Khánh Thi tiếp tục bức xúc, chia sẻ chuyện gây xôn xao của học trò
“Chúng tôi không dựng chuyện, quy chụp ai để mà phải sợ. Nếu sai phạm này làm đến cùng được thì tôi càng mừng”, Chí Anh chia sẻ.
Sau nhiều lần lên tiếng gây xôn xao dư luận về việc nghi vấn ban tổ chức Đại hội Thể thao Toàn quốc 2018 thiếu minh bạch trong việc chấm điểm thí sinh, ngày hôm qua (18/12), Khánh Thi, Chí Anh và Phan Hiển đã tổ chức gặp gỡ báo chí để làm rõ hơn vụ việc.
Cũng trong ngày hôm qua, Khánh Thi và 7 trọng tài chấm thi, Sở Thể dục Thể thao Đồng Nai, Ban tổ chức Đại hội đã được Tổng cục Thể dục Thể thao mời đến để giải trình về vụ việc.
Khánh Thi: “Họ chỉ xin lỗi vì làm tổn thương chúng tôi chứ không xin lỗi vì làm sai hay đúng”
Chúng tôi tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để lên tiếng về những bất cập trong kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc lần thứ 8 vừa diễn ra.
Hôm đó, đài truyền hình VTV có đến ghi hình trực tiếp và thấy rằng kết quả chung cuộc là cặp vận động viên SBD 123 Ngọc An – Tố Uyên (hai học trò của tôi – thi ở nội dung nhảy Rumba) đoạt giải nhất. Số điểm còn hiện lên màn hình lớn và tất cả mọi người đều ra chúc mừng.
Khi về nhà xem lại ti vi, tôi vẫn thấy bình luận viên đọc đi đọc lại suốt chương trình là cặp vận động viên 123 đoạt huy chương vàng.
Khánh Thi tại buổi gặp gỡ báo chí, chiều 18/12.
Phan Hiển có mặt cùng vợ.
Nhưng kết quả trao cuối cùng lại bị thay đổi sang cặp vận động viên khác được giải. Nó không giống những gì chúng tôi biết và VTV ghi hình trước đó. Chúng tôi thắc mắc tới ban tổ chức thì không nhận được kết quả thỏa đáng.
Hai ngày sau, học trò tôi có gửi đơn khiếu nại và chính tôi là người cầm đơn đó tới gặp ban tổ chức, nhưng họ không tiếp và kêu không có trách nhiệm nói chuyện với tôi. Đó là sự thiếu tôn trọng với một huấn luyện viên kiêm trọng tài như tôi.
Họ đổ lỗi điểm số sai lệch do thư kí tổng hợp điểm nhầm lẫn, nhưng toàn bộ quá trình chấm điểm là trên máy tính rồi chính máy tính cũng tự tổng hợp, nên thư kí chẳng tham gia ở khâu nào để mà nhầm được.
Tới tận ngày hôm nay, tôi và 7 trọng tài chấm thi hôm đó, cùng Sở Thể dục Thể thao Đồng Nai, cũng như ban tổ chức Đại hội đã được Tổng cục Thể dục Thể thao mời đến để giải trình.
Nhưng họ vẫn đưa ra lí lẽ phi lí và chiêu bài cũ kĩ như mọi lần. Họ vẫn đổ lỗi cho việc nhìn nhầm điểm số của người thư kí.
Đơn khiếu nại của cặp vận động viên bị nhầm điểm số vẫn không được đoái hoài. Chúng tôi chỉ hỏi vì sao lại có sự sai lệch điểm số thôi mà họ vẫn không giải thích được.
Một kỳ đại hội lớn, 4 năm tổ chức một lần như thế không thể có sai sót. Nếu đã sai thì sẽ sai hàng loạt nội dung thi còn lại chứ không chỉ một mình nội dung thi Rumba. Và nếu chấp nhận sai điểm số ở nội dung thi Rumba thì hàng trăm nội dung thi còn lại cũng sẽ sai lệch điểm số tùm lum cho mà xem.
Đại diện bên Tổng cục Thể thao đã gửi lời xin lỗi chính thức tới cặp vận động viên Ngọc An – Tố Uyên, nhưng lại xin lỗi vì đã làm tổn thương chúng tôi, chứ không phải xin lỗi vì đã làm sai hay đúng.
Họ không xin lỗi chúng tôi vì kết quả bị đổi. Họ vẫn khẳng định điểm số cuối cùng là minh bạch, rằng 7 trọng tài chấm đúng, thư kí nhập nhầm. Họ chỉ công nhận kết quả thứ hai.
Khi ban thư kí ngày hôm đó trực tiếp thực hiện lại thao tác nhập điểm số, chúng tôi thấy có sự vô lí hơn cả những gì chúng tôi từng thắc mắc.
Theo lẽ thường, bộ phận thư kí hôm đó chỉ sử dụng một máy tính và một phần mềm quốc tế. Nhưng hôm nay họ lại giải thích rằng, họ sợ có sai sót, nhẩm lẫn số báo danh, nhập điểm chưa đúng nên họ phải thực hiện thao tác bằng tay.
Đó là lí do vì sao họ nhận thêm một chiếc máy tính thứ hai, nhưng chiếc máy tính này lại không được nhận dữ liệu từ máy chủ (tổng hợp điểm của các trọng tài gửi đến) mà chỉ có tác dụng tính lại điểm. Tức là thư kí phải nhìn điểm bằng mắt ở máy chủ rồi mới nhập tay lại lên máy tính kia.
Video đang HOT
Tôi hỏi mọi người, thời buổi bây giờ mà cứ ngồi nhìn điểm ở máy nọ rồi gõ lại sang máy kia thì bao giờ mới xong? Trong khi đó, cuộc thi diễn ra liên tục, với vài trăm nội dung thi, đòi hỏi phải có điểm nhanh chóng của nội dung này để còn sang nội dung tiếp theo. Với thao tác thủ công như vậy thì có nhập kịp nổi không?
Ông tổng trọng tài nói rằng, sau khi 7 trọng tài chấm xong, ông ta sẽ coi lại điểm số cuối cùng xem có khớp không rồi mới đưa lên màn hình lớn. Nhưng các nội dung thi chỉ diễn ra trong hơn một phút rồi trôi nhanh sang nội dung khác thì tổng trọng tài lấy đâu ra thời gian để kiểm tra điểm số. Nếu điểm số có tổng hợp sai thì trọng tài có nhớ nổi không?
Chỉ sau hơn một phút là điểm chấm được lên online và kết quả được in ra giấy thì trọng tài nhìn kiểu gì để biết sai hay đúng?
Và tại sao chỉ có kết quả của 2/12 nội dung thi được phát online, còn sau đó thì không online nữa? Mãi hai ngày sau mới trả lại kết quả. Sự minh bạch nằm ở đâu? Bây giờ tôi nói tôi yêu chồng, hai ngày sau tôi cặp bồ vẫn được. Tôi được quyền quyết định hết mà.
Thậm chí, ban thư kí còn trả lời rằng, họ nhầm kết quả của cặp vận động viên số 123 với số 83 vì đều có đuôi 3 đằng sau. Nhưng số báo danh thi được xếp từ bé đến lớn nên từ 83 tới 123 còn cả loạt số báo danh khác nằm xen vào thì nhầm kiểu gì? Cách cả quãng xa như thế mà nhầm được là không thỏa đáng. Trả lời như thế là vô lí.
Tôi nói lại, tôi không quan tâm kết quả trọng tài chấm, tôi chỉ thắc mắc vì sao tờ kết quả đầu tiên lại bị xé đôi, để thêm tờ kết quả thứ hai. Ban tổ chức trả lời rất lòng vòng.
Tôi cũng nói luôn, Việt Nam không có tiêu chí chọn vận động viên vô địch trong nước đi thi khu vực hay quốc tế ở môn khiêu vũ thể thao này. Tôi và Phan Hiển, Chí Anh rất nhiều lần bị từ chối đi thi nước ngoài với lí do đăng kí muộn, dù chúng tôi vô địch giải quốc gia.
Vậy thì tổ chức giải quốc gia để làm gì? Để tìm ra cặp vận động viên được giải nhất nhưng không cho người ta thi quốc tế vì đăng kí muộn? Họ cứ nói ai đăng kí sớm thì được đi, thế là sao?
Từ hồi tôi đoạt vô địch châu Á năm 2009 đến giờ, bao năm tôi xin đi mà có được đi nữa đâu. Mãi tới khi anh Chí Anh dẫn được một cặp học trò của anh ấy đi thì mới lại có giải, còn các cặp được chọn đi trong 10 năm qua chẳng có giải gì.
Chí Anh: “Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật”
Từ 2006 tới 2014, chúng ta hoàn toàn chấm thủ công trên giấy. Sau khi trọng tài chấm xong, thư kí mới lấy lại giấy để nhập điểm. Hồi còn làm thủ công như vậy chưa hề có sai sót nào, hoặc nếu có cũng chưa phát hiện ra.
Nhưng vì thế giới chuyển sang chấm phần mềm để hạn chế sai sót nên chúng ta cũng phải thay đổi theo.
Người viết phần mềm chấm điểm này là anh Đặng Tuấn, hiện đang làm trong quân đội và chuyên viết phần mềm tên lửa, vũ khí nên không thể có chuyện phần mềm lỗi hay sai sót.
Trong mỗi con người, ai cũng có một nỗi sợ, sợ nhiều thứ. Nhiều người làm nghề như chúng tôi khi lên tiếng thế này đương nhiên phải sợ rằng sẽ bị cô lập, không được chấm thi nữa.
Việc tố cáo liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp sau này.
Nhưng chúng tôi chẳng sợ hậu quả khi tố cáo, dù nó có lớn thế nào, vì chúng tôi làm đúng, thắc mắc đúng. Sự việc xảy ra có quá nhiều nghi vấn nên chúng tôi mới thắc mắc, chứ chúng tôi không dựng chuyện, quy chụp ai để mà phải sợ. Nếu sai phạm này làm đến cùng được thì tôi càng mừng.
Ai làm sai người đấy chịu. Nếu chúng tôi làm sai, vu khống tổ chức, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo Trí Thức Trẻ
Khánh Thi: "Mẹ chồng tôi đã hỏi một câu rất đau"
"Tôi chính là người 5 giờ sáng đi ra nhà thi đấu, bới tìm tờ giấy kết quả bị xé trong thùng rác. Tôi lục từng thùng rác một, thậm chí cả thùng rác nhà vệ sinh nam", Khánh Thi cho biết.
Xung quanh câu chuyện Khánh Thi tố ban tổ chức giải Khiêu vũ thể thao thiếu công bằng, kiện tướng dance sport đã dành cho phóng viên cuộc phỏng vấn thẳng thắn với nhiều thông tin và tình tiết bất ngờ.
"Họ coi thường chúng tôi"
Liên quan tới vụ việc Khánh Thi kêu oan cho hai vận động viên Ngọc An và Tố Uyên, ban tổ chức (BTC) đã trả lời rằng kết quả cuối cùng hôm trao giải mới đúng, còn kết quả ban đầu từ máy tính là do Ban thư ký nhầm lẫn. Khánh Thi nghĩ thế nào?
Họ trả lời như vậy là không đúng. Ban giám khảo chúng tôi chấm thi bằng máy tính bảng, kết quả truyền về máy chủ, từ đó ra kết quả điểm cuối cùng. Máy tính tự cộng điểm lại, con người chỉ cần bấm enter thôi thì làm sao có chuyện ban thư ký nhầm lẫn số báo danh như họ nói được.
Tôi đã làm hẳn clip để miêu tả lại quá trình chấm thi này. Kết quả điểm của Ngọc An, Tố Uyên do từ máy tính in ra là kết quả chính xác nhất.
Tôi đã từng kêu oan ngay sau 2 ngày thi đấu. Tôi cùng Phó Giám đốc Sở Đồng Nai trực tiếp đi lên gặp BTC. Họ đưa ra bản báo cáo của Ban thư ký tự nhận lỗi là do đánh máy nhầm. Tôi xin bản báo cáo đó thì họ nói, họ không có trách nhiệm phải gửi cho tôi. Tôi vẫn còn giữ nguyên thu âm cuộc nói chuyện hôm đấy.
Chuyện này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vận động viên, huấn luyện viên và cả trọng tài, giám khảo chấm thi suốt 2 ngày liền. Và nó còn là vấn nạn xã hội. Giống như là kết quả của ban giám khảo không hợp ý BTC thì BTC xé kết quả và công bố là nhầm lẫn.
Kiện tướng dance sport Khánh Thi
Khánh Thi hoàn toàn có thể im lặng trong chuyện này, dù sao đây cũng là việc của người khác. Tại sao Khánh Thi lại "ôm rơm rặm bụng" như vậy?
Tôi là một trong những người đầu tiên đem bộ môn khiêu vũ thể thao này về Việt Nam. Chúng tôi đã cống hiến hết mình cho nó từ khi còn là vận động viên, mang danh về cho tổ quốc với huy chương vàng Châu Á.
Chúng tôi là những người góp phần vào thành công của bộ môn này. Trước tôi và Chí Anh, đâu có ai biết tới bộ môn khiêu vũ thể thao, nhưng họ coi thường chúng tôi.
Thậm chí, khi tôi đi tới các cuộc họp, họ còn bảo không chào mời tôi. Họ mời những trọng tài không liên quan tới nội dung đó đến xem và bình luận. Họ giới thiệu đây là trọng tài bằng A, bằng B.
Tôi nói thẳng, "ở đây không ai đủ trình độ như tôi cả. Bởi vì không có ai trong những người ngồi đây đã từng nhảy được hạng toàn năng và đạt chức vô địch như tôi nên đừng có nói chuyện bằng A, bằng B, bằng C với tôi".
Còn những người lãnh đạo, họ chỉ là quản lý bộ môn chứ họ không phải là người có chuyên môn. Hiện tại, bộ môn khiêu vũ thể thao vẫn nằm trong liên đoàn thể dục chưa được tách riêng.
Nhưng chính vì thế, người quản lý mà không thấu đáo, không công bằng thì sẽ làm cho những người có chuyên môn như chúng tôi cảm thấy bức xúc vì mình không được trân trọng.
Hai vận động viên của Khánh Thi, Ngọc An - Tố Uyên.
"Nếu người bị oan là chồng tôi, tôi sẽ không kêu gào"
Khánh Thi có lường trước được những mất mát mà mình có thể sẽ phải gánh chịu trong chuyện này?
Tôi cũng sợ và suy nghĩ nhiều lắm trước khi lên tiếng kêu oan cho vận động viên của mình. Nhưng nếu tôi không đứng ra bảo vệ họ thì ai sẽ làm điều đó. Nếu người bị oan là chồng tôi, tôi đã không kêu gào.
Và tôi biết mình sẽ mất hết. Tôi chắc chắn sau vụ việc này, tôi sẽ không còn liên quan gì tới bộ môn khiêu vũ thể thao ở Việt Nam vì tôi kiện tới ban tổ chức rồi thì còn ai mời tôi nữa.
Thậm chí, một số trọng tài yếu bóng vía cũng không dám lại gần tôi, vì họ cần được chấm thi các giải quốc gia.
Các đơn vị tổ chức giải nhỏ cũng sợ tôi làm cho liên luỵ nên tránh xa. Họ nghĩ rằng tôi không thể thắng nổi BTC trong cuộc đấu này.
Sau những ngày vừa qua, rất nhiều người né tránh tôi nhưng Chí Anh và Hồng Việt Thu Trang thì chấp nhận mất tất cả để đi cùng tôi.
Họ cũng chính là những người đem bộ môn này về Việt Nam cùng tôi. Họ hiểu giá trị của việc đó và nói "không thể để Khánh Thi đơn độc một mình được".
Chí Anh vừa được vào biên chế của Hà Nội xong. Khi Chí Anh đến livestream với tôi vào ngày 3/12 thì trưởng bộ môn của Chí Anh ở Hà Nội đã nhắn tin cho Chí Anh rằng "em đi mà đã xin phép chưa". Và tôi biết chắc, khi Chí Anh về Hà Nội thế nào cũng bị chuyện này chuyện kia.
Hồng Việt Thu Trang là người chuyên tổ chức giải nhưng cũng chia sẻ là cảm thấy xấu hổ về chuyện như thế này.
Chúng tôi mất về chính những gì chúng tôi cố gắng, cống hiến suốt bao nhiêu năm qua. Tôi học hành bao nhiêu năm để thi được cái bằng trọng tài quốc tế cho nên chúng tôi trân trọng cái giá trị khi mình ngồi chấm. Thì tại sao họ lại coi thường và xé toạc tờ giấy đó đi như thế.
Vợ chồng Khánh Thi - Phan Hiển.
Khánh Thi biết mình mất hết mà vẫn làm?
Đúng. Tôi thậm chí còn lường cả tình huống là liên đoàn Việt Nam viết thư lên liên đoàn quốc tế rằng, người trọng tài này đang làm sai chức năng của mình, để không cho tôi đi chấm quốc tế nữa. Chí Anh và Hồng Việt Thu Trang cũng chấp nhận mất tất cả đề đồng hành cùng tôi.
Nhưng tôi tin cùng với tiếng nói của cộng đồng mạng, chúng tôi sẽ bảo vệ được sự thật. Trong sự việc lần này, rất nhiều đồng nghiệp ủng hộ tôi.
Tôi chính là người 5 giờ sáng đi ra nhà thi đấu, bới tìm tờ giấy kết quả bị xé trong thùng rác. Lúc đó nhà thi đấu còn tối om. Tôi xin bảo vệ cho luồn qua khe cửa đi vào vì tôi biết 6 giờ sáng cô lao công sẽ đi dọn dẹp. Tôi lục từng thùng rác, thậm chí cả thùng rác nhà vệ sinh nam. Chính vì tôi có bằng chứng nên mới dám kêu oan cho vận động viên của mình.
"Thấy con dâu đấu tranh dùm người khác, bố mẹ tôi ghét lắm"
Còn gia đình thì sao, mọi người có ủng hộ hai vợ chồng Khánh Thi không?
Dĩ nhiên là không. Bố mẹ tôi chưa bao giờ ủng hộ chồng tôi đi thi nhảy, dù chồng tôi là người duy nhất 10 năm vô địch quốc gia, 3 lần vô địch đại hội thể thao - sự kiện 4 năm mới tổ chức một lần, phải đấu với hơn 30 cặp vận động viên khác để giành chức vô địch.
Bố mẹ chồng tôi là doanh nhân bất động sản. Ông bà muốn con mình sung sướng chứ đâu muốn con cái hi sinh bao nhiêu tiền của, công sức, tâm huyết rồi cuối cùng lại bị như vậy.
Khánh Thi quyết tâm bảo vệ vận động viên của mình tới cùng.
Thấy con dâu đấu tranh dùm người khác, ông bà ghét lắm. Thậm chí, mẹ chồng tôi đã hỏi một câu rất đau. Đó là: "Bao nhiêu năm nay chúng mày hi sinh vì cái gì? Chúng mày hi sinh vì bộ môn đó rồi chính nó lại lật chúng mày, vậy hi sinh làm gì"?
Một năm, chúng tôi đầu tư 5 tỉ cho bộ môn này. Với số tiền đó, chúng tôi có thể mua được căn chung cư đẹp để ở hoặc làm từ thiện thì cũng xây được rất nhiều căn nhà cho những người cơ nhỡ.
Tôi không nói đùa vì tất cả những người theo bộ môn này đều hiểu, một gói đá đính trên áo, vài hột cũng đã hơn 2 triệu đồng. Chúng tôi đâu có đính vài hột, mà đính đầy người. Vậy thì một bộ đồ bình thường nhất cũng 20, 30 triệu.
Nghệ sĩ lại thích mặc đẹp, đâu ai muốn mặc đi mặc lại một bộ hoài. Rồi đi châu Âu một chuyến, riêng tiền vé khứ hồi cũng 500 đô tới 1.000 đô chưa kể tiền ăn ở. Bay ra bay vào Hà Nội cũng 200, 300 đô rồi.
Nói chung, khiêu vũ thể thao là bộ môn cực kỳ xa xỉ, khi chúng tôi hết lòng vì nó mà người ta không trân trọng thì tôi rất bức xúc. Chúng tôi chỉ cần họ trân trọng mình thôi.
Cảm ơn Khánh Thi đã chia sẻ!
Theo Thế giới trẻ
Những cặp đôi gắn bó hơn 10 năm tưởng không bao giờ tan vỡ, nhưng điều tiếc nuối vẫn cứ xảy ra Những tưởng họ sẽ cùng nhau đi đến cuối cuộc đời với câu chuyện tình đẹp đẽ thế nhưng cuộc đời luôn là những sóng gió biến cố không thể nói trước được. Bên nhau thật lâu nhưng họ vẫn phải đứng trước sự tan vỡ. Yêu nhau đã khó, giữ được tình yêu lâu bền để có một happy ending càng khó...