Khánh thành trường mầm non Lê Đại Hành
Lễ khánh thành Trường mầm non Lê Đại Hành (cơ sở 2) được tổ chức hôm qua, 18-5 tại 53 phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Công trình được Quận ủy, HĐND, UBND quận Hai Bà Trưng chọn gắn biển chào mừng kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trường mầm non Lê Đại Hành (cơ sở 2) là khối nhà 4 tầng, có 12 lớp học và có khả năng tiếp nhận khoảng 400 học sinh ngay từ năm học 2013-2014 này. Việc trường mầm non này đi vào hoạt động cơ bản đã hoàn tất hành trình “xóa trắng” bậc học mầm non trên địa bàn.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị quận Hai Bà Trưng tiếp tục quan tâm hơn nữa cho công tác đầu tư, phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn. Cũng tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trao tặng nhà trường bộ máy vi tính để phục vụ công tác giảng dạy, học tập.
Theo ANTD
Chiếc áo len của Bác Hồ và "mùa đông binh sĩ"
Cách đây 67 năm, ngày 17-11-1946, để vận động ủng hộ cho phong trào may áo trấn thủ và chăn cho bộ đội, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra một cuộc đấu giá. Đó là lần duy nhất một kỷ vật của Hồ Chủ tịch được đem ra đấu giá. Ít ai biết, để sở hữu được kỷ vật vô giá đó - một chủ cửa hàng bánh ngọt đang làm ăn phát đạt đã sẵn lòng bán đi gần như toàn bộ sản nghiệp của gia đình.
Cuộc đấu giá có một không hai
Để quyên góp tiền bạc cho bộ đội, ngay sau khi tuyên bố độc lập, rất nhiều chương trình đã được tổ chức như "Tuần lễ vàng", "Mùa đông binh sĩ"... Trong đó, đáng chú ý nhất là cuộc vận động may áo trấn thủ và chăn cho bộ đội mang tên "Mùa đông binh sĩ". Ngày ấy, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động "Mùa đông binh sĩ" đã họp để phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sĩ. Mở đầu cuộc vận động, chiều ngày 17-11-1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức buổi lễ "Mùa đông binh sĩ". Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã đích thân đến dự.
Ngay tại buổi lễ, Bác Hồ đã cởi chiếc áo len đang mặc trên người mà Bác được tặng, để tặng lại các chiến sĩ. Đó là chiếc áo len màu be, cổ tròn Hồ Chủ tịch đã dùng khi bôn ba ở nước ngoài để hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước. Ngay sau đó, chiếc áo len này đã được Ban Vận động ủng hộ "Mùa đông binh sĩ" Hà Nội tổ chức đấu giá tại Nhà hát Lớn. Cuộc đấu giá bắt đầu với sự hưởng ứng của rất nhiều người. Và cuối cùng ông Trương Văn Thìn một chủ cửa hàng bánh ngọt có tiếng thời bấy giờ đã giành được quyền sở hữu chiếc áo với tổng số tiền đấu giá là 3.500 đồng Đông Dương (tương đương gần 300 lượng vàng theo thời giá). Hơn 20 năm bảo vệ chiếc áo kỷ vật của Bác, ông Thìn và gia đình đã nhiều phen phải đối mặt với nguy hiểm thậm chí cả cái chết cận kề nhưng chiếc áo vẫn được giữ nguyên vẹn.
3.500 đồng Đông Dương
Sinh năm 1916, ông Trương Văn Thìn ngay từ khi còn nhỏ đã nổi tiếng với đầu óc kinh doanh nhanh nhạy. Ông từng là một trong những người buôn hạt giống lớn nhất miền Bắc. Sau một thời gian buôn hạt giống, ông chuyển sang mở cửa hàng bánh ngọt. Những năm 45, 46 của thế kỷ trước, người Hà Nội vẫn còn biết đến cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng tại căn nhà 3 tầng ở địa chỉ 35 Lê Đại Hành. Đó chính là sản nghiệp của cả gia đình ông gây dựng nên sau nhiều năm tích cóp. Cho đến thời điểm năm 1945, 1946 cửa hàng bánh ngọt này đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với người dân Hà Nội. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Thìn đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ban Tuyên truyền, xung phong làm việc tại Bắc bộ phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố Bộ trưởng Trần Huy Liệu.
Giành chiến thắng cuộc đấu giá với tổng số tiền 3.500 đồng Đông Dương nhưng cả gia đình ông lúc đó chỉ có hơn 1.000 đồng Đông Dương. Không do dự ông đã mang ngôi nhà tại phố Lê Đại Hành đi bán. Căn nhà được định giá tới 5.000 đồng Đông Dương nhưng do bán vội chỉ được hơn 2.000 đồng. Để ủng hộ chồng, bà Nguyễn Kim Dung (vợ ông Thìn) cũng đem bán hết đồ tư trang của mình (kiềng, xuyến vàng, quần áo...) để có đủ 3.500 đồng bạc chuyển cho Ban tổ chức. Sau ngày bán nhà, cụ bà có mở một hàng cơm để nuôi sống gia đình. Sau này, hai ông bà có tìm cách mở lại cửa hàng và lấy tên là Ngọc Tuấn (tên hai người con đầu).
Hơn 20 năm gìn giữ bảo quản
Sau ngày toàn quốc kháng chiến gia đình ông Thìn tản cư về các tỉnh Hà Nam, Sơn Tây... Trên đường tản cư luôn bị bọn lính đón đầu khám xét vơ vét của cải, nhưng gia đình vẫn giữ được chiếc áo an toàn. Lần đầu tiên ông bị bắt đó là lúc gia đình tản cư đến chùa Hương, bị địch lục soát lấy đi tất cả tiền bạc có trong người nhưng hai ông bà nhất quyết không để lộ ra chiếc áo. Khi lên tới chùa Hương, ông suýt chút nữa đã bỏ mạng dưới làn đạn của địch. Do nghi ngờ khi thấy ông được ăn học nhưng lại bỏ chính quyền thực dân đi tản cư, chúng dồn ông cùng nhiều thanh niên trai tráng khác ra đồng và xả súng. Sau loạt đạn đầu tiên, nhiều người ngã nhào đè lên người ông. Loạt đạn thứ hai, thứ ba ông đều thoát chết. Lần thứ 3, trên đường chạy lên La Khê, gia đình cũng bị địch đón đầu lục soát, nhưng lạ kỳ chiếc áo vẫn được bảo toàn. Trong những ngày tháng cam go đó của dân tộc, chiếc áo của Bác luôn luôn là kỷ vật quý của gia đình. Dù điều kiện khó khăn đến đâu, chiếc áo này vẫn được bảo quản một cách rất độc đáo bằng băng phiến và hạt tiêu để chống mốc, chống ẩm, cách mà chỉ có những người chuyên buôn hạt giống như ông thời đấy mới nghĩ ra được.
Cuối năm 1949 vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông Thìn buộc phải trở về Hà Nội. Sống trong lòng địch, nhưng chiếc áo Bác Hồ vẫn được cất giấu cẩn thận: Lần ở phố Tràng Tiền bà Dung đã giấu chiếc áo trên gác 2; khi ở 52 Trần Nhân Tông, địch đến bắt ông Thìn (do ông tham gia chống lệnh di cư vào Nam) và lục soát khắp nhà nhưng chiếc áo Bác Hồ vẫn nguyên vẹn. Gia đình ông Thìn giữ chiếc áo đó như vậy và ngày 10-9-1969, sau tang lễ Bác Hồ, ông bà Thìn quyết định đem chiếc áo len quý giá hiến tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam). Cho đến nay, chiếc áo vẫn được bảo quản và lưu giữ tại đây.
Huy chương vì sự nghiệp
Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc
Giấy cám ơn của Bảo tàng
Năm 1996, ông Trương Văn Thìn đã được Bộ Văn hóa trao tặng Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Ông đã viết thư cảm ơn, trong đó có đoạn "Tôi mua chiếc áo len này, lòng nghĩ rằng sẽ làm cho nhiều, rất nhiều chiến sĩ vượt qua được cái lạnh của mùa đông năm ấy. Từ đó, tôi có được một vật quý, một kỷ niệm về lòng trung thành của mình với Tổ quốc buổi ban đầu đầy khó khăn, gian khổ".
Theo ANTD
985 năm Hội thề Đồng Cổ Hà Nội: Lời thề trung hiếu Theo truyền thuyết xưa, Vua Hùng đi dẹp giặc ở Hồ Tôn, khi qua vùng Đan Nê - núi Tam Thai, thuộc Bộ Cửu Chân, nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa thì nghỉ lại, đêm ấy, Thần Đồng Cổ hiện lên xin theo giúp nhà Vua. Một màn trong Hội thề Khi thắng trận trở về, Vua vào đền làm lễ...