Khi giới trẻ đã ngán “chuyện ấy”
Người ta có thể khuyên không nên bỏ quá nhiều muối mặn vào canh, song tình dục không phải là gia vị nêm nếm cho cuộc sống, chính xác hơn nó là món chính.
Một số bạn trẻ đầu 8X, có người trải qua nhiều thăng trầm, có người thành danh trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, có những trường hợp cá biệt chưa từng nếm trái cấm nơi vườn yêu… đang tỏ vẻ thờ ơ với chuyện yêu đương và cả hôn nhân.
Tôi có hai chị bạn đều tên Hà, đều sinh năm 1982, đều từng lấy chồng ở độ tuổi 23-24 và đều ly dị chồng. Họ thuê một căn nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM sống chung với nhau. Còn trẻ và cùng bị chuyến tàu hạnh phúc thả xuống giữa đường khi chưa tới ga cuối, nên ngoài công việc hai chị lại mời bạn bè tiệc tùng tại nhà.
Một lần tôi đến, sau khi ăn uống xong và nán lại tán gẫu, khoảng 22g một chị Hà bỗng nhiên đi thay quần áo đẹp, trang điểm kỹ càng và khoe có một anh bạn chuẩn bị qua rước đi bar. Nhưng chỉ vài phút sau lại thấy chị vào hậm hực nói: “Tưởng hắn rủ đi bar thì vui, chứ mới bốc điện thoại lên đã nghe mùi khách sạn chán hết cả người. Không đi nữa!”. Khi đó tôi tự hỏi: Thực chất họ cần gì? Chắc chắn không phải kiểu tình một đêm mà sách báo đang phản ánh và xã hội đang phản đối ầm ĩ ngoài đời.
Dạo gần đây tôi gặp nhiều người trẻ khác có hội chứng tương tự. Phần đông là giới nữ vốn phải tỏ ra thụ động trong yêu, cưới và tình dục. Việc từ chối những ẩn ý thể hiện bản năng của đối phương không phải là quá trình “làm giá” của các cô gái này, mà bản thân họ nhận ra hành vi tình dục không nền nếp, không chuẩn mực chẳng giải tỏa giúp họ bất cứ rắc rối nào. Hơn nữa, càng không phải là chỗ để họ trốn tránh những phức tạp của cuộc sống.
26 tuổi, Ngọc Ngân (ngụ TP.HCM) chưa từng kết hôn dù đã yêu qua vài mối tình và hơn một năm nay Ngân không còn cặp kè với bất cứ chàng trai nào. Ngân kể: “Trước đây tôi nghĩ người ta không thể sống thiếu tình yêu, nhưng giờ lại mất cảm giác về nó”.
Dấu hiệu bắt đầu cho hệ quả của lối sống quá “cởi mở” đang nhởn nhơ đầy? (Ảnh minh họa)
Việc “sợ” của Ngân thực tế không phải là sợ yêu, mà là quá ngán ngẩm trước một cộng đồng quá đông những anh chàng ưu tiên “mì ăn liền”. Đến cuối những khát vọng thầm kín trong trái tim cô gái này vẫn là kết hôn với một người chồng phù hợp để được hạnh phúc, đơn giản vậy thôi.
Thời điểm này tôi biết được vài chàng trai đồng bệnh tương lân với Ngân. Nghĩa là họ cũng ghét kiểu tình dục “alê hấp” ngay sau cái liếc mắt đong đưa đầu tiên. Kim Thành (29 tuổi) hết giờ làm việc của một kỹ sư điện là về vùi mình trong phòng xem phim.
Ba năm trước, đột ngột cha mẹ cùng qua đời trong một tai nạn giao thông khiến Thành sống hụt hẫng giữa ngôi nhà rộng và trống vắng ngay trung tâm Sài Gòn. Những mất mát về chỗ dựa tinh thần đẩy Thành sa đà vào các quán bar, vũ trường cùng bao cơn nhậu xỉn triền miên. Hàng xóm thường phải khó chịu vì cảnh Thành về lúc 2-3g sáng, dắt theo một cô gái lạ làm náo động con hẻm văn hóa vốn yên tĩnh.
Nhưng gần đây họ chuyển sang thái độ lo lắng vì cậu trai chưa đến tuổi 30 lại có lối sống quá khép kín. Hỏi chuyện thì Thành tỏ vẻ rất phủi: “Trước thích gái đẹp nên vào bar. Nhưng đúng kiểu đi bar nhiều chỉ toàn gặp các cô gái táo bạo và đòi hỏi “chuyện ấy”, họ sẵn sàng lăn xả vào mình khi chỉ vừa mới biết tên. Riết rồi ngán”…
Người ta có thể khuyên không nên bỏ quá nhiều muối mặn vào canh, song tình dục không phải là gia vị nêm nếm cho cuộc sống, chính xác hơn nó là món chính trong đời sống mà người ta có thể tận hưởng cho đến khi đủ già. Chuyện những bạn trẻ khép lòng trước tình yêu có đơn thuần là một góc khuất của số ít, hay chính là dấu hiệu bắt đầu cho hệ quả của lối sống quá “cởi mở” đang nhởn nhơ đầy?
Theo VNE