Khế cổ công tử Bạc Liêu từng chơi, trả hơn 6 tỷ không bán
Cây khế thân mốc, các cành đan xen vào nhau nhìn như một ngọn núi, từng được công tử Bạc Liêu sở hữu, được đại gia cây cảnh đất Bắc trưng bày tại Hà Nội khiến nhiều du khách thèm muốn.
Hiện tác phẩm độc đáo này của anh Phan Văn Toàn (Toàn “đô la”) ở TP. Việt Trì (Phú Thọ), anh Toàn được xem là một trong những đại gia chơi ngông nhất trong giới chơi cây cảnh. Chưa đầy 8 năm, đại gia này đã bỏ 120 tỷ để… chơi cây.
Theo chủ nhân của tác phẩm, cây khế này là dòng khế ta chứ không phải là dòng khế gân. Khế gân có một số cây ở Việt Nam có tuổi đời trên 300 năm nhưng khế ta thì cây này là số 1.
Vị đại gia cây cảnh chia sẻ: “Người xưa có câu “cây đi tìm chủ, quý vật tìm quý nhân”, từ cái duyên, cái nghiệp đưa đẩy mà anh vợ chồng tôi đã sưu tầm được những cây cảnh vô cùng độc đáo. Nhiều loại cây cảnh quý ở Việt Nam trước đây thuộc sở hữu của vua, chúa, tôi đã kỳ công đưa chúng hội tụ tại vườn “thượng uyển” của mình.
Điển hình như cặp khế của vua Gia Long (khoảng 400 tuổi), cây tùng La Hán của vua Quang Trung (600 tuổi), và những cây sanh có tuổi đời trên 300 năm, cây Đề, Bằng Lăng từ cung đình Huế mang ra, cây duối hàng trăm năm tuổi được uốn theo hình chữ tâm”.
Tác phẩm “kết mộc vi sơn” – đây là một cây khế ta có tuổi đời hơn 200 năm đang được trưng bày tại một hội chợ cây cảnh ở Hà Nội. Theo chủ nhân của cây, cây có nguồn gốc từ Bạc Liêu và từng được công tử Bạc Liêu sở hữu.
Chị Thu (vợ anh Toàn) cũng cho biết, phải mất rất nhiều công sức mới sở hữu được cây khế ta quý hiếm như vậy.
“Cây khế này đã qua rất nhiều chủ. Rất vất vả mới mua được cây khế này, mình là người rất may mắn, người ta gọi là quý vật gặp quý nhân, thực sự cây cũng như con người cũng có linh hồn nên cây chọn chủ”, chị Thu nói.
“Nguồn gốc của cây khế ta này đến bây giờ không ai rõ nhưng nó đã từng thuộc sở hữu của công tử Bạc Liêu. Ngưỡng mộ Bạch công tử, tôi tìm đọc thấy ngưỡng mộ nên quyết tâm mua bằng được”, chị Thu cho hay.
Dòng khế rất giòn, không như những loại cây khác, muốn có một cây đẹp như vậy thì những nghệ nhân xưa phải kì công chế tác. Cây khế thân mốc xù xì, u nổi, các cành đan xen vào nhau nhìn như một ngọn núi nên nó có tên “Kết mộc vi sơn”.
“Đã có một số người trong giới chơi cây biết đến, trả hơn 6 tỷ đồng nhưng tôi không bán vì mình có duyên với cây nên không muốn bán. Muốn đem trưng bày cho mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây, để biết thời xưa các cụ chơi cây kì công như thế nào”, anh Toàn nói.
Gốc cây to một người lớn ôm không xuể, xù xì, nổi u cục . Phần gốc cây và phần thân cây phía trên được phân rõ ràng bởi các cành cây mọc chìa ra xung quanh
Đây là điểm nối giữa phần gốc và phần thân cây, các cành mọc u xù xì, uốn lượn, xoắn vào nhau
Video đang HOT
Phần ngọn cây nhỏ dần trông giống một ngọn núi
Thân mốc xù xì chứng tỏ cây đã nhiều năm tuổi
Các cành mọc ra từ thân cây phân phối hợp lý chứng tỏ các nghệ nhân xưa mất rất nhiều công sức chế tạo, uốn nắn
Ông Phan Văn Toàn (TP Việt Trì, Phú Thọ), chủ sở hữu cây khế cho biết, khế rất giòn nên uốn nắn rất khó. Để có được cây khế như thế này thì cây phải được trồng, uốn nắn từ khi mới trồng
Để uốn các cành khế, các nghệ nhân phải dùng dây sắt, nhôm bọc vải từ phần gốc cành đến phần ngọn của cành cây
Theo chủ nhân của cây, đây là cây số 1 ở Việt Nam khi nhắc đến dòng khế ta
Những mầm xanh nhỏ mọc trên thân mốc trắng
Nhiều du khách đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn một tuyệt tác hiếm có ở Việt Nam. Cây chỉ đem trưng bày, đã có người trả 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân của cây không bán
Theo Danviet
Duối cổ "Thế võ Bình Định" quý hơn vàng, đại gia bỏ tiền tỷ không mua được
Cây duối có tuổi đời hàng trăm năm, thân pháp của cây uyển chuyển linh hoạt biến đổi khôn lường theo bốn phương tám hướng khác nhau.
Cây duối cổ "Thế võ Bình Định" xuất hiện ở đâu cũng thu hút rất đông giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và đông đảo du khách đến xem bởi những yếu tố Cổ - Tinh - Linh - Quái
Tác phẩm duối cổ "Thế võ Bình Định" của Nghệ nhân Huỳnh Thành Tuyên đến từ Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định xuất hiện tại Triển lãm Sinh Vật Cảnh huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vừa qua đã thực sự gây được ấn tượng với người yêu cây nghệ thuật bởi những đường nét nghệ thuật tinh tường độc đáo khác lạ vượt ra khỏi khuôn khổ chân phương vốn thấy ở một cây duối.
Kể về nguồn gốc của cây duối cổ này, ông Tuyên cho biết, họ Huỳnh đến lập nghiệp ở Bình Định với hai nghề chính là mãi võ và bốc thuốc cứu người nên có rất nhiều duyên nợ với cây duối. Duối được trồng trước cửa nhà họ Huỳnh được dùng là trường côn quyền pháp trong võ thuật vừa là những vị thuốc bí truyền của Huỳnh Gia mà nhiều người không hề biết.
Tác phẩm được nhiều người đánh giá đã đạt đến độ hoàn thiện mỹ mãn từ các yếu tố bệ, rễ, thân, cành, dăm, chi, lá.
"Vì duối là loài cây có sức sống mãnh liệt nên cụ Huỳnh Hữu Tấn đã nung nấu tìm một cây duối cổ, đem về trồng trước nhà nhằm nhắc nhở con cháu, luôn có tinh thần thượng võ và hoàn thiện bốc thuốc cứu người, sống lương thiện.
Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng cụ Tấn cũng tìm được một cây duối cổ thụ mọc ở sườn núi đá treo leo. Cụ cùng con cháu quyết đánh chuyển cây duối cổ về trồng trước của nhà theo mong ước tự bao ngày", ông Tuyên nói về nguồn gốc của cây duối.
Dù tuổi cao những cụ Tấn vẫn dồn tâm lực để nghiên cứu tạo tác cây duối cổ mang hình tượng một "Thế võ" của người Bình Định. Thân pháp của tác phẩm vừa uyển chuyển linh hoạt biến đổi khôn lường theo bốn phương tám hướng khác nhau.
Chỉ có những người am tường về quyền thuật cổ truyền mới giải mã hết sự biết đổi mang tính bí truyền của thân thủ, thân pháp thể hiện trên đường chạy của thân cây.
Tác phẩm đẹp cả tứ diện, mặt nào cũng có những nét kỳ quái nhưng rất hài hòa duyên dáng.
Điều đặc biệt ấn tượng là mỗi người nhìn vào tác phẩm "Thế võ Bình Định" lại gợi ra cho mình những hình tượng kỳ quái khác nhau. Người thì hình dung ra một nàng tiên cá yểu điệu khoe mình trong không gian. Người thì thấy hình tượng một ông lão đang kéo lưới, người thì hình dung ra thế tấn pháp của môn võ Bình Định Gia... Vẻ đẹp từ thân, lá cành toát lên thật vi diệu đã mang đến cho người xem bao suy tưởng về lớp lớp những giá trị nghệ thuật khác nhau.
Gắn bó với tác phẩm tâm huyết này đến khi cụ Tấn về với tổ tiên của Huỳnh Gia đã trao truyền lại tác phẩm độc đáo trên cho nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên, một người thợ kim hoàn nổi tiếng tại thị trấn Diêu Trì.
Với nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên mà giới chơi cây cảnh nghệ thuật Việt Nam vẫn thường gọi thân mật với biệt danh "Tuyên Vàng" thì tác phẩm đuôi cổ mang tên "Thế võ Bình Định" còn quý hơn cả vàng. Nó là gia bảo của Huỳnh Gia, là tình cảm và tâm tư của cha ông muốn gửi gắm cho muôn đời sau, là niềm tự hào của những người con đất Võ.
Có lẽ vì vậy mà tác phẩm này đã có người trả đến 150.000 USD nhưng nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên vẫn dứt khoát chưa bán. Ông chia sẻ: "Nếu tác phẩm "Thế võ Bình Định" gặp được quý nhân đủ "Thiện, Duyên, Tâm, Đức" có ý sở hữu tác phẩm này để gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của ông cha phù hợp hơn anh thì ông mới xem xét nhượng lại.
Ngắm cây duối cổ "Thế võ Bình Định":
Bộ bông tán được tạo hình theo lối tản vân rất nghệ thuật.
Bộ bệ vững chắc nổi rõ gò ụ tạo ra sự bề thế của cây
Thân pháp hay đường chạy của thân chính vừa uyển chuyển linh hoạt biến đổi khôn lường theo bốn phương tám hướng khác nhau
Thân u bướu nu cục cho thấy sự phong sương của năm tháng
Tiểu cảnh đá được phối dưới gốc tác phẩm rất hài hòa bắt mắt
Theo Danviet