Khi học sinh đi làm thêm
Hiện nay, nhiều học sinh THPT đã chủ động tìm kiếm việc làm thêm để có tiền chi tiêu riêng, không phụ thuộc vào cha mẹ. Quan trọng hơn, thông qua làm việc, các em học được nhiều kỹ năng trong cuộc sống.
Em Nguyễn Thái Vy (trái), học sinh lớp 11B2 Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) làm gia sư từ khi học lớp 9. Thu nhập từ việc làm thêm này đã giúp em tự đóng tiền học tiếng Anh nâng cao và phụ giúp mẹ đóng học phí hằng tháng. Ảnh: H.Yến
Bài học từ thực tế này chắc chắn hiệu quả không kém gì những tiết học kỹ năng sống trong nhà trường.
* Đóng học phí nhờ làm gia sư
Ngoài việc đảm bảo hoàn thành tốt việc học tập của cá nhân, em Nguyễn Thái Vy, học sinh lớp 11B2 Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) còn tranh thủ thời gian buổi tối đi làm gia sư. Em chủ yếu dạy kèm môn tiếng Anh cho các học sinh lớp 6, tiểu học.
Hiện nay, Vy đang dạy kèm 3 lớp. Sau giờ học ở trường, Vy bắt đầu vào “ca” dạy đầu tiên từ lúc 17 giờ. Sau 19 giờ 30, em về nhà, ăn tối, vệ sinh cá nhân rồi ngồi vào bàn học. Thông thường, phải sau 22 giờ em mới hoàn thành bài vở. Những hôm bài tập nhiều, mùa thi hoặc khi làm dự án môn học, có khi em phải thức đến 24 giờ.
Vất vả là thế nhưng Vy tự hào cho biết đây đã là năm thứ 3 em gắn bó với công việc gia sư. Lớp 9, em “khởi nghiệp” với việc dạy kèm cho học sinh mẫu giáo. Đến nay, em đã khá thành thục với công việc của mình. Thu nhập hiện nay của Vy là 2,9 triệu đồng/tháng. Sau kỳ nghỉ Tết, Vy nhận thêm 1 lớp nữa, thu nhập của em có thể tăng lên 3,5-4,5 triệu đồng.
Video đang HOT
Với số tiền kiếm được, Vy tự đóng tiền học thêm tiếng Anh, chi tiền ăn sáng, đổ xăng, mua đồ dùng cá nhân. Hằng tháng, em còn phụ mẹ được khoảng 800 ngàn đồng để đóng học phí ở trường.
Vy chia sẻ: “Từ ngày đi làm thêm, em mới hiểu được là đồng tiền do cha mẹ làm ra rất khó khăn. Em tự thấy mình hiểu biết và trưởng thành hơn. Chỉ có điều vì phải đi làm nên em hầu như không có thời gian đi chơi và ngày càng ít bạn bè”.
* Nhiều lợi ích từ làm thêm
Ngoài làm gia sư, công việc phục vụ ở các nhà hàng tiệc cưới, quán cà phê cũng là việc làm thêm của nhiều học sinh THPT. Tháng 11-2019, lần đầu tiên em Mai Trâm, học sinh lớp 11 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) quyết định đi làm thêm để có tiền tiêu vặt mà không phải phụ thuộc vào cha mẹ. Em được các bạn cùng trường giới thiệu làm phục vụ tiệc cưới tại một nhà hàng ở TP.Biên Hòa. Mai Trâm cho biết mỗi buổi đi phục vụ đám cưới em được trả 100 ngàn đồng. Trong nhóm phục vụ của em có 6 học sinh cùng trường.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Chương trình dự báo nhân lực, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế cho biết: “Trong xã hội ngày nay, mỗi người phải có trình độ học vấn nhất định, ít nhất là tốt nghiệp THCS và có bằng nghề hoặc tốt nghiệp THPT thì mới đủ sức bước vào thị trường lao động. Giai đoạn ngày nay là giai đoạn của con người có tri thức, có tư duy độc lập, tương tác được với máy móc công nghệ. Do đó, học vấn và làm việc là 2 yếu tố không thể tách rời. Hiểu được như thế thì việc đi làm thêm của học sinh mới thực sự có ý nghĩa”.
Bán hàng online hiện cũng là công việc được nhiều học sinh THPT lựa chọn. Công việc này tự do, thời gian linh động, mặt hàng kinh doanh thường phù hợp với lứa tuổi học sinh. Em Trần Bội Ngọc (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) từng phụ mẹ bán quần áo ở chợ đêm Biên Hùng. Sau đó, em quyết định bán hàng online với mặt hàng phụ kiện cho tuổi teen. Nhờ học được kinh nghiệm buôn bán từ mẹ, Ngọc đã kinh doanh khá tốt. Khi em tốt nghiệp THPT và học cao đẳng phát thanh – truyền hình tại TP.Hồ Chí Minh, công việc này vẫn tiếp tục được duy trì. Không chỉ bán lẻ mà Ngọc còn trở thành đại lý “bỏ sỉ” sản phẩm hàng phụ kiện cho nhiều cửa hàng bán đồ thời trang khác.
Mục đích đi làm thêm ban đầu của học sinh khá đơn giản nhưng những điều mà các em thu nhận được là rất lớn. Đó là kiến thức, kinh nghiệm sống, khả năng giao tiếp, định hướng nghề nghiệp cho tương lai, xác định phương hướng học tập…
Trước đây, Thái Vy mơ ước trở thành giáo viên nhưng em đã chuyển hướng sẽ đến với nghề làm truyền thông. Em cho biết, phụ huynh của những học sinh em đã dạy kèm làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Vì thế, em đã học được nhiều điều từ họ. Em cũng xác định sẽ chú trọng nhiều hơn đến các môn học phù hợp với ngành nghề truyền thông.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Chương trình dự báo nhân lực, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, học sinh (kể cả bậc THCS và THPT) nếu tham gia một số việc làm thêm thì rất tốt, bởi việc đi làm thêm tạo cho người trẻ tính tự lập, am hiểu về sản xuất kinh doanh, biết trân trọng sức lao động, giá trị đồng tiền. Vì lẽ đó, hiện nay, có nhiều bậc phụ huynh còn khuyến khích con đi làm thêm dù gia cảnh của họ rất khá.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra một số mặt trái của việc làm thêm. Đó là nhiều học sinh khi tự kiếm được tiền thì ỷ lại; một số người sử dụng lao động lợi dụng, bóc lột sức lao động… Vì thế, khi học sinh đi làm thêm, gia đình, nhà trường phải luôn nhắc nhở, giám sát để vừa giúp các em hoàn thành tốt việc học ở trường vừa có thể làm thêm phù hợp với điều kiện của mình.
Hải Yến
Theo baodongnai
Chung kết hội thi "tìm hiểu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh THPT: Trường THPT Thốt Nốt đạt giải Nhất
Sáng 28-12-2019, tại Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế TP Cần Thơ phối hợp Phòng Chính trị, tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chung kết Hội thi "Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh THPT cấp thành phố năm 2019".
Phần thi sân khấu hóa và mô hình truyền thông của Trường THPT Lương Định Của.
Trước đó, Hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở đến cấp thành phố. Từ 21-11 đến 2-12-2019, các cơ sở giáo dục đã tiến hành tổ chức Hội thi tại trường với 2 vòng: Thi kiểm tra kiến thức và xử lý tình huống. Tại vòng thi theo cụm quận, huyện, 28 trường đăng ký thành 3 cụm thi với phần thi: Tự giới thiệu và xử lý tình huống. Từ đó, chọn được 6 đội thi xuất sắc nhất đến từ 6 trường THPT để tham dự vòng chung kết.
Phần thi sân khấu hóa và mô hình truyền thông của Trường THPT Thốt Nốt với tiểu phẩm "Hạnh phúc trong tương lai"
Ở vòng chung kết, các đội sẽ trải qua 2 phần thi: sân khấu hóa và mô hình truyền thông; xử lý tình huống. Theo ban tổ chức đánh giá, các đội dự thi rất năng động, sáng tạo và nhiều năng khiếu. Các cổ động viên nhiệt tình cổ động cho các đội chơi.
Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ Huỳnh Minh Trúc (phải) và Trưởng Phòng Khoa Giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Thảo trao giải Nhất, Nhì
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho Trường THPT Thốt Nốt, giải Nhì Trường THPT Lương Định Của; giải Ba Trường THPT Trung An và 3 giải Khuyến khích cho các trường THPT: Giai Xuân, Phan Văn Trị và Thới Lai.
Hội thi nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho học sinh tại các trường THPT. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy năng khiếu và tăng cường quan hệ giao lưu giữa các đơn vị.
Tin, ảnh: H.HOA
Theo baocantho
Nhiều bất ngờ tại Ngày hội 'Học sinh thành phố Bác' Ngày hội "Học sinh thành phố Bác" là dịp để các em trải nghiệm, khám phá để học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt... Sáng 1-12, tại Nhà thiếu nhi quận 10, Ngày hội "Học sinh thành phố Bác" năm học 2019-2020 đã diễn ra với chủ đề "Hành trình Học sinh 3 tốt" với sự tham gia của 3.000 học...