Khi Bộ trưởng Y tế đến chậm
Trước sự bức xúc và lo ngại của công luận về dịch sởi song Bộ Y tế vẫn không chịu công bố dịch, hôm qua (16/4) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chuyến thị sát tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
ảnh minh họa
Thực ra, bà Bộ trưởng, vị tư lệnh của ngành y đã đến điểm nóng của dịch sởi chậm hơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một ngày. Chiều 15/4, ông Đam đã nghe một số cơ quan liên quan của Bộ Y tế báo cáo tình hình dịch sởi.
Song, có vẻ ông không tin tưởng vào những con số đó nên ngay chiều tối cùng ngày, vị Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực y tế đã đích thân đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Có lẽ vị Phó Thủ tướng đã thấu hiểu được nỗi lo lắng của công luận, của những bậc cha mẹ có con mắc bệnh.
Như PV đã đưa tin, tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch sởi hôm 8/4, Bộ Y tế khẳng định dịch không có dấu hiệu bất thường.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay trong hơn 40 năm qua ông chưa từng thấy dịch sởi năm nào diễn biến nặng và bất thường như năm nay. Còn Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thừa nhận, có nhiều ca bệnh nặng với diễn biến bệnh khác so với bệnh sởi truyền thống.
Trên các diễn đàn mạng, nhiều người cũng bày tỏ sự lo lắng về dịch bệnh và những thông tin Bộ Y tế đưa ra thậm chí còn được xem là không đúng, có ý muốn giấu dịch?
Nhiều ý kiến cho rằng , con số 25 trẻ tử vong do sởi mà Bộ Y tế nêu ra hoàn toàn không thuyết phục. Tại cuộc thị sát của Phó Thủ tướng, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết 25 chỉ là số cháu bé tử vong trực tiếp do sởi, còn tử vong do các bệnh liên quan đến sởi là 78 trẻ. Con số đó đủ cho thấy tình hình không hề bình thường như Bộ Y tế nêu.
Ai cũng biết, nếu nói dịch không có dấu hiệu bất thường, tất sẽ dẫn tới chủ quan cho cộng đồng. Lúc đó, tình hình sẽ nghiêm trọng đến mức nào, nhất là khi sởi có thể biến chứng rất nặng vào phổi gây tử vong?
Thế nên, nếu quả thật có chuyện giấu dịch thì rất nghiêm trọng. Còn nhớ ở Trung Quốc, năm 2009 đã có 4 quan chức của một huyện bị cách chức vì giấu dịch bệnh chân tay miệng.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Y tế vốn là một chuyên gia về dịch tễ, tức là người hiểu rất rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh. Nhưng ngạc nhiên là bà đã đến điểm nóng của dịch chậm hơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Trước một dịch bệnh đang gây hoang mang, sự xuất hiện, sự lên tiếng của vị tư lệnh ngành là rất quan trọng, nó giúp người dân yên tâm, tin tưởng hơn vào quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của ngành y tế.
Dư luận cho rằng, sự xuất hiện của Bộ trưởng Bộ Y tế hôm qua dường như là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không, sự xuất hiện ấy ít ra cũng là sự thừa nhận về tình hình dịch sởi không đơn giản như Bộ vẫn báo cáo.
Vấn đề bây giờ là Bộ trưởng hành động như thế nào để đẩy lùi dịch bệnh? Điều đó quan trọng hơn nhiều những toan tính thành tích này nọ, thiết thực hơn nhiều những cam kết trên giấy, kiểu như VN sẽ loại trừ bệnh sởi vào năm 2017.
Theo Tiền phong
Nghịch lý từ đỉnh dịch sởi
Nghịch lý thời điểm dịch sởi hoành hành: ngành y tế TP.HCM chuẩn bị tới 100 ngàn liều vắc xin sởi miễn phí nhưng phần lớn bị người dân từ chối. Ngược lại, phụ huynh lại đổ xô đưa con đi chích dịch vụ làm vắc xin loại này đứng trước nguy cơ "cháy hàng".
Dân mất lòng tin với vắc - xin miễn phí?
Theo ghi nhận của TS, mấy ngày nay tại Khoa khám trẻ em lành mạnh - Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đông nghẹt phụ huynh bồng con đi chích vắc - xin ngừa sởi dịch vụ.
Chị Trần Thị Thủy, ngụ tại quận 4 đang bế con 9 gái tháng chờ chích mũi 3 trong 1 (sởi - quai bị - rubella) chia sẻ: "Hôm nay tới ngày con mình chích mũi sởi đầu tiên theo đúng chương trình tiêm chủng quốc gia. Ở y tế phường có tổ chức chích ngừa miễn phí nhưng mình không yên tâm.
Có những thứ miễn phí được nhưng riêng đối với sức khỏe, tính mạng con cái thì không nên tiếc. Từ lúc cháu sinh ra đến giờ, gia đình biết có những trường hợp tai biến tử vong sau khi chích vắc - xin nên vô cùng thận trọng, tất cả các mũi chích ngừa của cháu, mình đều cho đi chích dịch vụ hết".
Phụ huynh từ chối vắc - xin miễn phí, đổ xô đưa con đi chích sởi dịch vụ. Ảnh: Thanh Huyền.
Cùng suy nghĩ như chị Thủy, anh Nguyễn Đức Minh, ngụ quận 2, có con trai 2 tuổi đi chích sởi bày tỏ: "Lẽ ra bé nhà tôi phải chích mũi sởi thứ 2 từ lúc 18 tháng nhưng do các tai tiếng lùm xùm về chất lượng vắc xin nên tôi đã cho cháu tạm ngưng. Giờ thấy dịch sởi bùng phát, nhiều trẻ tử vong, tôi lo quá, cho cháu đi chích ngừa sởi, nhưng nhất quyết chọn vắc - xin dịch vụ.
Ngành y tế cứ nói vắc - xin theo chương trình là an toàn nhưng xin hỏi vắc - xin 5 trong 1 có bao nhiêu trẻ em chết như thế, rồi đợt này có rất nhiều trẻ đã chích ngừa sởi vẫn bị sởi là sao? Không thể cứ đổ lỗi mãi cho hoàn cảnh thế được".
Một phụ huynh khác cũng hoang mang: "Trong dân chúng người ta đồn con số mắc sởi và tử vong do sởi cao lắm, cao hơn công bố trên báo đài rất nhiều. Suốt từ trước Tết tới giờ ngành y tế chống dịch mà không mấy hiệu quả. Bao nhiêu vắc - xin được tung ra để chích ngừa cho trẻ em, thế mà các cháu vẫn bị sởi và vẫn có cháu chết. Thực tế đã có vấn đề gì với virus sởi vậy?".
Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Phó Phòng khám bệnh - Bệnh viện Nhi Đồng 2, lượng bệnh nhi sởi ngoại trú tại bệnh viện mình vẫn chưa hạ nhiệt.
"Hiện nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi khám và phát hiện khoảng 30 bệnh nhi bị sởi (cao hơn cùng kỳ tháng trước 50%), con số sởi nhập viện cũng đang ở mức từ 50 - 60 bệnh nhi. Đang giao mùa nên tôi không dám chắc là bệnh sởi có dấu hiệu hạ nhiệt. Chúng tôi đã bố trí ở khu khám bệnh thêm một bàn nhận bệnh sởi và cách ly ngay các bé này với những bệnh nhi tới khám vì bệnh lý khác để tránh lây lan", bác sĩ Huyên nói.
Sẽ khan hiếm vắc - xin sởi dịch vụ
Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận chích ngừa cả vắc - xin theo chương trình (chích miễn phí) lẫn vắc - xin dịch vụ cho trẻ em.
Theo số liệu từ Khoa khám trẻ em lành mạnh, từ đầu tháng 4 tới nay, đơn vị này đã chích sởi theo chương trình cho 344 trẻ, và chích vắc xin 3 trong 1 dịch vụ (sởi - quai bị - rubella) cho 797 trẻ.
Sởi vẫn chưa hề hạ nhiệt tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Huyền.
Trước đó, trong tháng 3 Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chích sởi dịch vụ cho 1709 bé, trong khi số trẻ tới chích sởi theo chương trình chưa tới 1/3, khoảng 561 bé.
Như vậy, số trẻ tới chích vắc xin sởi dịch vụ cao hơn chích vắc xin sởi theo chương trình rất nhiều.
Được biết, hiện Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn 690 liều vắc xin dịch vụ (sởi - quai bị - rubella), vắc xin theo chương trình còn 800 liều.
Theo ước tính với số lượng trẻ đến chích ngừa như hiện nay, lượng vắc - xin sởi dịch vụ chỉ đủ dùng tới hết tháng 4, còn vắc xin sởi theo chương trình đủ dùng tới hết tháng 5.
Qua đó, bác sĩ Kim Huyên nhắn nhủ các bậc phụ huynh: "Dù chưa thiếu vắc - xin nhưng chúng tôi khuyến cáo phụ huynh nên cho con đi chích sởi ở y tế địa phương, không cần thiết cứ phải tới bệnh viện nhi để làm tình trạng quá tải thêm trầm trọng và giảm thiểu nguy cơ lây chéo các bệnh nguy hiểm. Nếu cứ tiếp tục đổ xô đi chích sởi dịch vụ đương nhiên sẽ làm cho vắc - xin này trở nên khan hiếm một cách không cần thiết."
Trước đó, trong buổi họp khẩn giữa Cục Y tế dự phòng và Sở Y tế TP.HCM về dịch bệnh diễn ra vào ngày 10/4, ông Trần Đắc Phu, Cục Trưởng cục Y tế dự phòng lo ngại tình trạng người dân không chịu cho con tiêm theo chương trình mà muốn tự đi tiêm dịch vụ. Do đó nhiều khả năng nguồn vắc xin tiêm dịch vụ sẽ trở nên khan hiếm.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết từ ngày 7/3 toàn TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa vét cho những trẻ em chưa hoặc đã chích sởi nhưng chưa đủ liều.
Thời gian dự tính của chiến dịch này kéo dài 8 tuần, số vắc xin dự tính là 100 ngàn liều.
Tới nay, đã được 5 tuần, ngành y tế TP mới chích được 37 ngàn liều sởi theo chương trình.
Bác sĩ Hưng cũng thừa nhận: "Nhiều người dân ghi rõ vào giấy thăm dò là họ không đồng ý cho con chích ngừa vắc - xin miễn phí. Họ sẽ tự cho con đi chích dịch vụ."
Con số thống kê toàn TP.HCM cho thấy trong 14 tuần đầu tiên của năm 2014, lượng trẻ mắc sởi thường là 815 ca (tăng 708 ca so với cùng kỳ năm 2013), sởi bị viêm phổi là 365 ca (tăng 67 ca). Như vậy, tổng số cùng kỳ năm ngoái TP.HCM có 405 ca sởi, còn năm nay là 1180 ca sởi.
Đặc biệt, năm 2013, trẻ bị sởi đa số dưới 3 tuổi, nay lứa tuổi bị bệnh có khuynh hướng gia tăng, thậm chí trẻ chưa tới tuổi chích ngừa cũng mắc sởi.
Theo_VietNamNet
Trẻ tử vong do sởi: Lại chuyện hai số liệu cùng đúng! Đã có 108 trẻ tử vong do sởi và các biến chứng sau sởi, trong khi đó nhiều trẻ đã tiêm vắc-xin phòng sởi nhưng vẫn mắc. Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chiều 15/4, trong buổi báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y...