Khao khát sinh tồn của đoàn thám hiểm Nam Cực
Năm 1914, nhà thám hiểm Ernest Shackleton dẫn theo 27 thủy thủ đi tới Nam Cực nhưng con tàu của họ bị mắc kẹt giữa vùng băng trôi.
Đoàn thủy thủ chụp ảnh bên cạnh mũi tàu Endurance ở biển Weddell năm 1914.
Năm 1914, nhà thám hiểm Ernest Shackleton dẫn theo 27 thủy thủ đi tới Nam Cực nhưng con tàu của họ bị mắc kẹt giữa vùng băng trôi. Trải qua đói khát, bệnh tật, tuyệt vọng, cuối cùng các thành viên đoàn đã sống sót trở về quê hương.
Con tàu bị bao vây
Ernest Shackleton và 27 thành viên thủy thủ đoàn đã lên con tàu HMS Endurance rời đảo Nam Georgia ở phía Nam Đại Tây Dương tới Nam Cực vào ngày 5/12/1914, cùng 69 con chó và một con mèo. Mục tiêu của đoàn thám hiểm là thiết lập một căn cứ trên bờ biển Weddell ở vùng Nam Cực.
Hai ngày sau khi rời Nam Georgia, tàu Endurance tiến vào vùng băng trôi, hàng rào băng dày bao quanh Nam Cực. Trong vài tuần sau đó, con tàu cố gắng luồn lách qua lớp băng để tiến về phía Nam. Tuy nhiên, tới ngày 18/1/1915, một cơn bão đã đẩy các tảng băng trôi về phía đất liền và khiến chúng nén chặt vào nhau. Cứ như vậy tàu Endurance đã bị kẹt cứng giữa các tảng băng ở biển Weddell.
Ông Thomas Orde-Lees, một thủy thủ tàu, miêu tả: “Đột nhiên chúng tôi không có đường tiến cũng không có đường lùi. Sức chịu đựng bị bủa vây. Con tàu đông cứng như một quả hạnh nhân ở giữa thanh socola”. Họ chỉ còn cách làm quen với tình hình và chờ đợi mùa Đông qua đi.
Alexander Macklin, một trong những bác sĩ trên con tàu, kể rằng, Ernest Shackleton “không hề nổi cơn thịnh nộ hay thể hiện ra bên ngoài sự thất vọng, dù là dấu hiệu nhỏ nhất. Ông ấy nói với chúng tôi một cách đơn giản và bình tĩnh rằng chúng tôi sẽ phải trú đông ở đây, giải thích những rủi ro và khả năng có thể xảy ra, cũng như không bao giờ đánh mất sự lạc quan”.
Trong khoảng thời gian đấu tranh giữa việc từ bỏ tàu và nhìn biển băng nhấn chìm Endurance, đoàn thủy thủ đã phải tận dụng đồ ăn dự trữ nhiều nhất có thể, đồng thời bỏ đi tất cả những gì có thể làm tăng trọng lượng hoặc tiêu tốn tài nguyên. Những cuốn kinh thánh, sách, quần áo, đồ dùng cá nhân, đồ kỷ niệm đều bị đem bỏ. Mèo và một số con chó nhỏ bị bắn trước sự đau xót của mọi người.
Sau một thời gian chờ đợi vô hiệu, đoàn thủy thủ quyết định đi bộ qua biển băng để về đất liền nhưng kế hoạch bị hủy bỏ sau khi họ chỉ có thể di chuyển 12 km trong 7 ngày. Ông Shackleton viết trong nhật ký: “Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi đành cắm trại trên lớp băng và kiên nhẫn chờ đến khi điều kiện trở nên thuận lợi hơn để tìm cách rời khỏi nơi này”.
Lớp băng từ từ trôi dần về phía Bắc và tới ngày 7/4/1916, đoàn thủy thủ có thể nhìn thấy những đỉnh núi phủ tuyết trắng của đảo Clarence và đảo Voi. Điều đó khiến họ tràn ngập hy vọng. “Tảng băng là người bạn tốt của chúng tôi nhưng nó đi đến điểm kết thúc. Băng có thể tan rã bất cứ lúc nào”, ông Shackleton viết trong nhật ký.
Ngày 9/4, những lời dự đoán của Shackleton đã trở thành hiện thực. Tảng băng phía trên họ đột nhiên tách ra, để lại vết nứt cực lớn. Shackleton đã ra lệnh phá trại và hạ những chiếc thuyền nhỏ được chuẩn bị sẵn xuống biển, bỏ lại con tàu Endurance.
Cuối cùng họ đã được giải phóng khỏi lớp băng dày và giờ “kẻ thù” mới là đại dương bao la. Những con thuyền nhỏ chao đảo giữa đại dương khiến những thủy thủ dũng cảm nhất cũng phải cuộn tròn người để chống chọi với sóng gió và những cơn say sóng.
Vượt lên khó khăn, thuyền trưởng Worsley đã chèo lái con thuyền vượt qua những cơn bão và sau 6 ngày lênh đênh, quần đảo Clarence và đảo Voi hiện ra trước mắt họ, đoán chừng cách 48 km. Những thủy thủ đoàn hoàn toàn kiệt sức. Riêng thuyền trưởng Worsley đã 80 tiếng không ngủ. Một số người khác tê liệt mọi giác quan vì say sóng trong khi nhiều người mắc bệnh kiết lỵ.
Frank Wild, chỉ huy thứ hai trong đoàn của Shackleton, cho biết “ít nhất một nửa số thủy thủ đoàn không còn tỉnh táo”. Tuy nhiên, họ quyết tâm chèo thuyền tiến về phía mục tiêu. Tới ngày 15/4, họ cuối cùng cũng đặt chân lên đảo Voi.
Các thủy thủ cố gắng phá lớp băng khiến tàu Endurance mắc kẹt ngoài khơi.
Đoàn thám hiểm hạ thủy thuyền James Caird để 6 thành viên đến trạm săn cá voi nhờ giúp đỡ.
Lạc ngoài hoang đảo
Đó là lần đầu tiên đoàn người đặt chân lên mặt đất kể từ khi rời đảo Nam Georiga gần 500 ngày trước đó. Tuy nhiên, thử thách vẫn còn đợi họ ở phía trước. Khả năng có ai đó thấy và giải cứu họ ở đây là rất thấp, nên sau 9 ngày nghỉ ngơi và chuẩn bị, Shackleton, Worsley và 4 người khác đẩy chiếc thuyền cứu sinh James Caird ra khơi để tìm kiếm sự giúp đỡ từ một trạm săn cá voi ở Nam Georgia, cách đó gần 1.300 km.
Trong 16 ngày tiếp theo, họ phải chiến đấu chống lại những cơn sóng dữ, những cơn bão táp. Miêu tả lại những ngày tháng này, Shackleton viết: “Con thuyền lắc lư liên tục trên những con sóng lớn, dưới bầu trời xám xịt. Gió rít lên khi những cơn sóng muốn xé toạc con thuyền. Mỗi đợt nước biển dâng giống như một kẻ thù cần phải vượt qua”.
Ngay cả khi họ đã tiến vào rất gần bờ, sóng gió lại một lần nữa hất văng họ ra xa. Khi gió dịu đi, đoàn người mới có thể tiếp cận bờ. Tuy nhiên, mưa bão đã khiến con thuyền đi chệch hướng nên họ đã cập bến ở phía bên kia của hòn đảo. Nhóm người phải đi bộ 36 tiếng qua núi trên con đường chưa ai từng đặt chân tới để đến trạm săn cá voi.
Không từ gì có thể miêu tả cảm xúc của mọi người trong trạm săn cá voi khi nhìn thấy những người đàn ông lạ mặt đi ra từ hướng núi không có người ở. Tóc và râu của họ xơ xác, bết vào nhau.
Khuôn mặt họ đen sạm, nhăn nheo sau gần 2 năm sống trong căng thẳng và thiếu thốn đủ bề. Sau khi hội ngộ với 3 thành viên khác của nhóm, Shackleton chuyển sự chú ý sang giải cứu 22 người đàn ông còn lại trên đảo Voi. Tuy nhiên, cuộc giải cứu này được đánh giá là khó khăn và tốn thời gian nhất.
Con tàu giải cứu đầu tiên gần cạn nhiên liệu giữa đường khi nhóm của Shackleton đang cố gắng vượt qua những tảng băng trôi, buộc họ phải cập bến ở đảo Falkland, Nam Đại Tây Dương. Chính phủ Uruguay sau đó đã cử một tàu cứu hộ đến đảo Voi nhưng cũng bị cản trở bởi những tảng băng.
Trong khi đó trên đảo Voi, mỗi ngày, ông Frank Wild, người mà Shackleton giao nhiệm vụ quản lý nhóm, đều thông báo mọi người chuẩn bị sẵn sàng hành lý và động viên mọi người rằng “trưởng đoàn có thể trở về hôm nay”. Nhưng sau nhiều ngày tháng đợi chờ, hy vọng rồi lại tiếc nuối, các thủy thủ ngày càng thất vọng và nghi ngờ. Một số người từ bỏ niềm hi vọng được cứu.
Nhưng Shackleton không nghĩ vậy. Ông tiếp tục mua con tàu thứ 3, chiếc Yelcho được sản xuất từ Chile. Ngày 30/8/1916, hành trình gian khổ của đoàn thám hiểm Endurance kết thúc khi họ đón được đoàn thủy thủ trên đảo Voi.
Ngay khi con tàu xuất hiện phía xa, các thủy thủ đoàn lập tức phá trại, họ bỏ lại đảo Voi và trở về với cuộc sống trước đây. 20 tháng sau khi lên đường tới Nam Cực, toàn bộ thủy thủ đoàn Endurance đều còn sống và trở về nhà an toàn.
Ernest Shackleton (phải) và đồng đội Frank Hurley (trái) nấu ăn trước lều dựng tạm trên băng.
Thành viên đoàn thám hiểm dựng trại nấu ăn trên băng.
Tìm kiếm xác tàu Endurance
Trong quãng đời còn lại, Ernest Shackleton chưa bao giờ chạm tới Cực Nam hoặc băng qua Nam Cực như điều ông mong muốn. Về sau, ông quyết định thực hiện thêm một chuyến thám hiểm Nam Cực cùng một số đồng nghiệp cũ. Tuy nhiên, ngày 5/1/1922, Shackleton qua đời vì đau tim trên con tàu của ông ở đảo Nam Georgia, hưởng dương 47 tuổi.
Sau khi Shackleton qua đời, Frank Wild chỉ huy con tàu đến Nam Cực nhưng không thành công. Sau một tháng cố gắng thâm nhập mà vô ích, đoàn tàu đổi hướng đến đảo Voi. Đứng từ boong tàu, họ dùng ống nhòm ngắm nhìn lại nơi mà rất nhiều người trong số họ đã sống những ngày tháng trong sợ hãi xen lẫn hy vọng.
“Một lần nữa, tôi nhìn thấy những gương mặt cũ, những giọng nói cũ, những người bạn cũ ở khắp nơi. Nhưng tôi không thể diễn tả hết những gì mình cảm thấy”, bác sĩ Alexander Macklin chia sẻ.
Sau đó, họ quay về phía Bắc lần cuối và trở về nhà. Tuy nhiên, con tàu Endurance đã mãi mãi nằm lại dưới đáy đại dương ở Nam Cực. Trong hơn một thế kỷ sau đó, sự kiện Endurance vẫn là một trong những vụ đắm tàu khó nắm bắt nhất trong lịch sử hàng hải thế giới.
Đến năm 2022, một nhóm chuyên gia quốc tế gồm các nhà khảo cổ học, nhà thám hiểm và nhà khoa học đã hợp lực nghiên cứu, thăm dò và xác định được vị trí của tàu Endurance dưới đáy biển Weddell, cách vị trí ban đầu khi tàu chìm khoảng 6,4 km về phía Nam.
Ông John Shears, người đứng đầu dự án tìm kiếm Endurance22, cho biết: “Chúng tôi đã làm nên lịch sử vùng cực với việc phát hiện Endurance và hoàn thành công cuộc tìm kiếm xác tàu đắm gian nan nhất thế giới”.
Những bức ảnh được đoàn thám hiểm Endurance22 công bố cho thấy Endurance là con tàu 3 cột buồm, phần đuôi có tên “ENDURANCE” viết hoa và một ngôi sao năm cánh. Hình ảnh con tàu nhắc nhở hậu thế về sự dũng cảm và khả năng lãnh đạo của Ernest Shackleton khi quyết định từ bỏ con tàu và cứu đồng đội của mình.
Vào ngày 9/3/2022, các nhà khoa học thông báo rằng họ đã tìm thấy xác tàu Endurance của nhà thám hiểm huyền thoại người Ireland gốc Anh Ernest Shackleton dưới đáy biển sâu. Khoảng 100 năm trước, con tàu này bị đắm ở biển Weddell tại vùng Nam Cực.
Cùng hướng đến miệng núi lửa Shackleton trên Mặt trăng, Mỹ - Trung nên bỏ hiềm khích để hợp tác?
Cả hai quốc gia đều đặt mục tiêu hạ cánh tàu thăm dò gần miệng núi lửa Shackleton gần cực nam Mặt trăng, với Mỹ mong muốn làm như vậy trong năm nay, còn Trung Quốc là vào năm 2026.
Miệng núi lửa Shackleton rộng lớn là một nơi không thể ở được, với mặt ngoài liên tục bị ánh sáng Mặt trời tấn công, còn bên trong luôn tối. Nhiệt độ trên bề mặt có thể tăng lên trên điểm sôi của nước (100 độ C), còn phía trong rất lạnh, xuống dưới điểm đông của nước (0 độ C).
Với đường kính 21 km và sâu 4 km, miệng núi lửa Shackleton cũng có thể chứa nước đóng băng giúp hỗ trợ sự sống cho căn cứ trên Mặt trăng. Đó là điều thu hút sự quan tâm của các chương trình không gian Mỹ và Trung Quốc.
Các sứ mệnh không gian ở cả hai quốc gia được cho đang chuẩn bị hạ cánh tàu thăm dò gần miệng núi lửa Shackleton, với Mỹ muốn làm như vậy cuối năm 2023 và Trung Quốc là vào 2026.
Các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ cho biết hai chương trình đang hoạt động độc lập với nhau nhưng hai nước nên giữ các đường dây liên lạc mở để có thể làm việc theo nhóm trong tương lai.
Cả tàu thăm dò Intuitive Machines 2 (đặt theo tên công ty Mỹ đã chế tạo nó) và Hằng Nga 7 (Trung Quốc) sẽ khoan tới 1m dưới bề mặt gần miệng núi lửa Shackleton và nghiên cứu các mẫu Mặt trăng chiết xuất được. Mỗi tàu thăm dò cũng sẽ mang theo thiết bị gọi là "phễu" để dò tìm các khu vực luôn trong bóng tối, gồm cả đáy miệng núi lửa, để tìm dấu vết của nước đóng băng.
Nước đóng băng có thể được sử dụng để tạo ra oxy và hydro, sau đó sản xuất không khí, nước uống và nhiên liệu trên Mặt trăng để duy trì hoạt động thám hiểm có người lái mà không cần tốn kém chi phí vận chuyển chúng từ Trái đất.
Các sứ mệnh Mặt trăng của Trung Quốc, bắt đầu với tàu vũ trụ không có người lái Hằng Nga 1 vào năm 2007, nhằm mục đích xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt trăng cơ bản vào năm 2028.
Dù các sứ mệnh không gian tương tự thường tạo cơ hội cho các quốc gia hợp tác với nhau, nhưng Wolf Amendment (đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2011) hạn chế NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) làm việc trực tiếp với các tổ chức Trung Quốc vì lo ngại về hành vi đánh cắp công nghệ.
Trong phiên điều trần về ngân sách năm tài chính 2024 trước các nhà làm luật Mỹ hồi tháng 4, Giám đốc NASA - Bill Nelson cho biết đạo luật này nên tiếp tục có hiệu lực và nhấn mạnh những lo ngại về "cuộc chạy đua vào không gian" với Trung Quốc.
" Đây là nơi chúng tôi sẽ đến và Trung Quốc cũng sẽ đến... Mối quan tâm của tôi là nếu Trung Quốc đến đó trước, họ sẽ nói: Đây là lãnh thổ của chúng tôi, bạn hãy tránh xa", Bill Nelson phát biểu khi đưa bức ảnh về các địa điểm hạ cánh trên Mặt trăng cho một tiểu ban phân bổ ngân sách của Hạ viện Mỹ vào tháng 4.
Roger Handberg, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Trung tâm Florida (Mỹ), cho biết một số người coi không gian "như biên giới phía Tây trước đây của Mỹ - bạn nắm quyền kiểm soát bởi có thể làm được". Tuy nhiên, ông lạc quan về sự hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ.
Roger Handberg nói: " Ngày nay, mọi người đều nói về Mỹ và Trung Quốc với tư cách là những người đi đầu trong các hoạt động trên Mặt trăng. Cả hai sẽ đóng vai trò chính trong việc quyết định các quy tắc, điều đó đồng nghĩa Wolf Amendment cần được bãi bỏ để có thể thực hiện công việc hiệu quả".
"Vẫn còn thời gian để tìm ra giải pháp phù hợp với kỳ vọng ban đầu trong Hiệp ước Không gian vũ trụ rằng không gian sẽ không là vùng xung đột, mà là vùng cho các hoạt động hợp tác nói chung", Roger Handberg cho hay, đề cập đến Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 về thăm dò hòa bình và sử dụng không gian, được hơn 110 quốc gia ký kết tính đến tháng 3.
Dù việc tìm thấy nước đóng băng trên Mặt trăng sẽ mang lại lợi thế, Roger Handberg cho biết có thể phải mất một thập kỷ trước khi Trung Quốc hoặc Mỹ phát triển khả năng thu thập và xử lý nó.
Mặt chiếu màu phần bên trong miệng núi lửa Shackleton, khu vực luôn chìm trong bóng tối ở Mặt trăng - Ảnh: Internet
Nhiệt độ ban ngày trên bề mặt Mặt trăng có thể lên đến 120 độ C, nhưng dữ liệu viễn thám cho thấy một lượng băng đáng kể lắng đọng ở phần bên trong bóng tối vĩnh viễn của một số miệng núi lửa trên đó.
Một miệng núi lửa được nghiên cứu kỹ lưỡng như vậy là Shackleton có hình bát, được đặt theo tên của nhà thám hiểm Nam Cực Ernest Shackleton và nằm gần như chính xác ở cực nam Mặt trăng.
Ít nơi trên Mặt trăng đáp ứng được điều kiện cần thiết cho việc khám phá bền vững của con người, chẳng hạn ánh sáng Mặt trời liên tục cung cấp năng lượng cho các phương tiện và cơ sở trên Mặt trăng. Song trong khi đáy miệng núi lửa Shackleton luôn tối đen, các phần viền của nó luôn ở dưới ánh sáng Mặt trời.
Vào năm 2021, NASA đã thông báo rằng Intuitive Machines (Mỹ) sẽ phát triển một tàu đổ bộ Mặt trăng thương mại để đưa một mũi khoan băng đến khu vực được gọi là đường nối Shackleton, ngay phía tây miệng núi lửa.
" Khu vực này nhận đủ ánh sáng Mặt trời để cung cấp năng lượng cho tàu đổ bộ trong sứ mệnh kéo dài 10 ngày, đồng thời cung cấp tầm nhìn rõ ràng tới Trái đất để liên lạc liên tục", NASA cho biết, đề cập đến nhiệm vụ IM-2, dự kiến sẽ cất cánh sớm nhất vào tháng 11 tới.
Trung Quốc vẫn chưa chính thức công bố địa điểm hạ cánh cho sứ mệnh Hằng Nga 7, nhưng theo Wu Yanhua, nhà thiết kế chính của chương trình Thám hiểm không gian sâu cho nước này, địa điểm ưu tiên hàng đầu của họ cũng là khu vực miệng núi lửa Shackleton.
Hằng Nga 7 sẽ nhắm tới một khu vực phía đông nam miệng núi lửa Shackleton, Wu Yanhua nói tại Diễn đàn Tiandu ở thành phố Hợp Phì, Trung Quốc vào tháng 4.
Bài viết đăng trên các tạp chí tiếng Trung Quốc đã cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nước này với việc đi tới miệng núi lửa Shackleton. Shackleton được xếp hạng đầu tiên trong một phân tích năm 2020 về các khu vực và điểm phù hợp để hạ cánh ở cực nam Mặt trăng, như chỉ huy sứ mệnh Hằng Nga 4 - Zhang He và các đồng nghiệp của cô báo cáo.
Ngay cả khi có sự trùng lặp về địa điểm hạ cánh, xung đột nhiệm vụ khó xảy ra vì mỗi nơi có diện tích hơn 100 km² và chứa nhiều điểm hạ cánh khác nhau.
Mỹ và Trung Quốc đang lập các trại trên Mặt trăng của riêng mình trong khuôn khổ Hiệp định Artemis và Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế tương ứng.
" Trong khi các quốc gia hàng đầu về vũ trụ sẽ đứng đầu một khu định cư cụ thể, họ nên tương tác để cùng nhau tồn tại vì môi trường Mặt trăng rất khắc nghiệt và không khoan nhượng. Quá trình thám hiểm không gian rất khó khăn, phức tạp và tốn kém. Ngay cả hai cường quốc cũng có thể thấy gánh nặng lớn và nhu cầu về nhu cầu về hoạt động hợp tác sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Wolf Amendment bị bãi bỏ", Roger Handberg nhận định.
Chuyên gia Brian Weeden từ Secure World Foundation, tổ chức tư vấn có trụ sở tại bang Washington (Mỹ), cũng kêu gọi chính phủ Mỹ sửa đổi Wolf Amendment để nối lại trao đổi song phương với Trung Quốc, khi ông đưa ra lời khai trước Ủy ban Đánh giá An ninh Kinh tế Mỹ -Trung Quốc vào đầu tháng này.
" Quốc hội nên sửa đổi Wolf Amendment để cho phép NASA tham gia vào các hoạt động không gian với Trung Quốc nhằm hỗ trợ lợi ích quốc gia của Mỹ", Brian Weeden nói, trích dẫn các lĩnh vực tham gia ưu tiên như khoa học vũ trụ cơ bản, thám hiểm không gian bằng robot và tăng cường chia sẻ dữ liệu về thời tiết không gian cùng mảnh vỡ quỹ đạo.
Brian Weeden cho biết Trung Quốc đang tiến hành hoặc lên kế hoạch thực hiện nhiều hoạt động không gian giống như Mỹ, vì vậy hai quốc gia có những lĩnh vực phù hợp với lợi ích của họ. Trung Quốc đã có những tương tác mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế về luật và quy tắc không gian, ông nói với ủy ban.
Roger Handberg nói rằng đã có một số nỗ lực nhẹ nhàng để làm giảm các hạn chế ở một cấp độ không chính thức và điều này sẽ gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, ông cho biết Wolf Amendment sẽ không bị bãi bỏ cho đến khi có nhu cầu thực sự để làm như vậy.
" Theo thời gian, Wolf Amendment bị vô hiệu hóa một cách hiệu quả thông qua các trường hợp ngoại lệ, dù cái tên có thể vẫn còn", Roger Handberg nhận định.
Vệ tinh chụp được 'kim tự tháp' ở Nam Cực, cư dân mạng đồn đoán do người cổ đại xây từ 10.000 năm trước Đến nay, các nhà khoa học vẫn tranh cãi về thứ mà vệ tinh chụp được là kim tự tháp hay chỉ là một đỉnh núi. Vệ tinh bất ngờ tìm thấy "kim tự tháp" bí ẩn Vào năm 2016, cư dân mạng xã hội rầm rộ chia sẻ một bức ảnh về một "kim tự tháp" mới được vệ tinh Google Earth...