện thoại, nói chuyện với bố cả tiếng đồng hồ. Con kể đủ thứ chuyện trong ngày cho bố nghe. Chuyện con gà mái nhà hàng xóm cắp con giun dài ra sao, chuyện con Ki của ngoại cắn nát đôi giày của dì út như thế nào. Rồi đến cả những chuyện lớn lao như mẹ xem ảnh của bố rồi khóc, hay bà ngoại bảo con giống y chang bố.
Những ngày ấu thơ của con sẽ có ít kỷ niệm cùng với bố như những bạn khác. Con không được bố làm ngựa để cưỡi nhong nhong, không được bố cho lên vai để gánh gồng đi khắp nhà, cũng ít được bố bế vào xe đẩy để cả nhà mình cũng đi siêu thị, không được bố cõng trên vai cho đi đu quay ở công viên. Có bạn nào bắt nạt, cũng không có bố để mà dọa nạt, “mách bố tớ cho xem.” Thế nên, bố luôn yêu thương con bằng tình yêu của rất nhiều ông bố cộng lại, vì bố biết, con gái bố chịu nhiều thiệt thòi.
Bố bảo con là thiên thần của bố mẹ. Dù mệt mỏi thế nào, chỉ cần nghĩ đến con, bố có thêm sức mạnh để bám trụ lại nơi đất khách quê người, kiếm từng đồng trang trải cho cuộc sống chúng ta. Có thể bố mẹ chưa thể cho con một cuộc sống đủ đầy nhưng yêu thương thì không bao giờ thiếu.
Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, con là tất cả những gì quý giá nhất mà cuộc đời này, bố mẹ đã có được. Mẹ chỉ mong con vẫn luôn chăm ngoan như thế này, trong những ngày vắng bố, con nhé!
Theo Dantri
"Mẹ cứ để chúng con tự nhiên"
Hôm ấy cô em vừa tan tầm thì trời đầy mây đen, lùng bùng gió thổi tung trời, chạy ngược gió được đến lớp con thì bắt đầu lác đác có hạt mưa, chạm chân mở được cổng thì mưa ập xuống, nhà lại mất điện.
Mẹ con cô em ôm nhau run như cầy sấy, trong khi đó chờ bố nó về, mãi chẳng thấy đâu, xung quanh mưa bão chớp giật đùng đùng, khiến lòng như có lửa đốt.
Đã thế đứa con đói bụng cứ dọ dạy mãi đòi sữa, đòi nước, nhà thì như cái hũ nút nào nhìn thấy cái gì. Cô em quờ điện thoại, bấm số gọi chồng, anh chồng chỉ nói gọn lỏn "Đang ở nhà anh Long, liên hoan xe mới" rồi cúp máy, gọi lại cũng không thèm nghe, uất ức nghẹn ứ lại, bùng phát bằng một cú điện thoại đến chủ nhân buổi liên hoan. Cô em xin gặp chồng, anh vừa "A lô", thì cô em tức tối nói tục, rồi tuôn cho một tràng: "Anh vừa phải thôi nhé, mưa gió thế này mà chẳng thèm ngó ngàng quan tâm xem vợ con sống chết ra sao, suốt ngày chỉ biết có rượu".
Đúng mười phút sau anh chồng về, được một lát thì có điện, cô em lẳng lặng đi nấu nướng rồi cho con ăn, hai vợ chồng mặt nặng mày nhẹ, chẳng thèm nói với nhau tiếng nào. Tối hôm ấy anh chồng bỏ sang phòng đọc sách ngủ, vài hôm sau thằng con mách với bà ngoại, "Hôm nọ bố cháu phải ngủ trên ghế". Bà biết chuyện liền trêu: "Thế hôm qua còn ngủ riêng nữa không?". Thằng bé tủm tỉm "Không ạ".
Vừa lúc bấy cô chị thở dài kể lại chuyện cũng xảy ra cách một hai hôm. Hôm ấy đang lúi húi nấu nướng chuẩn bị lên mâm đến nơi, chỉ còn chờ bà nội tắm cho thằng bé con nữa là xong, thì thấy anh chồng phóng vút xe máy đi, tưởng mua ít bia uống cho đỡ nóng, ai dè càng chờ càng mất, lại thêm lo lắng nên gọi điện khắp nơi hỏi thăm xem ở đâu.
Mãi gần mười giờ mới thấy anh chồng tấp tểnh bước vào, cô chị như phát điên, nhảy chồm lên mắng: "Anh có mồm không đấy, có bị làm sao không thì bảo. Thà rằng nói tao không ăn, tao không thích thứ mày nấu thì đã đành, đây không nói không rằng, bỏ đi tối mịt mới về, không tuần nào mà không có dăm buổi như thế". Vừa nói cô chị vừa đổ hết canh vào nồi cơm còn non nửa.
Tiếng bà mẹ chồng cô chị cũng to chẳng kém: "Nó đang ốm, phải đi tiếp khách mệt mỏi lại còn xa xả nói nó, rồi thái độ hỗn láo, dám cho hết nước canh vào cơm như cho lợn, muốn tao gọi ông bà ngoại đến à, cần tao nhờ bác cả đến không?". "Ăn không hết con đổ về ông ngoại cho lợn chứ sao hả bà. Mà bà thích gọi ai thì cứ việc ạ".
"Dám thách à", bà liền tức tốc gọi điện mách ông bà thông gia, rồi gọi cả ông con trưởng đến, đồng thời lu loa ầm nhà. Ông anh cả chồng ôn tồn: "Đứa nào đúng sai thì mẹ phải phân giải cho chúng nó nghe, chỉ biết bênh con mình rồi phô ra có thấy đẹp thấy tự hào không? Chuyện riêng vợ chồng thì cứ để chúng nó tự giải quyết, mẹ nhảy vào làm gì cho phức tạp vấn đề đi".
Mọi người nghe kể lại cứ nắc nỏm khen ông trưởng nhà đấy nói năng thấu tình đạt lý, trong lúc đó cô em vẫn còn hơi run, chị gái mới nói có thế mà đã to chuyện, nhớ lại cảnh nhà mình, lúc ấy mà bà mẹ chồng nghe cô mắng nhiếc chồng thì chắc khỏi cần sống cùng chồng luôn.
Cứ bảo vì sao sống chung nhiều mâu thuẫn, trong khi vợ chồng trẻ giận dỗi như cơm bữa, giận thì giận mà thương thì càng thương, sớm muộn cũng "chín bỏ làm mười", biết cách hối lỗi, rồi làm lành với nhau ngay, chứ có các ông bà "khuyên giải" khéo rách chuyện hơn. Giá các bà mẹ chồng cứ để các con nó tự nhiên thì tốt.
Theo Dantri
Mẹ mừng, mẹ lo Nghe cô con gái từ Singapore về tuyên bố sẽ lấy chồng người nước ngoài, chị trợn tròn mắt: - "Con à, không được đâu. Thứ nhất là phải sống xa bố mẹ, thứ hai là phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ đều khác biệt. Bố mẹ, con cái, cháu chắt làm sao mà gần gũi, hiểu nhau được, rồi bà...