Khi mùa Tết thiếu đi một vị để thành xuân
Những giấc mơ cứ đến bên tôi dày đặc hơn trong những ngày cuối năm.
Trong tiết trời se lạnh hiếm hoi của một miền quê Nam Bộ, dường như ký ức là một một điều gì đó không thể thiếu để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh mỗi độ xuân về. Tôi nhớ bà, người đã tạo nên trong tôi những mùa xuân kỳ diệu.
Tôi sống cùng bà trong căn nhà lá ba gian đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, xung quanh được bao bọc bởi những hàng dừa xanh ngát thẳng đứng, độ chừng hai chục mét. Đôi tay bà thay mẹ tập tôi cầm đũa trong những bữa cơm, nắm tay tôi đến trường trong ngày đầu tiên đi học. Tấm lưng gầy của bà thay cha cõng tôi trong những ngày con đường làng vì cơn mưa đêm tầm tả mà tạo nên những vũng đầm lầy.
Bà dắt tôi đi qua bao nắng mưa của trời, dạy tôi biết yêu thương qua từng câu hát, câu hò trong những ngọn sóng của con sông quê những trưa cùng bà chèo thuyền đi đổi gạo. Bà dạy tôi biết cội, biết nguồn, biết tin yêu vào truyền thống của ông cha trong những buổi chiều 23 cùng bà đưa ông Táo kèm theo những lời khấn cầu “cho gia đình bình an, mạnh khỏe”, hay những đêm giao thừa mắt nhắm mắt mở cùng bà canh nồi bánh tét để cúng ngày đầu năm…
Ảnh: Nguyễn Minh.
Rồi sau những tháng xa nhà, xa bà đi học, tôi lại được ôm lấy bà và luyên thuyên kể bà nghe về thành phố nơi tôi sống, một thành phố “không bao giờ ngủ vì tiền không bao giờ đủ”.
Tôi sẽ kể bà nghe về căn phòng trọ tôi sống, nơi được bao bọc bởi bốn bức tường vẻn vẹn mười hai mét vuông gồm cả chỗ ngủ, nhà tắm và bếp. Nơi mà tôi đã loay hoay suốt bốn năm đại học rồi tiếp theo đó là những năm chập chững bước vào guồng quay của cơm, áo, gạo, tiền. Nơi mà đôi lần đã khiến tôi ngột ngạt đến mức chỉ muốn bỏ hết mọi thứ mà về với bà, về với căn nhà lá ba gian, với mảnh vườn hoa màu mênh mông để lòng mình được thênh thang đôi chút.
Tôi sẽ kể bà nghe hàng sáng tôi phải đấu tranh tư tưởng như thế nào đế ra khỏi chiếc giường thân yêu và sự ấm áp đến lạ kỳ của cái chăn đã theo tôi ròng rã suốt 15 năm trời chỉ để ném mình vào dòng người đông đúc với inh ỏi những còi xe và khói bụi ngoài ra chẳng có điều gì thú vị.
Tôi sẽ kể bà nghe vào một ngày nắng đẹp, tôi đứng trên sân thượng của một tòa cao ốc cao hơn rất nhiều lần so với những căn nhà lầu tôi và bà từng thấy trong những tờ lịch treo tường mà chủ tiệm tạp hóa nơi bà là khách hàng thân thiết đã biếu vào dịp cuối năm.
Tôi sẽ kể bà nghe về các cửa hàng thức ăn nhanh mà tôi chỉ mất khoảng 5 phút chờ đợi là sẽ có được một phần đùi gà chiên giòn thơm ngon, một cái hamburger đầy ụ hay một dĩa beefsteak thật hấp dẫn.
Video đang HOT
Tôi sẽ kể bà nghe về việc tôi đã nhớ những món ăn của bà nhiều như thế nào, nhớ khu vườn hoa màu của bà bao nhiêu và nhớ nụ cười ấm áp của bà biết mấy khi nghe đứa cháu bé bỏng của bà dõng dạc đưa tay chỉ vào tờ lịch treo tường mà nói “Sau này con sẽ xây cho nội căn nhà to như này nè”.
Và tôi cũng không quên kể với bà về bao giấc mơ cứ chập chờn theo tôi trong suốt 8 năm qua. Khi là mùi khói thân thương nơi góc bếp, khi thì là luống rau cà vừa mới ra hoa, lúc là mùi bánh phảng phất bà chừa cho trong chiếc gạc – măng – rê đã cũ. Là giọng hát ngọt ngảo của Minh Vương, Lệ Thủy trong khúc hát cải lương còn xem dang dở. Là buổi chiều 23 Tết ngồi đốt than nướng bánh tráng đưa ông Táo về trời, là hôm bà dạy cho gói bánh tét nhưng vẫn hoài không học được. Và là hình ảnh của một đứa nhóc những ngày đầu chập chững biết đi cứ lẽo đẽo theo sau bà ra vườn rồi lại vào bếp, hết cho gà rồi lại cho lợn ăn.
Ảnh: Nguyễn Minh.
Tôi thèm được hít hà cái mùi khói cay cay nơi góc bếp, thèm được ăn món dưa cải chấm với thịt kho tàu, thèm lắm bát canh khổ qua nóng hổi của bà và thèm lắm được nghe câu nói của bà “Tổ cha bây, lớn rồi mà cứ như con nít” khi tôi cứ loanh quanh chơi với mấy đứa nhóc trong xóm rồi chốc chốc lại chạy vào gọi í ới “Nội ơi!”.
Cũng lâu rồi tôi không được cất lên hai tiếng gọi yêu thương ấy hoặc có thể nó chỉ xuất hiện trong tiềm thức hay trong những giấc mơ với những mảng ký ức dày đặc mỗi độ xuân về.
Tôi bừng tỉnh với hai giọt nước mắt lăn dài khi cơn mơ vụt biến mất.
Giữa tiết trời se lạnh hiếm hoi của đất trời, giữa mùi khói bếp xộc lên nơi cánh mũi, nhìn những đốm lửa bay lên giữa không trung trong một chiều 23 đầy gió, có gạo nếp, có những tàu lá chuối phơi khô nơi bộ ván ngựa, có mớ cải nằm lặng thinh trong khạp da bò nơi góc bếp, có món thịt kho tàu cùng hương thơm phảng phất của món khổ qua hầm, thế nhưng tất cả vẫn chưa đủ vị để tạo nên một mùa xuân.
TRƯƠNG HÀ
Theo thegioitiepthi.vn
Mùa Tết Việt Nam có một món ăn vừa cầu kì vừa khó, đến cả đầu bếp chuyên nghiệp cũng phải e dè
Cứ đến Tết là các gia đình lại rộn ràng nào nem, nào giò, nào chả, tuy nhiên trong số đó có một món khó nhằn "thử thách" ngay cả những người làm bếp kinh nghiệm đầy mình nhất.
Đó chính là gà rút xương nhồi thịt.
Đối với những đứa trẻ lớn lên trong Sài Gòn và khu vực miền Nam thì đây là một món ăn quen thuộc hơn, nhất là những gia đình gốc Hoa. Còn nhớ, ngoài làm bánh tét, bánh chưng, muối kiệu muối dưa thì năm nào nhà tôi cũng làm món gà rút xương nhồi thịt này.
Cần phân biệt loại này với loại nhồi các loại rau củ, nước ướp vào gà rồi đem nướng. Giải thích đơn giản, gà rút xương được xem là một loại thịt nguội có thể ăn lạnh được như giò chả các loại. Món này cũng được làm bằng cách nhồi các loại thịt được ướp cùng gia vị, rau củ thành một khối như giò thủ, thịt nguội... Tuy nhiên đặc biệt ở chỗ, số thịt này được nhồi vào bộ da còn nguyên của một con gà!
Đúng vậy, món gà rút xương thành phẩm đều có hình dạng như một chú gà luộc bình thường, song bên trong đã hoàn toàn được nhồi đầy bằng các món thịt khác. Nghĩa là người ta sẽ phải rút hết xương, thịt của con gà ra mà không làm hỏng bộ da.
Phần bên ngoài trông chẳng khác gì món gà luộc bình thường.
Nếu vẫn chưa hình dung được độ khó nhằn, bạn cứ thử tưởng tượng việc lấy một quả trứng gà rồi dùng kim tiêm rút phần lòng đỏ bên trong chỉ còn lại lớp vỏ ngoài ấy. Nghe đơn giản đúng không? Bây giờ hãy tưởng tượng làm việc "rút thịt" tương tự với con gà, chỉ để lại lớp da bên ngoài xem. Hẳn bạn sẽ phải thốt lên "không thể nào"!
Quả đúng là vậy, việc rút hết thịt và xương gà chỉ để lại bộ da nguyên vẹn là gần như bất khả thi, đây mới là điều làm khó các đầu bếp, những người nội trợ. Song chuyện này cũng không phải không thể, nhất là với các đôi bàn tay khéo léo dày dặn kinh nghiệm. Để có được một phần gà rút xương ngon, người làm phải thật cẩn thận tỉ mỉ làm sao để không làm rách da gà (nếu có rách thì phải khâu lại, tuy nhiên đỉnh cao của việc lóc xương là phải làm sao cho ra lớp da hoàn mỹ không rách).
Đó là bước đầu tiên. Bước thứ hai là dùng phần thịt gà lấy ra đó, trộn với bì heo, thịt heo và các loại da vị sau đó lại ngồi vào phần da không ấy. Những tưởng phần khó nhất đã qua nhưng không, mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Da gà trơn và mỏng còn hơn cả giấy, nếu nhồi mạnh tay hơn một tí tẹo cũng đủ để rách, và miếng da cực khổ bạn làm ra sẽ bị huỷ hoại ngay lập tức.
Một đặc điểm của món gà rút xương nhồi này chính là mọi thứ phải được nhồi đầy, phải "chen chút" nhau sao cho không có tí tẹo khoảng trống nào. Như vậy thì lúc mang đi hấp mới không bị đọng hơi nước làm loãng vị thức ăn. Như vậy, bạn phải nhồi đên căng bộ da gà mà không làm nó nứt ra. Tưởng tượng thổi hơi vào một chiếc bóng đang căng đầy, việc nhồi gà cũng "căng" y chang như thế.
Cuối cùng thì tuỳ theo cách làm mà người ta sẽ khâu lại phần bụng con gà, tuy nhiên với những kỹ thuật càng ngày càng phát triển (cũng như bây giờ người ta toàn mổ nội soi thôi) thì nếu làm khéo sẽ không phải khâu quá nhiều. Tuy nhiên nếu có khâu thì việc khâu cũng rất quan trọng. Như đã nói, da gà không phải vải và rất dễ rách, một sợi chỉ bình thường cũng có thể làm tét da dẫn đến hỏng món ăn, vậy nên người may gà phải hết sức cẩn thận và từ tốn.
Ai thuộc "team khâu gà" vào ngày Tết hẳn sẽ hiểu nỗi khổ có tên là rách da gà...
Thật khó có thể tin một món ăn ngon tưởng chừng như đơn giản như vậy, lại được làm hết sức cầu kì và tỉ mỉ. Dám mạo muội nói một câu, nếu có ai đó đem món này "thách thức" các đầu bếp sao Michelin trên thế giới, chưa chắc họ đã có thể làm trót lọt hơn bàn tay khéo vun khéo vén của các người bà, người mẹ, người dì của chúng ta đâu!
Theo Trí Thức Trẻ
Bán măng nấu canh vịt, khách mua chẳng hỏi măng toàn hỏi đôi dép dưới chân giá bao tiền? Cô gái đảm đang nhất vịnh bắc bộ gói bánh tét phụ bố mẹ nhưng có một điều đặc biệt khiến ai cũng đứng hình khi phát hiện ra. Tết nguyên đán sắp đến, nhà nào cũng tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét truyền thống. Các chị em phụ nữ tha hồ trổ tài gói bánh chụp ảnh khoe với...