Khi thẩm mỹ Hàn không còn hoàn mỹ
Trong căn phòng nhỏ ở Seoul treo đầy các bức ảnh trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, cô Kim Bok – soon tâm sự: “Thật kinh khủng khi mọi người không muốn nhìn vào gương mặt tôi”.
Kim Bok – soon chưa bao giờ hài lòng với mũi hơi hếch của mình và luôn mơ mộng có được một chiếc mũi hoàn hảo hơn. Vào năm 2009, trong khi đang chờ làm tóc tại một cửa hiệu, Bok – soon tình cờ nhìn thấy mẩu quảng cáo của một thẩm mỹ viện. Không cần suy tính nhiều, cô quyết định đến đó bất chấp sự phản đối của gia đình.
Tay bác sĩ tại thẩm mỹ viện hứa hẹn sẽ mang đến cho Bok – soon một gương mặt xinh đẹp như diễn viên. Vậy là từ ý định chỉ sửa mũi, Bok – soon quyết định tân trang lại cả khuôn mặt. Cô không ngần ngại bỏ ra 30 triệu won (gần 590 triệu đồng) cho 15 cuộc phẫu thuật trên mặt chỉ trong một ngày.
Hai phụ nữ vừa trải qua phẫu thuật thẩm mỹ trên đường phố Hàn Quốc – Ảnh: Reuters.
Đến khi lớp băng được tháo ra, Bok – soon choáng váng khi nhìn thấy khuôn mặt mới của mình trong gương. Chỉ đến lúc này cô mới biết tay bác sĩ phẫu thuật cho cô không hề có chuyên môn như quảng cáo. Cùng một số bệnh nhân xấu số khác, Bok – soon đã đâm đơn tố cáo vị bác sĩ này với cơ quan chức năng. Kể từ sau khi phẫu thuật thẩm mỹ đến nay, Bok – soon gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, cô không thể nhắm mắt trong khi nước mũi thì chảy liên tục.
Những trường hợp như Bok – soon hiện nay tại Hàn Quốc không còn là chuyện hiếm. Trong xã hội Hàn Quốc, vẻ đẹp bên ngoài thường được coi là phương tiện để cải thiện chất lượng cuộc sống, bao gồm cả công việc và triển vọng hôn nhân. Tại đất nước 50 triệu dân này, phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến như việc thay đổi kiểu tóc.
Theo thống kê, ngành công nghiệp thẩm mỹ của Hàn Quốc hiện đạt doanh thu 5 tỉ USD/năm, chiếm 1/4 thị trường thế giới. Dịch vụ du lịch y tế của Hàn Quốc lên “như diều gặp gió”, trở thành thỏi nam châm thu hút du khách, đặc biệt là du khách từ Trung Quốc với số lượng tăng gấp 3 trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2013.
Tuy nhiên ngành công nghiệp màu mỡ này đang gặp nhiều chỉ trích về quy trình phẫu thuật chắp vá và con số các bác sĩ “lang băm” ngày càng tăng lên (gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2012-2013). Nhiều nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ hỏng đã đâm đơn kiện những “bác sĩ ma” – thuật ngữ ám chỉ các bác sĩ chưa có đủ bằng cấp, không đúng chuyên ngành hoặc tạm thời phẫu thuật thay thế cho những bác sĩ có bằng cấp. Một trong những vụ việc gây xôn xao dư luận liên quan tới “bác sĩ ma” xảy ra hồi tháng 12/2013 khi một học sinh trung học đã rơi vào tình trạng hôn mê sau khi phẫu thuật nâng mũi và cắt mí. Vụ việc này đã được trình lên tòa án và hiện đang được điều tra.
Ông Cha Sang – myun, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc với 1.500 thành viên, đã phối hợp với nhà chức trách kêu gọi giám sát chặt chẽ và ban hành luật quảng cáo nghiêm khắc hơn với ngành phẫu thuật thẩm mỹ. “Chúng ta cần phải thanh lọc đội ngũ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện giờ, nhiều khách hàng trên thế giới đang đổ về Hàn Quốc vì danh tiếng của ngành du lịch thẩm mỹ nhưng nếu sự việc tiếp diễn như hiện nay, tôi không nghĩ rằng họ sẽ đến trong những năm tới”, ông Sang – myun chia sẻ.
Nhiều nhà phân tích đánh giá nguyên nhân dẫn tới những “hố đen” trong ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc là do luật lệ lỏng lẻo cộng với quảng cáo quá đà và sự ám ảnh về hình thức bên ngoài.
Số liệu của chính phủ cho biết, hiện nay tại Hàn Quốc có hơn 4.000 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, nước này cũng là nơi có tỉ lệ phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới khi cứ 1.000 người thì có 13 người đã trải qua “dao kéo”.
“Quảng cáo quá đà khiến mọi người nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản như vào cửa hàng mua đồ nhưng thật ra đây cũng là một cuộc phẫu thuật y học với nguy cơ rủi ro có thể ảnh hưởng tới tính mạng của bạn”, ông Cha Sang – myun nói.
Theo Zing