Khi cải lương ‘giao duyên’ với nhạc trẻ
Thời gian gần đây, một số MV của ca sĩ trẻ gây xôn xao làng nhạc bởi sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ cải lương gạo cội.
Họ không phải góp mặt cho vui mà là người cùng hậu bối hòa giọng, tạo nên nét độc lạ khi đưa cải lương, vọng cổ kết hợp với rap, pop… Cải lương ‘giao duyên’ với nhạc trẻ được dự báo sẽ trở thành xu hướng, mang lại làn gió mới mẻ cho nhạc Việt.
Tân cổ giao duyên không xa lạ với người yêu cổ nhạc. Tuy vậy, những bản tân cổ giao duyên xưa nay thường kết hợp giữa bản vọng cổ với dòng nhạc bolero, âm hưởng dân ca nên sự kết hợp khá nhuần nhuyễn. Riêng dòng nhạc như rap, pop, EDM, R&B… trẻ trung, sôi động vẫn bị khán giả mặc định là không mấy “hợp cạ” với chất trữ tình mùi mẫn của cải lương. Vậy nên sản phẩm âm nhạc nào mà cải lương “bắt tay” với nhạc trẻ lập tức gây sự chú ý ngay từ phút đầu công bố.
NSƯT Thoại Mỹ và H-Kray trong MV “Phấn hoa màu son”.
Chỉ trong vòng ba tháng gần đây, làng nhạc đã có đến ba sản phẩm ghi dấu sự “bắt tay” này. Cuối tháng 6, MV “Tia sáng cuối cùng” của rapper Wowy và NSND Bạch Tuyết trình làng trên YouTube. MV là sự hòa trộn của thể loại pop, rap, world music và cải lương. Nhạc phẩm truyền tải “mật ngữ” về sự sống và cái chết: “Ai cũng chuẩn bị rất nhiều thứ trong cuộc đời nhưng có mấy ai thật sự quan tâm chuẩn bị cho hành trình di cư lớn của kiếp người”. Xen kẽ đoạn rap là giai điệu bài cải lương “Tứ đại oán”. “Tia sáng cuối cùng” là bước đi kế tiếp sau thành công của MV “Về nghe mẹ ru” mà NSND Bạch Tuyết kết hợp với ca sĩ Hoàng Dũng, rapper 14 Casper thực hiện hồi năm ngoái. Nhạc phẩm pha trộn hài hòa giữa cải lương với chất nhạc R&B, rap, khắc họa nỗi nhớ trông con của người mẹ và lời tâm sự của người con sau nhiều năm bôn ba giữa đời. Chàng trai thèm được trở lại ngày thơ bé, muốn về nhà để được nghe mẹ ru.
Sự kết hợp cải lương với các thể loại hiện đại như rap, R&B, EDM, pop… từng được thể hiện trong chương trình “King of Rap” cách đây vài ba năm. Cụ thể, NSƯT Quế Trân và rapper Chị Cả đã khiến cả trường quay bùng nổ với phần trình diễn “Cô gái bán sầu riêng”. Nhưng phải chờ đến khi MV “Về nghe mẹ ru” tạo nên cơn sốt lan tỏa khắp mạng xã hội (hơn 18 triệu lượt xem trên YouTube) và đoạt giải thưởng “Sự kết hợp xuất sắc” tại Làn sóng xanh 2022 thì các nghệ sĩ trẻ mới mạnh dạn thử sức.
Tháng 9 vừa qua chứng kiến sự đổ bộ của “Chiếc lược ngà” (thuộc album “Vũ trụ cò bay”) do Phương Mỹ Chi – NSƯT Kim Tử Long thể hiện và “Phấn hoa màu son” của H-Kray với NSƯT Thoại Mỹ. Nội dung bài hát “Chiếc lược ngà” lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng nên bài hát mang đậm chất Nam bộ. Nhờ đó, phần lời hát của Phương Mỹ Chi dù theo dòng pop, ballad nhưng hòa hợp với đoạn dân ca, vọng cổ do NSƯT Kim Tử Long thể hiện. Lời tự sự của cô con gái và người cha chiến chinh biền biệt lấy nước mắt khán giả nhiều thế hệ. Ở MV “Phấn hoa màu son”, nhờ đoạn cải lương của NSƯT Thoại Mỹ, ca khúc bỗng sinh động và đặc sắc hơn hẳn. Bởi thử cắt các đoạn cải lương đi, đây chỉ là một bản tình ca chia ly mang chút hơi hướng dân gian đương đại chứ không có gì đột phá.
Điểm tích cực đầu tiên mà những sản phẩm âm nhạc này mang lại là sự độc đáo khi kết hợp giữa cái mới và cái cũ tưởng như khó hòa nhập. Ngay lập tức, nó khiến người nghe chú ý, tò mò. Cải lương khiến ca khúc hiện đại đậm chất cổ điển, mang lại trải nghiệm mới lạ cho công chúng. Lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ có không ít người rất tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Họ là thế hệ gen Z dám mạo hiểm, dám thử nghiệm với nội lực sáng tạo dồi dào. Họ muốn thông qua sản phẩm âm nhạc để tôn vinh, phát huy của hồi môn quý giá mà cha ông truyền trao.
NSND Bạch Tuyết và rapper Wowy kết hợp trong MV “Tia sáng cuối cùng”.
Kết hợp với nhạc trẻ, cải lương có cơ hội đến gần hơn với lớp khán giả trẻ tuổi, xa hơn là quảng bá di sản văn hóa cha ông đến bạn bè quốc tế. Nhận lời tham gia MV “Phấn hoa màu son”, NSƯT Thoại Mỹ tâm sự: “Ban đầu tôi tính từ chối vì không biết sự kết hợp này mang lại điều gì. Nhưng rồi dần dần tôi cảm nhận được tâm tình của H-Kray muốn đưa cải lương đến gần hơn với khán giả của cậu ấy. Bản thân tôi từ lâu đã ấp ủ mong muốn đó nên tôi sẵn sàng tham gia. Khi kết hợp với nhạc trẻ, tôi cố gắng dung hòa để khán giả trẻ có cái nhìn khác về cải lương, rằng cải lương không bao giờ cũ”.
Cùng quan điểm, NSND Bạch Tuyết cho biết bà quyết định bắt tay với Wowy vì cả hai cô cháu đều muốn mang giá trị âm nhạc Việt Nam vươn khắp thế giới. Bản thân thể loại cải lương vốn đã là cải biên cái cũ thành cái mới, phù hợp thời đại nên sự kết hợp này được kỳ vọng sẽ thu hút từ khán giả mê cải lương đến khán giả yêu nhạc trẻ.
Tuy rất đáng hoan nghênh nhưng cái mới nào cũng vấp phải sự tranh cãi bởi không phải sự kết hợp nào cũng dễ lọt tai người nghe. Sau thành công của MV “Về nghe mẹ ru”, NSND Bạch Tuyết lại nhận về cơn mưa lời chê khi hòa giọng với rapper Wowy trong MV “Tia sáng cuối cùng”. Ở “Tia sáng cuối cùng”, phần ca cải lương của NSND Bạch Tuyết khá khiêm tốn. Đa phần bà chỉ lặp đi lặp lại câu hát “Xừ cống xê xang xang/ Xế xừ cống xế xang” trong ngũ cung của Việt Nam để làm đoạn chuyển tiếp cho phần rap. Đến cuối bài, NSND Bạch Tuyết mới luyến láy hai câu ngắn: “Cô đơn giữa cuộc phong trần/ Tấm thân bách chiếc giữa dòng” chắt lọc từ bản “Tứ đại oán”. Phần rap khó hiểu cùng chất nhạc EDM kén người nghe, không nhiều đột phá càng khiến MV bị mất điểm trầm trọng. Khán giả Nguyễn Xuân Lộc bình luận: “Nghe không hiểu gì về ý nghĩa và nội dung bài hát? Thật là thảm họa”. Khán giả khác thì than: “Xin lỗi. Không nghe nổi” hoặc “Quá thất vọng, ca khúc làm mất đi giá trị cải lương”.
Nhạc sĩ Phạm Hải Âu thừa nhận thách thức của sự “giao duyên” cải lương – nhạc trẻ là rất lớn. Làm sao để hai dòng nhạc tôn vinh nhau và hòa quyện một cách tinh tế là điều không dễ. Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cho hay khi viết “Về nghe mẹ ru”, anh áp lực đến mất ăn mất ngủ vì chưa từng viết dạng ca khúc phối trộn kim – cổ kiểu này. Ca sĩ Phương Mỹ Chi cũng lo lắng khi mời NSƯT Kim Tử Long thể hiện phần ca cổ trong “Chiếc lược ngà” bởi cô không chắc có thành công hay không. Riêng NSƯT Thoại Mỹ thì chia sẻ: “Để phù hợp với âm nhạc, phong cách và cả kỹ thuật ghi hình của thể loại nhạc trẻ, tôi đã có khá nhiều sự thay đổi từ cách biểu diễn vũ đạo đến cách ca, lối ngân nga. Thách thức lớn nhất là làm sao để giữ lại hương sắc của cải lương, nhưng cũng phải thể hiện được tinh thần nhạc”.
Thế hệ gen Z, gen Y không hề nao núng trước các thử thách mới lạ. Họ thà thất bại còn hơn không dám thử bởi nghệ thuật là dòng chảy sáng tạo không ngừng. Theo giới chuyên môn, đó là điều rất đáng khuyến khích. Nhưng nếu chỉ có sự dũng cảm và nhiệt huyết thì vẫn chưa đủ. Nghệ sĩ trẻ cần nắm vững kiến thức, đặc trưng của cải lương để khai thác một cách cẩn trọng, đặt để loại hình này đúng chỗ. Nếu chỉ làm màu câu view thì nhạc phẩm đó sẽ dễ trở thành thảm họa.
NSND Bạch Tuyết là bậc kỳ cựu hiếm hoi dũng cảm bước ra vùng an toàn như những ca sĩ trẻ. Hồi chưa thu hai MV kết hợp cải lương – nhạc trẻ, bà đã gây sốt với lớp hậu bối khi tự mình cover (hát lại) theo phong cách cải lương loạt bài hát đình đám của ca sĩ trẻ như “Mang tiền về cho mẹ”, “Em gái mưa”, “Lạc trôi”, “Người lạ ơi”… Đối diện với những lời chỉ trích, chê bai, bà cho hay mình không ngại những lời phê bình. Bởi có như vậy thì những sản phẩm nghệ thuật về sau sẽ càng chỉn chu, hoàn chỉnh hơn.
NSƯT Thoại Mỹ lần đầu kết hợp cải lương với nhạc trẻ
Tối 1-10, MV Phấn hoa màu son có sự kết hợp của NSƯT Thoại Mỹ và ca sĩ trẻ H-Kray chính thức được giới thiệu đến khán giả.
Ca khúc rất được chú ý bởi lần đầu tiên NSƯT Thoại Mỹ hỗ trợ một nghệ sĩ trẻ nhằm mang cải lương đến gần hơn với công chúng.
NSƯT Thoại Mỹ lần đầu kết hợp với ca sĩ H-Kray trong MV "Phấn hoa màu son"
Ca khúc Phấn hoa màu son do chính H-Kray thể hiện và sáng tác từ năm 2022. Phần hát của NSƯT Thoại Mỹ được ê kip bàn tính kỹ lưỡng từng câu chữ, phần cuối hát đúng tinh thần cải lương. Diễn viên Tiêu Minh Phụng viết phần lời cho NSƯT Thoại Mỹ hát, giữ lại 8 nhịp đặc trưng.
Theo H-Kray, chuyện tình của ông bà anh chính là nguồn cảm hứng cho anh sáng tác ca khúc gợi nhớ thanh xuân một thời của họ. Bên cạnh đó, từ ngày còn nhỏ, cải lương đã gắn liền với cuộc sống của anh bởi được nội mở nhạc cho nghe mỗi sớm chiều nên anh rất yêu và muốn màu sắc âm nhạc của mình có sự kết hợp của cải lương.
"Đây là lần đầu tiên tôi đưa cải lương vào âm nhạc của mình. Tôi không muốn âm nhạc một màu. Khi sáng tác bài này, tôi xem lại những bài cũ để tránh lặp lại những điều đã có. Đặc biệt, ê kip chúng tôi kết nối với NSƯT Thoại Mỹ để cùng thực hiện MV này. Tôi không áp lực khi làm việc với cô Thoại Mỹ", H-Kray chia sẻ.
Hình ảnh NSƯT Thoại Mỹ trong MV
NSƯT Thoại Mỹ cho biết, ban đầu chị từ chối tham gia sản phẩm âm nhạc này vì bệnh. Tuy nhiên, sau đó, vì bà nội của H-Kray cũng là khán giả quá mến mộ NSƯT Thoại Mỹ nên nam nghệ sĩ vẫn chờ đợi chị và khi nghe thử ca khúc, chị thấy đồng cảm nên sau khi khỏi bệnh chị đồng ý nhận lời.
"Trước giờ, nhiều người cho rằng cải lương cũ nhưng với tôi cải lương chưa bao giờ cũ. Gần đây nhiều bạn nghệ sĩ trẻ vẫn muốn kết hợp ca khúc của họ với cải lương, quan trọng làm sao để hài hòa mọi thứ. Tôi muốn khán giả trẻ có cái nhìn khác về cải lương, yêu cải lương hơn", NSƯT Thoại Mỹ bày tỏ.
Ca sĩ trẻ H-Kray
H-Kray sinh năm 2000, tên thật Phạm Đình Huy. Anh từng có 2 ca khúc nổi bật được khán giả yêu thích: Tấm lòng son, Khuất lối.
Chèn cải lương vào âm nhạc hiện đại: Sự thể nghiệm ấn tượng Những năm qua, nhiều người làm nhạc đã chèn nhạc truyền thống vào âm nhạc hiện đại tạo nên phong cách lạ, được đông đảo khán giả đón nhận. Việc đưa âm nhạc truyền thống nói chung và cải lương, vọng cổ nói riêng vào âm nhạc hiện đại đã được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ thực hiện tạo nên những bản hit...