Khi người chết để lại ba di chúc
Người mẹ qua đời để lại ba di chúc. Theo luật, bản di chúc nào có hiệu lực pháp luật?
Bà P., nguyên đơn của vụ kiện, trình bày: Cha mẹ bà có hai người con là bà và bà C. Cha bà mất sớm, còn mẹ bà mất vào tháng 12/2010. Cả hai chị em bà P. đều đang định cư tại Úc. Tài sản của mẹ bà để lại gồm một căn nhà cấp 4 xây trên thửa đất hơn 20.100m2 và một thửa đất hơn 4.200 m2 ở xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT)).
Ba bản di chúc và hai nội dung
Khi còn sống, người mẹ lập hai bản di chúc. Một bản lập vào tháng 9/2007 tại một văn phòng luật sư ở TP.HCM. Bản di chúc này người mẹ chia cho bà P. được hưởng căn nhà, còn diện tích đất chia đôi cho hai chị em bà P. Bản di chúc thứ hai lập ngày 15/10/2010, được công chứng tại Văn phòng công chứng (VPCC) Vì Dân. Khi lập di chúc, người mẹ còn minh mẫn nhưng do đi lại khó khăn nên bà yêu cầu bà P. mời công chứng viên đến nhà. Nội dung di chúc này giống bản lập năm 2007 nhưng có thêm nội dung là một người họ hàng được người mẹ cho hưởng bộ ghế thờ gồm lư hương, chân đèn, chò, đĩa quả, bình hoa.
Sau khi người mẹ điểm chỉ vào di chúc này, công chứng viên giao lại cho người mẹ hai bản chính. Ba ngày sau, người mẹ phát hiện có sai sót về lỗi đánh máy đối với số liệu diện tích đất và nơi lập di chúc. Sau đó công chứng viên lại đến nhà để sửa lỗi trên bằng cách ghi chú viết tay vào bên lề tờ di chúc. Theo đó, diện tích một trong hai thửa đất là hơn 19.700m2 (theo giấy đỏ) chứ không phải 20.100m2 như đã ghi trước đó.
Một trong những di sản do mẹ bà P. để lại. Ảnh: KL
Video đang HOT
Sau khi mẹ qua đời, chị em bà P. không thỏa thuận được việc chia di sản nên kiện nhau ra TAND tỉnh BR-VT. Tại buổi hòa giải, bà C. (em gái bà P.) trưng ra một bản di chúc nữa được lập vào tháng 7-2008 tại Phòng công chứng số 2 tỉnh BR-VT. Bản di chúc này thể hiện người mẹ để lại toàn bộ tài sản cho bà C., gồm hai thửa đất nói trên và một căn nhà khác tại TP.HCM. Bà đề nghị tòa công nhận bản di chúc này.
Sơ thẩm: Công nhận bản di chúc năm 2008
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh BR-VT cho rằng bản di chúc lập năm 2008 tại Phòng Công chứng số 2 là hợp pháp, còn bản do VPCC Vì Dân lập năm 2010 là vô hiệu.
Theo tòa này, bản di chúc năm 2010 có ba trang nhưng không được đánh số thứ tự, điểm chỉ thiếu, không có sơ đồ minh họa vị trí đất. Ngoài ra, tại trang 1 di chúc thể hiện tài sản của người mẹ để lại chỉ bao gồm hai thửa đất nhưng trang 2 lại nói thêm người mẹ cho một người họ hàng khác được hưởng bộ ghế thờ, lư hương, chân đèn, bình hoa… Như vậy, tài sản để lại và sự định đoạt của người mẹ không rõ ràng…
Cạnh đó, tòa còn cho rằng di chúc lập năm 2010 khẳng định người mẹ tự nhận thấy có đủ năng lực hành vi để lập di chúc là không có căn cứ. Hồ sơ công chứng không có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền rằng người mẹ còn minh mẫn; các nhân chứng nói thời điểm khoảng 3-5 tháng trước khi mất người mẹ sức khỏe rất yếu, nằm một chỗ, không còn biết gì nữa. Ngoài ra, tòa cho rằng qua tài liệu thu thập của tòa tại UBND xã Bàu Chinh có căn cứ khẳng định việc sửa chữa nội dung bản di chúc năm 2010 được thực hiện sau khi mẹ bà P. đã chết chứ không phải bốn ngày sau khi công chứng.
Từ đó tòa tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P., đồng thời bà C. được hưởng di sản thừa kế của mẹ để lại theo di chúc năm 2008.
Phúc thẩm: Di chúc cuối cùng có hiệu lực
Bà P. kháng cáo. Xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM khẳng định xét về hiệu lực thì bản di chúc được lập tại VPCC Vì Dân là di chúc có hiệu lực pháp luật. Theo tòa, khi lập di chúc người mẹ còn minh mẫn, nói chuyện được. Tại thời điểm lập, ngoài công chứng viên VPCC Vì Dân còn có các nhân chứng khác chứng kiến việc người mẹ nghe rõ và đồng ý với nội dung công chứng.
Về nội dung, di chúc ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc, họ tên người lập di chúc cũng như người được hưởng di sản, tên di sản và nơi có di sản. Dù có sai sót một số lỗi kỹ thuật nhưng những sai sót này cũng đã được khắc phục, không ảnh hưởng đến nội dung.
Từ đó tòa tuyên di sản của người mẹ được chia theo di chúc lập tại VPCC Vì Dân. Có điều tòa vẫn sử dụng số liệu cũ, không theo bản di chúc mà VPCC Vì Dân đã sửa. Cụ thể, thay vì tuyên bà P. được hưởng 1/2 thửa đất rộng hơn 19.700m2 thì tòa vẫn lấy số liệu thửa đất đó rộng 20.100m2.
Di chúc sau cùng có hiệu lực Khoản 5 Điều 667 BLDS quy định rõ: Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật. Như vậy nội dung di chúc năm 2010 có hiệu lực và thực tế thì nó cũng trùng với nội dung di chúc 2007. Có thể di chúc 2010 có thiếu sót hoặc vi phạm về hình thức nhưng khoản 4 điều luật trên cũng nói rõ, khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật. Do đó di chúc sai phần nào sửa phần đó chứ không thể tuyên vô hiệu toàn bộ di chúc. Phần nội dung một người họ hàng được mẹ bà p. cho hưởng một số đồ thờ cúng không ảnh hưởng gì đến việc định đoạt di sản là diện tích đất và ngôi nhà. Quyết định của tòa phúc thẩm là có lý và đúng pháp luật. Việc tòa phúc thẩm không để ý chỉnh sửa lại diện tích đất cho đúng mà vẫn dùng số liệu cũ là một thiếu sót nhưng theo tôi vẫn có thể thi hành án. Vì di chúc năm 2010 có nội dung phù hợp và phát triển từ di chúc 2007, tức phần nội dung quan trọng nhất là mỗi người được hưởng một nửa diện tích đất. Như vậy dù có chênh lệch về số liệu giữa di chúc và thực tế thì cũng không sao, cứ lấy tổng diện tích rồi chia cho mỗi người một nửa là xong. Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM Thi hành án “cầu cứu” tòa Tháng 4/2014, Cục Thi hành án dân sự tỉnh BR-VT có quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của bà P. Cuối tháng 6, cơ quan này đã gửi công văn cho Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đề nghị giải thích bản án nói trên. Lý do, Cục nhận thấy có sự chênh lệch 450 m2 đất giữa bản án tuyên và sơ đồ vị trí đất do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Đức xác lập. Do vậy để có cơ sở thi hành và giải quyết khiếu nại, Cục cần tòa giải thích lại về sự chênh lệch này. Tuy nhiên, đến nay tòa vẫn chưa có công văn trả lời.
Theo Trùng Khánh (Pháp luật TP.HCM)
Kẻ giết vợ bằng búa xin lĩnh án tử hình
Toàn nức nở thừa nhận đã đánh 4 nhát búa vào đầu vợ khiến nạn nhân tử vong và xin được nhận mức án cao nhất vì "quá có lỗi với vợ con".
Toàn khóc suốt phiên xử. Ảnh: Xuân Mai
Ngày 4/4, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt Từ Đức Toàn (39 tuổi, ngụ Nghệ An) 20 năm tù về tội Giết người.
Tại toà, Toàn liên tục khóc, tỏ ra hối hận về hành vi của mình gây ra. Dù VKS đề nghị xử phạt từ 15 đến 17 năm tù nhưng bị cáo xin được nhận án tử hình vì cảm thấy rất có lỗi với vợ con và người thân.
Theo cáo trạng, do thường xuyên bị chồng Toàn đánh đập, chị Đặng Thị Dung dẫn 2 con về nhà em chồng tại xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để trú ngụ và xin việc làm.
Đến ngày 24/8/2013, Toàn vào nhà em đưa cho vợ 4 triệu đồng và đề nghị đưa các con về quê. Ban đầu chị Dung đồng tình nhưng sau lại đổi ý nên Toàn tức giận, móc lại tiền trong áo vợ. Đang cầm ca nhựa, chị Dung đập hai cái vào đầu Toàn rồi bỏ chạy.
Toàn đuổi theo và nhặt chiếc búa đóng đinh trong nhà em trai đánh mạnh một cái vào đầu khiến chị Dung ngã gục. Hắn tiếp tục xông vào đập thêm hai cái vào thái dương và tay vợ. Khi mọi người đưa chị Dung đi cấp cứu thì Toàn đưa các con trốn về quê, một tháng sau thì bị bắt. Điều trị được gần 4 tháng thì chị Dung tử vong.
Theo VNE
Ôtô tông trụ điện, nam sinh lớp 12 tử vong Nửa đêm, chiếc xe ô tô lạc tay lái đâm gãy trụ điện rồi húc vào gốc cây ven đường khiến một nam học sinh lớp 12 tử vong tại chỗ, hai người khác bị thương nặng. Chiếc xe ô tô bị tại nạn Lúc 0h30 ngày 31/3, trên quốc lộ 56, đoạn xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu...