Khi kẻ thù của kẻ thù không là bạn
Phương Tây đứng trước tình thế phải cân nhắc hợp tác với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria nhằm loại bỏ kẻ thù số 1 ở Trung Đông.
Các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo – Ảnh: Reuters
Sau khi nhà báo người Mỹ James Foley bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sát hại trong một vụ hành quyết rợn người, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố IS hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, giải pháp nào để Mỹ và các đồng minh có thể đập tan IS lại là một câu hỏi hết sức phức tạp.
Bạn, thù lẫn lộn
Cho đến nay, ông Obama đã phê chuẩn các cuộc không kích hạn chế ở miền bắc Iraq, chủ yếu để bảo vệ dân thường và yểm trợ lực lượng Iraq và người Kurd giành lại các vùng đất bị IS tiến chiếm. IS hiện vươn vòi ở nhiều mặt trận và trở thành kẻ thù chung của nhiều nước có lợi ích trong khu vực. Tại Syria, lực lượng này đang chiến đấu với quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, vốn bị Mỹ và phương Tây xem là mục tiêu cần loại bỏ. Thế nhưng, ông Assad từng bị tố cáo lợi dụng IS để làm suy yếu phe nổi dậy bao gồm những tay súng Hồi giáo ôn hòa, đồng thời củng cố lập luận rằng ông đang chiến đấu chống lại “quân khủng bố”. Theo tờ The New York Times, giới phân tích cho rằng IS không phải là ưu tiên số 1 của ông Assad trong thời gian qua. Damacus chỉ thực sự nhắm đến IS trong vài tuần gần đây khi lực lượng này, sau khi bành trướng sang Iraq, bắt đầu vươn vòi trở lại để mở rộng lãnh địa sẵn có ở Syria.
IS, nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni, cũng là cái gai trong mắt quốc gia Hồi giáo dòng Shiite Iran, kẻ thù không đội trời chung của Israel – một đồng minh của Mỹ. Các tay súng thuộc lực lượng Quds của Iran hiện chiến đấu tại Iraq để bảo vệ chính quyền do người Shiite chiếm đa số ở Baghdad. Mỹ được cho là hợp tác với Iran ở một mức độ hạn chế và không công khai trong việc đẩy lùi đà tiến của các tay súng IS ở Iraq. Tại đây, hai đối thủ này hiện có lợi ích chung trong việc kiềm chế IS. Tuy nhiên, Washington vẫn e dè Tehran tận dụng lợi thế hiện nay để đòi hỏi nhượng bộ trong cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân. Vấn đề càng phức tạp hơn với thực tế rằng Iran là nước hậu thuẫn cho ông Assad trong cuộc chiến kéo dài 3 năm qua ở Syria, từ cung cấp vũ khí cho đến việc triển khai các tay súng Hezbollah, tổ chức được Mỹ xem là khủng bố ở Li Băng.
Video đang HOT
Vai trò của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn còn là một ẩn số. Chính phủ các nước này không trực tiếp hậu thuẫn IS song tình trạng hỗn loạn ở Iraq rõ ràng mang lại lợi ích cho họ trong cuộc chiến ủy nhiệm nhằm kiềm chế những tham vọng khu vực của Iran. Ấy là chưa kể đến việc một phần nguồn tiền của IS nhiều khả năng có nguồn gốc từ các nhà tài trợ cá nhân ở những nước này.
Mỹ sẵn sàng không kích IS ở Syria
Nhà Trắng hôm qua tuyên bố sẵn sàng không kích các mục tiêu IS ở Syria nếu cần thiết, theo AFP. Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ người Mỹ và chứng kiến công lý được thực thi trước vụ sát hại man rợ James Foley. Thế nên chúng tôi đang chủ động xem xét những gì cần thiết để đối phó với mối đe dọa đó và chúng tôi sẽ không bị giới hạn bởi các biên giới”. Mỹ vốn tiến hành hơn 90 cuộc không kích ở Iraq để bảo vệ cộng đồng tôn giáo thiểu số Yazidi và tấn công các mục tiêu IS quanh đập Mosul. Việc mở rộng không kích sang Syria sẽ cho phép cắt đứt tuyến đường tiếp tế của lực lượng này. Trước đó, các quan chức Lầu Năm Góc đã thừa nhận sẽ không thể đánh bại IS nếu không thực hiện hành động quân sự tại Syria.
Hợp tác hay không hợp tác ?
Với bối cảnh đó, đạt được giải pháp chính trị, ngoại giao và quân sự để loại bỏ mối đe dọa IS là một bài toán đầy khó khăn với Mỹ cùng các đồng minh. Đúng một năm sau khi “lằn ranh đỏ” của Washington bị xóa bỏ bởi vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria, Tổng thống Obama đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan buộc phải cân nhắc mức độ hợp tác nhất định với chính quyền của ông Assad.
Chính sách của Mỹ, Anh và các đồng minh phương Tây trong 3 năm qua là ủng hộ phe nổi dậy “ôn hòa” ở Syria, vốn đang giao chiến với cả IS và Damascus. Tuy nhiên, Quân đội Syria Tự do ngày càng suy yếu và không thể ngăn cản sự trỗi dậy của IS. Do vậy, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Washington hợp tác với ông Assad để loại bỏ IS. Về mặt chính thức, Mỹ hiện không thay đổi quan điểm đối với Tổng thống Assad của Syria song theo tờThe Independent, Washington đã bí mật hỗ trợ Damascus bằng cách cung cấp thông tin tình báo về các mục tiêu IS thông qua Cơ quan Tình báo đối ngoại của Đức.
Hãng AFP dẫn lời các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ phải thành lập một liên minh bất đắc dĩ giữa các đồng minh truyền thống ở châu Âu và các đối thủ khác nhau ở Trung Đông, kể cả Iran và Ả Rập Xê Út, để đối phó IS. Các chuyên gia tình báo cũng thúc giục Mỹ hãy hành động theo phương châm “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”. “Nếu IS tiếp tục là vấn đề hoặc giành thêm lãnh địa ở Syria, tôi có thể tưởng tượng việc Mỹ lặng lẽ giảm hậu thuẫn các đối thủ khác của ông Assad để chính phủ của ông ta tập trung xử lý mối đe dọa thánh chiến”, Giáo sư quan hệ quốc tế Steven Walt thuộc Trường quản lý nhà nước Kennedy (Đại học Harvard) nhận xét.
Tại nước Anh, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Richard Dannatt cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế xem xét đàm phán với ông Assad. “Câu ngạn ngữ “kẻ thù của kẻ thù là bạn” đang bắt đầu vang vọng trong quan hệ giữa chúng ta với Iran và tôi nghĩ nó cũng sẽ vang vọng trong quan hệ với ông Assad”, ông Dannatt nói với BBC. Thế nhưng, đề xuất này lập tức bị Ngoại trưởng Anh Philip Hammond bác bỏ thẳng thừng: “Tôi thường hay nói rằng một trong những điều đầu tiên mà bạn học được ở Trung Đông là “kẻ thù của kẻ thù chưa chắc là bạn”… Chúng ta có thể đối mặt với kẻ thù chung nhưng điều đó không khiến chúng ta trở thành bạn bè với ai đó. Nó không khiến chúng ta có thể tin cậy họ, không cho phép chúng ta hợp tác với họ”.
Theo tờ The Independent, một sự đảo ngược thái độ của Mỹ, Anh và các đồng minh trong quan hệ với chính quyền Assad khó xảy ra bởi điều này đồng nghĩa với thừa nhận sự hậu thuẫn phong trào nổi dậy dòng Sunni trong quá khứ đã góp phần nuôi dưỡng IS. “Làm thế sẽ đòi hỏi họ thừa nhận gánh chịu trách nhiệm đáng kể trong việc hợp pháp hóa tình trạng bạo lực vô nghĩa đã khiến 190.000 người Syria thiệt mạng”, cựu Đại sứ Mỹ tại Ả Rập Xê Út Chas Freeman nói.
Theo Xaluan
Mỹ quyết không bỏ tiền cho IS để chuộc con tin
Quan chức Mỹ tối 22-8 cho biết tuy nước Mỹ rất đau lòng về vụ các chiến binh thánh chiến Syria chặt đầu con tin - nhà báo James Foley nhưng Washington sẽ không cung cấp tiền chuộc cho các lực lượng này để giải thoát con tin.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho rằng hành động giết chết nhà báo Mỹ dã man của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được xem như hành động khủng bố vào chính nước Mỹ.
"Khi bạn nhìn thấy ai đó bị giết chết một cách dã man như vậy, đó là cuộc tấn công khủng bố, mà đây là cuộc khủng bố chống lại đất nước và con người Mỹ", ông Ben Rhodes nói.
Tuy nhiên, phó cố vấn an ninh quốc gia cho biết Mỹ sẽ không trả tiền cho IS để chuộc con tin vì điều này "không phải là chính sách đúng đắn".
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes
"Washington sẽ không cung cấp tài chính cho những tổ chức khủng bố. Chúng tôi nhận thức rất rõ ràng rằng đây không phải là chính sách đúng đắn, khi chính phủ trả tiền chuộc cho các nhóm khủng bố. Về lâu dài, nó cung cấp thêm kinh phí cho các nhóm khủng bố đó, giúp chúng mở rộng hoạt động hơn", ông Rhodes tuyên bố.
Washington tin rằng việc trả tiền chuộc "chỉ tạo động lực tàn ác giúp các nhóm khủng bố ngày càng tiến về phía trước và cung cấp nguồn kinh phí khổng lồ cho bọn chúng. Chúng tôi muốn cắt đứt và bóp nghẹt nguồn kinh phí này".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết nước này sẽ không hợp tác với chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống IS. "Mặc dù cả Anh và Syria đều có chung kẻ thù là IS nhưng điều đó không giúp chúng tôi trở thành bạn bè hay đồng minh", ông Philip Hammond tuyên bố.
Trước đó, nhiều ý kiến đề xuất Anh nên hợp tác với chính quyền Syria để cùng chống lại lực lượng khủng bố IS.
Theo NLĐ
Thủ tướng Israel giục cư dân Gaza sơ tán Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 24/8 đã cảnh báo cư dân ở Gaza rời khỏi các khu vực có các tay súng Palestine đang hoạt động, đồng thời tuyên bố các khu vực này có thể bị tấn công. Lính cứu hỏa Palestine cố gắng dập tắt đám cháy xảy ra sau vụ không kích của Israel vào thành phố Gaza. Ảnh:...