Khánh Hòa: Xây “biệt phủ” sắm xe tiền tỷ nhờ trồng xoài Úc xuất khẩu
Từ hai bàn tay trắng, nhờ chịu khó học hỏi, đầu tư trồng xoài Úc, ông Bùi Sơn Hồng (60 tuổi, tổ dân phố Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã vươn lên làm giàu. Gia đình ông Hồng trở thành tỷ phú giàu nhất, nhì của tổ dân phố Bãi Giếng 2.
Từ tay trắng vươn lên thành tỷ phú
Những ngày cuối tháng 8/2019, đến thăm mô hình trồng xoài Úc của ông Bùi Sơn Hồng (60 tuổi, tổ dân phố Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi rất ấn tượng với những quả xoài Úc màu đỏ, vừa to, lại vừa tròn, sum xuê quả trong vườn của gia đình ông.
Tiếp phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hồng kể: “Sau khi lập gia đình, tôi chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng và cuộc sống rất chật vật diễn ra nhiều năm. Hàng ngày, hai vợ chồng tôi phải bươn chải kiếm sống đủ thứ nghề để nuôi con. Sau khi tích góp được ít vốn, tôi thuê đìa nuôi tôm sú. Vụ đầu tiên, nhờ làm ăn thuận lợi và giá bán ra ổn định nên tôi đút túi trên 200 triệu đồng. Tưởng đâu vận may đến với gia đình tôi, tuy nhiên những vụ tiếp theo làm ăn không có lãi. Tạm gác giấc mơ làm giàu với con tôm, vợ chồng tôi kéo nhau lên bờ để đầu tư trồng xoài”.
Ông Nguyễn Lai (phải)- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm thăm quan vườn xoài chất lượng cao của hộ ông Hồng
Ông Hồng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Do mới chân ước, chân ráo vào nghề trồng xoài nên ban đầu trồng các loại giống xoài canh nông, bồ trắng, bồ xanh… đến khi thu hoạch năng suất rất thấp, bán ra chỉ ba cọc ba đồng. Không chịu đầu hàng trước khó khăn, tôi quyết định chuyển hướng sang đầu tư trồng giống xoài Úc chất lượng cao. Khi đã có quyết định chọ cây xoài Úc, việc đầu tiên tôi liền khăn gói vào các tỉnh miền Nam để học kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý các giai đoạn để xoài ra hoa, quả…”.
Giống xoài Úc không những cho năng suất cao mà màu sắc rất đẹp
Chính tính chịu khó cần cù làm ăn, những quả ngọt lịm thật sự đã đến với gia đình ông Hồng và giống xoài Úc này đã mang lại thu nhập khấm khá, lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Từ diện tích ban đầu 1ha, đến nay ông Hồng đã nhân rộng được trên 3ha và áp dụng kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP.
Trong năm 2017, sản lượng xoài thu hoạch của gia đình ông Hồng đạt trên 25 tấn, với giá bán trung bình từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, gia đình có lãi gần 400 triệu đồng. Hiện tại, vườn xoài Úc đang cho trái sum xuê rất bát mắt và dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất bán ra thị trường.
Video đang HOT
Không dừng lại ở việc trồng xoài Úc, nhận thấy thị trường tiêu thụ xoài có nhiều tiềm năng, ông Bùi Sơn Hồng đã mạnh dạn mở điểm kinh doanh và bao tiêu sản phẩm xoài Úc của bà con nông dân địa phương và tiến hành vận chuyển xoài để cung cấp thị trường trong cả nước.
Ăn, ngủ với xoài
Tâm sự với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, Ông Hồng bộc bạch: “Cứ vào mùa thu hoạch xoài, vợ chồng tôi phải ăn ngủ hàng tháng trời với loại quả này. Để kịp chuyến hàng cung cấp cho khách, tôi phải thức trắng đêm đóng gói, vận chuyển xoài lên xe và cứ đến 4 – 5h sáng hôm sau mới dám rời vựa. Ngoài bao tiêu, vận chuyển xoài ở địa phương thì hiện nay tôi còn vận chuyển bao tiêu xoài của các tỉnh khác như: Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài…”.
Trung bình, mỗi ngày gia đình ông Hồng vận chuyển khoảng 3- 4 chuyến ô tô tải xoài, mỗi chuyến trọng lượng khoảng 30 tấn và mỗi năm gia đình ông xuất khẩu sang nước ngoài khoảng 300 – 400 xe ô tô xoài.
Vườn xoài Úc của ông Bùi Sơn Hồng khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch
Không chỉ là thủ lĩnh giỏi trong sản xuất nông nghiệp, ông còn lấn sân sang đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn. Hiện tại, khách sạn mang tên Hồng Mai có 26 phòng của gia đình ông luôn luôn chật kín khách. Ông đang tiếp tục bỏ vốn xây dựng thêm một khách sạn nữa, khoảng 43 phòng và dự kiến 15 -20 ngày nữa sẽ đi vào hoạt động.
“Gia đình giờ đã sắm được ô tô hơn 1 tỷ đồng, xây dựng căn nhà khang trang và nuôi con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Mô hình tổng hợp của gia đình ông mang lại doang thu gần 8 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi từ 5- 6 tỷ đồng/năm. Cơ sở của gia đình ông đang tạo việc làm cho 50 lao động của địa phương có thu nhập ổn định, với mức lương từ 5- 10 triệu đồng/người/tháng…” – Ông Hồng chia sẻ.
Xuất khẩu xoài ra nước ngoài
Nói về bí quyết làm ăn hiệu quả, ông Hồng cho biết thêm, trong chuyện làm ăn quan trọng nhất là chữ tín và nhờ đó mà số lượng khách hàng đến với gia đình ngày càng đông hơn. Bên cạnh đó, phải biết tiết kiệm, không tiêu pha lãng phí, mỗi khi có cơ hội phải nắm bắt kịp thời và bỏ vốn ra làm ăn, khả năng thành công sẽ cao hơn. Dự kiến, trong thời gian tới tôi sẽ thực hiện ý tưởng mở du lịch homsetay trong vườn xoài để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.
Nhờ làm ăn có hiệu quả, ông Hồng đã tậu xe tiền tỷ
Không những giỏi trong vấn đề làm kinh tế, bản thân ông còn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của địa phương và các phong trào do Hội Nông dân phát động. Ngoài ra, ông Hồng còn tiên phong trong công tác hỗ trợ kinh phí cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho các hội viên, nông dân của địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, Ông Nguyễn Lai – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm cho biết, cây xoài là một trong những cây chủ lực của địa phương và người dân thường trồng tập trung chủ yếu tại xã Cam Hải Tây, Cam Hòa, Cam Thành Bắc, Cam Tân, thị trấn Cam Đức,… Nhờ nhạy bén làm ăn, ông Bùi Sơn Hồng đã mở dịch vụ thu mua xoài của bà con, với giá cả ổn định hơn so với thị trường bên ngoài. Vựa thu mua xoài của gia đình ông đang là chỗ bao tiêu nông sản tin cậy cho các hộ nông dân sản xuất xoài.
Ông Bùi Sơn Hồng mạnh dạn đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh khách sạn
“Hộ ông Hồng rất chịu khó, cần cù lao động và đam mê sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực. Đặc biệt, ông biết áp dụng xử lý cho ra hoa trái vụ với những cây xoài Úc, nhờ đó khi thu hoạch bán giá thành cao hơn so với chính vụ…” -ông Lai nhận xét
Với thành công đạt được và những đóng góp của mình, năm 2018, ông Bùi Sơn Hồng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và nhiều cấp tặng giấy khen vì thành tích kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt hơn ông cũng là nông dân duy nhất của tỉnh Khánh Hòa vừa được bình chọn danh hiệu “ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″.
Mô hình tổng hợp của ông Hồng mang lại lãi từ 5- 6 tỷ đồng/năm
Theo Danviet
Dân bức xúc vì cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường
Hàng chục hộ dân ở khu vực cầu Suối Đá, thôn Khánh Thành Bắc (xã Suối Cát, H.Cam Lâm, Khánh Hòa) đang phải chịu đựng khói bụi, mùi độc hại từ cơ sở tái chê nhựa hoạt động trong khu dân cư.
Cơ sở tai chê hạt nhựa khiến người dân bức xúc Ảnh: Phan Lê
Bà Võ Thị Ngọc Xuân, 65 tuổi, nói: "Cơ sở này hoạt động từ cuối năm 2018, gây ô nhiễm môi trường, làm đảo lộn cuộc sống người dân. Chúng tôi không biết tại sao một cơ sở gắn liền với hoạt động liên quan đến rác thải mà tồn tại trong khu dân cư. Mỗi lần hoạt động là khói tỏa khắp xóm, rất ngột ngạt. Người dân đóng kín cửa mà mùi vẫn xộc vào nhà. Nhiều người trong thôn bị đau đầu, khó thở, có người còn viêm xoang, chảy máu cam".
Bà Đinh Thị Xoan cho biết thêm: "Người dân đã nhiều lần làm đơn gửi chính quyền địa phương, rồi kéo lên tận xã phản ảnh về vấn đề ô nhiễm môi trường. Sau đó, xã cũng đến kiểm tra, cơ sở này có lúc tạm dừng, nhưng không hiểu sao chỉ được vài hôm đã hoạt động lại".
Mỗi lần cơ sở này hoạt động là khói tỏa khắp xóm, rất ngột ngạt Phan Lê
Ngày 20.8, chúng tôi có mặt tại cơ sở tái chế nhựa mà người dân phản ảnh. Cơ sở này nằm sát QL1 qua xã Suối Cát. Từ xa đã thấy những bãi rác chất đống trước khu vực nhà xưởng. Bên trong, rác cũng vương vãi khắp nơi. Thời điểm trên, chủ cơ sở không có mặt tại đây, chỉ có một vài người làm thuê. Một nữ lao động cho biết: "Có khi làm ban ngày, có khi ban đêm. Ban đêm thì thường hoạt động từ 20 giờ đến 3 giờ sáng. Mỗi ca chỉ cần 3 lao động vì cũng đơn giản, chỉ chuyển rác lên băng chuyền, rửa rác, rồi qua hệ thống máy tái chế thành những hạt nhựa để bán".
Hồi đầu năm 2019, UBND xã Suối Cát đã kiểm tra, xác định cơ sở nói trên do ông Phạm Văn Duy (32 tuổi, trú TP.Nha Trang) làm chủ. Khu vực nhà xưởng rộng khoảng 240 m2, kết cấu khung sắt, mái lợp tôn. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc cho phép hoạt động của cơ sở, các giấy tờ liên quan đến đất đai, môi trường và xây dựng. UBND xã đã đề nghị cơ sở tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, người dân cho biết cơ sở vẫn lén lút hoạt động, nhất là vào ban đêm.
Tháng 6.2019, đoàn công tác của xã tiếp tục kiểm tra, ghi nhận "cơ sở đang hoạt động, có khói và mùi bốc ra môi trường xung quanh. Khoảng 2 tấn bao nhựa tập kết phục vụ sản xuất và 200 kg hạt nhựa thành phẩm. Bên cạnh đó còn có hố nước tự đào để chứa nước thải. Cơ sở này cũng đã thừa nhận vẫn lén lút hoạt động". UBND xã Suối Cát đã yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với chủ cơ sở số tiền 2,5 triệu đồng. Đến ngày 8.8 vừa qua, UBND H.Cam Lâm cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ sở về hành vi trên với số tiền tương tự.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó chủ tịch UBND xã Suối Cát, cho rằng việc phản ảnh, kiến nghị của người dân là chính đáng. Thời gian qua, địa phương đã cố gắng giải quyết, trong các biên bản kiểm tra của xã đều đề nghị cơ sở ngừng hoạt động vì chưa có đầy đủ giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, cơ sở vẫn hoạt động lén lút vào đêm khuya. Trong khi đó, xã không có các ngành chức năng có thể kiểm tra, thẩm định được mức độ ô nhiễm tác động đến môi trường như thế nào. "Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết đứt điểm đối với cơ sở trên", bà Yến nói.
Theo thanhnien
Làm giàu khác người: Thành tỷ phú "khu nhà giàu" nhờ chớp thời cơ Nhờ biết làm ăn, cần cù học hỏi, chỉ hơn chục năm quyết tâm đeo bám thanh long ruột trắng, lão nông Trương Quang An (Tư An) ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, đã trở thành tỷ phú. Trước khi về Tầm Vu gặp tỷ phú Tư An, tôi ngồi trò chuyện với Phó Chủ tịch Hội ND...