Khánh thành tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á
Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có chiều cao tổng thể là 20,28 m (tính cả phần đế)… Riêng Đại tượng Phật có chiều cao 14,8 m, riêng thân tượng cao 12m và chiều rộng nhất là trên 9m.
Sáng ngày 31/8, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức buổi lễ khánh thành Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được đúc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.
Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khởi công xây dựng từ ngày 8/4/2012, đến ngày 22/4/2014 tượng Phật chính thức được khởi đúc với việc rót mẻ đồng đầu tiên. Sau gần một năm thi công đến ngày 31/8/2014, Đại tượng Phật đồng Phật Thích Ca Mâu Ni và Đại hùng Bảo điện Trúc Lâm Thiên Trường đã chính thức được khánh thành trong niềm hân hoan của hàng nghìn tăng ni và phật tử.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn tăng ni phật tử trong tỉnh Nam Định cũng như du khách thập phương các tỉnh ngoài đã đổ về chùa Thiên Trường để dự buổi lễ khánh thành. Lực lượng CSGT, An ninh trật tự thành phố Nam Định cũng phải làm việc hết sức vất vả hướng dẫn từng đoàn người sang đường vào chùa một cách an toàn nhất. Phía Ban tổ chức cũng đã bố trí gần 2.000 ghế ngồi, hơn 2.000 suất cơm chay… nhằm đáp ứng nhu cầu của phật tử và du khách thập phương.
Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni do Tập đoàn Nam Cường đứng ra thực hiện và thành tâm cung tiến, Tượng Phật được đặt tại chùa Thiên Trường, thành phố Nam Định. Tượng Phật có trọng lượng 150 tấn với giá trị thực gần 80 tỷ đồng. Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được đánh giá là tượng phật đồng lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.
Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có chiều cao tổng thể là 20,28 m (tính cả phần đế). Bệ bê tông cốt thép được hoàn thiện mặt ngoài bằng phù điêu đá vân mây và bát vị kim cương. Riêng Đại tượng Phật có chiều cao 14,8 m, riêng thân tượng cao 12m và chiều rộng nhất là trên 9m. Chiều cao đài sen là 2,8m. Đại tượng Phật có trọng lượng 150 tấn, trong đó tỷ lệ Đồng chiếm khoảng 90%, Thiếc sao vàng khoảng 7%, Chì dẻo khoảng 3% với giá trị thực hiện gần 80 tỷ đồng. Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được đánh giá là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á hiện nay
Đúng 10h sáng ngày 31/8, lễ cắt bang khánh thành Đại tượng Phật đồng Phật Thích Ca Mâu Ni và Đại hùng Bảo điện Trúc Lâm Thiên Trường đã chính thức diễn ra trong niềm phấn khởi của hàng nghìn tăng ni phật tử.
Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á.
Video đang HOT
Chiều cao đài sen của Đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là 2,8m.
Đại Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có chiều cao tổng thể là 20,28 m.
Lễ cắt băng khánh thành.
Hàng nghìn tăng ni phật tử khắp nơi đến dự buổi lễ.
Đức Văn – Duy Tuyên
Theo Dantri
Đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc đầu tiên bị di dời
Đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc đã bị di dời khỏi chùa Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Đây là nơi đầu tiên tiến hành đưa sư tử đá mang yếu tố văn hóa ngoại lai ra khỏi di tích sau công văn số 2662 của Bộ VH,TT&DL.
Sau công văn khuyến cáo "không sử dụng hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục nơi di tích công sở" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL); ngày 22/8 đoàn thanh tra do Thứ trưởng Đặng Bích Liên dẫn đầu cùng đại diện Thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa và Sở VH,TT&DL đã tiến hành thanh tra đột xuất một số di tích.
Một trong những cơ sở tín ngưỡng đầu tiên bị thanh tra đột xuất là chùa Gia Quất, quận Long Biên. Tại đây, đoàn thanh tra đã chỉ ra những sai phạm của chùa trong cách bài trí cũng như việc tiếp nhận những hiện vật lạ như đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc, lục bình, hoa nhựa...
Đôi sư tử đá trước cổng chùa Gia Quất đã bị di dời (Ảnh: Trà Mỹ)
Theo tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên (Hà Nội), ngay sau khi đoàn Thanh tra rời đi, chùa Gia Quất đã liên lạc với người cung tiến để di dời đôi sư tử đá khỏi cổng chùa.
Nhiều hiện vật lạ, không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích cũng đã được nhà chùa dỡ bỏ hoặc bài trí lại cho hợp lý.
Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ thì đôi sư tử đá ở chùa Gia Quất chỉ là hai trong số hàng chục ngàn cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc đang tồn tại trong các di tích Việt. Và việc di dời các hiện vật ngoại lai này ra khỏi di tích, địa điểm tín ngưỡng quả thực là vấn đề không đơn giản.
Tại buổi họp báo ngày 26/8, trả lời câu hỏi của phóng viên: Những hiện vật ngoại lai sẽ được di dời đi đâu? Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết, việc di dời đi đâu tùy thuộc quyết định của di tích công sở và người cung tiến. Tuy nhiên, theo thứ trưởng thì không được di dời đến những nơi công cộng hay những nơi Bộ VH,TT&DL có quy định cấm.
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cũng phát biểu tại buổi họp báo: "Hiện vật không phải của di tích mà đưa vào là không hợp lệ. Cuộc thanh tra do Bộ VH,TT&DL chủ trì cuối tuần trước, lãnh đạo Bộ có khuyến cáo các cơ sở thờ tự, cá nhân tự nguyện đưa hiện vật ra trước tháng 12/2014, sau đó Bộ sẽ kiểm tra và xử lý. Còn để hiện vật ở đâu, chủ nhân hiện vật chịu trách nhiệm".
Việc di dời các hiện vật ngoại lai đi đâu đang khiến các nhà quản lý đau đầu
Việc tìm nơi chốn cho các cặp sư tử đá ngoại lai sau khi bị di dời không chỉ "nóng" tại buổi họp báo của Bộ mà trước đó đã là bài toán nan giải của người quản lý. Ông Bạch Ngọc Thụy - Tổ trưởng Tổ quản lý di tích đình và chùa Mộ Lao, Hà Đông từng thể hiện băn khoăn với đoàn kiểm tra vì hiện nay ở Thủ đô "tấc đất tấc vàng" lấy đâu ra kho để chứa các hiện vật ngoại lai? Theo ông Thụy, việc liên lạc với người cung tiến không đơn giản vì đôi sư tử đá được cung tiến hơn 10 năm rồi. Đấy là chưa kể nếu xác định được người hiến tặng, xét dưới góc độ tâm linh sẽ không ai muốn nhận lại hiện vật do nhà chùa trả lại.
Bàn về giải pháp di dời hiện vật ngoại lai, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai từng đề xuất: "Tôi cho rằng phải tiêu hủy. Hoặc đưa cả bầy lập thành công viên cho ai cưỡi, ai chơi thì tùy"! Riêng PGS Trần Lâm Biền lại cho rằng ngành thủ công mỹ nghệ có thể tán toàn bộ sư tử Trung Quốc, tái sản xuất ra các đôi linh vật mẫu Việt đã được Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm thẩm định...
Trước nhiều ý xoay quanh việc di dời hiện vật lạ ra khỏi di tích, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nói thêm: "Việc xử lý hiện vật lạ là chuyện lâu dài, có thể được điều chỉnh dần nhờ vận động, truyên truyền. Bộ sẽ nghiên cứu phối hợp Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam".
Nguyễn Hằng
Theo Dantri
Vụ mua bán trẻ em: Chùa Bồ Đề có nhiều sai phạm trong việc nuôi trẻ Sự việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) đặt ra câu hỏi về việc tuân thủ pháp luật của các cơ sở tôn giáo trong việc chăm sóc các đối tượng khó khăn. PV Dân trí đã trao đổi với ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề...