Khi công chức lương 500 USD, đi xe siêu sang
Ở những doanh nghiệp tư nhân, mức lương trả cho lãnh đạo có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, thậm chí nhiều hơn nhưng tại sao xã hội lại không phẫn nộ? Và tại sao, DNNN lại không trả được mức lương như vậy nếu người quản lý làm được việc?
Trao đổi với báo giới chiều 1/12/2013 ngay trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), hai đồng Chủ tịch Diễn đàn là ông Alain Cany và ông Vũ Tiến Lộc đã có những bình luận xung quanh cơ chế tiền lương cho bộ máy công chức của Việt Nam hiện nay.
Ông Alain Cany (trái) và ông Vũ Tiến Lộc (phải) tại cuộc họp báo trước thềm VBF chiều 01/12/2013 (Ảnh: BD).
Lương 500 USD, đi xe Audi, Porsche!
Cựu Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ( EuroCham) mở đầu với nhận xét, bộ máy công chức của Việt Nam hiện đang quá cồng kềnh với số lượng công chức, viên chức hơn mức cần thiết. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải giảm biên chế và trả lương xứng đáng, đúng với năng lực của những người bám trụ lại được, còn nếu vẫn để bộ máy quá cồng kềnh như hiện nay thì mức tiền lương trung bình sẽ bị dàn mỏng.
“Chẳng hạn như với công chức ngành hải quan thì tôi nghĩ không thể trả cho họ mức lương quá thấp 100-200 USD trong khi trách nhiệm công việc của họ thì rất lớn, đòi hỏi cao về chuyên môn, năng lực. Trả lương không xứng đáng cho những vị trí quan trọng này thì họ sẽ có động cơ tham nhũng, nhận hối lộ” – ông Alain nói.
Ông cũng nói thêm, trong quá trình làm việc tại EuroCham đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp bán thiết bị cho các bệnh viện nhà nước nhưng không thể bán trực tiếp mà phải qua môi giới, qua người trung gian. Do thêm một khâu trung gian nên bệnh viện phải trả giá cao hơn cho hàng hóa và bản thân khâu trung gian lại không đóng thuế, đồng nghĩa với việc Nhà nước mất tiền 2 lần, một lần là chi phí mua sắm trang thiết bị của bệnh viện bị đội lên và thứ hai là khoản thuế thu nhập cá nhân của những người môi giới.
Do vậy, nếu giải quyết được vấn đề này thì người dùng cuối cùng tức là bệnh nhân sẽ phải chi trả ít hơn để sử dụng thiết bị. Còn nếu xuất hiện khâu trung gian thì phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch để những khoản hoa hồng cũng phải trả tiền thuế thu nhập cho nhà nước.
“Tôi biết nhiều người là cán bộ trong bộ máy Nhà nước, lương thì rất thấp, nhiều nhất cũng chỉ 500 USD nhưng họ lại đi xe rất sang trọng xa xỉ như Porsche, Audi… Họ khoe với tôi rằng, họ đã mua bằng những khoản tiền thu nhập ngầm, không phải đóng thuế, coi điều đó là rất bình thường. Để thay đổi nếp tư duy và cả một hệ thống như vậy là một chặng đường dài”, vị đại diện cho công đồng các doanh nghiệp ngoại chia sẻ.
Giữ chỗ hưởng “lộc”
Video đang HOT
Theo ông Alain, điều đầu tiên mà các cơ quan Nhà nước phải làm trong tiến trình cải cách tiền lương đó là xác định đúng số lượng nhận sự cần thiết, với khối lượng công việc như vậy thì bộ máy cần bao nhiêu người và thuê tuyển đúng số người cần thiết và có đủ năng lực, phải đáp ứng mức lương đúng với năng lực của họ.
Ông cũng chỉ ra thực tế, không giống như ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, nếu tuyển người về làm việc mà lại trả công rất thấp thì người làm sẽ bỏ đi, còn tại khu vực Nhà nước, công chức, viên chức lại có tâm lý yên ổn vì sẽ không bị sa thải, thậm chí, với chức vụ đang nắm giữ, họ sẽ được nhận “lộc” và không chịu bỏ đi chỗ khác.
“Chúng ta phải triệt tiêu động cơ này bằng một cơ cấu phù hợp hơn. Chúng tôi không bao giờ cho rằng đây là một công việc dễ dàng nhưng phải bắt đầu thay đổi”, ông Alain góp ý.
Đồng ý với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng, cơ cấu nhân sự trong bộ máy Nhà nước đang bất hợp lý.
Trên thực tế là “vừa thừa, vừa thiếu”. Vừa rồi, tại nghị trường Quốc hội, các Bộ trưởng có phản ánh, hầu hết ở các khâu đều thiếu đội ngũ thanh tra và Nhà nước không có cách nào để tăng nhân lực cho đội ngũ này cả vì yêu cầu rất lớn, trong đó, thanh tra là chức năng vô cùng cần thiết.
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnamnet).
Ngược lại, rất nhiều bộ phận không nhất thiết phải thuộc biên chế Nhà nước như các bộ phận cung cấp dịch vụ công hay các bộ phận xúc tiến thương mại đầu tư thì lại thừa thãi. Các bộ phận này có thể xã hội hóa, do các hiệp hội doanh nghiệp hay tổ chức tư nhân đảm nhiệm. Trong khi đó, theo ông Lộc, các Bộ ngành thời gian vừa rồi lại phình ra rất nhiều bộ phận xúc tiến, làm những hoạt động phục vụ doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ công, tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, cung cấp thông tin, tổ chức các đoàn doanh nghiệp… Các dịch vụ công này hoàn toàn có thể chuyển giao cho các tổ chức xã hội, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) phụ trách.
Đọc những thông tin kinh tế – tài chính mới nhất trên FICA:
“ Nóng mặt” với giá gas Số nợ hơn 1,3 triệu tỉ đồng không đáng lo ngại Úc đã ngưng cung cấp bò cho Việt Nam Làm thế nào cho vay được 50.000 tỉ đồng trong tháng 12
Ông Lộc cho rằng, công chức Nhà nước chỉ cần tập trung cho những nhiệm vụ đích thực thuộc về Nhà nước, như thanh tra, tham mưu chính sách, xây dựng chính sách…Bộ phận đó phải được củng cố cho đủ chứ không thể để thiếu như hiện nay.
“Tôi đồng ý là chúng ta cần một thời gian dài để chuyển giao các chức năng mà Nhà nước không cần thiết phải làm sang cho xã hội và thị trường nhưng phải có bắt tay thực hiện bây giờ. Đó chính là con đường để giảm số lượng biên chế, nhân lực ở khu vực Nhà nước và tăng lương cho bộ phận còn lại”, ông Lộc cho hay.
Hãy để nhà đầu tư và xã hội trả lương cho lãnh đạo
Như vậy, để giảm thiểu tham nhũng thì tăng lương là một biện pháp cần thiết. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, có một thực tế, cứ mỗi lần công bố lương lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, một làn sóng phản ứng và bất bình lại dấy lên trong dư luận.
“Chúng tôi đồng ý là khi người lãnh đạo điều hành doanh nghiệp nhưng không có được kết quả tốt, năng lực kém thì phải sa thải và sự chỉ trích của công chúng là đúng”, ông Alain nói. Tuy nhiên, theo ông, nếu như cũng ở vị trí đó mà người lãnh đạo đảm nhiệm công việc một cách xuất sắc, hoàn thành tốt công việc được giao và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp thì người lãnh đạo hoàn toàn được hưởng mức lương cao tương xứng.
Ông Vũ Tiến Lộc thì lật lại vấn đề, ở những doanh nghiệp tư nhân, mức lương trả cho lãnh đạo có thể lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng, thậm chí nhiều hơn rất nhiều thì tại sao xã hội lại không phẫn nộ? Và tại sao, DNNN lại không trả được mức lương như vậy nếu người quản lý làm được việc?
Theo ông Lộc, tiền lương là một chuyện nhưng câu chuyện quan trọng hơn là cơ chế kiểm soát và sự minh bạch trong chi trả thù lao. Với cơ chế tiền lương như hiện nay thì rất khó tránh được tình trạng tham nhũng.
Do vậy, điều cần thiết là phải đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực DNNN, phải tăng cường cổ phần hóa và sự tham gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Khi đã được cổ phần hóa, thì chính nhà đầu tư và cổ đông sẽ trả lương thỏa đáng cho bộ máy lãnh đạo, kiểm soát hệ thống trả lương và đảm bảo được phần vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp, lúc đó xã hội cũng không cần quan tâm đến câu chuyện này.
“Đối với các khu vực doanh nghiệp mà Nhà nước không cần thiết nắm 100% vốn thì cần phải thoái và cổ phần hóa, lúc đó cổ đông, nhà đầu tư sẽ quyết định mức lương phải trả cho lãnh đạo và dư luận sẽ đồng tình. Nhà đầu tư sẽ biết trả bao nhiêu, phù hợp với hiệu quả mà ban lãnh đạo đã thực hiện. Trong cơ chế tiền lương cũng phải có sự công bằng giữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân”, ông Lộc nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Alain đánh giá, khu vực châu Á đã rất thành công trong cải cách tiền lương từ nhiều năm qua và Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều từ các nước láng giềng.
“Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo những nước gần mình hơn, các nước cùng khu vực đã thực hiện cải cách tiền lương trong những năm gần đây (khoảng 10 năm trở lại) như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…chứ không phải là ở các nước châu Âu là những nước đã thực hiện cải cách tiền lương hàng trăm năm nay thì kinh nghiệm đã không phù hợp nữa”, ông Alain nói.
Quá trình này có thể kéo dài hàng chục năm, nhưng nếu không bắt đầu tư bây giờ thì có thể Việt Nam sẽ phải mất một vài thế hệ mới có thể cải cách được. Lộ trình bắt đầu càng sớm càng tốt, và sẽ không bao giờ có thay đổi nếu không có bắt đầu!
Bích Diệp
Theo Dantri
Giá gas tăng thêm 80.000 đồng/bình 12 kg từ ngày mai
Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên là 475.000 - 485.000 đồng/bình 12 kg, đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Theo thông tin từ Hiệp hội Gas Việt Nam, giá gas trên thị trường thế giới đang chào bán ở mức trên 1.000 USD/tấn, tăng khoảng 200 USD/tấn so với hồi đầu tháng 11.
Do vậy, bắt đầu từ 1/12, giá bán lẻ gas trong nước sẽ được các đơn vị cung cấp gas điều chỉnh tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg.
Với mức giá tăng mới này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên 475.000 - 485.000 đồng/bình 12 kg, đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: Giá bán lẻ gas tăng mạnh ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng còn bởi một số doanh nghiệp bán lẻ mặt hàng này đã "găm" hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao.
Khoảng một tuần qua, giá gas tại thị trường miền Bắc đã tăng khoảng 22.000 đồng/bình 12 kg, miền Trung tăng hơn 10.000 đồng/bình 12 kg.
Theo VOV/Kinh tế - Đô thị
25 triệu USD từ WB hỗ trợ quản lý tài nguyên nước Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Ban Giám đốc điều hành WB đã thông qua khoản tín dụng 25 triệu USD giúp Việt Nam quản lý tốt hơn tài nguyên nước. Đồng thời, cũng giúp quản lý những rủi ro do ảnh hưởng của khí hậu tại các lưu vực sông, cải thiện việc thu thập, phân tích và...