Khéo chơi với Nga-Mỹ, Ấn Độ ung dung hưởng lợi
Duy trì quan hệ truyền thống với nước Nga nhưng Ấn Độ vẫn thúc đổi quan hệ đối tác chiến lược mới với Mỹ khiến nước này hưởng lợi nhiều mặt.
Trong diễn biến mới nhất, Chính phủ Mỹ có khả năng ủng hộ nhà thầu General Atomics bán hệ thống phóng điện từ (EMALS) cho tàu sân bay và những kỹ thuật quan trọng khác cho Ấn Độ.
Chính phủ Mỹ có khả năng ủng hộ nhà thầu General Atomics bán hệ thống phóng điện từ (EMALS) cho tàu sân bay và những kỹ thuật quan trọng khác cho Ấn Độ.
Ấn Độ đang muốn sở hữu công nghệ tiến bộ của Mỹ để đẩy mạnh trình độ cũng như thế mạnh của mình trong kế hoạch tự đóng tàu sân bay.
Video đang HOT
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ chạy thử trên biển
Giới chuyên gia cho rằng động thái này một mặt nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ -Ấn, mặt khác là muốn đối trọng với sự ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở châu Á.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Maureen Schumann cho hay chuẩn đô đốc Thomas Moore được chỉ định dẫn đầu đoàn giới chức quân sự Mỹ tham gia nhóm phối hợp chung liên quan đến vấn đề đóng tàu sân bay của Ấn Độ.
Ấn Độ cũng đang xúc tiến việc mua các tên lửa Harpoon của Mỹ trang bị cho các tàu ngầm của Hải quân nước này.
Trước đó, Chính phủ Ấn Độ đã gửi một lá thư yêu cầu (LoR) tới chính phủ Mỹ về việc mua 22 tên lửa Harpoon cho các tàu ngầm lớp Shishumar của Hải quân Ấn Độ.
Ấn Độ đã đặt hàng 26 tên lửa Harpoon cho 8 máy bay trinh sát hàng hải cư ly dài (LRMR) P-8I của Hải quân Ấn Độ với giá khoảng 200 triệu USD và 24 tên lửa Harpoon cho các máy bay Jaguar của lực lượng Không quân nước này trong một đơn hàng trị giá 170 triệu USD.
Quan hệ Ấn Độ-Mỹ vốn có khá nhiều sóng gió, tuy nhiên hai nước đã bước vào một kỷ nguyên “tin tưởng mới” như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái của ông Modi và chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 1/2015 của ông Obama.
Theo The Times of India, Mỹ vẫn muốn Ấn ộ đóng vai trò làm “đinh chốt” trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương hoặc ít nhất giúp hợp tác hải quân đa phương vì một sự ổn định tại khu vực được coi là ngày càng quan trọng này. Bởi thế, những nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo Ấn Độ khiến New Dehli được hưởng lợi.
Cùng với đó, bất chấp mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Nga và Mỹ, Ấn Độ vẫn duy trì quan hệ truyền thống tốt đẹp với Moscow. Đối với Nga, cảnh bị phương Tây trừng phạt kinh tế liên quan tới vấn đề Ukraine, sự xuống dốc của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới và nguy cơ suy thoái kinh tế, Nga cần thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác năng lượng được xem là động lực mới trong quan hệ song phương.
Chuyến công du Ấn Độ vào tháng 12/2014 của Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhằm mục đích này. Đó cũng là cơ hội để Nga tái khẳng định lợi ích của mình tại Ấn Độ, một đồng minh quan trọng trong khu vực và là đối tác trong BRICS.
Trong chuyến thăm này, ông Putin đã ký liên tiếp với Ấn Độ 20 thỏa thuận về hợp tác vũ trụ, quốc phòng, và năng lượng, với những giá trị hợp đồng rất cao.
Ấn Độ được Nga hỗ trợ xây dựng 12 nhà máy điện hạt nhân sau những kết quả tích cực liên quan tới dự án điện nguyên tử Kudankulam. Nga cũng hợp tác với Ấn Độ chế tạo một trong những loại trực thăng hiện đại nhất của Nga và hai bên sẽ tăng tốc thực thi dự án chung trong chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5. Nga cũng tham gia vào kế hoạch hiện thực hóa Hành lang Công nghiệp New Delhi-Mumbai và tạo điều kiện thuận lợi để Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Rõ ràng, với chính sách ngoại giao khôn khéo của mình, Ấn Độ được rất nhiều lợi ích từ mối quan hệ với hai cường quốc Nga-Mỹ.
Theo Đất Việt