Khi Ấn Độ và Trung Quốc “bắt tay”
Ấn Độ và Trung Quốc đã kết thúc cuộc Đối thoại quốc phòng và an ninh thường niên lần thứ 7 tại Bắc Kinh. Hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có biện pháp xây dựng lòng tin nhằm củng cố quan hệ giữa các lực lượng biên giới 2 nước, đồng thời thừa nhận, việc duy trì hòa bình và ổn định biên giới là bảo đảm quan trọng đối với sự phát triển quan hệ song phương.
Gần 2 tháng trước (20-2), Trung Quốc từng phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến bang Arunachal Pradesh, khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.
Cũng trong ngày 10-4, Hãng AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, cuộc họp 2 2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn – Nhật sẽ diễn ra tại Seoul ngày 14-4 và đây là lần đầu tiên cuộc họp cấp cao giữa 2 nước diễn ra kể từ năm 2009.
Việc này diễn ra sau khi Seoul và Tokyo khẩu chiến về sách giáo khoa lịch sử mới của Nhật Bản – Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Seoul để phản đối việc sách giáo khoa Nhật Bản khẳng định chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Trước đó (21-3), Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhóm họp và đây là cuộc gặp đầu tiên sau gần 3 năm nhằm tạo nền tảng cho việc khôi phục cơ chế hợp tác giữa ba nước.
Video đang HOT
Cùng ngày 10-4, phát biểu với báo giới sau cuộc họp tại Tokyo với Đoàn đại biểu Trung Quốc do Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Cát Bỉnh Hiên làm Trưởng đoàn, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc “tích cực thúc đẩy đối thoại và trao đổi phù hợp với các mối quan hệ chiến lược cùng có lợi giữa hai nước”.
Ông Yoshihide Suga cũng kiến nghị, Tokyo và Bắc Kinh nên tăng cường trao đổi ở nhiều cấp. Về phần mình, ông Cát Bỉnh Hiên cho rằng, Tokyo nên đối diện trực tiếp với lịch sử trước đây của Nhật Bản. Ông Cát Bỉnh Hiên là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến Nhật Bản kể từ năm 2012.
Theo giới truyền thông, New Delhi đã quyết định đặt mua 36 chiến đấu Rafale của Paris hôm 10-4, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Narenda Modi, nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của không quân Ấn Độ. Thỏa thuận này có trị giá khoảng 5 tỉ USD và là hợp đồng lớn giữa Pháp và Ấn Độ. Và 2 nước vẫn đang thương đàm về việc Paris sẽ bán 126 chiến đấu cơ Rafale cho New Delhi, trong đó có 108 chiếc sẽ được sản xuất trên dây chuyền lắp ráp của Ấn Độ.
Hãng Reuters từng đưa tin, trong năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1-4, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ tăng 12% và điều này cho thấy, New Delhi sẽ từng bước thực hiện chương trình mua sắm máy bay chiến đấu, tàu chiến và pháo. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho biết, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng 40,07 tỉ USD và bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ lớn hơn tất cả!
Trong một diễn biến liên quan, chuyến công du Nhật Bản 2 ngày (30 và 31-3) của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa 2 cường quốc châu Á trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng. Ông Manohar Parrikar nhấn mạnh, việc chọn Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy, New Delhi đánh giá cao việc tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh với Tokyo. Ấn Độ đang tìm cách mua thủy phi cơ SAR US-2 và tàu ngầm động cơ diesel lớp Soryu của Nhật Bản. Tokyo muốn thắt chặt quốc phòng với New Delhi để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.
Theo giới truyền thông, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2014 của Thủ tướng Shinzo Abe, Tokyo và New Delhi đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, thực hiện các cuộc viếng thăm cấp Bộ trưởng Quốc phòng, tiến hành các cuộc tập trận chung, xúc tiến trao đổi ở nhiều cấp liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Giới bình luận cho rằng, không phải ngẫu nhiên trong Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản năm 2014 lại xác định Ấn Độ là quốc gia quan trọng về địa lý đối với Tokyo, bởi quốc gia Nam Á này có vị trí trung tâm nối khu vực với châu Phi, cũng như chi phối hầu như các cửa ngõ của tuyến giao thông trên biển. Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng kêu gọi New Delhi đóng vai trò lớn hơn ở khu vực ASEAN, vì Ấn Độ là một nước lớn và là quốc gia có ảnh hưởng. Tờ Economic Times (Ấn Độ) từng cho biết, New Delhi lo ngại trước hành động đảo hóa của Trung Quốc ở Trường Sa.
Theo tờ Deccan Herald, Ấn Độ đang có kế hoạch thiết lập 32 trạm do thám tại Mauritius, Seychelles, Maldives và Sri Lanka để theo dõi tàu Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương. Và trạm đầu tiên vừa được khánh thành trên đảo Mahe thuộc Seychelles cách đây hơn 1 tháng (11-3) nhân dịp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm đảo quốc này.
Giới chuyên môn cho rằng, ngoài việc đối mặt với sự giám sát của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, hoạt động hàng hải của Trung Quốc còn đương đầu với sự hiện diện ngày càng nhiều của tàu thuyền Nhật Bản ở Biển Đông. Bởi sau khi quân đội Nhật rút khỏi Biển Đông cách đây khoảng 70 năm, Tokyo đang lặng lẽ trở lại khu vực này và tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á.
Trong khi đó, Hãng AFP cho rằng, việc không quân Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức huấn luyện biển xa ở Tây Thái Bình Dương cho thấy, phạm vi hoạt động quân sự của Bắc Kinh ngày càng mở rộng.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde từng cho rằng (23-3), trong năm nay, Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới; đồng thời gọi Ấn Độ là “điểm sáng” của nền kinh tế toàn cầu đang u ám.
Theo thống kê, trong số các nền kinh tế lớn, Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh nhất và dự kiến đến năm 2019, nền kinh tế nước này sẽ lớn hơn gấp đôi so với năm 2009. Các nhà kinh tế Ấn Độ cũng tán đồng nhận định kể trên của bà Christine Lagarde.
Theo Petrotimes