Khi người yêu là sếp
Việc yêu sếp nếu không dẫn đến những hệ lụy xấu thì cũng khó có thể đem lại một kết thúc có hậu.
Với nhiều phụ nữ, tiêu chuẩn để chọn người đàn ông làm người yêu (hoặc chồng) của mình không thể thiếu điều kiện “hơn mình một cái đầu” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
Với các nữ nhân viên công sở, những sếp là đàn ông mặc nhiên có được tiêu chuẩn này, thêm vào điều kiện “nhất cự ly”, sự tiếp xúc, gần gũi mỗi ngày khiến cho nhiều mối tình giữa nhân viên nữ và sếp nam diễn ra khá thuận lợi.
Có một dạo, công ty S. xôn xao về việc Q. – trưởng phòng kế hoạch lăng nhăng với thư ký rồi bị vợ lên công ty đánh ghen. Vốn mang trong mình dòng máu của… sư tử Hà Đông, hay tin ông chồng yêu quý o bế cô thư ký trên mức quan hệ đồng nghiệp bình thường, vợ Q. đến công ty làm ầm ĩ, đòi “xin thẹo” cô thư ký trẻ trung kia. Đích thân ông tổng giám đốc phải ra dàn xếp sự việc mới ổn thỏa. Kết quả là công ty cho cô thư ký nghỉ việc, Q. được giữ lại với lý do: công ty tuyển thư ký mới dễ hơn tuyển người thay Q.!
Việc yêu sếp nếu không dẫn đến những hệ lụy xấu thì cũng khó có thể đem lại một kết thúc có hậu
Trang và Kiên làm cùng công ty may mặc T. Kiên vô trước rồi được đề bạt làm trưởng phòng Purchasing (thu mua vật tư). Kể từ lúc hai người yêu nhau, Trang bị mọi người dòm ngó, “tăm tia” rất kỹ. Từ chuyện Trang được tăng lương cao hơn mọi người đến chuyện phân công công việc, mọi người đều phân bì cho rằng Trang được “sếp” ưu ái hơn. Để tránh dư luận, điều tiếng này nọ, cũng như để bảo vệ tình cảm của mình, Kiên đành hy sinh chuyển sang công ty khác vì hai người thỏa thuận rằng: với khả năng chuyên môn của Kiên thì việc Kiên xin việc làm mới sẽ dễ dàng hơn Trang. Cuối cùng hai người cũng có một kết thúc có hậu bằng một đám cưới với đủ mặt đồng nghiệp cũ và mới của cả hai.
Không ầm ĩ như chuyện của Q., cũng không kết thúc êm đẹp như Kiên và Trang, chuyện của Giang – Giám đốc sản xuất của công ty dệt may F. đáng để mọi người rút ra bài học. Có vợ cũng làm “sếp” ở một công ty lớn, hai đứa con xinh xắn, nhưng mọi thứ dường như vẫn chưa đủ khi Giang lập “phòng nhì” với cô thư ký riêng của mình. Từ gói xôi, ổ bánh mì “người yêu” mua cho anh ăn sáng hay những lúc hai người “ngẫu nhiên” nghỉ phép trùng với nhau, cả những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” đều không thoát khỏi “tầm ngắm” của những kẻ nhiều chuyện trong công ty. Khi vị Phó tổng giám đốc công ty sắp hết nhiệm kỳ, có nhiều người bình chọn Giang lên thay do Giang có đủ năng lực và mối quan hệ tốt với nhân viên, nhưng bộ phận quan hệ nhân viên thuộc phòng nhân sự của công ty đã bác bỏ ý kiến ấy vì theo họ, người lên nắm giữ vị trí ấy phải có đủ tư cách đạo đức để làm gương cho nhiều người. Một người có khiếm khuyết về phẩm chất cá nhân như Giang không thể là một ứng cử viên tiềm năng để hàng trăm con người “soi” vào được.
Suy cho cùng, chuyện người yêu là sếp hay chỉ là một nhân viên bình thường cũng chẳng có gì đáng nói. Ngặt một nỗi những người đàn ông làm sếp thường đã có gia đình, vì ở độ tuổi này, họ có nhiều kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm làm việc, sự từng trải và độ chín chắn vừa đủ để nắm giữ vị trí “cầm cương”. Những nhân tố ấy đủ làm họ trở nên hấp dẫn trong mắt các nhân viên nữ. Thế nên việc yêu sếp nếu không dẫn đến những hệ lụy xấu thì cũng khó có thể đem lại một kết thúc có hậu cho những người trong cuộc. Các cô gái không nên chỉ vì sự ngưỡng mộ, thần tượng cấp trên của mình mà quên đi yếu tố khác bởi tình yêu nơi công sở thường chịu nhiều áp lực và bị “chiếu” kỹ hơn ở môi trường bên ngoài.
Khi tình yêu với sếp không thành, thiệt thòi không chỉ thuộc về phái nữ như cách nghĩ thường tình của mọi người như bị mất việc, tai tiếng… mà nếu không cẩn trọng, các sếp nam cũng có nguy cơ “thân bại danh liệt” khi sự nghiệp không còn mà gia đình cũng tan vỡ! Mà ngay cả khi sếp vẫn còn độc thân? Tại sao lại nói “không” nếu sếp cũng yêu mình nhỉ? Chỉ có điều, chắc chắn bạn sẽ bị áp lực nhiều hơn. Hãy chuẩn bị tinh thần khi người yêu là sếp!
Theo Bưu Điện Việt Nam