Khảo sát: Kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát được cải thiện
Ngày 8/8, theo kết quả một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed) chi nhánh New York mới được công bố, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng tại Mỹ cải thiện trong tháng Bảy giữa bối cảnh giá xăng giảm mạnh và lãi suất tăng.
Một phố mua sắm ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Cuộc khảo sát cho thấy những người được hỏi kỳ vọng tỷ lệ lạm phát trung bình là 6,2% trong năm tới, giảm mạnh so với mức 6,8% trong cuộc khảo sát hồi tháng Sáu. Kỳ vọng tỷ lệ lạm phát ba năm giảm từ 3,6% xuống 3,2% so với cùng kỳ – nhờ sự cải thiện tâm lý của người tiêu dùng đối với giá xăng. Cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 7/2022 cho thấy những người được hỏi dự kiến giá xăng sẽ tăng 1,5% trong năm tới, thấp hơn so với mức 5,6% của tháng trước.
Theo phân tích từ GasBuddy, giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống dưới 4 USD/gallon (3,78 lít) trong tuần này và lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022. Đây sẽ là mức giảm mạnh so với tháng 6/2022 khi giá trung bình ở mức 5 USD/gallon. Người tiêu dùng tại Mỹ hy vọng rằng lạm phát giá thực phẩm cũng sẽ chậm lại, trong đó những người trả lời khảo sát dự đoán giá thực phẩm sẽ tăng 6,7% trong năm tới, giảm so với mức 9,2% trong tháng Sáu.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng người tiêu dùng kỳ vọng giá nhà sẽ tăng 3,5%, giảm so với mức 4,4% của tháng trước. Thị trường đã hạ nhiệt khi giá nhà ở mức kỷ lục và tỷ lệ thế chấp cao khiến những người mua tiềm năng gặp khó khăn. Những kết quả thăm dò trên được đưa ra sau khi Fed tăng lãi suất khoảng 2,25 điểm phần trăm để giảm chi tiêu của người tiêu dùng và kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã báo hiệu rằng sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa, cho thấy giá không giảm đủ nhanh để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Trong khi đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết vào cuối tuần tại một sự kiện của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ rằng, các mức tăng có quy mô tương tự nên được đưa ra bàn cho đến khi chúng ta thấy lạm phát giảm một cách nhất quán, có ý nghĩa và lâu dài.
Trong khi cuộc khảo sát của Fed ở New York cho thấy lạm phát dự kiến giảm, con số 6,2% một năm vẫn cao hơn so với tháng Ba. Một năm trước, người tiêu dùng dự đoán lạm phát hàng năm chỉ tăng 4,8%.
Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng kỷ lục
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Bộ Lao động Mỹ ngày 11/5 công bố tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới tháng 4 vừa qua tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng thứ hai liên tục trong năm nay lạm phát vượt trên 8%.
Người tiêu dùng mua hàng hoá trong siêu thị ở Glendale, California (Mỹ). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Như vậy lạm phát ở Mỹ trong tháng 3 (8,5%) và tháng 4 năm nay đều tăng tới mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981.
Ngày 11/5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra thông cáo báo chí nhận định tình hình lạm phát vẫn cao như vậy cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu liên quan tới đại dịch đồng thời giá năng lượng tăng cao đã tạo thêm nhiều áp lực về giá cả đối với nhiều loại mặt hàng. FED cũng cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine và những vấn đề liên quan tới cuộc chiến này đang tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với tỷ lệ lạm phát và điều này chắc chắn ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Theo Bộ Lao động Mỹ, mặc dù tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 có thấp hơn tháng 3 một chút chủ yếu nhờ giá xăng dầu có hạ nhiệt, tuy nhiên kể từ ngày 10/5 vừa qua thì giá xăng lại tiếp tục leo thang. Giá cả rau quả, thực phẩm, các loại dịch vụ và giao thông đi lại, nhất là bằng đường hàng không đều tăng đáng kể; giá vé máy bay tăng 18,6% trong tháng 4 so với tháng 3, mức tăng có thể nói là nhanh kỷ lục; giá ăn uống tại các nhà hàng cũng tăng 0,9% - mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 10/2021.
Giá các loại xe biến động khó lường trong tháng 4 dù đã tăng mạnh kể từ năm 2021 do thiếu cung. Giá ô tô đã qua sử dụng và xe tải tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng có giảm so với mức tăng 35,3% trong tháng 3. Tuy nhiên, giá xe mới lại tăng tới 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng lớn nhất trong 12 tháng, tính từ năm 1949.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng vọt kể từ đầu năm 2021 khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thậm chí khiến các chuỗi cung bị đứt gãy và chính sự mất cân bằng cung cầu đã tạo áp lực khiến giá cả tăng cao, chưa kể các nguyên nhân khác.
FED hiện đối mặt với bài toán rất khó là làm sao có thể thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế mà lại không hạn chế tăng trưởng và gây ra suy thoái. Trong khi đó, giới chuyên gia tại địa bàn tính toán rằng để giữ cho nền kinh tế ổn định, FED phải nỗ lực để đưa được tỷ lệ lạm phát của Mỹ về mức 2%.
Vì sao euro ngang giá USD trở thành 'con dao 2 lưỡi' với kinh tế Mỹ? Nếu đồng bạc xanh trở nên quá mạnh, nó có thể gây hại cho hoạt động kinh doanh của nhà xuất khẩu Mỹ. Đồng euro (phía trên) và đồng đôla Mỹ tại Brussels, Bỉ, ngày 7/7. Ảnh: THX/TTXVN Lần đầu tiên trong 20 năm, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong phiên giao dịch đầu tuần này...