Khen thưởng dồn cho chức sắc (?!)
Chiếm phần lớn trong số 60 người được đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012 là lãnh đạo các đơn vị. Không thấy thợ thủ công, công nhân, chiến sĩ biên phòng, hải đảo… trong danh sách này.
Rất cần tôn vinh những người lao động trực tiếp để tạo động lực thực chất cho thi đua khen thưởng.
Theo danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012 kèm theo Tờ trình số 1374/BTĐKT-VI ngày 29/8 của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ), có 18 cá nhân thuộc khối bộ, ngành và 42 cá nhân thuộc khối địa phương. Đây được coi là những người ưu tú, có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác chuyên môn, là gương sáng về nh ân cách, tài năng, tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của cả nước.
Vắng nhiều đối tượng ở cơ sở
Trong số này, ông Nguyễn Viết Chức, giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Tân Hợi (huyện Hớn Quản – Bình Phước), được coi là người giữ chức vụ “bé nhất”. 59 người còn lại đều giữ các chức vụ lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị, ngành.
18 cá nhân thuộc khối bộ, ngành đa phần đều đang giữ các vị trí lãnh đạo tại đơn vị mình công tác (cả Trung ương lẫn địa phương) như ông Lê Xuân Bá (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), ông Đào Xuân Thế (Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương), ông Lê Tiến Hào (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ), ông Ngô Văn Khánh (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ), ông Nguyễn Thanh Long (Thứ trưởng Bộ Y tế), bà Nguyễn Thu Hà (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương), ông Nguyễn Kiến Tường (Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương – Chi nhánh Nam Sài Gòn), ông Nguyễn Công Tự (Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông), ông Lê Kim Toàn (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định)…
Video đang HOT
Trong ảnh: Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận trao giải thưởng 28/7 cho những tấm gương lao động tiêu biểu tại TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Bất ngờ nhất là trong danh sách đề cử vắng bóng rất nhiều đối tượng đang trực tiếp lao động sản xuất, tạo ra các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày (nông dân, công nhân) hoặc tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, biên giới của Tổ quốc… Trao đổi với phóng viênngười , bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, nói: “Cái này đều do các bộ, ngành, địa phương đề nghị”.
Ông Kiều Sơn, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, cho biết chỉ những người đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành mới được đưa vào danh sách đề nghị. “60 người này đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Chúng tôi không thể tự nhiên điền tên người công nhân, nông dân nào đó vào danh sách được” – ông Sơn nói.
“Lỗi” do… quy định?
Theo ông Kiều Sơn, 60 cá nhân được lựa chọn đã phải vượt qua rất nhiều khâu, cấp xét duyệt. Người được đề nghị trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc phải có 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương hoặc có thành tích đột xuất được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trong công tác, lao động sản xuất được ghi nhận theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam…
Từ danh sách đề cử, cấp cơ sở sẽ bỏ phiếu kín để chọn ra những cá nhân đạt tiêu chuẩn nhất. Người được chọn phải đạt số phiếu từ 90% trở lên. Sau đó, bản danh sách này sẽ được gửi tới bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh hoặc cấp tương đương ký duyệt trước khi gửi tới Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đề nghị xét duyệt. Từ hồ sơ đề nghị của các bộ, ngành, địa phương gửi về, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương sẽ lựa chọn những người đáp ứng đủ các tiêu chí để đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Kiều Sơn thừa nhận thực trạng vắng bóng nhiều đối tượng trực tiếp lao động, sản xuất ở cơ sở và cho rằng điều này xuất phát một phần từ những quy định hiện hành trong Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2003 đã không còn phù hợp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, một vị nguyên là lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho rằng danh sách đề cử các năm gần đây đã vắng dần những cá nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất là điều đáng phải suy ngẫm. Đến năm nay thì gần như những người nông dân, công nhân lao động sản xuất giỏi, làm giàu cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở nhiều nơi trên cả nước vắng bóng hẳn. “Tôi đã nhiều lần góp ý trực tiếp với lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhưng chuyển biến tới đâu thì chưa biết.
Tôi không cho rằng lỗi chính thuộc về các quy định, Luật Thi đua – Khen thưởng mà chủ yếu xuất phát từ quy trình xét duyệt, việc giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chưa sít sao, kịp thời. Qua mỗi cấp xét duyệt lại bị rơi rụng đi những cá nhân lao động sản xuất mà lẽ ra họ có đủ tiêu chuẩn để được đề nghị Thủ tướng trao tặng danh hiệu” – vị này nói.
Trong đề xuất sửa một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng, Bộ Nội vụ cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cấp cơ sở khen thưởng những người trực tiếp tham gia lao động sản xuất, thay đổi nhận thức về việc chỉ khen lãnh đạo mà bỏ rơi chuyên viên, nhân viên cấp dưới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được đề cử
Trong danh sách đề cử phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012, có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc điều hành, chỉ đạo của ông Bình trong suốt thời gian qua chưa tốt nên việc ông xuất hiện trong danh sách này đã gây không ít ngạc nhiên. Tuy nhiên, bà Trần Thị Hà cho biết bảng danh sách đề cử chưa hoàn thiện và vẫn đang được lấy ý kiến nhân dân (?!).
Theo 24h
Chủ tịch nước gặp mặt các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày 13/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật 100 đại biểu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ đại diện các doanh nhân tiêu biểu trong cả nước. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Lắng nghe và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của các doanh nhân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và chúc mừng các hiệp hội, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đã vượt lên khó khăn, thách thức to lớn để tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các văn kiện, nghị quyết quan trọng của Đảng đều coi trọng và đánh giá cao vai trò vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại, giải quyết việc làm cho người lao động, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch nước khẳng định vai trò của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân ngày càng được xã hội đề cao. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn về vốn, đầu ra cho sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động có hiệu quả, đảm bảo việc làm cho người lao động, tích cực đóng góp cho đất nước.
Chủ tịch nước căn dặn tình hình hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách cho giới doanh nhân các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải chủ động, sáng tạo nắm bắt thị trường, đổi mới công nghệ, mô hình quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, giữ gìn uy tín trong kinh doanh.
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện ưu đãi nhằm giúp doanh nghiệp ổn định, từng bước vượt qua khó khăn.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch nước chúc giới doanh nhân cả nước tiếp tục gặt hái được những thành công, phát huy tinh thần dân tộc, trí tuệ và bản lĩnh kinh doanh, vững bước đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục khẳng định vai trò là chiến sĩ xung kích trên thương trường.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng đại diện các hiệp hội doanh nhân đã thay mặt đoàn đại biểu bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp.
Các đại biểu báo cáo Chủ tịch những nét chính về tình hình hoạt động. Theo đó, trong 9 tháng của năm 2012 đã có khoảng 40.000 doanh nghiệp phải giải thể và ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp còn lại hoạt động trong tình trạng khó khăn chật vật.
Các doanh nghiệp đã kiến nghị Đảng Nhà nước cần có chính sách giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp thực tế, giúp doanh nghiệp khôi phục đà tăng trưởng. Nhiều đại biểu đề xuất giải pháp để thay đổi những bất cập trong cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí về thời gian tiền bạc.
Cùng với tin tưởng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp cũng nêu rõ, do chưa chú trọng đến nâng cao năng suất, thực hành tiết kiệm, nâng cấp quản lý, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh vừa qua đã chịu thua lỗ. Đây là bài học kinh nghiệm cần được rút ra trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Theo Dantri
Xét tặng PGS. Hà Đình Đức danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô Hội đồng Thi đua khen thưởng Hà Nội vừa thống nhất thông qua danh sách 10 cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2012. Trong danh sách có nhạc sĩ Hoàng Vân, PGS.TS Hà Đình Đức và Thượng tá Lê Đức Hoàng... Đây là năm thứ 3 thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu...