Khi nhà cho thuê thành “ổ chứa” tội phạm
Lợi dụng những kẽ hở trong quản lý của chính quyền cơ sở, chế tài xử phạt thiếu răn đe… nhiều đối tượng hình sự, đặc biệt là tội phạm ma túy đang chọn nhà trọ, nhà cho thuê là nơi ẩn náu lý tưởng để hoạt động phạm tội. Với các chủ nhà trọ, nhà cho thuê, sau khi thu tiền của khách… họ cũng phó mặc.
Thuê nhà để hoạt động phạm tội
Cơ quan công an khám xét “động lắc” do Đại và Cường điều hành
Dư âm triệt xóa các “ổ” sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp ở các phòng trọ, nhà cho thuê giữa lòng Thủ đô vừa lắng xuống, thì những tháng gần đây, CATP Hà Nội phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an lại tiếp tục phát hiện, bóc gỡ nhiều “ổ lắc”, “động lắc” trá hình trong các quán cà phê, karaoke, nhà nghỉ tại các quận trung tâm Thủ đô… Điểm chung của các vụ án này: đối tượng phạm tội đều thuê nhà để ẩn náu, trú ngụ “hoạt động”.
Kể lại việc phát hiện, triệt xóa “động lắc” trên phố Yên Phụ do 2 đối tượng Nguyễn Trọng Đại (SN 1982), ở quận Đống Đa và Nguyễn Anh Cường (SN 1976), ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội điều hành, chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về ma túy – CAQ Tây Hồ cho biết: Khoảng tháng 1-2011, Nguyễn Trọng Đại – đối tượng từng quản lý, điều hành quán karaoke ở 173 Nghi Tàm, thuộc phường Yên Phụ, vừa bị UBND quận Tây Hồ thu hồi giấy phép kinh doanh, do có biểu hiện chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tiếp tục đến thuê ngôi nhà 145 phố Yên Phụ mở khách sạn, “kinh doanh” không phép.
Lần này, Đại không trực tiếp lộ diện mà giao cho “đàn em” là Nguyễn Anh Cường đứng ra thuê nhà. Trung tá Đỗ Danh Chiến – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy – CAQ Tây Hồ phân tích: Thông thường, khi biết mình lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan công an, những đối tượng ma túy thường lẩn tránh, tìm thuê các nhà dân ở khu vực kín đáo, ít người qua lại hòng giấu tung tích, che đậy hoạt động phi pháp. Song Đại là một trường hợp “đặt biệt”. Anh ta chấp nhận bỏ ra 50 triệu đồng – cái giá không hề rẻ để thuê một ngôi nhà 5 tầng trên phố Yên Phụ “kinh doanh”, ngay tại địa bàn vừa bị thu giấy phép do có dấu hiệu hoạt động phạm pháp.
Chỉ huy CAP Yên Phụ cho biết thêm: “Bình mới, rượu cũ”, với kiểu kinh doanh khách sạn “khác người”, lấy ngày làm đêm như của Đại thì sớm muộn cũng phát giác. Phát hiện nhiều kẻ ra vào đây ban đêm, xăm trổ đầy mình, dấu hiệu hoạt động bất minh, CAP đã tiến hành kiểm tra hành chính ngôi nhà, song đối tượng quản lý, điều hành tụ điểm ăn chơi, thác loạn này chỉ đạo nhân viên chốt cửa, cố thủ bên trong. “Dù biết các đối tượng chống đối, nhưng chúng tôi cũng đành “bó tay” bởi những sai phạm, vi phạm hành chính như: hoạt động quá 24h, lực lượng công an không được phá cửa kiểm tra” – chỉ huy CAP Yên Phụ cho biết.
Thiếu chế tài… thiếu cả sự hợp tác
Không chỉ là nơi trú ngụ của số đối tượng ma túy, hình sự, các phòng trọ, nhà cho thuê hiện cũng là “bãi đáp” lý tưởng của tệ nạn mại dâm. Theo thông tin chúng tôi thu thập được, gần đây trên địa bàn Hà Nội xuất hiện những tốp gái bán dâm gắn “mác” sinh viên, đi tìm thuê những ngôi nhà khang trang cao 3-4 tầng, giá 5-6 triệu đồng trong các ngõ nhỏ vờ sinh sống, học tập. Sống bầy đàn, đêm xuống, số gái bán dâm này tỏa đi các quán bar, karaoke, vũ trường… ở Hà Nội mời chào “bạn trai” về nhà ngủ cùng.
Những cuộc “mây mưa” dù kéo dài suốt đêm, hay diễn ra chốc lát… thì những giao dịch vẫn luôn lặng lẽ. Tuy vậy, thực tế cho thấy: những “ổ” mại dâm này dù tổ chức tinh vi đến đâu, nhưng việc có cả chục “sinh viên” sống trong ngôi nhà 3-4 tầng, giữa khu vực dân cư đông đúc, hay đưa “bạn trai” về nhà vào lúc nửa đêm, chắc chắn không “qua mặt” được người dân nơi đây, và cũng sẽ nhanh “đến tai” chính quyền cơ sở. Nhưng không hiểu vì lý do gì, việc kiểm tra, xử lý chưa triển khai quyết liệt, vi phạm đến giờ vẫn tồn tại ở một số nơi!
Video đang HOT
Một trong những nguyên nhân khiến các nhà trọ, nhà cho thuê trở thành nơi “nương náu” của các loại tội phạm, là do sự thờ ơ, không tuân thủ các quy định pháp luật của chủ nhà trọ, nhà cho thuê. Theo quy định: Khi có khách đến lưu trú, tạm trú, chủ nhà trọ, nhà cho thuê phải đến cơ quan công an khai báo tạm trú, tạm vắng cho khách, hoặc đơn giản hơn là gọi điện thoại thông báo với CSKV việc khách lưu trú, tạm trú. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc trốn nộp thuế cho thuê nhà, các chủ nhà trọ, nhà cho thuê đang phớt lờ quy định của pháp luật. Không khai báo lưu trú, trong trường hợp CSKV có kịp thời phát hiện cũng không thể phạt “ nóng” chủ cơ sở, bởi Luật Cư trú quy định: sau 30 ngày chủ nhà trọ, nhà cho thuê không đến khai báo lưu trú cho khách mới bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 100.000-200.000 đồng. Chế tài xử phạt chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi nhuận lớn thu được từ việc cho thuê nhà – một cán bộ CAQ Tây Hồ thẳng thắn.
Ngoài những bất cập trong chế tài xử lý, sự thiếu hợp tác của các chủ nhà trọ, nhà cho thuê, thì sự “quá tải” cũng là khó khăn không nhỏ với lực lượng làm nhiệm vụ. Việc một CSKV phải “nắm” cả trăm hộ, hàng nghìn nhân khẩu trên địa bàn như hiện nay, thì việc “nắm” người, “nắm” hộ khó có thể chặt chẽ. Trong khi đó, hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng liên tục di chuyển chỗ ở để đối phó với lực lượng công an…. Để ngăn chặn thực trạng này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ hơn của các ban, ngành và chính quyền cơ sở, bởi nếu không “quản” được việc thuê và cho thuê nhà – đây chính là “đất” cho tội phạm nương náu.
Theo ANTD
Nơi chứa chấp những cuộc chơi thác loạn
"Bay, lắc" và những cuộc chơi bời thác loạn thâu đêm suốt sáng trong một bộ phận thanh niên xuất hiện cùng "trào lưu" sử dụng ma túy tổng hợp tràn vào Việt Nam. Tại địa bàn Hà Nội, rộ lên từ thời điểm năm 2005 dưới vỏ bọc các quán bar ca nhạc, vũ trường, karaoke... những "động lắc" trá hình từng bị cơ quan chức năng triệt phá mạnh, nhưng do lợi nhuận, tệ nạn này vẫn tồn tại, gây bức xúc cho nhân dân cũng như tiềm ẩn nguy cơ tội phạm cho xã hội...
Ai vào "động lắc"?
Thời điểm năm 2005, sau khi khám phá một loạt đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ nước ngoài vào Việt Nam, lần theo đường đi của loại ma túy mới này, lực lượng Công an đã tìm ra địa điểm dân chơi thường sử dụng - chính là các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" như vũ trường, quán bar, karaoke...
Điểm thác loạn đầu tiên của dân chơi bị triệt phá là quán karaoke Hương Xuân tại ngõ Hoàng An 2, phường Trung Phụng, quận Đống Đa. Sau một đêm thác loạn, khi dân chơi vẫn còn đang phê thuốc tại các phòng hát thì bị Cơ quan Công an bất ngờ kiểm tra. Nhiều vị khách không kịp mặc quần áo, trên người chỉ độc quần lót. Những hình ảnh đầu tiên về "động lắc" núp bóng quán karaoke được đăng tải trên các tờ báo đã gây sốc trong dư luận về mức độ ăn chơi trác táng của một số thanh niên. Sự thật, karaoke Hương Xuân chỉ mà "mở màn" cho những cuộc chơi không có điểm dừng của những thanh niên "sành điệu" tìm đến loại ma túy thời thượng này. Một loạt "động lắc" trá hình, núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" đã được Công an Hà Nội triệt phá, trong đó phải kể đến những vụ gây xôn xao dư luận như karaoke "Anh và em" tại 141 Phạm Văn Đồng, karaoke 275 Đê La Thành...
Chân dung "dân bay" đã lộ diện từ những vụ việc này. Dư luận giật mình khi trong các chốn ăn chơi này, bên cạnh các đối tượng nghiện ma túy, đối tượng hình sự, có rất nhiều dân chơi thuộc diện con nhà lành, thậm chí con cái những người có địa vị trong xã hội.
Cứ mỗi "động lắc" mới bị phát hiện, thiên hạ lại một phen "mát nhãn" khi chứng kiến các cô gái ăn mặc hở hang hết cỡ, nằm, ngồi la liệt vì phê thuốc. Mùa nóng cũng như mùa lạnh, trang phục của các cô chủ yếu là quần soóc, áo hai dây. Độ tuổi của các em "dân bay" này cũng trẻ hóa dần, có nhiều em chỉ mới 14-15 tuổi cũng "tập bay". Em nào khi bị bắt cũng thanh minh rằng, em bị rủ rê, lôi kéo, bị cho uống nước ngọt có pha "thuốc lắc" mà không biết. Nghe thì có lý, nhưng có em thì cuộc vui nào cũng có mặt. Đó là Trần Bình T., ở khu bãi rác Thành Công. Mới bị xử phạt hành chính khi "góp vui" tại động lắc Hương Xuân, đến khi phá ổ lắc tại 275 Đê La Thành, lại thấy em này ngả ngốn trong đám thanh nữ ăn mặc thiếu vải. Có em lần đầu "cắn thuốc" quá liều, phê vật trên ghế. Khi Cơ quan Công an vào, em vẫn một mình phê thuốc không biết giời đất, lay thế nào cũng không dậy.
Trong số các tụ điểm ăn chơi trên, "động lắc" 275 Đê La Thành nổi tiếng vì nhiều nam thanh, nữ tú thuộc diện "cậu ấm, cô chiêu". Khi Cơ quan Công an đưa các đối tượng về trụ sở làm việc, nhiều người ngỡ ngàng trước hoa khôi Vũ Hương L., sinh viên báo chí năm thứ ba. Khi bị bắt, Hương L. mặc chiếc áo yếm cực kỳ gợi cảm, phía trước khoét sâu quá nửa ngực, phía sau gần như lộ nguyên tấm lưng trần nõn nà.
Tiếp xúc với báo chí tại trụ sở Cơ quan Công an, ban đầu Hương L. hãnh diện khoe mình là sinh viên báo chí, từng được thử làm phát thanh viên cho một đài truyền hình. Sau một ngày hết thuốc, Hương L. chột dạ, thanh minh việc có mặt tại "động lắc" là "đi thực tế" để viết bài. Cùng bị bắt với Hương L., còn có sự góp mặt của Nguyễn Đăng Đ., nam sinh viên ngành ngân hàng. Hương L. và Đăng Đ. đều xuất thân từ những gia đình tử tế, nền nếp, bố mẹ là trí thức và có địa vị nhất định trong xã hội.
Tổng kết của Cơ quan điều tra, trong những cuộc thác loạn tại các ổ lắc, quá nửa dân chơi xuất thân từ con nhà giàu có, thậm chí không ít đối tượng có bố mẹ là người có quyền chức, chiều chuộng con cái. Không chỉ trang bị cho con cái xe đẹp, điện thoại di động sành điệu, quần áo đắt tiền, họ còn cho con tiêu tiền thoải mái.
Trong vụ "động lắc" Linh Chi, quận Long Biên, hầu hết 20 "dân bay" bị bắt đều cư trú tại các phố buôn bán sầm uất nhất ở khu vực trung tâm phố cổ, gia đình kinh tế khá giả. Điều này cũng dễ hiểu bởi mỗi cuộc "đi bay" tốn kém hàng chục triệu đồng. Một "dân bay" giải thích, những loại ma túy "truyền thống" như thuốc phiện, heroin đã "xưa như Diễm" rồi. Dân chơi thời thượng muốn thể hiện đẳng cấp phải sử dụng ma túy tổng hợp và mốt nhất là "đập đá".
Câu lạc bộ "Đêm Tây Hồ" - nơi tụ tập nhiều dân chơi ma túy tổng hợp.
Những cuộc chơi thác loạn
Sau một loạt các quán bar, vũ trường lớn bị cơ quan chức năng kiểm tra, truy quét, hoạt động của các "động lắc" tưởng chừng như đã được dẹp bỏ. Bề ngoài là như vậy, nhưng đối với dân chơi thì hết vũ trường không có nghĩa là hết cuộc chơi. Những cuộc thác loạn được chuyển từ vũ trường ồn ào sang những địa điểm kín đáo hơn. Đó chính là các phòng karaoke, nhà nghỉ... với những cuộc truy hoan tập thể đi kèm với thuốc lắc và đập đá.
Năm 2008, tại quán cà phê "Anh và em" trên đường Phạm Văn Đồng, tại thời điểm 7h sáng, khi các trinh sát ập vào, 19 dân chơi cả nam, cả nữ trong độ tuổi từ 18-25 vẫn quay cuồng trong tiếng nhạc, nhiều đối tượng không mảnh vải che thân. Những vỏ chai bia ngổn ngang, quần áo vứt bừa bãi, thuốc tránh thai vương vãi khắp nơi... là những gì còn sót lại sau một cuộc ăn chơi trác táng có nguồn gốc từ "thuốc lắc", ma túy tổng hợp...
Ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, qua điều tra xã hội đối với các đối tượng từng sử dụng ma túy tổng hợp, họ thú nhận sau nhu cầu "nhảy múa" là nhu cầu tình dục. Dân chơi thừa nhận nếu không có ma túy thì không thể đáp ứng được nhu cầu của bạn tình, kể cả nam và nữ. Mặt khác, khi sử dụng ma túy tổng hợp, nhu cầu về tình dục cũng vượt mức bình thường. Dùng ma túy tổng hợp có nghĩa là chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận cả việc quan hệ tình dục với người không quen, không có tình cảm.
Theo phân tích của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, ma túy tổng hợp làm gia tăng thèm muốn hoạt động tình dục, do vậy dễ dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh hoa liễu, HIV/AIDS. Khảo sát cho thấy hầu hết các đối tượng sử dụng "thuốc lắc" đều quan hệ tình dục từ rất sớm và cảm thấy thích thú với việc quan hệ tình dục sau khi sử dụng ma túy tổng hợp. Do đó, các đối tượng thường lôi kéo bạn tình cùng sử dụng để tìm sự đồng cảm trong quan hệ tình dục. Đối với những thanh niên mới lớn, ở giai đoạn phát triển này, các em dễ nhầm lẫn giữa tình yêu và tình bạn trong quan hệ bạn bè nên khi bị kích thích do sử dụng ma túy tổng hợp, dẫn tới ảo giác, không kiềm chế được hành động.
Những cuộc "bay, lắc" càng đông thì càng vui. Và sinh nhật là cái cớ dễ nhất để tụ tập những người quen và không quen nhau thành một "phi đội bay". Nhiều tiền thì tổ chức sinh nhật trên sàn, sau đó kéo nhau tụ về các quán karaoke tiếp tục cuộc vui. Đầu tiên là rượu mạnh. Sau đó "thuốc lắc", "ma túy đá" sẽ được chính những người trong hội mang ra để "chia sẻ" với mọi người, hoặc gọi điện cho những kẻ chuyên cấp hàng mang tới. Nửa đêm, những cuộc vui như vậy mới chính thức bắt đầu và kéo dài cho tới sáng. Giá thuê phòng để tổ chức những buổi sinh nhật này cũng đặc biệt. Lợi nhuận của các quán bar, karaoke lên nhanh chính là nhờ các vị khách chơi bời này.
Không ít quán karaoke cạnh tranh, hút khách bằng đủ các chiêu mới lạ, mà gần đây nhất là trò hút shisha, một loại thuốc lào Arập có hương thơm quyến rũ đặc biệt, được hút bằng bình lọc, dạng như "bàn đèn" thuở nào. Thuốc lá ngoại là mặt hàng đã được đưa vào danh mục cấm. Thế nhưng có lẽ đây là "thuốc lào ngoại" nên không hiểu vô tình hay vô tâm, đến giờ vẫn chưa cơ quan chức năng nào lên tiếng. "Thuốc lào Arập" cùng bình hút được nhập vào Việt Nam qua con đường nào, đến giờ cũng không ai hay. Để rồi một ngày, Cơ quan Công an lại phát hiện điểm "xả thuốc" mới của dân chơi ma túy tổng hợp tại quán cà phê Arap Night 33 Phủ Doãn, núp dưới hình thức cà phê giải khát shisha...
Vỏ bọc tiềm ẩn nguy cơ tội phạm
Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 24h là thời điểm các quán phải tuân thủ quy định đóng cửa. Thế nhưng bằng nhiều cách, hoặc lén lút, hoặc công khai, những cơ sở này vẫn hoạt động bất chấp các quy định của pháp luật. Ở bất cứ địa điểm nào, khi lực lượng Công an bất ngờ kiểm tra, vào thời điểm rạng sáng, thậm chí có vụ đã sáng hẳn nhưng số người tụ tập tại các cơ sở này rất đông. Tỉ lệ đối tượng phát hiện sử dụng ma túy tổng hợp chiếm số đông trong những đối tượng có mặt.
Vì vậy, những lo ngại trước những biến tướng của các loại hình văn hóa - giải trí phổ biến như: Karaoke, cà phê, tẩm quất massage, gội đầu thư giãn... không phải không có lý. Hà Nội hiện có nhiều điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn có sử dụng nhạc mạnh, sân khấu ca nhạc... để thu hút số thanh niên trẻ tụ tập. Đây là những tụ điểm có nguy cơ bị đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp lợi dụng hoạt động, đồng nghĩa là nơi phát sinh tội phạm hình sự khi những cuộc va chạm, mâu thuẫn giải quyết bằng dao kiếm và cả súng đã từng xảy ra.
Và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011, lực lượng Công an đã triệt phá 3 tụ điểm của dân chơi ma túy tổng hợp núp bóng các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí như quán karaoke, bar ca nhạc, vũ trường... Vẫn những hình thức cũ diễn lại, chỉ khác là các cơ sở ăn chơi này được đầu tư hiện đại hơn, quy mô hơn, chặt chẽ hơn. Đương nhiên, dân chơi vào đây cũng mất nhiều tiền hơn.
Dân chơi ma túy tổng hợp chủ yếu là thanh niên.
Trở lại tụ điểm ăn chơi "Đêm Tây Hồ" tại 614 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ vừa bị Công an Hà Nội triệt phá. Ngay sau khi vụ việc được phanh phui thì cùng lúc, các thông tin về Công ty CP Giải trí truyền thông NVT, đơn vị chủ quản của Câu lạc bộ này trên mạng Internet cũng bị xóa sạch. Chỉ còn sót lại trên một số trang diễn đàn vài thông tin về cái tên "NVT", được giải thích là Nghe và Thích, Nhìn và Thích, Nói về Tiền, Nghĩ về Tình...
Nhưng có một cách giải thích khác, NVT là tên viết tắt của ông Ngô Văn Thà. Trên Website www.vietnamcredit.com.vn (Công ty Thông tin tín nhiệm & Xếp hạng Doanh nghiệp Việt Nam,địa chỉ: Số A2403, Tòa nhà M3-M4, Nguyễn Chí Thanh, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội) thông tin về doanh nghiệp mà chúng tôi tra cứu sau ngày 20/3/2011 cũng đăng rõ thông tin Ngô Văn Thà là người đại diện doanh nghiệp Công ty CP Giải trí truyền thông NVT. Đăng ký kinh doanh nhiều nhưng thực chất, hoạt động chính của Công ty NVT lại là kinh doanh Câu lạc bộ "Đêm Tây Hồ" với sàn nhảy trên 500m2 cùng 10 phòng karaoke VIP trong một khuôn viên khép kín tại một địa điểm lý tưởng ngay sát Công viên nước Hồ Tây.
Ông Ngô Văn Thà từng xuất hiện trên một số tờ báo, tự giới thiệu bản thân là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải trí truyền thông NVT, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí truyền thông như tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, in quảng cáo, đào tạo, quản lý, cung cấp ca sĩ, người mẫu...
Năm 1998, ông Ngô Văn Thà từng là ông chủ của "động mại dâm" tại khách sạn Công Dung được coi là có quy mô lớn nhất Hà Nội tại thời điểm này. Khi đó, từ một khách sạn, Ngô Văn Thà cùng vợ thành lập Công ty TNHH Công Dung, lấy đà để khuếch trương công việc kinh doanh giải trí với những "chiêu" ăn chơi trác táng nổi tiếng tại Hà Nội lúc bấy giờ. "Động mại dâm" núp bóng khách sạn, hoạt động với quy mô công ty TNHH đã bị lực lượng Công an phanh phui, triệt phá vào đêm 31/8/1998. Ngô Văn Thà lĩnh án 19 năm tù giam. Cải tạo tại Trại giam Xuân Nguyên Hải Phòng, có lần khi được gặp nhà báo, Ngô Văn Thà nói rằng khi ra tù, Thà sẽ tiếp tục kinh doanh.
Trở lại với tụ điểm ăn chơi "Đêm Tây Hồ" thì mặt ngoài của CLB, luôn được căng những tấm pa nô cỡ lớn quảng cáo tên tuổi của các ca sĩ biểu diễn khiến mọi người đều nghĩ đây là một tụ điểm sinh hoạt văn hóa mới cho thanh niên Hà Nội. Cho đến khi Câu lạc bộ "Đêm Tây Hồ" bị lực lượng Công an "đột kích" vào 2h sáng ngày 20/3 vừa qua, phát hiện hàng chục dân chơi đang thác loạn trong các phòng karaoke VIP cùng số lượng lớn ma túy tổng hợp
Theo CAND
Nghi án ông chủ nhà trọ bị sát hại Chiều 21/1 thi thể một người đàn ông nằm sấp, nhiều vết thương được phát hiện ở nhà riêng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khoản tiền lớn trong người ông này vẫn nguyên vẹn. Nạn nhân được cơ quan điều tra xác định là Lê Văn Lưu (57 tuổi, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Theo nhà chức trách, nạn nhân...