Khi “thánh phượt” trở về bằng máy bay như cổ tích
Nhà Vừ Già Pó giờ đây ngày nào cũng đông khách. Khách từ khắp bản làng và những người ở khắp mọi nơi tìm đến để tận mắt nhìn và nghe “Thánh phượt” kể về cuộc phiêu lưu ly kỳ như cổ tích của mình.
Bữa cơm gia đình đầu tiên của Vừ Già Pó khi trở về
Dân xã Khâu Vai xuýt xoa khi thấy Pó trắng hơn, béo hơn, cái bụng to hơn trước. Mấy tháng được ăn ngủ đầy đủ, đối xử tử tế ở Pakistan khiến cho Pó lấy lại năng lượng của những ngày lang thang sống cảnh màn trời chiếu đất.Trong căn nhà gỗ của mình, Pó thoải mái rít một hơi thuốc lào, nhấp chén rượu ngô và một ngày 10/5/2014, hiện về rõ nét.
Khi “thánh phượt” trở về bằng máy bay
“Hôm đấy, cảnh sát đến đồn và áp giải mình đi từ rất sớm. Mình không biết chuyện gì xẩy ra. Họ đưa mình lên chiếc xe ôtô chạy liên tục cả ngày. Mình nhớ lại ngày từ Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê, cũng lên xe chạy cả ngày như thế, sợ toát mồ hôi.
10 giờ đêm thì họ đưa mình đến một cái sân rộng, có nhiều máy bay. Mình chưa hiểu chuyện gì thì bị đẩy lên máy bay. Mấy tiếng sau máy bay hạ cánh tại sân bay Băng Cốc ở nước Thái Lan.
Mình vừa xuống thì lại được đưa lên một chiếc máy bay khác. Mình vừa sợ nhưng vừa sướng vì thấy mình cũng “quan trọng” tự dưng lại cả đoàn dẫn đi và có hai máy bay để chở mình. Trong đời mình, đây là lần đầu tiên mình được đi máy bay”.
Chiếc máy bay hạ cánh, Pó bật khóc khi nhìn thấy những người mặc trang phục của cảnh sát Việt Nam ở sân bay. Pó lặng đi khi một người đàn ông nói với mình bằng tiếng Mông:
“Tôi đến từ Mèo Vạc, đến đây để đón anh về nhà!”. Hai năm rồi, Pó mới nghe được tiếng nói của dân tộc mình- thứ tiếng mà “Thánh phượt” đã nói một mình trong suốt cuộc hành trình – nói cho đỡ nhớ, nói cho khỏi quên. Pó ôm chặt lấy người đồng hương.
Chiếc xe ôtô được chuẩn bị sẵn đưa Pó về Khâu Vai – Hà Giang. Đi cả sáu nghìn cây số bằng đôi chân trần tứa máu, trở về bằng máy bay và có cán bộ đưa tận nhà bằng ôtô – chuyến phượt kỳ lạ của Pó cũng kết thúc có hậu.
Pó khóc từ khi bước chân xuống xe cho đến lúc gặp lại vợ con. “Thánh phượt” khóc như một đứa trẻ, phải lấy cánh tay to bè của mình lau nước mắt đang giàn giụa. Pó ôm chặt lấy vợ con giữa ruộng ngô. Những gương mặt mừng mừng tủi tủi, cười mà nước mắt cứ chảy. Pó không nhận ra con gái của mình, vì con gái lớn nhanh quá. Con gái đã có bầu với người yêu được 6 tháng rồi nhưng chưa cưới vì còn đợi bố về.
Bán sạch gia sản đón “thánh phượt” trở về
Pó nhìn căn nhà gỗ nhỏ của mình, cái nhìn đầy xúc cảm như gặp lại người thân. Căn nhà vẫn chẳng có gì thay đổi, chỉ cũ hơn, đồ đạc cũng vơi đi nhiều. Gia đình Pó đã nghèo lại càng nghèo hơn khi người đàn ông trụ cột trong nhà mất tích hai năm. Khi có tin tức của chồng, chị Ly Thị Lía (vợ Pó) bên cạnh niềm vui lớn là cả một nỗi lo.
Lía được thông báo, phải lo đủ 20 triệu đồng mua vé máy bay và một số chi phí khác để đưa chồng về. Lấy đâu ra 20 triệu khi mà gia đình này phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Nhưng không thể để chồng bị giam cầm ở xứ người, Lía đành bán sạch gia tài của mình. Chị nghiến răng bán hai đồi nương- mảnh đất sinh nhai của cả nhà – cũng chỉ được 10 triệu đồng.
Bán tiếp con bò và chạy vạy thêm mới đủ 20 triệu nộp cho xã. Trước đó, để nuôi bốn miệng ăn, chị cũng đã phải bán mảnh nương và con bê lấy 30 triệu đồng đưa cho người thân sang Trung Quốc tìm chồng. Nhà nông, khi bán gần hết đất và bán hết bò bê, gia đình chị Lía gần như chẳng còn gì để sống. Số đất còn lại ít đến mức vụ vừa rồi không đủ gieo 1kg ngô giống.
Lía buộc phải đi làm thuê, nhưng công việc phập phù, ngày kiếm được mấy chục nghìn cho con khỏi đứt bữa cũng trở nên khó khăn. Bữa cơm của mấy mẹ con thường chỉ có mèn mén (bột ngô hấp) và rau rừng.
Video đang HOT
Vừ Già Pó khóc khi gặp lại vợ con
Nhưng chưa bao giờ Lía từ bỏ hy vọng đưa chồng trở về dù có phải bán hết cả nhà cửa nương rẫy. Hai người cùng cảnh ngộ đến với nhau bằng sự đồng cảm, Pó mồ côi cha mẹ, Lía mồ côi cha, phải theo mẹ sang nhà bố dượng. Lía nghèo nhưng khi lấy Pó cả gia đình đều phản đối vì chê Pó quá nghèo. Nhưng họ quyết đến với nhau. Hai vợ chồng trẻ phải sống trong một túp lều mấy mét vuông chơ vơ trên mỏm đồi.
Nhờ chăm chỉ làm lụng, họ cất được một ngôi nhà rộng rãi. Cuộc sống dù còn nhiều thiếu thốn nhưng vợ chồng no đói có nhau cho đến khi Pó mất tích. Đàn bà đang trẻ vắng chồng, có một vài đám cũng đến “đánh tiếng”, nhưng Lía đều lắc đầu.
Mâm cơm của gia đình Pó ngày đoàn tụ cũng chẳng có gì thịnh soạn nhưng sao mà ấm cúng. Cả nhà nhìn nhau, không nói được nên lời, Pó thỉnh thoảng lại lấy tay gạt nước mắt. Những ngày lang thang xứ người, Pó thường mơ về bữa cơm tối cùng vợ con, tỉnh dậy cứ ngồi bần thần vì nghĩ chẳng bao giờ có được nữa…
Tôi cận cảnh cái nghèo của nhà Pó, xó bếp chỉ có mấy cái nồi sứt quai. Gác bếp trống trơn, chẳng còn treo lủng lẳng những bắp ngô hay thịt nướng. Vài ba bộ quần áo rách treo nơi góc nhà…
Rồi những ồn ào lẫn hiếu kỳ của người đời cũng qua đi, “Thánh phượt” trở về cuộc sống đời thường. Pó ra cái cối đá và bắt đầu xay ngô. Nhưng vòng xoay của cối đá đưa Pó về sâu hơn với thực tại, ngày mai sẽ lấy ngô ở đâu mà cho vào cối? Lấy đâu ra tiền khi cả nương rẫy và bò bê đều bán. Kinh tế khó khăn người thuê mướn cũng ít đi, vợ chồng Pó chưa biết làm gì kiếm sống.
Giá như “Thánh phượt” có thể viết sách kể về chuyến phượt nổi tiếng thế giới của mình, thì cỡ như “Huyền chíp” tác giả của cuốn “Xách ba lô lên và đi” cũng phải tôn làm sư phụ. Nhưng Pó- từng xách bao ngô lên và đi thì ngay cả tiếng Kinh cũng không biết. Chàng trai người Mông thật thà như đếm này thường kể vắn gọn hành trình của mình, không như một số phượt thủ khác, vẫn thường có thói “vẽ rắn thêm chân”.
Tôi chợt lo: “Lại đối diện khó khăn, bế tắc, biết đâu rồi Pó lại sang Trung Quốc xuất khẩu lao động “chui”?”.
Pó lắc đầu quầy quậy: “Không bao giờ mình sang Trung Quốc làm thuê nữa, có cho mình một tỷ đồng, mình cũng không bao giờ đi nữa. Giờ nghĩ lại chuyện đi Trung Quốc mình thấy ớn lạnh. Mình sẽ ở nhà cùng vợ con làm ăn, no đói có nhau”.
UBND huyện Mèo Vạc đã mời chàng trai người Mông này lên gặp mặt đủ cả lãnh đạo và các ban ngành đoàn thể . Chủ tịch huyện Nguyễn Chí Thường thăm hỏi, động viên, mong Pó “tích cực tham gia sản xuất phát triển kinh tế” và “Tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho mọi người dân trong xã hiểu không đi lao động tự do tại Trung Quốc, sẽ gặp nhiều rủi ro”. Tôi nghĩ chỉ riêng câu chuyện của Pó thôi, cũng đã đủ đẩy lùi vấn nạn vượt biên trái phép sang Trung Quốc xuất khẩu lao động “chui” rồi.
“Thánh phượt” giờ đây nghiễm nhiên trở thành một “đặc sản” của xứ Mèo Vạc. Khách du lịch đến Hà Giang nhiều người tìm đến gặp Vừ Già Pó để trăm nghe không bằng một thấy. Sẽ có tour du lịch tới Mèo Vạc nghe Pó kể chuyện phượt chăng? Không chỉ vậy, ở trên bình diện quốc tế, Vừ Già Pó được biết tới như một người Việt Nam tử tế không bao giờ từ bỏ con đường trở về với quê hương đất nước của mình.
Giáo sư Ngô Bảo Châu bình luận về hành trình của Vừ Già Pó: “Anh đi tìm một cái gì đó mà chưa thấy. Giờ thì anh đã quên mình đang tìm cái gì. Thực ra tìm cái gì không quan trọng, quan trọng nhất anh luôn nhớ mình là người tốt”.
Vào tháng 12/2013, tờ báo Dawn.com của Pakistan đưa tin một người đàn ông đã bị cảnh sát Pakistan bắt giữ do đi vào lãnh thổ nước này. Phải đến hơn 10 ngày sau, người đàn ông trên mới bắt đầu nói chuyện nhưng bằng một thứ tiếng kỳ lạ khiến cảnh sát ở đây không thể hiểu được.
Với mong muốn giúp người này tìm được gia đình, đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình.
Trong clip, người đàn ông nói: “Tôi là Vừ Già Pó, tôi ở Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Bây giờ tôi người đàn ông Mèo Vạc chỉ đi lao động Trung Quốc, tôi không phải là người xấu, người buôn bán hay trộm cắp, tôi bị bộ đội (Pakistan) bắt tôi về giam được 3 tháng…
Cả nhà tôi ở Khâu Vai còn 6 mẹ con, mong cơ quan chức năng đưa tôi về biên giới Việt Nam để tôi tìm về nhà chăm sóc vợ con tôi”.
Theo Tiền Phong
Hồi ức kinh hoàng của người Mông lưu lạc sang Pakistan
Do hoàn cảnh khó khăn, Vừ Già Pó (ở thôn Lũng Lầu, Khau Vai, Mèo Vạc, Hà Giang) nghe lời dụ dỗ vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Số phận đã xô đẩy Pó phải lang thang khổ ải trên quãng đường 5.800 km sang tận Pakistan.
Sau 2 năm trôi nổi xứ người, với sự hỗ trợ đắc lực của cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam, Vừ Già Pó đã được quay trở về quê hương để đoàn tụ cùng gia đình.
Vừ Già Pó đã kể với PV Dân trí về hành trình định mệnh của chuyến đi làm ăn xa ở Trung Quốc trong sự kinh hãi gần như tột cùng. Câu chuyện được bắt đầu như sau: Trước khi lên nương, vợ Pó dậy thật sớm nấu một nồi mèn mén cho cả gia đình. Những bộ quần áo cũ của Pó cũng được chị gấp lại phẳng phiu từ đêm hôm trước cho chồng chuẩn bị đi xa. Cùng đi Trung Quốc làm thuê với Pó có Ly Mí Na, Ly Mí Tử, Ly Mí Cho cùng một người nữa ở địa phương.
Vừ Già Pó cầm trên tay chiếc áo ấm là kỷ vật từ chuyến lưu lạc sang Pakistan trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí.
Đúng 10 giờ sáng, ba chiếc xe máy chở 5 người trong thôn Lũng Lầu ì ạch rời khỏi "ốc đảo" Khau Vai. Đến thị trấn Mèo Vạc, nhóm của Pó đã gặp người đàn ông có tên là Vừ Xì Già (người xã Lũng Pù) để "nhập hội" rồi dẫn sang vượt biên. Cùng đoàn đi còn có Vàng Mí Mua, người cùng xã với Già cũng đi cùng sang Trung Quốc làm thuê. Đến gần chiều tối, đoàn người tới được Mốc 23 thuộc địa phận xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tiếp giáp với Trung Quốc.
Pó kể lại: "Để vượt biên, Vừ Xì Già dẫn chúng tôi băng rừng, chui qua những bụi rậm để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng 2 nước. Khi bàn giao người xong, Già đứng ra nhận tiền thay cho mỗi người là 10 triệu đồng để mang về cho vợ con. Trước khi trở về, Già còn dặn mọi người rằng đây chỉ là số tiền ban đầu, nếu cố gắng và chăm chỉ làm việc thì còn kiếm được rất nhiều tiền. Mọi người đều mừng rỡ khi thấy vợ con ở nhà sắp được nhận một số tiền lớn".
Khi đoàn người đặt chân sang đất Trung Quốc cũng là lúc trời vừa nhập nhoạng tối. Một chiếc xe đã chờ sẵn bên đường để đón mọi người về nơi làm việc.
Chiếc ô tô lao đi rồi mất hút trong màn đêm lạnh giá. Pó không biết là mình đang ở đâu, chỉ thấy đường phố rộng lớn, sáng trưng và nhiều nhà đẹp. Lái xe chạy liên tục suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Những lúc đói, các "tù nhân" chỉ được ăn tạm trên xe.
Bốn ngày sau, chiếc xe dừng ở một bìa rừng trước cổng một công ty. Tại đây, Pó cùng nhiều người được bố trí chỗ ăn, ngủ tập thể, bên cạnh hàng trăm công nhân khác đang làm việc.
Lúc này, mọi người mới ngã ngửa khi biết rằng công việc không phải là tưới chuối, mỗi ngày được 70 đồng Nhân dân tệ như Vừ Xì Già đã nói. Hàng ngày Pó phải cùng mọi người trồng và bón cây, cả ngày làm việc giữa trưa nắng, thu nhập chưa được một nửa số tiền như đã hứa.
Dù công việc vất vả nhưng nhóm người Mông này đều làm việc hết mình. Với Pó, công việc này nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với công việc trên cao nguyên đá. Động lực chính để Pó làm việc là mong kiếm thật nhiều tiền gửi về cho vợ mua quần áo mới cho con, cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Pó trở về quê hương, lại được làm những công việc thường ngày, với lời thề sẽ không bao giờ sang Trung Quốc nữa
Tháng sau, một vài người ở địa phương lại tiếp tục sang đó làm việc. Thấy người quen, Pó mừng rỡ ra bắt chuyện, hỏi thăm về gia đình mình.
"Bất ngờ tôi bị gục bởi một cú đánh mạnh từ sau lưng khiến tôi ngã xuống đất. Chưa kịp đứng dậy đã bị tên "cai" dữ dằn cầm gậy vụt lấy vụt để. Sợ quá, tôi cũng quỳ xuống van xin nhưng hắn vẫn không tha, tiếp tục đánh. Lúc này chẳng ai dám can ngăn trước thái độ hung hăng của hắn. Đến khi tôi bị toàn thân tím tái, ê ẩm thì hắn mới gọi thêm một tên nữa để tra tấn 5 người còn lại" - Pó kể với giọng run rẩy.
Pó cho rằng, do họ nghĩ Pó đang có ý định rủ mọi người bỏ trốn nên hắn mới hành hạ dã man như thế. Những ngày sau đó, Pó và mọi người có thể bị đánh bất cứ lúc nào mà không cần lý do. Mọi người phải làm việc cả ngày, mệt ngồi nghỉ nếu bị phát hiện thì sẽ bị đánh đập tàn nhẫn.
Không thể chịu đựng thêm nữa, nhóm người Mông này quyết định bỏ trốn khỏi "địa ngục trần gian". Không bàn bạc, không có kế hoạch cụ thể, ngay khi trời vừa chập tối, cuộc trốn chạy cũng đã nhanh chóng diễn ra khá suôn sẻ.
Hơn một ngày trốn chạy trên đường không gặp một bóng người, chỉ có rừng cây với những bụi rậm. Đến ngày thứ hai tới được một khu dân cư đông đúc, có nhiều nhà cửa sinh sống. Ai ai cũng mệt lả đi vì đói nên khi gặp nhà cửa, họ mừng rỡ và tách nhau ra đi vào xin ăn.
Pó cho biết: "Chúng tôi lang thang khắp mọi ngả đường gần đó để xin ăn, gặp ai có lòng tốt thì họ bố thí cho ăn. Nhưng do đói quá nên vẫn phải cắm đầu vào mà tiếp tục ăn xin. Mệt thì chui vào trong ống cống hoặc hiên nhà người ta mà ngủ, khỏe lại thì tiếp tục lên đường. Mình là người Việt Nam, là người tốt nên dù có đói rách đến mấy cũng không thể trộm cắp, ăn cướp để duy trì sự sống được".
Theo Pó, cũng có lúc anh "phiêu bạt" hai ngày liền mà không gặp một bóng người, bụng sôi sùng sục nên phải trèo hái những hoa quả ven đường như cam, táo, lê để rửa và ăn tạm.
Lang thang được gần 1 tháng thì đoàn người tách ra làm hai nhóm để tìm đường về nhà. Nhóm Pó đi sau có Lý Mí Na và Vàng Mí Mua, hai người này là em vợ và em đồng hao của Pó. Dù đang bị lạc trên xứ người nhưng ai cũng háo hức mong chờ ngày được đoàn tụ.
Nhóm còn lại gồm Ly Mí Tử, Ly Mí Cho cùng một người khác trong thôn Khau Vai; khoảng một tháng sau, 3 người này bị lực lượng công an Trung Quốc bắt giữ giam lại 3 tháng 20 ngày; sau đó đưa sang trao trả tại cửa khẩu Lạng Sơn.
Còn Pó, khi đang đi qua một thị trấn đông đúc, anh bị tụt lại phía sau rồi lạc mất hai người em. Chỉ còn một thân một mình, mọi thứ xung quanh đều quá xa lạ, ngôn ngữ giao tiếp hoàn toàn khác biệt, đi đâu Pó cũng cảm thấy như mình bị xua đuổi, chỉ trỏ.
Cứ lang thang như thế khoảng bốn tháng sau thì Pó gặp một dãy núi rất cao, sừng sững trước mắt. Hà Giang cũng có nhiều núi cao nhưng anh chưa từng gặp một ngọn núi nào cao như thế; trên đó có tuyết phủ trắng từ dưới chân lên đến đỉnh.
Vượt qua dãy núi cao, Pó cũng bất ngờ khi gặp những sự khác biệt về văn hóa, lạ kỳ mà anh chưa từng nhìn thấy. Nơi đó có phụ nữ mặc váy sặc sỡ bằng một tấm vải vắt chéo, hở một bên vai. Những người đó rất tốt, gặp ai khó khăn họ đều bố thí cho đồ ăn.
Pó không ngờ rằng anh đã băng hàng ngàn cây số qua đến tận đất nước Ấn Độ. Trong suốt quãng đường đó, anh cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người dân xứ Phật. Có những người bán quần áo ở ven đường trông thấy Pó rách rưới quá đưa cho một vài bộ quần áo để mặc. Pó kể rằng, Pó đã đi qua vùng "cát xi bia" (Kashmir). Pó còn được người ta cho tiền để tiêu, chỉ nói là tiền "Cát xi bia". Ở đó có những người phụ nữ dùng khăn để trùm kín đầu mỗi khi ra ngoài đường.
Và ở vùng đất đó, Pó cũng trông thấy có rất nhiều xe tăng và ô tô mà Pó đã được nhìn thấy trên ti vi, cùng nhiều bộ đội đang ngày đêm cầm súng, luyện tập.
"Hàng đêm, tôi cứ trông vào mặt trăng mà đoán để xác định thời gian. Tôi đi được hơn một năm thì đến đất nước Pakistan và bị bắt giữ tại đây cho đến khi được giải cứu về Việt Nam ngày 11/5 vừa qua" - Vừ Già Pó chia sẻ.
(Còn nữa)
Quốc Cường - Xuân Thái
Theo Dantri
Người H'Mông lạc sang Pakistan: Địa ngục trần gian Sau một thời gian bị tra hỏi bằng cách dùng vũ lực ở nhà tù quân đội, Vừ Già Pó được chuyển giao về đồn cảnh sát khu vực. Trong gần 1 năm tại đây, những ngày mà người ta trông thấy Pó ăn cơm tù ngày càng thưa đi, rồi thậm chí nếu không phát hiện kịp thời, Pó đã không có...