Khánh Hòa liên kết để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía
Mấy năm gần đây, việc trồng mía không hiệu quả nên nhiều nông dân đã bỏ trồng mía, chuyển đổi cây trồng khác. Để ổn định vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp mía đường đang liên kết, hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả cây mía.
Nhiều hộ trồng mía tại huyện Cam Lâm, phía Nam tỉnh Khánh Hòa vừa kết thúc thu hoạch vụ mía năm nay. Bà con rất vui vì mía được mùa, được giá. Vụ này, ông Lê Đình Út, ở xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa trồng 10 ha mía được Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (VietSugar) ký kết hợp đồng, hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới, phân bón nên năng suất đạt 70 tấn/ha. Chữ đường trên cây mía đảm bảo, giá mua mía cao hơn vụ trước nên gia đình ông có lãi hơn 20 triệu đồng/ha.
Ông Lê Đình Út cho biết, với sản lượng và giá mía như thế này, chắc chắn người dân sẽ quay trở lại trồng cây mía.
Theo ông Út: “Thời tiết vừa rồi không được thuận lợi cho lắm, nhưng may là nhà máy mua mía với giá cao. Cao hơn những niên vụ trước 1 tấn mía là 160.000 đồng, người dân có thể phấn khởi để trồng tiếp những vụ sau, chiều hướng quay về cây mía lại”.
Mía thâm canh, nước tưới cho hiệu quả cao.
Tại vùng nguyên liệu mía ở thị xã Ninh Hòa, phía Bắc của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều hộ tiếp tục đầu tư cho cây mía theo hướng thâm canh. Máy móc cơ giới thay thế lao động chân tay trong hầu hết các quá trình sản xuất, các hồ nước được đào đắp để tưới nước cho cây mía.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương ở xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa cho biết, được Công ty Cổ phần Đường Việt Nam hỗ trợ vốn, gia đình bà đã đào ao lấy nước tưới cho mía. Với 40 ha mía, niên vụ vừa qua gia đình thu hoạch hơn 2.000 tấn bán cho nhà máy đường, thu về hơn 2 tỷ đồng. Nhờ đảm bảo nước tưới nên cây mía đạt năng suất từ 80-100 tấn/ha, người trồng mía có lãi.
Video đang HOT
“Trồng mía hiện này được cơ giới hóa từ khâu cày đất, trồng, bỏ phân, phun thuốc cỏ, bón phân… tất cả hoàn toàn bằng máy hết. Nó giúp rất nhiều, giảm chi phí, độ tơi xốp sẽ làm phát triển cây mía tốt hơn. Thời tiết bây giờ càng lúc càng khốc liệt, nếu muốn duy trì cây mía thì phải có tưới mới tăng năng suất, lợi nhuận” – bà Hương chia sẻ.
Nhiều năm liên tục, tình trạng giá mía thấp, nắng hạn kéo dài khiến vùng nguyên liệu mía ở tỉnh Khánh Hòa liên tục sụt giảm. Đối với Công ty Cổ phần Đường Việt Nam, niên vụ này, vùng nguyên liệu mía chỉ còn 4.900 ha, với công suất lên đến 8.000 tấn mía/ngày, Công ty cần có 12.000 ha mía.
Vì vậy, khôi phục, mở rộng vùng nguyên liệu là nhiệm vụ sống còn trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Năm nay, Công ty phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu lên 5.200 ha, tổng sản lượng thu mua đạt hơn 300 ngàn tấn, giúp người dân gắn bó với cây mía.
Nhân viên nông vụ VietSugar hướng dẫn nông dân trồng mía.
Ông Hồ Nhẫn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Việt Nam cho biết, doanh nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ như đầu tư máy móc thiết bị nông nghiệp, đầu tư vốn cho những hộ trồng mới và chăm sóc mía; cam kết bao tiêu sản phẩm của người nông dân, hỗ trợ phân bón, kinh phí cho những hộ gần nhà máy, hỗ trợ trồng mía trên diện tích đất khai hoang hoặc từ đất chuyển đổi loại cây trồng khác.
“VietSugar và Vinamilk định hướng công tác phát triển nguồn nguyên liệu là công tác trọng tâm để đảm bảo ổn định và chủ động nguồn nguyên liệu. Đồng thời đây cũng là chiến lược phát triển bền vững. VietSugar cũng đang hợp tác với các đơn vị của Nhật Bản để khảo nghiệm, tìm giống mía phù hợp, tìm ra giải pháp dinh dưỡng phù hợp với cây mía. Từ đó nhân rộng ra cho bà con nông dân có năng suất, chất lượng cao” – ông Nhẫn cho biết.
Vụ mía năm nay, giá cả thu mua ổn định, nhiều nông dân tái đầu tư phát triển cây mía, theo đó diện tích trồng mía sẽ tăng khoảng 300 ha. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, khuyến khích người dân liên kết với các công ty đường để chuyên canh cây mía.
Ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, so với nhiều loại cây trồng khác thì cây mía tại tỉnh Khánh Hòa đã có chuỗi liên kết khá bền vững giữa Nhà máy, nông dân và chính quyền địa phương.
Theo ông Ninh: “Thực sự vùng nguyên liệu mía hiện nay, không cây nào cạnh tranh lại với cây mía về mặt kinh tế. Đã chỉ đạo các địa phương những vùng nào khả thi, đầu tư mạnh về mặt kỹ thuật, tối đa cơ giới hóa. Mình dùng thủ công năng suất chỉ đạt 40-50 tấn, không có gì cả. Phải cơ giới hóa với năng suất trung bình 70-80 tấn, ít nhiều cũng giúp người nông dân tồn tại được trên vùng đất của mình có hiệu quả”.
Phát triển cây mía ở vùng hạn
Từng là nơi thường xuyên bị thiệt hại bởi hạn hán, đến nay, bà con tại làng K Te, xã H'Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã ổn định được sản xuất và thu nhập nhờ chuyển sang trồng mía.
Một trong những nơi khô hạn nhất tỉnh Gia Lai, nay trở thành nơi mía đạt năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, giúp nông dân luôn có lãi.
Đang là cao điểm của mùa khô, thế nhưng màu xanh bạt ngàn của mía vẫn trải rộng trên cánh đồng làng K Te, vốn là một vùng đất khô khát, nứt nẻ của vùng hạn H' Bông, thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Anh Rơ O Mân, người làng K Te đang cải tạo đất để trồng mía vụ mới sau khi kết thúc chu kỳ 5 năm. Rơ O Mân cho biết, gia đình anh trồng 2 ha mía từ năm 2016 và năm nào cũng thu được trên 200 tấn, và ít nhất cũng lãi được 50 triệu đồng. Như vụ mía vừa qua, giá bán cao hơn hẳn các vụ trước, gia đình thu lãi gấp đôi.
"Trước đây mình trồng ngô, trồng sắn có khi trúng có khi không. Bây giờ chuyển đổi sang trồng mía thì cây phát triển tốt, thu hoạch được nhiều tiền hơn, so với trồng các loại giống cây trồng khác thì nhàn hơn. Trừ chi phí, 1ha gia đình thu được 50 triệu đồng" - Anh Rơ O Mân nói.
Sau 5 vụ thu hoạch, nhiều hộ dân làng K Te cải tạo đất để trồng vụ mía mới.
Nhận thấy bà con trong làng trồng mía có hiệu quả, anh RMah Loe, làng K Te cũng học hỏi, trồng hơn 2,2 ha mía. Là vụ sản xuất đầu tiên, còn không ít bỡ ngỡ, nhưng mía của anh Loe vẫn phát triển xanh tốt. Anh Rmah Loe ưng ý nhất là cây mía trên đống đất của gia đình chịu hạn rất tốt.
"So với các cây trồng khác thì trồng mía tốt hơn, xã mình đặc biệt là thiếu nguồn nước tưới, nhưng cây mía lại là cây chịu hạn tốt. Nếu vùng đất tốt thì cho thu từ bốn đến năm năm. Hiện tại mình đang làm nhà mới, và sẽ mua bò bê về nuôi sinh sản nếu trúng vụ mía" - anh RMah Loe chia sẻ.
Ông Siu Loan, trưởng thôn cho biết, K Te vốn là nơi có hoàn cảnh sống khó khăn với hơn 300 hộ gia đình là người Ja Rai. Trong vòng 5 năm nay, nhiều hộ dân trong làng đã chuyển đổi diện tích các cây hoa màu ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con ở đây được hỗ trợ về quy trình cải tạo lại đất, mía giống, kĩ thuật và được doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ.
Cây trồng kém hiệu quả tại vùng hạn H'bông nay đã được thay thế bằng cây mía, cho hiệu quả kinh tế cao.
"Trước đây bà con cũng trồng mía nhưng ít chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao, sau này có những hộ mạnh dạn trồng mía, từ hộ nghèo chuyển sang có thu nhập rất là tốt. Tiếp tục mong muốn nhà nước hỗ trợ những nơi khó khăn về nguồn nước, khoan giếng để ai cũng được trồng mía. Tại thôn K Te chỉ có mía mới phát triển được" - ông Siu Loan nói.
Ông Phạm Công Viên, Chủ tịch UBND xã H'Bông cho biết, vựa mía ở làng K Te có hơn 60 hộ gia đình tham gia trồng với quy mô hơn 100 ha. Xác định mía là cây trồng chiến lược, chính quyền xã H'Bông tiếp tục vận động bà con chuyển đổi diện tích sang trồng mía, từng bước giúp bà con nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
"Làng K Te có ưu thế là người dân tiếp nhận khoa học kĩ thuật nhanh, làng ở gần trung tâm, người dân có diện tích canh tác và điều kiện để phát triển cây mía. Một khi chúng tôi thực hiện làng K Te thành công thì sẽ thực hiện ở các làng khác" - ông Phạm Công Viên cho biết.
Từ ngày trồng cây mía, đời sống của bà con Ja Rai ở làng K Te trở nên ấm no hơn. Vùng đất khô khát ngày nào giờ đã là những vườn mía xanh tươi, giúp nỗ lực thoát nghèo của bà con vùng hạn đạt kết quả vững bền.
Nam Bộ thắng lớn vụ Đông Xuân Ngày 24-3, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2020-2021, triển khai sản xuất vụ Hè Thu, Đông Xuân, vụ mùa năm 2021 tại Nam Bộ. Theo Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2020-2021, vùng Nam Bộ xuống giống...